Việt Nam là đất nước có kho tàng văn học lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn to lớn, trong đó ca dao, tục ngữ, thành ngữ là những món ăn tinh thần gắn liền với đời sống thường nhật của con người Việt Nam, cũng là những câu răn dạy ngắn gọn, súc tích của người lớp trước để lại cho con cháu. “Lá lành đùm lá rách” là câu thành ngữ gắn liền với con người Việt Nam, được học từ cấp tiểu học. Bài viết sau đây, trường THPT Lê Hồng Phong giải thích lá lành đùm lá rách là gì? đồng thời đưa ra một số bài văn mẫu cho đề bài giải thích ý nghĩa của câu thành ngữ lá lành đùm lá rách.
Lá lành đùm lá rách là gì?
Theo từ điển Tiếng Việt, “lá lành đùm lá rách” là chỉ sự đùm bọc, cưu mang giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian nan, hoạn nạn.
Người xưa đã lấy hình ảnh chiếc lá cây làm hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống, số phận, hoàn cảnh, điều kiện sống của con người trong xã hội. Có người có hoàn cảnh khá giả, đủ ăn đủ mặc; người thì giàu có, nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp; lại có người ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, không có nơi ăn chốn ở, thất nghiệp… Cùng là con người, cùng sinh sống trên một đất nước, một hành tinh, một xã hội cần có tấm lòng nhân hậu, biết bao bọc, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Điều này không chỉ giúp về mặt vất chất mà còn là về tinh thần, giúp cho những người đang trong hoàn cảnh khó khăn có tinh thần, có động lực để tiếp tục cố gắng, nỗ lực đạt được mục tiêu của cuộc sống “độc lập – tự do – hạnh phúc”.
Dàn ý “Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách”
1. Mở bài: giới thiệu câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.
Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam ta vô cùng phong phú. Những câu ca dao tục ngữ là lời ông bà ta dạy bảo, khuyên răn được lưu truyền qua câu tục ngữ. những câu tục ngữ luôn là lời dạy của ông bà, và cách dạy về nhân cách của con người,dạy con người biết yêu thương những người xung quanh. Những điều đó được thể hiện qua câu “Lá lành đùm lá rách”.
2. Thân bài: giải thích câu tự ngữ “Lá lành đùm lá rách”
– Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”
- Nghĩa đen: khi dùng chiếc lá này rách, ta có thể dùng lá lành hơn đùm lá rách lại.
- Nghĩa bóng: “lá lành” là người có cuộc sống giàu có, thuận lợi và yên ổn, còn “lá rách” là người có cuộc sống nghèo khó, khổ cực và khó khăn.
→ Câu tục ngữ muốn khuyên ta nên yêu thương con người, đùm bọc họ khi họ khó khăn, gian khổ.
– Đánh giá về câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”
- Nhắc nhở chúng ta không nên chê bai, ghẻ lạnh đối với những người khó khăn, mà chúng ta nên yêu thương, giúp đỡ học khi học gặp khó khăn, đó mới là điều tốt đẹp.
- Trong cuộc sống luôn tồn tại nhiều hoàn cảnh khó khăn, chính vì thế mà chúng ta nên giúp đỡ họ
- Lòng thương người, nhân ái của mỗi con người đều có, vậy mà ta hãy nên giúp đỡ mọi người xung quanh gặp khó khăn
- “Lá lành đùm lá rách” là một hình động rất cần thiết trong xã hội hiện nay.
– Bình luận về câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”
- Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
- Khi chúng ta giúp đỡ người khác thì tâm hồn ta sẽ trở nên thanh thản và yêu đời hơn
3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”
- Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” hoàn toàn đúng
- Chúng ta nên phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.
Bài văn mẫu giải thích ý nghĩa của câu “Lá lành đùm lá rách”
Bài 1:
Những câu tục ngữ luôn chứa đựng những bài học nhân văn về cuộc sống. Một trong số đó là câu “Lá lành đùm lá rách” – gửi gắm bài học về tinh thần tương thân tương ái.
Câu tục ngữ đã mượn hình ảnh vô cùng quen thuộc trong sinh hoạt. Đó là con người thường tận dụng những chiếc lá để gói bánh hoặc gói đồ ăn… Chúng rất dễ rách nên cần dùng nhiều lớp lá bọc lại. Lớp lá lành bọc lấy lớp lá rách để không giữ cho đồ ở bên trong nguyên vẹn. Từ đó, ý nghĩa của “Lá lành đùm lá rách” muốn khuyên nhủ những người có cuộc sống tốt đẹp khá giả cần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ. Sự giúp đỡ đó xuất phát từ tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ.
“Lá lành đùm lá rách” là một lối sống đúng đắn, tốt đẹp cần được giữ gìn và phát huy. Vì mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Có người giàu sang sung sướng. Có người nghèo khó bất hạnh. Nếu con người biết chia sẻ giúp đỡ nhau sẽ xây dựng một xã hội phát triển hơn.
Tinh thần tương thân tương ái chính là cách sống của người dân Việt Nam. Không chỉ là quá khứ hào hùng, mà ngay trong thời điểm hiện tại chúng ta cũng cảm thấy điều đó được phát huy. Những ngày vừa qua, đất nước ta đang phải đối mặt với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, đặc biệt nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Toàn thành phố đã phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Nhiều hàng quán đóng cửa. Nhiều người lao động mất việc làm, đặc biệt là những lao động nghèo. Trong hoàn cảnh đó, tinh thần “lá lành đùm lá rách” lại càng sáng ngời. Những gói hỗ trợ của nhà nước cho những người lao động. Hàng trăm tấm nông sản từ mọi tỉnh thành được chuyển đến thành phố phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều y bác sĩ xung phong vào hỗ trợ miền Nam đánh bại đại dịch… Quả là những hành động cao cả thể hiện một tinh thần Việt Nam.
Còn với một học sinh, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình đối với đất nước. Mỗi người cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Hãy biết giúp đỡ nhau trong học tập, cũng như cuộc sống để cùng nhau xây dựng một đất nước văn minh, thịnh vượng hơn.
Tóm lại, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đem đến cho mỗi người một bài học quý giá. Bởi vậy, chúng ta hãy tích cực phát huy truyền thống tốt đẹp này của dân tộc Việt Nam.
Bài 2:
Ông cha ta vẫn thường nhắn nhủ con cháu về bài học đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.
Câu tục ngữ mượn hình ảnh chiếc lá lành lặn, che cho chiếc lá rách nát không còn nguyên vẹn nữa. Để chỉ sự yêu thương, đùm bọc giữa con người với nhau. Người khỏe mạnh giúp đỡ người yếu hơn, người giàu có giúp đỡ người nghèo khổ, người vui tươi giúp đỡ người buồn đau.
Đây từ xưa đã vốn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Bất kì ai trong chúng ta cũng có thể gặp khó khăn, cũng có thể yếu lòng, cũng có thể ốm đau bệnh tật. Những lúc ấy, nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ là vô cùng đáng quý. Nó không chỉ giúp người đó vượt qua khó khăn, mà còn gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Từ đó tạo nên một cộng đồng giàu tình yêu thương.
Qua đó, câu tục ngữ phê phán những người sống vô cảm, lạnh lùng, thiếu tình yêu thương. Không biết quan tâm, giúp đỡ người khác lúc nguy nan. Đặc biệt là những kẻ bất chấp tình đồng bào, vì tư lợi mà đang tâm hãm hại người khác. Thật đáng trách thay.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là thiểu số. Cả dân tộc ta vẫn đã, đang và sẽ thực hiện bài học mà cha ông nhắn nhủ “Lá lành đùm lá rách”.
Bài 3:
Những ngày lễ Tết, hội hè ờ nước ta, bao nhiêu phụ nữ khéo tay đã gói ghém, làm ra những chiếc bánh ngon, đẹp. Trong vườn, bên ao, họ truyền cho nhau một kinh nghiệm giản dị:
Lá lành đùm lá rách
Ta hãy cùng giải thích câu tục ngữ trên.
Trước hết, đây là một câu nói rất gợi hình. Lá lành là những chiếc lá còn tươi tốt, nguyên vẹn, chưa bị gió lay hay giập rách. Ngược lại, lá rách là những chiếc lá tả tơi vì gió hoặc các vật cứng va chạm vào. Lá lành đùm lá rách gợi ta liên tưởng đến hành động gói bánh. Trong lúc thiếu lá, nhân dân ta thường đặt lá rách, lá nhỏ vào giữa, trong cùng. Còn bên ngoài chiếc bánh là những chiếc lá tươi xanh, nguyên vẹn.
Câu “Lá lành đùm lá rách” còn gợi ý nghĩa sâu xa hơn. Lá lành tượng trưng cho hình ảnh những người có cuộc sống yên lành: có tiền của, no ấm hoặc mạnh khỏe. Ngược lại, lá rách ví với những người nghèo khổ, đói rét, đau ốm hoặc hoạn nạn. Như vậy, cả câu “Lá lành đùm lá rách” là một lời khuyên nhủ của người xưa với chúng ta: những người may mắn, mạnh khỏe, no ấm hãy biết cưu mang, giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn, thiếu thốn…
Xã hội hôm nay đã phát triển. Nhưng đâu phải bây giờ đã hết kẻ đói nghèo, khốn khổ, hoạn nạn, do vậy, rất cần sự tương thân, tương ái. Đây là đạo lí làm người vả lòng nhân ái cao cả đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Trong xã hội, không ai có thể sống tách biệt một mình mà tồn tại được. Dẫu một người có đầy đủ sức khỏe, tiền bạc nhưng cũng có khi gặp hoạn nạn. sống giữa thiên nhiên lại càng rủi ro hơn vì những thiên tai nghiệt ngã. Dù giàu hay nghèo, lành hay rách, trước một quả bom của giặc ngoại xâm hay một trận thiên tai, thì máu nào cũng đỏ, xương nào cũng trắng. Không ai có thể làm ngơ trước những vết thương và tiếng khóc. Lòng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn chính là cơ sở tạo tình đoàn kết, thân ái, ràng buộc chặt chẽ các thành viên trong xã hội. Đó là sức mạnh vô song giúp con người sống qua những ngáy ác liệt nhất trong đời:
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh Vẫn vững vàng bà dặn cháu đinh ninh Bố ở chiến khu bố còn việc bố Mày chớ viết thư kể này, kề nọ… (Bếp lửa – Bằng Việt)
Suy rộng hơn nữa, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” không chỉ là lời khuyên “hãy giúp người” mà thực ra, giúp người chính là giúp mình. Vì sao vậy? Nếu muốn toàn xã hội như một cái bánh thơm ngon thì một chiếc lá lành không làm được gì cả. Chiêc lá lành phải đùm lá rách mới làm cho chiếc bánh chắc và thơm ngon. Vậy khi chiếc lá rách an toàn thì chiếc lá lành cũng bình yên. Hơn nữa, khi ta đem lại hạnh phúc, niềm vui cho người khác cũng chính là lúc lòng ta dâng lên một niềm hạnh phúc như câu danh ngôn nỗi tiếng: “Niềm hạnh phúc của một người là đem lại niềm vui cho nhiều người”. Thật vậy, qua những lần bão lụt ở miền Trung hoặc lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để cứu trợ đồng bào gặp nạn. Họ xem đó là niềm vui vì được chia sẻ nỗi đau cùng đọng bào. Tinh thần tự nguyện ấy thật đáng quý.
Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” giản dị mà sâu xa, đơn sơ mà có giá trị lâu bền. Đó là một trong những nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam, chứa đựng tinh thần nhân ái, nhân bản cao cả. Em sẽ luôn luôn ghi nhớ câu tục ngữ này và thực hiện thật tốt trong mọi hoàn cảnh.
Bài 4:
Tình yêu thương luôn là thứ quý giá và ấm áp mà con người ta hướng đến. Nó được thể hiện qua những lời nói và hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Mà sáng rọi nhất, chính là điều hiện diện qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.
Câu tục ngữ mượn hình ảnh những chiếc lá để ẩn dụ về những số phận khác nhau trong cuộc sống. Chiếc lá lành ý chỉ những con người có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc và đủ đầy. Đối lập với đó là những chiếc lá rách, chỉ những người có số phận kém may mắn hơn, phải chịu những thiệt thòi và thiếu thốn. Tác giả gắn kết hai số phận ấy với nhau bằng động từ “đùm”. Đây là hành động gói ghém, che chở một đồ vật khác vào bên trong, nhằm giúp bảo vệ đồ vật ấy. Từ đó, câu tục ngữ muốn nhắn nhủ chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn mình.
Sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ ấy được xuất phát từ trái tim với tình yêu thương và đồng cảm. Khi thấy một người cần giúp đỡ, cần được chia sẻ, thì chúng ta nên hành động. Sự giúp đỡ, đùm bọc ấy không chỉ là tiền bạc, vật chất. Mà nó còn là sự sẻ chia về tình thần, là cái ôm ấm áp, là lời quan tâm chân thành. Chỉ cần ta có lòng muốn đùm bọc cho những số phận bất hạnh ấy thì nghĩa là ta đã trao đi cho họ một thứ gì đó rất quý giá rồi.
Điều đó vẫn đã, đang và sẽ hiện diện ở quanh chúng ta, từng ngày, từng giờ. Đó là các bạn học sinh giúp bạn bị mệt trực nhật. Là chú công an giao thông cõng người bị ngã xe đến bệnh viện. Là người lái xe chở hàng tiếp tế cho người ở vùng cách li mà không lấy tiền công. Là những đợt quyên góp tiền của, áo quần cho đồng bào vùng lũ lụt. Thật cảm động biết bao nhiêu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại những người mang trong mình một trái tim vô cảm. Họ sống mà thiếu tình yêu thương, bàn quan trước những số phận bất hạnh hay các hoàn cảnh khó khăn mà mình gặp. Dù có thể giúp đỡ được, có thể nói ra những lời chia sẻ, động viên nhưng họ vẫn lựa chọn bỏ qua tất cả. Hành động thiếu tình người ấy vừa đáng buồn lại vừa đáng trách.
Từ các trường hợp ấy, chúng ta nhận ra rằng cùng với tình yêu thương xuất phát từ bản tâm của mỗi người, chúng ta cũng cần phải chú trọng hơn đến vấn đề tuyên truyền và giáo dục về tình thương người. Ta cần đẩy mạnh hơn nữa những bài học về sự chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau qua các bài đọc, các bộ phim và bài hát. Như vậy, truyền thống tốt đẹp này của dân tộc ta mới có thể ngày càng lan tỏa và hiện hữu khắp nơi.
Video về câu lá lành đùm lá rách là gì
Kết luận
Mỗi người chúng ta nên học hỏi và phát huy được truyền thống quý báu của dân tộc để từ đó phát huy mạnh mẽ được giá trị và truyền thống của dân tộc ta, những truyền thống cao cả và cần thiết trong một xã hội hiện đại ngày nay, câu tục ngữ này đã để lại những bài học vô cùng quý giá và cần thiết ở mỗi con người.
Đăng bởi: THPT Lê Hồng Phong
Chuyên mục: Giáo dục