1. Khái niệm hội là gì?
Trên thế giới hiện có nhiều định nghĩa về hội (association), nhưng theo quan điểm phổ biến thì hội là tổ chức liên kết tự nguyện của những người cùng nghề nghiệp, nhu cầu, sở thích, được những người tham gia hội viên, tin cậy, uỷ thác niềm tin của mình, và thậm chí uỷ quyền đại diện lợi ích của mình. Vì vậy, hội có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy tính năng động tích cực của quần chúng trên tất cả mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá .
Cũng theo quan điểm phổ biến trên thế giới, điểm khác biệt cơ bản giữa hội và các cơ quan nhà nước thể hiện ở chỗ hội là các tổ chức “ngoài” bộ máy nhà nước, vì thế không đại diện và không được sử dụng quyền lực công. Cũng chính vì thế, hội không phải thực hiện các nhiệm vụ, cũng như không được bao cấp ngân sách hoạt động từ nhà nước. Tổ chức và hoạt động của hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính, dân chủ, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, đề cao sự đồng thuận giữa các thành viên .
Trong khi đó, hội cũng khác biệt với các doanh nghiệp, thể hiện ở chỗ hoạt động của hội không nhằm mục tiêu lợi nhuận như các doanh nghiệp. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của hội là tập hợp các nhu cầu của cá nhân, nhóm, tổ chức, cộng đồng để hình thành nên các nhu cầu xã hội, nhu cầu chính sách, tạo môi trường xã hội thuận lợi để hội viên, thành viên hình thành và phát triển trí thức, kỹ năng quản lý xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của thành viên, hội viên.
Từ những phân tích ở trên, trong phạm vi luận văn này, tác giả sử dụng khái niệm về hội như sau: Hội là tổ chức được hình thành trên cơ sở tự nguyện của công dân cùng chung mục đích, hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội; tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng, được thành lập và quản lý theo pháp luật của Việt Nam.
Từ định nghĩa nêu trên, có thể thấy hội bao gồm cả các tổ chức xã hội mà được thành lập theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam (như Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, Hội Nhà báo…) và các tổ chức phi chính phủ – tức là các tổ chức xã hội được lập ra theo pháp luật nhưng không bắt nguồn từ sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trên thế giới hiện cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về tổ chức phi chính phủ (non–governmental organizations, hay NGO). Dù vậy, quan điểm phổ biến cho rằng tổ chức phi chính phủ cũng là những hội, có tư cách pháp nhân, không thuộc khu vực nhà nước và không hoạt động vì lợi nhuận. Tổ chức phi chính phủ cũng khác biệt với các cơ quan công quyền và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có quan điểm cũng cho rằng, tổ chức phi chính phủ đồng thời khác biệt với các nghiệp đoàn, đảng phái chính trị, hay các thiết chế tôn giáo, vì các tổ chức phi chính phủ chỉ hoạt động phục vụ lợi ích công cộng, không nhằm các mục tiêu tín ngưỡng, chính trị hay quyền lợi của một nhóm nhất định nào.
Trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện nay, khái niệm tổ chức phi chính phủ chỉ áp dụng đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị định 12/2012 của Chính phủ nêu định nghĩa như sau: Tổ chức phi chính phủ nước ngoài là “các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân, hoặc các hình thức tổ chức xã hội, phi lợi nhuận khác, được thành lập theo luật pháp nước ngoài, có hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận hoặc các mục đích khác tại Việt Nam”.
Như vậy, những đặc trưng cơ bản của tổ chức phi chính phủ nước ngoài được nêu ở trên bao gồm tính “phi lợi nhuận”, và “hoạt động hỗ trợ phát triển và viện trợ nhân đạo” (có thể xem là các tổ chức phi chính phủ Việt Nam). Chiếu theo những đặc trưng này, hiện nước ta có khá nhiều tổ chức có những dấu hiệu tương tự, được thành lập theo các luật khác nhau và có nhiều tên gọi khác nhau, gồm các tổ chức khoa học và công nghệ (theo Luật khoa học và công nghệ), các tổ chức về giáo dục (theo Luật giáo dục), quỹ xã hội, quỹ từ thiện (theo Nghị định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện)… Về bản chất, hoạt động của tổ chức này là tương đồng với hội (nêu ở phần trên), điểm khác biệt lớn nhất là ở cơ cấu tổ chức (tổ chức phi chính phủ không có hội viên (cá nhân, tập thể) như các hội).
Từ những phân tích ở phần trên, trong phạm vi luận văn này, tác giả đề xuất khái niệm về tổ chức phi chính phủ là hội không có hội viên, thành lập trên cơ sở tự nguyện của những người cùng chung mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng, hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tôn chỉ mục đích của tổ chức, tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, minh bạch, không vì lợi nhuận, được thành lập và quản lý theo pháp luật của Việt Nam.
Xem thêm: Quy định về tài sản hình thành trong tương lai theo BLDS 2015
2. Sự hình thành, phát triển của hội:
Liên quan đến sự hình thành và phát triển của hội, một số nghiên cứu đã đề cập đến những lý thuyết sau đây.
2.1. Lý thuyết về sự bần cùng (Deprivation Theory):
Lý thuyết về sự bần cùng gắn liền với tên tuổi của nhà xã hội học Denton E. Morrison. Trong nghiên cứu của mình về hội công bố vào năm 1978, Denton E. Morrison cho rằng sự hình thành các hội có nền tảng từ nhu cầu và quyền lợi của những cá nhân và nhóm yếu thế mà đã tham gia vào các hội. Nhiều người trong số họ thường bị xem là những người bần cùng, có địa vị xã hội thấp kém và luôn cảm thấy bị tước đoạt một số quyền lợi căn bản về vật chất và tinh thần. Theo cách tiếp cận của lý thuyết về sự bần cùng, các cá nhân bị rơi vào hoàn cảnh như vậy thường có xu hướng tổ chức các hoạt động thành một phong trào xã hội để cải thiện, hoặc để bảo vệ quyền lợi và cải thiện các điều kiện sống của họ .
2.2. Lý thuyết xã hội đại chúng (Mass Society Theory):
Lý thuyết này do William Kornhauser đề xướng trong cuốn sách nhan đề The Politics of Mass Society (Nền chính trị của xã hội đại chúng) xuất bản năm 1959. Theo lý thuyết này, các hội được hình thành từ các cá thể trong cộng đồng – những người cảm thấy không được coi trọng hoặc bị tách rời khỏi xã hội nơi họ đang sống.
William Kornhauser tin rằng các hội thường cung cấp cho các thành viên của nó một cảm giác được trao quyền, và hy vọng làm thay đổi được địa vị xã hội của họ. Điều đó đôi khi khiến cho thành viên của các hội trở nên dễ bị kích động, khiến họ có xu hướng liên kết một cách tự nhiên với nhau thành phong trào xã hội .
2.3. Lý thuyết cấu trúc căng thẳng (Structural strain theory):
Lý thuyết này do nhà chính trị học, xã hội học người Mỹ tên là Neil J. Smelser đề xướng trong một cuốn sách xuất bản tại New York vào năm 1962, có tên là “Theory of Collective Behavior (Lý thuyết về hành vi tập thể). Trong cuốn sách này, Neil J. Smelser đã đưa ra sáu yếu tố khuyến khích các cá nhân tham gia các hội, cũng như tham gia vào việc phát triển phong trào xã hội, đó là:
– Hiện trạng xã hội có thể khiến mọi người tham gia vào các hội tin rằng xã hội của họ đang có vấn đề.
– Cơ cấu xã hội tạo ra sự căng thẳng và không thỏa mãn trong một số đông người.
– Sự gia tăng và lan rộng của các ý kiến xung quanh những giải pháp cho những vấn đề xã hội mà mọi người đang quan tâm.
– Sự gia tăng của các yếu tố mang tính kết tủa sự bất mãn khiến nảy sinh một chất xúc tác (thường là từ một sự kiện cụ thể) để biến nó thành một phong trào xã hội.
– Sự thiếu sự kiểm soát xã hội. Đối với một thực thể xã hội cần thay đổi, nếu các hội bị kiềm chế, cấu trúc của thực thể xã hội đó có thể bị phá vỡ nhanh chóng và mạnh mẽ, và khi đó xã hội trở nên bị mất kiểm soát.
– Sự huy động. Đây là thành phần tổ chức thực sự, tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh phong trào và lôi cuốn mọi người tham gia, dẫn tới phá vỡ cấu trúc xã hội.
2.4. Lý thuyết về huy động nguồn lực (Resource Mobilization Theory):
Lý thuyết này được đưa ra lần đầu trong tác phẩm “Hành vi tập thể” của hai nhà xã hội học là Turner, L. và Killian (1972), trong đó hai ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn lực với sự mở rộng, phát triển và thành công của các hội và phong trào xã hội . Nguồn lực ở đây được hiểu rất rộng, bao gồm: kiến thức, tiền bạc, phương tiện truyền thông, sự cần mẫn trong công việc, tình đoàn kết, tính hợp pháp, và sự hỗ trợ từ trong nội bộ cũng như từ bên ngoài từ tầng lớp quyền lực. Lý thuyết này cũng cho rằng các hội và phong trào xã hội phát triển khi các tổ chức và cá nhân có thể huy động đủ nguồn lực để hành động. Giải thích tại sao một số cá nhân ở trong hoàn cảnh bần cùng, thiếu thốn vẫn có thể huy động được các nguồn lực, lý thuyết này nhấn mạnh tới khả năng huy động nguồn lực ngay cả đối với các hội yếu thế nếu nó biết cách khai thác tâm lý của xã hội .
Lý thuyết huy động nguồn lực cũng cho thấy khả năng hoạt động vận động xã hội là hết sức mạnh mẽ nếu nó tạo được sự gắn kết giữa những người cùng có những mối quan tâm và nhu cầu chung . Thông qua phát hiện này, lý thuyết về huy động nguồn lực gợi mở rất nhiều vấn đề xung quanh nội dung và phương thức hoạt động của các hội, những nguyên nhân khiến các tổ chức này có thể mở rộng phạm vi theo kiểu “vết dầu loang”, gây ảnh hưởng lớn đối với xã hội.
Tóm lại, từ những lý thuyết nêu trên, có thể thấy sự hình thành, phát triển của các hội là có nguyên nhân nội sinh từ bản chất của con người (là động vật xã hội) và bản chất của xã hội loài người. Việc các hội hình thành, phát triển là tất yếu, khách quan, không thể dùng ý chí hay quyền lực của nhà nước hay của một cá nhân, tổ chức nào khác để ngăn ngừa hay cấm cản. Thay vào đó, chỉ có thể điều chỉnh để việc thành lập các hội diễn ra trong trật tự và an toàn, và hoạt động của các hội có sự cân bằng giữa lợi ích của hội và lợi ích của các thành viên, giữa lợi ích của hội và lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc và nhân loại.