Hứa hươu hứa vượn là câu thành ngữ phổ biến trong cuộc sống. Câu thành ngữ phản ánh lối nói chuyện ba hoa không thực hiện được những gì mình đã nói. Vậy “Hứa hươu hứa vượn” là gì và nó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hiện đại?
1. “Hứa hươu hứa vượn” là gì?
Giữ lời hứa là một đức tính tốt đẹp mà mỗi chúng ta đều nên giữ gìn và phát huy. Thế nhưng, trong thực tế không phải ai cũng biết giữ chữ tín và làm đúng theo lời hứa mà mình đã nói. Bởi thế, dân gian mới có câu “Hứa hươu hứa vượn” như một lời nhắc nhở rằng lời hứa rất quan trọng, đừng vội trao lời hứa rồi lại quên đi dễ dàng.
1.1 Từ hình ảnh “hươu”, “vượn” đến câu thành ngữ
Có thể nói hình tượng chủ đạo của câu thành ngữ là “hươu“ và “vượn”. Hươu và vượn là những loại động vật rất nhanh nhẹn. Tuy nhiên, chúng có tập tính sống xa con người, vì thế chúng ta rất khó có thể theo dấu của các loại động vật này.
Hươu và vượn trở thành hai hình tượng được ví von như sự không chắc chắn và nhanh chóng thay đổi của con người. Đặc biệt, “hươu” “vượn” là ẩn dụ về những người hay hứa suông, hứa cho qua chuyện, rất dễ “xù”, bội hứa “chạy làng” giống như cách mà loài động vật này thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng.
1.2 Ý nghĩa của thành ngữ “Hứa hươu hứa vượn” xưa và này
Thành ngữ “Hứa hươu hứa vượn” xuất phát từ lối ba hoa trong đời sống. Người xưa hay dùng câu thành ngữ để phê phán những người chỉ biết nói những lời tốt đẹp lấy lòng tin của người khác nhưng lại không thực hiện được lời hứa.
Những người hay bội tín, không giữ lời hứa luôn tồn tại trong đời sống xã hội cả thời xưa lẫn thời nay. Chính vì thế, câu thành ngữ “hứa hươu hứa vượn” được hình thành và lưu truyền đến tận bây giờ không chỉ để phê phán những người hay hứa suông, thích hứa lèo… mà còn cảnh tỉnh chúng ta không nên vội vàng tin tưởng “lời nói gió bay” và trao niềm tin không đúng chỗ.
Xem thêm: ‘Một lần bất tín, vạn lần bất tin’ – Trung thực, đức tính không thể thiếu của người tài trí đức độ!
2. “Hứa hươu hứa vượn” phản ánh điều gì trong cuộc sống?
“Hứa hươu hứa vượn” là một câu thành ngữ thân thuộc và được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống đời thường.
Từ xưa, văn hóa phương Đông vốn luôn coi trong tam cương (ba mối quan hệ chủ đạo trong xã hội: vua – tôi, cha – con, chồng – vợ) và ngũ thường (các chuẩn mực đạo đức mà con người phải luôn tu dưỡng: Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín).
Do đó từ bao đời nay, đã có rất nhiều lời răn dạy được thế hệ đi trước truyền lại cho hậu thế. Thành ngữ “Hứa hươu hứa vượn” là một trong số những bài học quý giá được ông cha ta để lại như một lời nhắc nhở sự quan trọng và quý giá của chữ “Tín” trong cuộc sống.
Thật vậy, “Hứa hươu hứa vượn” vốn có ý nghĩa phản ánh hiện thực và phê phán thói xấu hứa mà không làm. Câu thành ngữ cùng có ý nhắc nhỡ thế hệ sau cảnh giác với những người không coi trọng chữ “tín”.
“Hứa hươu hứa vượn” ẩn dụ hai hình ảnh con vật hoang dã đậm chất tượng hình. Từ đó câu thành ngữ giúp mọi người dễ dàng nhận diện và hình dung được thái độ của những kẻ không giữ lời.
Ngoài ra, cách đặc tả này cùng khiến mọi con người tự giác giữ mình, trọng chữ “Tín” hơn. Bởi vì căn bản, không ai muốn mình bị ví như “Hươu”, “Vượn” vì một lần thất hứa.
Ngày nay, xã hội ngày một cỡi mở hơn, câu thành ngữ không chỉ dùng để phê phán hay phản ánh hiện thực cuộc sống nữa. Trong những trường hợp không quá trang trọng, “Hứa hươu hứa vượn” được sử dụng như một câu bông đùa với sắc thái vui vẻ. Khi một người bạn phóng đại lời hứa với mục tích làm không khí sôi nổi hơn mà tất cả mọi người đều hiểu tình huống, thì câu thành ngữ như một câu đùa dễ đón nhận.
Có đôi lúc, “Hứa hươu hứa vượn” được nói chạy thành “Nói hươu nói vượn” để chỉ những người hay nói đùa nghịch ngợm và hóm hỉnh trong các cuộc trò chuyện. “Nói hươu nói vượn” là một dị bản được sử dụng tương đối rộng rãi, đặc biệt trong những tình huống thoải mái giữa những mối quan hệ thân thiết.
3. “Hứa hươu hứa vượn” là phương châm nào?
Phương châm hội thoại là những chuẩn mực được đặt ra mà bạn phải tuân theo để cuộc giao tiếp diễn ra thuận lợi. Có 5 phương châm giao tiếp chính: phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm cách thức, phương châm lịch sự.
Trong đó, phương châm về chất là đề cao tính chính xác và sát thực của các thông tin trong cuộc hội thoại. Hay nói cách khác, phương châm về chất yêu cầu bạn không nên nói ra những điều mà mình không thể chứng minh hoặc không thể làm được.
Mà “Hứa hươu hứa vượn” vốn có ý nghĩa đề cao sự rõ ràng và sức nặng của lời hứa, đồng thời phê phán những người hứa vu vơ mà không thực hiện được.
Vì thế, câu thành ngữ “hứa hươu hứa vượn” chính là một đại diện tiêu biểu của phương châm về chất.
Xem thêm: Ca dao dân ca và những giá trị nhân văn sâu sắc trong thể loại văn học dân gian Việt Nam
4. Một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lời hứa, lời nói
“Hứa hươu hứa vượn” là một đại diện cho thành ngữ nói về lời hứa. Trong kho tàng văn học dân gian phong phú và giàu đẹp của Việt Nam còn rất nhiều những câu thành ngữ thể hiện sự quan trọng của việc giữ lời hứa mà bạn có thể tham khảo:
- Lời nói gió bay
- Lời nói như đinh đóng cột
- Hứa nhăng hứa cuội
- Một lần bất tín, vạn lần bất tin
- Chữ tín còn quý hơn vàng
- Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy
- Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay
- Cãi chày cãi cối
- Ăn ốc nói mò
- Ăn đơm nói đặt
- Ăn không nói có
- Khua môi múa mép
- Nói dơi nói chuột
Xem thêm: Cùng giải nghĩa câu thành ngữ ‘Nói có sách mách có chứng’
Nhìn chung, “Hứa hươu hứa vượn” phản ánh mặt trái của một phương diện đạo đức được coi trọng trong xã hội – chữ “Tín”. Hy vọng bài viết đã có thể mang lại nhiều thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn và có nhiều góc nhìn về câu thành ngữ “Hứa hươu hứa vượn”.
Sưu tầm Nguồn: Internet