ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ
Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế – xã hội và tiềm năng đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động đầu tư tăng nhanh, hầu hết các thành phần kinh tế đều phát triển; đầu tư có trọng điểm hơn, kết cấu hạ tầng tăng nhanh. Văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đô thị phát triển. Bên cạnh những ưu điểm trên còn những mặt tồn tại, hạn chế như sau:
– Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với yêu cầu. Kinh tế phát triển tích cực nhưng còn yếu tố chưa thực sự bền vững; tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào phát triển theo chiều rộng, trình độ công nghệ còn lạc hậu; năng suất lao động xã hội còn thấp (năm 2009 năng suất lao động bình quân đạt 10,5 triệu đồng (giá so sánh), bằng 93% so bình quân chung cả nước). Nguồn thu ngân sách chưa ổn định; cơ cấu thu phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp lớn, riêng bia và xi măng chiếm khoảng 36% tổng thu nội địa, thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác chỉ chiếm 21%.
– Hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa. Một số dự án có tầm chiến lược nhằm tạo bước đột phá vẫn chưa có khả năng cân đối vốn, nhất là các công trình sân bay, bến cảng, đường cao tốc, nâng cấp các trục quốc lộ, hệ thống đường ven biển – đầm phá, đường quốc phòng, hệ thống thủy lợi, đê điều, các công trình quan trọng về xử lý ô nhiễm môi trường…
– Văn hóa, xã hội còn một số vấn đề bức xúc: Kết quả giảm nghèo chưa thật vững chắc, số hộ cận nghèo còn lớn; nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo cao, nhất là vùng thường xuyên bị thiên tai; Sức ép về việc làm còn lớn, nhất là trong thanh niên. Tỷ lệ lao động phổ thông còn cao, xuất khẩu lao động chưa đạt kế hoạch.
– Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển.
1. Tiềm lực kinh tế được nâng cao:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy chưa đạt kế hoạch tăng trên 15%/năm, nhưng là mức tăng cao nhất so các thời kỳ trước. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2010 gấp 1,8 lần so năm 2005; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1150 USD bằng mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 20,8%/năm, năm 2010 thu ngân sách ước đạt 2750 tỷ đồng, bằng 2,6 lần so năm 2005. Năng lực cạnh tranh của Tỉnh tăng từ vị trí 40 (năm 2005) lên vị trí 14 (năm 2009) so cả nước.
2. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng liên tục tăng từ 34,8% (năm 2005) lên khoảng 38,2% (năm 2010); tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 43,6% lên mức 46,5%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm tương ứng từ 21,6% xuống còn khoảng 15,3%.
Dịch vụ: Phát triển đa dạng; dịch vụ ngân hàng, viễn thông, internet phát triển nhanh; các lợi thế về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục được phát huy tốt. Xuất khẩu có chuyển biến tích cực, nhiều sản phẩm xuất khẩu tăng khá.
Công nghiệp duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 18,9%/năm. Một số sản phẩm chủ lực như sợi, bia, xi măng và vật liệu xây dựng khác duy trì mức tăng trưởng và tiêu thụ khá; năng lực sản xuất ngành dệt, may và thủy điện tăng nhanh; xuất khẩu hàng công nghiệp năm 2009 chiếm 86,6% trong tổng giá trị xuất khẩu của Tỉnh.
Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 3,1%/năm trong điều kiện liên tục gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh là thành tựu hết sức quan trọng. Năng suất các cây trồng chính tăng nhanh (năng suất lúa tăng 6,9 tạ/ha so năm 2005, ngô tăng 7,2 tạ/ha, sắn tăng 32 tạ/ha); hình thành vùng tập trung chuyên canh một số cây công nghiệp như: sắn, cà phê, cao su. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thônchuyển dịch nhanh theo hướng phát triển ngành nghề phi nông nghiệp; tỷ trọng lao động trong nông nghiệp đã giảm từ 41,7% (năm 2004) xuống còn 37,0% (năm 2008), lao động phi nông nghiệp tăng tương ứng từ 58,2% lên 63%.
3. Huy động đầu tư toàn xã hội:
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ước đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 20,8%/năm, tuy chưa đạt mục tiêu kế hoạch nhưng là mức tăng trưởng cao so mức 15%/năm của thời kỳ 2001 – 2005. Cơ cấu đầu tư theo nguồn chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư từ 52% (thời kỳ 2001 – 2005) xuống còn 38,9% (thời kỳ 2006 – 2010); trong đó đầu tư từ Trung ương quản lý chỉ còn chiếm 14,1% so mức 32% (thời kỳ 2001 – 2005); vốn tín dụng, đầu tư của doanh nghiệp trong nước và dân cư tăng tương ứng từ 43% lên 48,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng từ 5% lên 11,6%; đến nay, Thừa Thiên Huế đã thu hút được 66 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2.455,5 triệu USD; trong đó: 17/66 dự án đang xây dựng; 26/66 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
4. Phát triển các vùng kinh tế:
Các vùng lãnh thổ (đô thị, vùng gò đồi miền núi, vùng đầm phá ven biển) có chuyển biến tích cực. Diện mạo đô thị và nông thôn khởi sắc.
– Về đô thị đã thành lập thị xã Hương Thuỷ; thị trấn Phú Đa; thành lập mới 5 phường ở thành phố Huế trên cơ sở chia tách xã Hương Sơ và chuyển đổi 3 xã thành Phường. Các KCN, KKT Chân Mây – Lăng Cô, KKT cửa khẩu A Đớt được Chính phủ cho phép thành lập đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Tỷ lệ đô thị hoá từ 31,3% (năm 2005) tăng lên trên 45% (ước năm 2010). Các khu vực đô thị được đầu tư đồng bộ hơn về hạ tầng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong đô thị.
– Thành phố Huế tiếp tục phát huy tốt vai trò đô thị hạt nhât, thành phố Festival của Việt Nam, trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước, trung tâm y tế, trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học của miền Trung và cả nước; trung tâm thương mại lớn của Tỉnh.
– Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được thành lập từ tháng 01/2006, đến nay đã có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu về giao thông hòan thành đưa vào sử dụng, xây dựng các khu tái định cư để kịp giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư vào KKT. Đã có 35 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 32.834 tỷ đồng (tương đương 2.052 triệu USD); trong đó, dự án Khu du lịch Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree có tổng vốn đăng ký 875 triệu USD, dự án Khu Du lịch Bãi Chuối của Công ty Cattigara với tổng vốn 102 triệu USD…
– Vùng ven biển và đầm phá được tập trung phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm đang được đầu tư theo hướng kiên cố hoá. Trong hai năm 2008 và 2009, UBND Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt Chương trình định cư dân thủy diện gắn với XĐGN, thực hiện thí điểm xây dựng chính sách “treo thuyền” gắn với sắp xếp nò sáo, dồn điền đổi thửa ở vùng đầm phá, từng bước ổn định cuộc sống của nhân dân. An ninh nông thôn và tuyến biển được giữ vững.
– Vùng gò đồi, miền núi được tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh và chuyển giao kỹ thuật; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc…. Hoàn thành xóa nhà ở tạm của đồng bào các dân tộc thiểu số và nhà ở tạm của các hộ nghèo. Đời sống của nhân dân ổn định và có mặt phát triển, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn. Đã có 16/32 xã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Huyện miền núi Nam Đông được Đảng và Nhà nước công nhận là huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
5. Văn hóa, xã hội đạt những thành tựu quan trọng
Nhiều chỉ tiêu về xã hội đạt và vượt mức bình quân chung của cả nước như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, tỷ lệ lao động qua đào tạo, …
Văn hóa phát huy được vai trò là trung tâm lớn của cả nước với các hoạt động đa dạng gắn với du lịch, nhất là thông qua các Festival. Công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo giá trị văn hóa và lịch sử được quan tâm. Quần thể kiến trúc Cố đô Huế tiếp tục được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực về chất lượng. Tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi và tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông hàng năm đã tăng cao. Nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ, đồng bộ, trên 99,8% đạt chuẩn. Mạng lưới trường học phát triển cả về số lượng và chất lượng. 84% số trường được kiên cố hoá; có 79% trường tiểu học, 100% trường THCS và trường THPT được nối mạng internet.
Hệ thống đào tạo nghề được ưu tiên đầu tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 25% (năm 2005) lên 40% (năm 2010).
Lĩnh vực y tế phát triển nhanh theo hướng chuyên khoa, chuẩn hóa và xã hội hóa. Toàn tỉnh có 120 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có bác sỹ, bình quân một vạn dân có 14,3 bác sĩ và 41,4 giường bệnh, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện trường Đại học Y – Dược Huế đã phát triển theo hướng chuyên sâu, kỹ thuật cao; trong một số lĩnh vực, đã đạt bước tiến bộ về trình độ khoa học, công nghệ cao, Bệnh viện TW Huế được chọn là một trong hai bệnh viện của cả nước được phép phẫu thuật ghép tim.
Các chính sách xã hội được chăm lo thực hiện tốt: Công tác XĐGN được triển khai tích cực, đồng bộ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh từ 21,5% (năm 2005) còn 7% (năm 2010)./.