Định nghĩa Kiến Tánh
Lê Anh Chí
_________________________________
Dàn Bài :
I ) Định nghĩa về lý
II ) Định nghĩa về sự (Trạng thái Kiến Tánh)
III ) Không thể định nghĩa bừa Kiến Tánh
IV ) Định nghĩa tối thiểu
V ) Chẳng phải Kiến Văn Giác Tri
VI ) Chẳng thể diễn tả rõ sự Kiến Tánh
VII ) Tạm diễn tả sự Kiến Tánh
_________________________________
( Sau bài này , nên xem thêm
Kiến Tánh Thành Phật
)
Mục đích cùa Thiền Tông là Kiến Tánh. Thiền Tông là Pháp Môn Kiến Tánh. Muốn hiểu rõ Thiền Tông ta cần biết thế nào là Kiến Tánh.
I ) Định nghĩa về lý
Kiến Tánh là thấy tánh, là thấy Phật-tánh. Thấy đây là tâm thấy, là thực chứng. Vì vậy :
Kiến Tánh là thể ngộ Phật Tánh, thể chứng Đại Niết Bàn.
Chữ <thể> được lập lại, vì đây là sự Thực Chứng : chẳng phải kiến văn giác tri, chẳng phải là biết, chẳng phải là hiểu. Ví như phải tự ăn cơm thì mới no, còn hiểu biết rằng <ăn cơm thì no> thì chẳng ich lợi gì !
Đại Niết Bàn chỉ là định nghĩa của Phật Tánh. Đại Niết Bàn là Niết Bàn của Phật ( khác với Niết Bàn của A La Hán). Và Phật Tánh là Đại Niết Bàn (Kinh Đại Bát Niết Bàn ) .
Cũng trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, đặc tính củaPhật Tánh là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Vì tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh từ vô thỉ, vì Phật Tánh là Tâm Vương của ta, là cái Tâm chân thật sẵn có, luôn luôn hiện hữu của ta nên Phật Tánh chính thật là Bản Thể của Tâm (của ta, của tất cả chúng sinh).
Tóm lại,
Kiến Tánh là thể ngộ Phật Tánh, thể chứng Đại Niết Bàn, chứng ngộ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, chứng ngộ Bản Thể của Tâm .
Định nghĩa <Kiến Tánh> như trên, tuy ngắn, nhưng có thể xem là đủ . Tuy thế, đây chỉ là đầy đủ về lý ; muốn đủ cả sự, ta cần thêm :
II ) Định nghĩa về sự (Trạng thái Kiến Tánh)
Người kiến tánh thình lình, đột nhiên , bỗng nhiên bước vào một trạng thái cao siêu mầu nhiệm, trạng thái Đại Niết Bàn !
trạng thái mà Nhị Tổ gọi là <nói không thể đến>
trạng thái mà Hư Vân Đại Sư gọi là <sơn hà đại địa thẩy Như Lai>
trạng thái mà Cao Phong Đại Sư gọi là <kinh thiên động địa>
trạng thái mà Chân Không Đại Sư, thiền sư siêu việt của nước ta thời Lý, gọi là :
Ví như đến động nhà tien
Thuốc tiên đổi cốt tự nhiên trở về
. . .
trạng thái mà tất cả người kiến tánh dều đồng ý : không ngôn ngữ thế gian có thể diễn tả nổi
Trạng thái Kiến Tánh này chính là sự kiến tánh !
Vì Kiến Tánh là một sự chứng ngộ đặc thù, vì sự chứng ngộ này đến một cách thình lình, đột nhiên nên Kiến Tánh còn được gọi là hoát nhiên đại ngộ.
III ) Không thể định nghĩa bừa Kiến Tánh
Gần đây, xuất hiện nhiều định nghĩa Kiến Tánh : Kiến Tánh là x-ngộ, y-ngộ, z-ngộ . . . Sự thực thì không thể định nghĩa bừa Kiến Tánh được !
Trong 1400 năm của Thiền Tông Đông Độ, “Kiến Tánh” chỉ được dùng theo một nghĩa một mà thôi, không thể thay đổi đuợc ! thay đổi thì :
– sao có thể phù hợp với chủ trương của Thiền Tông : Kiến Tánh Thành Phật ?
– phải chú giải lại hết các ngữ lục của các Tổ Sư, các sách vở Thiền Tông !
Không những thế, có thể nói định nghĩa bừa “Kiến Tánh” là phỉ báng Như Lai ! Đạt Ma Sư Tổ mang Thiền Tông vào Đông Độ, nhưng Đức Thế Tôn của chúng ta là kẻ sáng lập Thiền Tông. Đức Thế Tôn đã dùng chữ Kiến Tánh Thành Phật nhiều lần trong Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận.
IV ) Định nghĩa tối thiểu
Định nghĩa tối thiểu của Kiến Tánh là định nghĩa sao để “Kiến Tánh” có thểtương ưng với cái nghĩa tối thiểu của chữ Thành Phật.
V ) Chẳng phải Kiến Văn Giác Tri
Kiến Tánh là một sự chứng ngộ , chẳng phải là Kiến Văn Giác Tri.
Biết rằng tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, rằng Phật Tánh của ta bình đẳng với chư Phật, đều là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Biết như vậy chẳng phải là Kiến Tánh .
Hiểu, tin rằng tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, rằng Phật Tánh của ta bình đẳng với chư Phật, đều là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Hiểu, tin như vậy chẳng phải là Kiến Tánh .
Nhận thức rằng tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, rằng Phật Tánh của ta bình đẳng với chư Phật, đều là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Nhận thức như vậy chẳng phải là Kiến Tánh .
Kiến Tánh là một sự chứng ngộ .
Nhận thức, hiểu, biết , tin như trên là thuộc về Kiến Văn Giác Tri, là lòng tin, là lý luận ( mà lý luận rất gần với hí luận), đều chẳng phải là Kiến Tánh ; mà chỉ là điều kiện cần thiết để tu theo Thiền Tông mà thôi !
VI ) Chẳng thể diễn tả rõ sự Kiến Tánh
Đức Như Lai không diễn tả rõ Trạng Thái Kiến Tánh , Ngài chỉ nói rằng Phật Tánh là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Tất cả người kiến tánh dều đồng ý : không ngôn ngữ thế gian có thể diễn tả nổi Trạng Thái Kiến Tánh.
Vì Kiến Tánh là một sự chứng ngộ , người tu ‘biết’ Trạng Thái Kiến Tánh qua những diễn tả của người khác thật chẳng ích lợi, ‘biết’ Trạng Thái Kiến Tánh chỉ là vọng ; khi chưa thấy tánh thì Vọng và Chân đều là . . . Vọng ! Đã thấy tánh thì mới . . . thấy tánh ! thì mới thấy Chân ! Kiến Tánh rồi thì mới thật sự ‘biết’ Trạng Thái Kiến Tánh .
Cũng có một vài đặc điểm của Trạng Thái Kiến Tánh mà người kiến tánh không nói ra, có lẽ để tránh những kẻ hoa ngôn xảo ngữ dựa vào vài đặc điểm đó để lường gạt người đời.
VII ) Tạm diễn tả sự Kiến Tánh
a) Kiến Tánh là chứng ngộ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
b) sự Kiến Tánh như . . .
là hư không vắng lặng, là vũ trụ muôn màu, là trăng rằm đỉnh núi, là hoa hồng nở rộ, là đại dương bát ngát, là nhạc trời du duơng, là bình minh tỏ rạng, là dị thảo kỳ hoa, là cái vui vĩ đại, là cái tịnh như nhiên, là tâm can êm ả, là trí tuệ sáng soi . . .
*
*
*
* Lê Anh Chí.*
____________
Kinh sách tham khảo
Kinh :
Kinh Đại Bát Niết Bàn, dịch giả Thích Trí Tịnh
Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận
Ngữ Lục (đến đời Lục Tổ):
Sáu cửa Thiếu Thất, Đạt Ma Sư Tổ, dịch giả Trúc Thiên
Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ, dịch giả Thích Minh Trực
Ngữ Lục (sau đời Lục Tổ):
Cội nguồn truyền thừa và phương pháp tu trì của thiền tông, Nguyệt Khê
Thiền Đốn Ngộ, nhiều tác giả : Huyền Giác, Huệ Hải, Thạch Thành Kim, Oánh Sơn, Hư Vân; dịch giả Thích Thanh Từ
Tọa Thiền Luận, Đại Giác, dịch giả Như Hạnh
Tu tâm quyết, Phổ Chiếu
Trang Nhà Kiến Tánh www.kientanh.com
–
* Trang Chính * M ụ c L ụ c * Đoản Luận * Thơ *
–
* Hộp Thư * Bài mới * Nối kết Trang Nhà Phật Pháp Việt Nam *
–