Nếu các bạn chưa biết thì ngày hôm qua cộng đồng mạng đã có 1 phen “rần rần” khi Trấn Thành tung ảnh chụp các tờ giấy sao kê ngân hàng đợt các mạnh thường quân chuyển vào quyên góp từ thiện. Cũng trong dòng thời sự này, có một số nghi vấn cho rằng khi tải các bức ảnh trên về thì kiểm tra EXIF có hiện ngày giờ và thiết bị chụp, nhưng so với Modified Date bên trong mục Properties của bức ảnh thì lại hiển thị thời gian khác, chứng tỏ đây đã được chỉnh sửa/ghép lại?
Vậy thực hư thế nào, EXIF và Modified Date có liên quan gì nhau không?
Đầu tiên chúng ta cần hiểu định nghĩa những thứ dưới đây:
EXIF: là từ viết tắt của Exchangeable Image File Format, hay có thể gọi là định dạng file ảnh có thể chuyển đổi). Khi một bức ảnh được chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số hay điện thoại, tập tin ảnh JPEG (hoặc HEIC hoặc DNG…) sẽ được ghi vào trong thẻ nhớ/bộ nhớ của camera đó. Và trong file ảnh này, EXIF cũng được bao gồm vào.
Dựa vào EXIF ta có thể biết được ngày giờ bức ảnh được chụp, thông số tùy chỉnh trong camera như ISO, khẩu độ, tốc độ màn trập, flash có đang bật không, địa điểm bức ảnh đó chụp ở đâu (nếu có cho phép tag định vị GPS). Như vậy, tóm gọn lại, EXIF là thứ “chân thật” nhất vì nó thể hiện đúng những gì ghi chép ngay trên thiết bị chụp.
Created và Modified Date: Đây là cách mà hệ điều hành máy tính (hoặc điện thoại) ghi chép lại tình trạng của 1 tập tin hay thư mục. Ví dụ, khi bạn chép bức ảnh từ thẻ nhớ vào máy tính lúc 1 giờ chiều, máy tính của bạn sẽ ghi nhận tập tin này được “viết” (Create) vào ổ cứng lúc 1 giờ chiều. Khi bạn mở xem, hoặc di chuyển nó sang thư mục khác, mọi thứ lại được thay đổi theo một phân vùng mới trên ổ cứng và lúc này Modified Date cũng sẽ thay đổi mà không nhất thiết đó có nghĩa là bạn đã chỉnh sửa ảnh bằng các phần mềm hậu kỳ.
Nói cách khác, Created và Modified Date giống như cuốn nhật ký ghi lại hành trình chiếc tập tin đó “lưu thông” và chỉ được tính từ khi nó được ghi lên ổ cứng/bộ nhớ của máy bạn.
Và mình đã thử dùng một bức ảnh của mình, chụp vào lúc 14:19 ngày thứ 2 (06/09/2021) làm ví dụ. Đầu tiên mình tải nó lên Google Drive vào khoảng tầm 12:00 trưa nay (08/09/2021) và ảnh chưa qua chỉnh sửa gì cả. Lúc này thời gian đã bị thay đổi (create và modify) theo ổ cứng cloud của Google, nên hiển thị thành ngày giờ của hôm nay. Khi mình share link cho đứa em của mình tải về máy tính, bức ảnh này một lần nữa lại bị create và modify thêm 1 lần theo mốc thời gian được ghi vào máy tính của em mình.
Chuyện này nếu lập lại, em mình tiếp tục dùng bức ảnh đó up lên Google Drive riêng của em và mình lấy từ đó tải về xem thì kết quả nhận được là máy tính của mình sẽ ghi mốc thời gian mới hoàn toàn. Modified Date bỗng dưng lại thành 10:40pm tối hôm qua (07/09/2021), vậy thời gian này ở đâu mà ra?
Nói vui theo phim ảnh thì dòng thời gian đã bị phá vỡ do hình thành nhiều “vũ trụ” khác nhau. Và dò theo thời gian của Created và Modified của một tập tin đã đi qua nhiều đầu thì không khác gì bạn đang tìm 1 thực thể trôi lơ lửng đâu đó trong dòng thời gian của đa vũ trụ đâu. Thời gian hiển thị trong Properties lúc này có thể đúng, có thể sai, có thể nhảy trước cả ngày nước. Cách ghi nhận thời gian của mỗi hệ thống, mỗi hệ điều hành đều có sự khác nhau.
Tham khảo theo trang OrganizingPhotos.net có nói, sự sai lệch về ngày có nhiều nguyên nhân:
– Thiết lập ngày giờ trên thiết bị không đúng
– Ngày giờ trên thiết bị chụp bị reset khi bạn thay pin (cái này chỉ áp dụng với máy ảnh)
– Nếu dùng nhiều máy ảnh, có thể bị sai lệch thời gian và thông tin khi sync vào.
– Khi bạn lấy một bức ảnh được in rồi, đem bỏ vào máy scan để thành file ảnh kỹ thuật số trong máy tính, lúc đó thời gian cũng ghi nhận theo lúc bức ảnh được tạo ra từ máy scan.
– Và cuối cùng, khi bạn tải, giải nén bức ảnh đó từ bất cứ đâu (thậm chí là Internet) thì thời gian cũng sẽ không chính xác nữa (metadata bên trong EXIF đã bị can thiệp hoặc thậm chí là loại bỏ).
Nói tóm lại, nếu muốn biết thực hư 1 bức ảnh được chụp khi nào, hãy nhìn vào EXIF sẽ cho kết quả chuẩn xác nhất. Tuy nhiên, đừng lấy EXIF để so với Modified Date và nghĩ rằng nó đã bị chỉnh sửa, nhất là khi bức ảnh đó đã được tải qua nhiều thiết bị và không gian lưu trữ khác nhau, chẳng khác nào như Multiverse of Madness cả.
Tuấn Lê