Ông bà ta thường nói “chén trong sóng còn khua”, do vậy chuyện vợ chồng không hợp nhau khoản ăn nói chỉ là yếu tố nho nhỏ. Nhưng nếu không biết kiềm chế, việc “khắc khẩu” trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình.Chuyên gia tâm lý Tuệ An cho rằng, trong gia đình, nếu vợ chồng khắc khẩu sẽ khiến không khí gia đình trở nên u ám, căng thẳng. Có nhiều cuộc nói chuyện đang hòa bình không hiểu tại sao lại bùng nổ thành cuộc chiến khiến cho cả hai đều thấy mệt mỏi.
Thậm chí có những đôi chia sẻ với chuyên gia tâm lý là họ chỉ nói chuyện với nhau không quá 5 phút, nếu cuộc nói chuyện dài hơn là có vấn đề. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng của từng người mà còn đe dọa sâu sắc hạnh phúc gia đình.
Dưới đây là 5 điều mà chuyên gia đưa ra giúp vợ chồng giảm bớt “khắc khẩu” để ngày càng thêm yêu thương, hạnh phúc.
1. Chấp nhận sự khác biệt
Hai vợ chồng sinh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau, lớn lên với sự giáo dục khác nhau, có những người bạn và người thầy khác nhau. Vì vậy sẽ có cách tư duy và nhìn nhận sự việc, cách đối nhân xử thế cũng rất khác nhau.
Trong đó chắc chắn sẽ có những điều khiến cho đối phương cảm thấy không hài lòng. Nhưng hãy chấp nhận điều đó nếu như bạn yêu thương nửa kia của mình, hãy học cách yêu luôn cả những điểm chưa hoàn hảo ở họ.
2. Không đòi hỏi bạn đời thay đổi
Với những thói quen ăn uống, sở thích, lịch sinh hoạt thì còn có thể thay đổi chứ quan điểm sống và hệ giá trị cốt lõi thì vĩnh viễn không thể nào thay đổi được. Vì thế đừng ép buộc hay đòi hỏi đối phương phải thay đổi.
Tại sao bạn không thay đổi đi mà lại muốn người kia phải thay đổi. Thế giới xung quanh sẽ thay đổi nếu như bạn chấp nhận sự đổi thay, trước khi muốn xoay chuyển một ai đó hay một điều gì đó hãy bắt đầu từ chính mình trước.
3. Yêu thương vô điều kiện
Hãy yêu thương nhau vô điều kiện và không đưa ra bất cứ mong cầu hay đòi hỏi nào. Hãy cảm thông và bao dung với nhau, cùng nhau nhìn về một hướng đó là hạnh phúc chứ đừng quay vào nhìn nhau để soi mói khuyết điểm của người kia.
Hãy yêu và dành sự quan tâm cho bạn đời theo cái cách mà họ muốn và cần chứ không phải theo cách mà bạn muốn.
4. Tôn trọng, lắng nghe
Bản lĩnh thật sự của một người không phải là biết nói mà là biết lắng nghe. Cho dù bạn có không hiểu hay không đồng tình với những lý lẽ của bạn đời thì cũng đừng vội phản ứng ngay, hãy để cho họ được giãi bày hết. Chúng ta hãy lắng nghe bằng thái độ tôn trọng, tuyệt đối không được hạ bệ hay xúc phạm đối phương. Có thể với bạn quan điểm đó là sai, phản khoa học… nhưng với sự hiểu biết và góc nhìn của đối phương nó lại là đúng. Khi yêu nhau thật lòng thì sự đúng sai không quan trọng bằng hạnh phúc.
5. Hãy biết điểm dừng
Cuộc sống hôn nhân sẽ thật tẻ nhạt nếu chúng ta không bao giờ nói gì với nhau, không bao giờ tranh luận gì, mỗi người theo đuổi những mối bận tâm riêng của mình. Những cuộc tranh cãi sẽ là thứ gia vị tuyệt vời của hôn nhân nếu cả hai biết điểm dừng đúng lúc.
Chúng ta hãy hơn thua với người ngoài đừng hơn thua với gia đình của mình. Đừng để những cuộc tranh cãi nảy lửa dẫn đến bạo lực thậm chí là xa nhau.
Khi hai người xa lạ gặp nhau, yêu nhau rồi kết hôn và chung sống cùng nhau không thể nào không xảy ra những va chạm về mặt ngôn từ. Ngay cả chính mỗi chúng ta cũng có khi xảy ra sự tranh luận giữa hai luồng tiếng nói từ bên trong. Chỉ cần chúng ta biết cách tĩnh tâm để lắng nghe một cách kiên nhẫn và phản hồi một cách tôn trọng thì có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo Giáo dục và Thời đại