THÀNH PHỐ LÀO CAI

THÀNH PHỐ LÀO CAI

Lào cai ở đâu

Bản đồ địa giới hành chính Lào Cai hiện nay

Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất thành phố Lào Cai hiện nay có những biến động nhất định về địa lý, dân cư và lịch sử. Đặc biệt trong giai đoạn 30 năm tái lập thị xã tỉnh lỵ – thành phố Lào Cai (1992 – 2022), thành phố đã trải qua các giai đoạn phát triển với những dấu ấn nổi bật: từ một thị xã trở thành thành phố, đô thị loại III trực thuộc tỉnh (năm 2004); lên đô thị loại II, được công nhận là đơn vị Anh hùng Lao động (năm 2014); đang phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025. Có thể nói, 30 năm xây dựng và phát triển là chặng đường không dài song đã để lại nhiều thành tựu khẳng định sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thành phố, diện mạo một thành phố trẻ Lào Cai đang hình thành, phát triển mạnh mẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Giao thương của cư dân biên giới những năm 1990 – Ảnh:ST

Ngày 12/7/1907, tỉnh dân sự Lào Cai được thành lập, vùng đất phố cổ “Lão Nhai” trở thành thị xã tỉnh lỵ tỉnh Lào Cai. Sau đó, người Pháp quy hoạch 2 lần (năm 1904, năm 1926), mở rộng địa giới xuống phía Nam và phía Phố Mới. Tháng 3/1975, Quốc hội đã nghị quyết hợp nhất 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thị xã Lào Cai là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Hoàng Liên Sơn (đến tháng 8/1978). Ngày 01/10/1991 tỉnh Lào Cai tái lập, song chưa xác định được thị xã tỉnh lỵ, các cơ quan đầu não của tỉnh cùng với cán bộ, công nhân viên các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh từ thị xã Yên Bái trở về Lào Cai tạm tập kết tại thị trấn Phố Lu, Tằng Loỏng và thị xã Cam Đường (cũ).

Thị xã tỉnh lỵ Lào Cai ngày đầu đi vào hoạt động còn ngổn ngang, bộn bề, chìm lẫn trong lau trắng hoang vu. Toàn bộ cơ sở hạ tầng bị tàn phá, con sông Hồng thơ mộng chảy giữa lòng thị xã đã vô tình trở thành ranh giới chia cắt đôi bờ, chỉ có những chuyến phà lặng lẽ, ngày nối ngày ngược xuôi làm nên niềm vui hội ngộ. Nhiều khu phố (cũ) còn là vành đai trắng, bom mìn còn rải khắp nơi, chưa kịp tháo gỡ, dân cư thưa thớt. Cơ sở hạ tầng thị xã chưa kịp quy hoạch, xây dựng, “Nhà chưa có số, phố chưa có tên”. Đời sống kinh tế – xã hội vô cùng khó khăn, an ninh trật tự diễn biến phức tạp, chưa có điện lưới quốc gia…

Khu phố nhỏ Cốc Lếu bên sông Hồng cuối thế kỷ 19 – Ảnh:ST

Thị xã Lào Cai được xác định là điểm đến của hàng nghìn người dân trở về định cư nơi cũ và có 38 cơ quan của tỉnh đi vào hoạt động, cùng hàng trăm gia đình cán bộ khối các cơ quan tỉnh. Dân số thị xã được tăng lên từng ngày, chưa đầy 8 tháng sau ngày tái lập tỉnh Lào Cai tăng từ 6.400 khẩu lên 10.000 khẩu. Chính quyền thị xã trong thời gian này tập trung cho các công việc tiếp nhận Nhân dân hồi cư để sắp xếp dân cư, giải phóng mặt bằng cho các cơ quan tỉnh tập kết đúng tiến độ theo quy hoạch và các công trình hạ tầng được triển khai đúng hạn.

Công cuộc tái thiết thị xã Lào Cai trở thành đô thị loại III (1992 – 2004)

Trên cơ sở công tác quy hoạch thị xã tỉnh lỵ đã được tỉnh phê duyệt, vào thời điểm này cả thị xã như một công trường. Để đảm bảo các cơ quan nhanh chóng tập kết về thị xã tỉnh lỵ, Tỉnh ủy ra chủ trương thực hiện quy hoạch đến đâu xây dựng đến đó. Giao cho Viện thiết kế dân dụng và công nghiệp triển khai thực hiện thiết kế mẫu định hình các nhà tạm như cột thép, vì kèo thép, cột bê tông tường cót ép, mái nhà xây cấp 4 lợp broximăng. Các khu tập kết gấp rút được hình thành, các công trình xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan Trung ương, tỉnh, thị xã, phường và các công trình hạ tầng như: điện, nước sinh hoạt, thông tin, trường học, bệnh viện… được tiến hành khẩn trương. Từ quý IV/1992 đến quý I/1993, các cơ quan của tỉnh từ Tằng Loỏng, Phố Lu, Cam Đường lần lượt chuyển về thị xã tỉnh lỵ Lào Cai.

Ngày 18/5/1993, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu được mở lại. Ngày 02/9/1993, tàu đường sắt Hà Nội – Lào Cai cũng chính thức khởi động lại. Giao thông đường bộ, đường sắt được khai thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và quan hệ thương mại giữa 2 tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam và các địa phương trong cả nước. Việc tái thiết thị xã theo hướng đô thị được tập trung thực hiện. Khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai được xây dựng. Tháng 6/1993, các tiểu khu: Lào Cai, Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Phố Mới nâng cấp thành phường. Đến tháng 9/1993, trên địa bàn thị xã đã có 82 tuyến đường nội thị được xây dựng và đặt tên, trong đó có các đường trục chính như: đường Hoàng Liên, Nguyễn Huệ, Ngô Quyền, Điện Biên, Cốc Lếu, Quy Hóa, Nhạc Sơn. Các cụm công nghiệp cũng được hình thành như cụm Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới… Các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm xây dựng, trùng tu, tôn tạo như Đền Thượng, Đền Cấm, chùa Tân Bảo. Các chợ Cốc Lếu, Phố Mới, Nguyễn Du được xây dựng; các nhà hàng, khách sạn, nhà ga, bến xe được mở mới tạo không gian đô thị tỉnh lỵ ngày đầu mới tái lập.

Ngày 31/11/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2002/NĐ-CP về việc sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã Lào Cai – thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lào Cai. Không gian thị xã mở rộng tăng 5 lần so với trước đây; diện tích tự nhiên là 230,958 km2 và 77.167 khẩu, gồm 16 đơn vị hành chính (7 xã, 9 phường). Khu đô thị có tổng diện tích 23,5 km2, được xây dựng trên diện tích đất của xã: Bắc Cường, Nam Cường, Cam Đường và phường Bắc Lệnh. Khu đô thị nhằm thực hiện chiến lược “Dời đô” của tỉnh Lào Cai, để di chuyển trung tâm tỉnh lỵ, dành đất cho phát triển kinh tế cửa khẩu.

Thực hiện chủ trương nâng cấp thị xã tỉnh lỵ Lào Cai lên thành phố, tháng 7/2001, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Lào Cai đã đề ra 5 chương trình kinh tế – xã hội với các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III. Ngày 10/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2003/QĐ-TTg về mở rộng Khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai, tổng diện tích tự nhiên 79.71 km2; bao gồm: khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai diện tích 0,5 km2là khu trọng điểm, Khu thương mại Kim Thành diện tích 1,52 km2, Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải diện tích 3,04 km2 và Khu công nghiệp Đông Phố Mới diện tích tự nhiên 1,46 km2.

Sau gần 3 năm thị xã Lào Cai và Cam Đường sáp nhập, phấn đấu theo mục tiêu “Tăng tốc, về đích sớm” và tư tưởng chỉ đạo: “Năng động ở cấp thị xã, chủ động ở cấp xã, phường; tự quản ở khu dân cư”; đồng thời được sự quan tâm dồn sức của cả tỉnh, sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, sự năng động của Đảng bộ thị xã, quy mô đô thị trên địa bàn ngày càng mở rộng. Ngày 18/9/2002, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 1177/2002/QĐ-BXD công nhận thị xã Lào Cai là đô thị loại III. Ngày 30/11/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 195/2004/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai với diện tích tự nhiên 221,50 km2, 100.225 nhân khẩu, 17 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 12 phường, 5 xã.

Thị xã Lào Cai được công nhận lên thành phố đã khẳng định chất lượng đô thị được nâng lên, đời sống Nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ đây, vị thế của thành phố tiếp tục khẳng định trước bè bạn quốc tế, tạo đà cho thành phố tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thành phố bên sông Hồng

Thành phố tiếp tục phấn đấu đạt đô thị loại II, tập trung thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” (2004 – 2014).

Sau khi thị xã Lào Cai được công nhận là thành phố đô thị loại III, Đảng bộ thành phố đã sớm có kế hoạch phấn đấu trở thành đô thị loại II. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết về việc tập trung lãnh đạo phấn đấu trở thành đô thị loại II và tập trung triển khai “Đề án xây dựng thành phố Lào Cai phấn đấu trở thành đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới”. Trong 10 năm phấn đấu không mệt mỏi (2004 – 2014), Đảng bộ thành phố liên tục xếp loại vững mạnh, dẫn đầu toàn tỉnh về mọi mặt, với những thành tựu nổi bật.

Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị với tốc độ nhanh. Các khu tái định cư được quy hoạch hình thành những khu phố, tuyến phố mới văn minh, xanh, sạch, đẹp. Tiến hành kè dọc theo 2 bên sông Hồng; kết nối 2 bên sông là các cây cầu Cốc Lếu, Phố Mới và cầu Giang Đông. Đường giao thông nội thị thường xuyên được nâng cấp, cải tạo đã trải áp phan; đường đến trung tâm cụm xã và đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa; hành lang, vỉa hè các tuyến phố đều được lát lại, cải tạo lối lên xuống theo hình thức xã hội hóa; các khu vui chơi giải trí, công viên, vườn hoa và bệnh viện được xây dựng. Hệ thống điện, đường giao thông, trường, trạm được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Năm 2011, 2013, 2014 thành phố Lào Cai được Hiệp hội các đô thị Việt Nam tặng danh hiệu “Đô thị Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”. Đến hết năm 2013, thành phố đã đạt 91/100 điểm đô thị loại II, vượt 16 điểm theo tiêu chuẩn khu vực vùng cao, biên giới.

Nông nghiệp, nông thôn đạt được những kết quả vượt trội, toàn diện: do quá trình đô thị hóa mạnh nên diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể, thành phố chủ trương thâm canh, tăng vụ với tổng diện tích tăng vụ đạt khoảng 500 ha/năm (rau an toàn, chè, lúa đặc sản,…). Năm 2004, xã Tả Phời và Hợp Thành là 2 xã đầu tiên của cả nước tự nguyện xin rút khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ. Công tác xây dựng nông thôn mới triển khai đồng bộ, tích cực, thành phố đã dồn sức và lực cho 5 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm, chăm lo. Đến hết năm 2013, thành phố đã hoàn thành 87/95 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của 5 xã. tháng 6/2014, Vạn Hòa là 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, văn hóa – xã hội luôn là lá cờ đầu toàn tỉnh: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2003 – 2013 đạt 14,5%/năm, tăng gần gấp 2,4 lần so với năm 2004. Quy mô kinh tế tăng gấp 07 lần, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng, tăng gần 7,2 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 97%, nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3%. Khu kinh tế cửa khẩu ngày càng sôi động, giữ vai trò tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Thương mại và dịch vụ tăng trưởng ngoạn mục với các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống… tạo thị trường hàng hóa phong phú. Điện lưới quốc gia phủ kín 100% số xã, phường của thành phố. Quy hoạch, xây dựng 03 khu công nghiệp tập trung, diện tích trên 2 km2, có 106 dự án, với 1.300 cơ sở sản xuất. Thu ngân sách trên địa bàn tăng gần 07 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 8 lần.

Văn hóa – Xã hội ngày càng phát triển: giáo dục, đào tạo luôn là lá cờ đầu của tỉnh và khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Đến năm 2014, 100% các xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. 100% thôn, tổ dân phố được phủ sóng điện thoại di động, sóng truyền hình và ứng dụng công nghệ thông tin. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, từ 11,4% năm 2003, xuống còn 2,4% năm 2013 theo tiêu chí mới; số hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 31% năm 2005 xuống còn dưới 5% năm 2013. Chất lượng sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố kiện toàn: công tác chính trị, tư tưởng được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện tạo sự thống nhất về tư tưởng trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân. Duy trì “Bản tin nội bộ thành phố Lào Cai” phát hành hàng tháng đến cơ sở làm tài liệu sinh hoạt chi bộ. Công tác giáo dục lý luận chính trị và lịch sử đảng được chú trọng. Phát hành 5 cuốn sách lớn về lịch sử Đảng bộ và quảng bá sự đổi mới của thành phố. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được cán bộ, đảng viên, Nhân dân thành phố tích cực hưởng ứng, bước đầu đã mang hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, gắn với công tác quy hoạch, luân chuyển được đặc biệt chú trọng cả về trước mắt và lâu dài. Đến năm 2014, cán bộ chủ chốt trưởng, phó phòng, ban cấp thành phố và cán bộ chủ cốt cấp xã, phường 100 % đạt chuẩn. Công tác phát triển Đảng phát triển mạnh mẽ, từ 46 chi bộ, đảng bộ với 3.200 đảng viên năm 2004; đến năm 2014 toàn Đảng bộ đã có 59 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc với gần 5.110 đảng viên. Trong đó tỷ lệ đảng viên là nữ, dân tộc ít người, đảng viên nông thôn ngày càng cao. Hằng năm, có trên 80% chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, Đảng bộ thành phố liên tục đạt trong sạch, vững mạnh. Hệ thống chính quyền được củng cố. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội ngày càng đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc của Nhân dân, dân chủ được phát huy, đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, công nghệ thông tin được ứng dụng vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước và rút ngắn thủ tục hành chính. năm 2011, thành phố Lào Cai là đơn vị duy nhất của cả nước được Bộ thông tin và Truyền thông trao giải thưởng ứng dụng thông tin cho các cơ quan Nhà nước.

Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đối ngoại ngày càng mở rộng: là thành phố duy nhất của cả nước nằm sát biên giới có gần 10 km đường biên; công tác quốc phòng, an ninh luôn được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kìm chế. Công tác đối ngoại không ngừng được mở rộng phát triển theo hướng hữu nghị. Năm 2005, thành phố Lào Cai (Việt Nam) và huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) kết nghĩa hữu nghị, hợp tác toàn diện, xây dựng biểu tượng “Hai thành phố một dòng sông”. Hai bên đã trao đổi hàng trăm đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp sang thăm, hội đàm, ký kết các chương trình, biên bản hợp tác trên các lĩnh vực. Năm 2013, được sự cho phép của Trung ương, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, trạm kiểm soát biên phòng xuất nhập cảnh Hà Khẩu trở thành đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của Việt Nam và Trung Quốc kết nghĩa hữu nghị, hợp tác…

Cửa khẩu Lào Cai

Thành phố trẻ Lào Cai – Thành phố Anh hùng đang trên đà hội nhập và phát triển (2014 – 2022)

Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, trong giai đoạn cách mạng mới, thành phố Lào Cai tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đẩy nhanh hơn nữa quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xây dựng thành phố Lào Cai hiện đại bên đôi bờ sông Hồng, tiếp tục phấn đấu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2030. Với quyết tâm chính trị cao, giai đoạn 2014 – 2022 thành phố Lào Cai đã có sự phát triển vượt bậc mọi mặt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Lào Cai tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh với mức trung bình 16,4%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Cửa khẩu quốc tế tại thành phố Lào Cai tiếp tục là điểm giao thương quốc tế sôi động với tổng kim ngạch đạt gần 4 tỷ USD; nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt gần 3.000 tỷ đồng. Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước ước trên địa bàn thành phố Lào Cai đạt 3.777 tỷ đồng và chiếm gần 1/3 số thu ngân sách của toàn tỉnh. Lĩnh vực du lịch có bước phát triển mạnh, ước lượng du khách đến địa bàn trong năm 2021 khoảng 950 nghìn lượt khách, số cơ sở lưu trú và số phòng nghỉ đã tăng 35%, tổng doanh thu trong lĩnh vực, ước đạt 20.477 tỷ đồng trong 2021. Công nghiệp – xây dựng của thành phố đạt 1.094 tỷ đồng, sản xuất nông nghiệp đạt giá trị hơn 800 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người dân thành phố Lào Cai hiện đạt trung bình gần 100 triệu đồng/năm.

Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Lào Cai luôn dành quan tâm đặc biệt với công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị; coi đây là nền tảng có tính định hướng, tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển khác. Đến nay thành phố đã lập, trình phê duyệt 307 đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành, tạo điều kiện để thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nổi bật trong lĩnh vực văn hóa – xã hội là sự nghiệp giáo dục – đào tạo, thành phố tiếp tục giữ vững ngôi đầu toàn tỉnh với 100% trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, trên 2.000 lượt học sinh đạt giải các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh gắn với xây dựng hình ảnh con người thành phố Lào Cai “văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương” dần trở thành những giá trị văn hóa tốt đẹp. Công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được đảm bảo, quan hệ hữu nghị, hợp tác với huyện Hà Khẩu, thành phố Mông Tự (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), huyện Mường Xay (tỉnh U Đôm Xay, Lào) và các địa phương trong cả nước được duy trì.

Trong công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, Đảng bộ thành phố Lào Cai có sự tập trung cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đến nay, toàn Đảng bộ thành phố có hơn 8.800 đảng viên, sinh hoạt tại 54 tổ chức cơ sở đảng. Thành phố đi đầu toàn tỉnh về thực hiện thí điểm rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan của đảng, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo một số cơ quan khối đảng, đoàn thể và phòng, ban chuyên môn.

Đạt được những thành tựu trên đây, trong 30 năm tái lập (1992 – 2022), Đảng bộ thành phố đã trải qua 8 lần đại hội (từ Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 1993 – 1996, đến Đại hội lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 – 2025). Mỗi lần đại hội đánh dấu sự trưởng thành của Đảng bộ, đề ra được những chủ trương đúng đắn thông qua các nghị quyết các kỳ đại hội và các chương trình, đề án, kế hoạch để xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp. Hình ảnh thành phố trẻ Lào Cai hiện đại, văn minh, biểu tượng cho sự hữu nghị hòa bình, một đô thị sôi động, căng sức sống đã hiện rõ. Công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Dân chủ trong mọi mặt đời sống xã hội, công bằng, văn minh đã và đang trở thành hiện thực.

Đó là những thành tựu to lớn rất đáng tự hào và đã được ghi nhận bằng các danh hiệu cao quý của Đảng, nhà nước trao tặng: 4 huân chương (Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và Độc lập hạng Ba); 6 Cờ thi đua của Chính phủ, của UBND tỉnh và danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngoài ra thành phố còn đón nhận các danh hiệu khác: thành phố hữu nghị với Trung Quốc; đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Với tiềm năng thế mạnh của thành phố trẻ Lào Cai hòa bình, hữu nghị, sự đồng thuận, khát vọng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân sẽ tạo đà cho thành phố bước vào công cuộc đổi mới một cách tự tin, vững chắc.

Cầu Phố Mới

Những định hướng tương lai của thành phố Lào Cai

Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 01/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định quan điểm xây dựng thành phố Lào Cai là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; là hạt nhân, tạo sức lan tỏa, phát triển cho các huyện, thị xã; là cơ sở, động lực, bảo đảm xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc; bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, trở thành điển hình trong xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển; gắn mục tiêu phát triển bền vững với giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đẩy mạnh đô thị hóa đồng thời với đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Thành phố đi đầu, tiên phong trong tất cả các lĩnh vực, nhất là trong đổi mới, sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực hội nhập quốc tế; cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.

Cốc Lếu về đêm

Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030: “Thành phố Lào Cai là đô thị loại I, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics, du lịch, công nghiệp phụ trợ, về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” và mục tiêu đến năm 2050: “Thành phố Lào Cai là thành phố giàu đẹp, thông minh và hiện đại; là thành phố phát triển toàn diện thuộc nhóm các thành phố phát triển của cả nước”.

Màn pháo hoa chào mừng 30 năm tái lập thị xã tỉnh lỵ, thành phố Lào Cai

Phấn khởi kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thị xã tỉnh lỵ – Thành phố Lào Cai, chúng ta phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót; quyết tâm xây dựng thành phố Lào Cai: sáng – xanh – sạch – đẹp, năng động, phát triển, thân thiện, hòa bình, hữu nghị, văn minh, hiện đại; tạo tiền đề cho thành phố tiếp tục phấn đấu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2030. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, trước hết, toàn Đảng bộ tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên của lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị. Đảng bộ, chính quyền thành phố kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân hãy phát huy truyền thống anh hùng; với tinh thần đoàn kết, nỗ lực sáng tạo không ngừng, khắc phục khó khăn, kề vai sát cánh cùng nhau vì một thành phố phát triển nhanh và bền vững. Nhiệm vụ ấy chỉ có thể thành hiện thực khi chúng ta kết thành một khối, chung sức đồng lòng, “Ý Đảng – lòng dân” là một thì nhất định sẽ thắng lợi./.