Bạn đã từng nghe qua màn hình LCD – một thuật ngữ khá phổ biến không chỉ ở tivi, laptop mà còn có trên smartphone hay chưa? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn chi tiết hơn màn hình LCD là gì, có gì nổi bật và có trên những thiết bị nào nhé!
1. Màn hình LCD là gì?
Màn hình tinh thể lỏng LCD (Liquid Crystal Display) được cấu tạo nên bởi các tế bào (các điểm ảnh) chứa tinh thể lỏng với khả năng thay đổi tính phân cực của ánh sáng và thay đổi cường độ ánh sáng truyền qua khi kết hợp với các loại kính lọc phân cực.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì LCD chính là công nghệ dùng đèn nền để tạo ánh sáng chứ không tự phát sáng được.
Màn hình LCD hay còn gọi là màn hình tinh thể lỏng
2. Cấu tạo của màn hình LCD
Cấu tạo của màn hình LCD gồm 6 lớp xếp chồng lên nhau:
(1) Kính lọc phân cực thẳng đứng có tác dụng lọc ánh sáng tự nhiên khi vào
(2) Lớp kính có điện cực ITO
(3) Lớp tinh thể lỏng
(4) Lớp kính có điện cực ITO chung
(5) Kính lọc phân cực nằm ngang
(6) Gương phản xạ, tác dụng phản xạ lại ánh sáng với người quan sát
Vốn dĩ màn hình LCD hiển thị màu sắc nhờ vào những điểm ảnh chứa tinh thể lỏng có thể thay đổi màu sắc và cường độ ánh sáng.
Màn hình LCD gồm 6 lớp xếp chồng lên nhau
Những điểm này hiển thị màu sắc theo quy tắc phối màu phát xạ từ 3 màu lam, lục và đỏ, bật tắt liên tục để tạo ra một điểm màu, tập hợp nhiều điểm màu cho ra một hình ảnh hiển thị trên màn hình LCD.
Những điểm ảnh hiển thị màu sắc theo quy tắc phối màu phát xạ
3. Nguyên lý hoạt động của màn hình LCD
Màn hình LCD hoạt động dựa trên nguyên tắc ánh sáng nền, bao gồm một lớp chất lỏng nằm giữa 2 lớp kiếng phân cực ánh sáng. Đèn nền có vai trò cung cấp nguồn sáng phía sau màn hình. Ánh sáng này bị phân cực, hay có thể hiểu là chỉ một nửa ánh sáng chiếu qua lớp tinh thể lỏng. Các tinh thể lỏng này được tạo thành từ một phần chất rắn, một phần chất lỏng và có thể “xoắn” khi dòng điện chạy qua. Các tinh thể lỏng sẽ chặn ánh sáng phân cực khi chúng tắt, nhưng lại phản xạ các loại ánh sáng đỏ, lục hoặc lam khi được kích hoạt.
Cách thức hoạt động của màn hình LCD
Nhìn chung, nói một cách dễ hiểu, LCD sử dụng đèn nền và các pixel được bật và tắt điện tử trong khi các tinh thể lỏng để xoay ánh sáng phân cực, từ đó có thể tạo ra hình ảnh.
4. Các loại màn hình LCD
– TN
Màn hình TN (Twisted Nematic) là loại màn hình được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất LCD. TN thường rẻ hơn và cung cấp thời gian phản hồi tuyệt vời, rất lý tưởng để chơi game có nhịp độ nhanh. Thời gian phản hồi của các tấm TN hiện tại có thể đạt mức thấp nhất là 1ms. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của nó là có khả năng tái tạo màu sắc, góc nhìn và tỷ lệ tương phản kém nhất so với bất kỳ công nghệ màn hình LCD hiện đại nào.
Tấm nền TN
– IPS
IPS (In Plane Switching) được coi là công nghệ LCD tổng thể tốt nhất nhờ vào chất lượng hình ảnh, độ chính xác màu sắc và góc nhìn. Chúng rất phù hợp cho thiết kế đồ họa và các ứng dụng khác đòi hỏi khả năng tái tạo màu sắc nhất quán và chính xác. Màn hình IPS mang đến góc nhìn tốt nhất so với bất kỳ công nghệ nào của LCD hiện nay, với góc nhìn rộng lên đến 178 độ.
IPS được xem là công nghệ LCD tổng thể tốt nhất
– VA
Công nghệ VA (Vertical Alignment) mang lại khả năng tái tạo màu tốt hơn và góc nhìn rộng hơn so với TN, nhưng lại có thời gian phản hồi chậm hơn. Chúng cũng cho góc nhìn lớn và khả năng tái tạo màu sắc tốt, mặc dù không bằng IPS. Thời gian phản hồi của VA thường kém hơn so với TN hoặc IPS và đã có báo cáo về một số tấm nền VA bị độ trễ đầu vào, vì vậy công nghệ VA thường không phải là lựa chọn tốt nhất để chơi game tốc độ nhanh.
So sánh công nghệ VA và IPS
– AFFS
Được gọi là chuyển mạch trường rìa (FFS) cho đến năm 2003, AFFS – Công nghệ chuyển đổi trường rìa tiên tiến – tương tự như IPS hoặc S-IPS đều mang lại hiệu suất vượt trội và gam màu với độ sáng cao. Sự thay đổi màu sắc và độ lệch do rò rỉ ánh sáng được khắc phục bằng cách tối ưu hóa gam trắng, giúp tăng cường tái tạo màu trắng/xám. Ưu điểm của công nghệ này là có khả năng tái tạo màu vượt trội hơn so với màn hình IPS.
– Màn hình ma trận chủ động và thụ động
+ Màn hình ma trận chủ động có thể thay thế lưới điện cực điều khiển bằng loại ma trận transistor phiến mỏng (Thin film transistor, TFT LCD) với thời gian đáp ứng nhanh và chất lượng hình ảnh tuyệt vời. Các điểm ảnh được điều khiển độc lập bởi một transistor. Vì được đánh dấu địa chỉ phân biệt nên trạng thái của từng điểm ảnh có thể điều khiển độc lập, đồng thời và tránh được bóng ma thường gặp ở DSTN LCD.
+ Màn hình ma trận thụ động (Dual scan twisted nematic, DSTN LCD) thường đáp ứng tín hiệu khá chậm (300ms) mà lại dễ xuất hiện các điểm sáng xung quanh điểm bị kích hoạt nên không thể tránh khỏi khả năng hình ảnh bị nhòe.
5. Ưu và nhược điểm của màn hình LCD
– Ưu điểm
+ Màn hình LCD cung cấp độ tương phản, độ sáng và độ phân giải cao. Vì vậy, chất lượng hình ảnh hầu như thể hiện được sự trung thực, sắc nét và sống động.
+ Màn hình LCD thân thiện với môi trường và cả sức khỏe của người dùng.
+ Chi phí sản xuất cũng như giá thành không quá cao, áp dụng trong nhiều lĩnh vực và là linh kiện quan trọng cho các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại,…
Màn hình tinh thể lỏng LCD
– Nhược điểm
+ Kích thước dày vì phải đặt đến 3 lớp kính.
+ LCD có hạn chế về mật độ điểm ảnh. Màu sắc hiển thị ngoài trời nắng gắt thường sẽ bị giảm.
+ Màn hình LCD tiêu hao năng lượng nhiều hơn do có sử dụng đèn nền.
6. Màn hình LCD có trên những thiết bị nào?
Như đã đề cập, vì giá thành của màn hình LCD khá rẻ nên nó được áp dụng rộng rãi trên những dòng điện thoại thông minh, máy tính, laptop, máy tính bảng, máy ảnh hay đồng hồ thông minh. Hiện tại, ở Thế Giới Di Động cũng có rất nhiều sản phẩm điện từ có ứng dụng màn hình LCD như trên.
Màn hình LCD có trên nhiều thiết bị điện tử ngày nay
7. Sự khác biệt giữa màn hình LCD và LED là gì?
Xét về mặt kỹ thuật, cả LED (Light Emitting Diode) và LCD đều là màn hình tinh thể lỏng. Cả hai công nghệ này đều có hai lớp kính phân cực, qua đó các tinh thể lỏng vừa chặn và vừa truyền ánh sáng. Vì vậy, có thể nói LED là một tập hợp con của LCD. Tuy nhiên, hai loại màn hình này cũng có sự khác biệt khá rõ ràng:
– LED hay còn gọi là “điốt phát quang”, khác với LCD thông thường ở chỗ LCD sử dụng đèn huỳnh quang trong khi đèn LED sử dụng các điốt phát sáng đó. Bên cạnh đó, màn hình LED chạy với hiệu suất năng lượng cao hơn và có thể cung cấp hình ảnh rõ ràng hơn, đẹp hơn so với LCD thông thường.
– Đèn LED có tuổi thọ cao hơn (khoảng 100.000 giờ) trong khi LCD có tuổi thọ khoảng 75.000 giờ.
So sánh màn hình LCD và LED
– So với LCD thì Đèn LED có chất lượng hình ảnh tốt hơn vì chúng được lắp đặt bánh xe màu RGB, tạo ra hình ảnh sắc nét và trung thực hơn.
– Màn hình LED tiêu thụ ít điện năng hơn. Chúng cũng có thể hoạt động với các nguồn năng lượng thấp và tương thích với máy phát điện và tấm pin mặt trời, khiến chúng tiết kiệm năng lượng hơn từ 20 đến 30% so với LCD.
– Đèn LED sáng hơn và có độ tương phản tốt hơn nên đây hẳn sẽ lựa chọn tuyệt vời để chơi game. Nhưng bù lại, chúng có giá thành đắt hơn nên nếu bạn muốn tiết kiệm thì việc chơi game bằng màn hình LCD cũng chẳng có vấn đề gì cả.
Một số sản phẩm laptop chất lượng đang kinh doanh tại Thế Giới Di Động:
Bài viết trên vừa giới thiệu đến bạn những thông tin về màn hình LCD, hy vọng có thể hữu ích cho bạn. Hẹn gặp lại bạn ở bài viết sau.