Kính nghiệp – Mindset tối quan trọng cần phải có nếu muốn phát triển sự nghiệp

Kính nghiệp là gì

Hồi mình mới ra trường đi làm, một người em học khóa dưới mình (khác khoa Báo chí & Truyền thông của mình) đang học năm cuối có chia sẻ định hướng sự nghiệp của em sau khi tốt nghiệp là muốn làm việc bên lĩnh vực PR. Thời đó đối với những bạn học chuyên ngành xã hội, PR là một nghề rất hoành tráng và hào nhoáng, nghe tên thôi đã thấy kêu rồi. Mình mới hỏi em mấy câu đơn giản:

– Em có biết ông Tổ ngành PR là ai không? – Em có thể kể cho anh 2-3 người có tên tuổi trong ngành PR ở Việt Nam hay thế giới không? – Em có hiểu PR nghĩa là gì không?

Nghe mình hỏi vậy, em im lặng vì không biết câu trả lời. Mình mới tạt thêm vài gáo nước lạnh: Vậy em nên xem lại mình có thật sự yêu thích công việc PR đó không? Nếu yêu thích và khao khát muốn làm mà không biết gì hết thì cần xem lại thái độ nghề nghiệp. Em đang mấp mé bước chân vào một lĩnh vực mà phải chọi với hàng trăm bạn sinh viên chuyên ngành PR ngoài kia được đào tạo bài bản, lúc đó lợi thế cạnh tranh của em là gì mà đòi đấu với người ta?

Sau cuộc nói chuyện đó, mình khuyên em nếu thật sự muốn làm công việc PR thì hãy suy nghĩ về những gì mình hỏi, và tìm cách lấp đầy những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của em ngay từ bây giờ để đáp ứng yêu cầu công việc đòi hỏi sau này.

Câu chuyện của người em kể trên là một hiện tượng quen thuộc mình thường gặp không chỉ ở các bạn sinh viên mà còn ngay cả những người đã đi làm vài năm, có khi đi làm nhiều năm rồi nhưng thái độ kính nghiệp lại không có.

Kính nghiệp là gì?

Kính nghiệp là một từ Hán cổ, hiểu đơn giản là tinh thần xem trọng, đề cao (kính) đối với công việc (nghiệp) mình đang làm. Cổ nhân thường bảo “Cái nghề đi với cái nghiệp”, tạo hóa tạo ra bách nghệ trong đời sống để phục vụ cho sự phát triển của nhân loại, và mỗi người tùy theo năng lực, sở trường, sở đoản lại có một cái “nghiệp” riêng để học một cái “nghề” phù hợp (hoặc nhiều nghề) mà lao động để tạo ra giá trị cho bản thân mình và cho xã hội.

Với mình, thái độ kính nghiệp biểu hiện trên các phương diện sau:

1. Kính Tổ nghề

Phần lớn các ngành nghề trên thế giới đều do các vị Tổ nghề khai sinh. Tổ nghề là một hoặc nhiều người có công lớn đối với việc sáng lập và truyền bá, đặt nền móng cho một ngành nghề nào đó. Do đó họ được người đời sau tôn trọng và suy tôn là Tổ nghề. Ở các nước Á châu, họ còn được người dân lập đền thờ phụng và cúng kiến hằng năm.

Như Hippocrate là một thầy thuốc Hy Lạp, ông được xem là Tổ của ngành y phương Tây khi có công truyền bá ngành y cho đời sau. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Lời thề này được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp.

Lời thề Hippocrate bản tiếng Hy Lạp

Khi nói đến Tổ nghề, đa số chúng ta thường liên tưởng ngay tới giới nghệ sĩ sân khấu trong lĩnh vực nghệ thuật, mỗi khi biểu diễn trên sân khấu thường phải làm lễ cúng Tổ hoặc khấn Tổ để được “Tổ đãi”. Nghệ sĩ nào được “Tổ đãi” hay “Tổ độ” cho thì sự nghiệp phất lên phơi phới, còn trên sân khấu mà gặp phải tình huống không như ý, phá vỡ buổi biểu diễn thì gọi là bị “Tổ trác”. Giai thoại về Tổ nghề sân khấu thì có nhiều phiên bản khác nhau chưa được chứng thực, nhưng từ lâu bất cứ người làm nghệ thuật nào ở Việt Nam cũng đều kính Tổ để duy trì tôn ti trật tự và thái độ làm nghề nghiêm túc của người nghệ sĩ.

Ở Việt Nam, nghệ sĩ Hoài Linh vì tinh thần kính nghiệp đã chấp nhận bán mạng làm nghề với tâm nguyện lớn nhất cuộc đời là xây dựng nhà thờ Tổ nghiệp cho anh em giới nghệ sĩ có nơi đến cúng Tổ hằng năm. Đến năm 2016, nhà thờ Tổ đã được khánh thành sau gần 2 năm xây dựng với kinh phí hơn 100 tỷ đồng do danh hài Hoài Linh đứng ra lo toàn bộ chi phí. (*)

Đền thờ Tâm Linh Việt do nghệ sĩ Hoài Linh xây dựng tại Q.9, TP.HCM

Trong những ngành nghề khác, có những ngành nghề rất dễ dàng xác định được vị Tổ nghề là ai, nhưng cũng có những ngành nghề rất khó xác định, bù lại thì lịch sử ngành nghề nào cũng có một quá trình phát triển từ lúc khởi thủy đến hôm nay và có rất nhiều cứ liệu ghi lại. Lẽ vậy, dù bạn đang làm bất kỳ công việc nào, việc tìm hiểu Tổ nghề của mình và lịch sử ngành nghề là điều rất cơ bản phải biết để thể hiện tinh thần kính nghiệp. Tâm linh một chút, có kính Tổ thì mới được Tổ đãi cho, phàm những người coi trọng chữ “kính” đều là những người hành sự thành công.

2. Làm việc hết lòng

Nói về chữ “kính”, Chu Tử – một tiến sĩ thời Tống (Trung Quốc) dạy rằng: “Chủ nhất vô thích tiện thị kính”. Dịch ra Việt văn có nghĩa là phàm làm một việc gì nên hết lòng vì việc đó, đem tất cả tinh lực tập trung vào, không chút xao nhãng đó chính là kính.

Trong xã hội có rất nhiều ngành nghề khác nhau, theo mắt người đời tuy có phân biệt cao thấp sang hèn nhưng trong lý giải của bậc cổ nhân thì không có sự phân biệt, không có công việc nào là bình thường hay phi thường. Phàm có thể gọi là một việc thì tính chất của nó đều có thể kính. Dù bạn là một Tổng thống hay một nhân viên văn phòng, dù bạn là một doanh nhân hay một công nhân vệ sinh thì tinh thần kính nghiệp vẫn luôn phải đặt lên hàng đầu. Vì chỉ có kính nghiệp bạn mới tìm thấy niềm vui trong công việc, mới phát huy hết khả năng sáng tạo của mình và hạn chế đến mức tối thiểu các rủi ro, dù là nhỏ nhất.

Có gì đẹp hơn ở đời khi một người bán hàng ăn biết lựa chọn thực phẩm sạch, tươi ngon để đem lại bữa ăn ngon nhất cho khách hàng của mình, và mãn nguyện khi thấy khách hàng ăn ngon miệng. Hay một người thợ mộc làm ra một cái bàn tốt và tỉ mỉ mài cho sạch những dằm gỗ trên bàn. Và một người nghệ sĩ khổ luyện đêm ngày để đem đến màn trình diễn rung động biết bao khán giả.

Có người làm việc vì lẽ mưu sinh, có người làm việc như một sự tận hiến, nhưng tất cả đều làm việc để tạo ra giá trị cho xã hội nên anh không cần phải ngưỡng mộ tôi, tôi cũng không cần phải ngưỡng mộ anh. Đi làm, đừng làm ra những việc không thỏa đáng, gian dối, để rồi thấy có lỗi với bát cơm mình ăn hằng ngày.

Một người đối với nghề nghiệp của mình mà bất kính, không biết quý trọng có thể xem như là đang khinh mạn Tổ nghiệp. Từ đó sẽ dẫn tới làm việc không toàn tâm toàn ý, nhất định sẽ có lúc làm hỏng chuyện, gây ra sai phạm, kết quả là tự mình hủy hoại sự nghiệp của mình.

3. Rèn giũa và trau dồi chuyên môn

Chỉ có kính nghiệp, con người ta mới luôn luôn cố gắng học hỏi, tự rèn giũa, trau chuốt và nâng cao khả năng chuyên môn của mình. Ngược lại, người không biết kính nghiệp thì công việc với họ chỉ là một sự tạm bợ để mưu sinh, trang trải cuộc sống, hết 8 giờ ở sở làm thì được thảnh thơi nghỉ khỏe, đâu cần phải học hỏi trau dồi chuyên môn chi cho mệt.

Trong quá trình đi làm, mình thường quan sát rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nhân viên cấp dưới về quá trình học hỏi và nâng cao chuyên môn của họ. Ngay cả khi phỏng vấn tuyển dụng, câu mình thường hỏi ứng viên là em đã đọc qua quyển sách hay đi học khóa học nào liên quan tới chuyên môn nghề nghiệp của em chưa. Câu trả lời đa số thường là không, rất hiếm những người trẻ có sự chủ động học hỏi thêm kiến thức bên ngoài công việc họ đang làm hiện tại hay bên ngoài chuyên môn họ được trường lớp đào tạo.

Sự học, nếu không tiến ắt sẽ lùi với những đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực ngành nghề của bạn. Kính nghiệp còn là tinh thần đề cao, quý trọng công việc mình đang làm và đang có, sẵn sàng cạnh tranh để giữ lấy công việc đó.

Khi mình đi làm trái ngành, từ chuyên môn chính là biên tập viên truyền hình sang công việc Digital Marketing, đây là lộ trình mình đã triển khai:

  • Đăng ký một số khóa học nền tảng về Content Marketing, Digital Marketing để học trực tiếp với những người đang làm nghề và có tên tuổi trong lĩnh vực này.
  • Tìm đọc rất nhiều đầu sách về lĩnh vực Marketing nói chung và Digital Marketing nói riêng.
  • Follow một số chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Digital Marketing ở Việt Nam và tham gia vào những group Facebook của cộng đồng làm Digital Marketing.
  • Sau khi đi làm một thời gian thì học thêm những khóa chuyên môn sâu hơn.

Lộ trình trên là mình vừa đi làm ở công ty vừa tự bỏ tiền đi học trong suốt 2 năm đầu tiên khi làm trái ngành. Bởi lẽ khi bạn từ một chuyên môn này nhảy sang làm công việc ở một chuyên môn khác, có nhiều kiến thức nền và kiến thức căn bản của ngành nghề đó bạn không nắm rõ, nên càng đi sẽ càng thấy hoang mang khi có quá nhiều lỗ hổng về kiến thức và kinh nghiệm. Nếu bạn muốn đi đường dài để sống được với nghề thì chuyện tự học hỏi, trau dồi chuyên môn là điều cần thiết phải làm.

Như mình có cô bạn, cũng nhảy sang làm việc trái ngành ở một agency, nhưng càng làm bạn càng thấy như một người đang mò mẫm đi trong đêm vì không xác định được phương hướng phải đi khi cái gì cũng không biết, thuật ngữ nào nghe cũng lạ hoắc khó hiểu. Lúc đó, mình gợi ý cho bạn đi tìm ngọn đèn cầy trong đêm, đó là nên đi học một khóa nền tảng về chuyên môn công việc bạn đang làm hiện tại, lúc đó sẽ thấy mọi thứ trở nên sáng tỏ hơn.

Sau này, khi từ công việc Marketing, mình kiêm thêm quản lý đội Sales trong công ty ở cả 2 miền Nam & Bắc. Mặc dù tính chất công việc chỉ là quản lý đội ngũ, không phải chuyên về đào tạo, nhưng mình cũng phải tìm đọc khá nhiều (lên đến hàng chục) quyển sách về sales để hiểu rõ về tư duy sales, kiến thức và kỹ năng sales từ những bậc thầy về sales hàng đầu trên thế giới. Khi đó, mình mới có được sự tự tin trong công việc quản lý đội ngũ Sales và có những góc nhìn chuyên biệt mà không phải bạn nào cũng có được (nếu không có tìm cầu học hỏi). Mình gọi đó là sự kính nghiệp.

Nếu bạn không xác định được Tổ nghề trong lĩnh vực bạn đang làm hiện tại là ai, chí ít bạn cũng cần biết được tên tuổi của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của mình ở Việt Nam và trên thế giới. Từ đó, bạn có thể lấy họ làm hình mẫu hoặc tham khảo quá trình phát triển sự nghiệp, câu chuyện thành công của họ mà học hỏi và phấn đấu để được giống như họ.

Khổng Tử dạy: “Kính nghiệp, lạc nghiệp”. Phải đề cao (kính) công việc của mình thì mới tìm thấy niềm vui (lạc) trong công việc. Có những người đi làm, có thể họ không thích người này người khác trong công ty, thậm chí có khi không thích cả sếp, nhưng khi bạn có được thái độ kính nghiệp thì mới tìm thấy cho mình động lực trong công việc để từng bước hoàn thiện bản thân.

Khi bạn kính nghiệp, bạn không phải chịu áp lực là làm việc cho công ty hay vì một yêu cầu bất xứng ý nào khác ngoài mindset: Mình làm cho mình, để rèn luyện và nâng cao tay nghề của mình, vượt qua chính mình và phục vụ cho sự phát triển chuyên môn nghiệp vụ của bản thân.

Kết lại, những người biết kính nghiệp, họ sẽ luôn tìm thấy hạnh phúc dù đi làm ở bất cứ đâu, bất cứ môi trường nào. Còn những người lười nhác, làm việc qua loa đại khái, giậm chân tại chỗ thì sớm hay muộn họ cũng sẽ bị lụt nghề và bị đào thải khỏi môi trường công việc đang không ngừng bị cạnh tranh trong tương lai.

P/S: Người em đầu câu chuyện, sau cuộc nói chuyện với mình kết cục là em… bỏ nghề không đi theo lĩnh vực PR nữa vì sau khi quán xét lại em thấy bản thân không hợp với công việc đó. Hiện tại, em đang theo đuổi công việc Digital Marketing và đã đạt được những thành tựu nhất định trong công việc.

(*) Bài này mình viết ở thời điểm nghệ sĩ Hoài Linh vẫn chưa dính vào các vụ lùm xùm về từ thiện gây tranh cãi trên truyền thông. Các vấn đề scandal liên quan xin miễn lạm bàn.