Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai sinh năm 1380 ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, Hà Sơn Bình (nay là Thường Tín – Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ năm 1400, ra làm quan dưới thời nhà Hồ. Năm 1407, nhà Hồ mất, ông bị bắt giam lỏng ở thành Đông Quan – Hà Nội, giặc nhà Minh tìm cách mua chuộc và dụ dỗ ông nhưng ông từ chối. Năm 1416 ông tham gia Hội thề Lũng Nhai cùng Lê Lợi tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn, dâng Bình Ngô sách (kế diệt giặc Minh). Chiến thắng nhà Minh, Nguyễn Trãi thảo Bình Ngô đại cáo tổng kết dựng nước và giữ nước, có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập được hậu thế xem là “Thiên cổ hùng văn”…
Lễ dâng hương tại đền thờ Nguyễn Trãi. Ảnh: Báo Hải Dương
Trong những năm 1440 – 1442, Nguyễn Trãi về sống an nhàn tại Côn Sơn với cuộc sống thanh bạch giản dị nhưng vẫn canh cánh bên lòng việc nước. Trong khi đó, vợ ông là bà Nguyễn Thị Lộ vẫn được giữ lại trong triều với chức Lễ nghi học sĩ (dạy các cung tần mỹ nữ trong triều). Thời gian này các phi tần của vua Lê Thái Tông đến 16, 17 tuổi bắt đầu có con, cuộc tranh chấp ngôi Đông cung Thái tử cho con và ngôi Chính cung cho bản thân mình diễn ra quyết liệt. Trong hàng phi tần có ba người được vua Lê Thái Tông yêu hơn cả, là Dương Thị Bí, Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao. Dương Thị Bí vừa sinh hoàng nam Nghi Dân, đứa con trai đầu lòng của vua, đến tháng 1-1440 (sau 3 tháng) thì Nghi Dân được phong Thái tử, Dương Thị Bí được phong Thần phi. Cuối năm 1440, Nguyễn Thị Anh có thai, cuộc tranh chấp trở nên quyết liệt, các phi tần tranh chấp nhau thì các cung nữ hầu hạ các phi tần cũng phe cánh xung đột nhau. Tháng 7-1441, Nguyễn Thị Anh sinh hoàng tử Bang Cơ; tháng 12-1441 Bang Cơ được phong làm Thái tử, Nguyễn Thị Anh được phong làm Thần phi. Nghi Dân bị giáng xuống làm Lạng Sơn Vương, Dương Thị Bí bị giáng xuống làm Thứ phụ (một người phụ nữ bình thường không có chức tước gì). Khi đó, Ngô Thị Ngọc Dao bắt đầu mang thai và có tin đồn đại trong triều là Ngọc Dao nằm mộng thấy “Kim đồng thiên tử” giáng sinh, tất sinh quý tử. Nguyễn Thị Anh tìm cách trừ khử Ngô Thị Ngọc Dao. Nghe lời Nguyễn Thị Anh gièm pha, vua Lê quyết định đem Ngọc Dao đi đày ở vùng đất xa kinh thành.
Lúc này Nguyễn Trãi được mời từ Côn Sơn ra kinh đô để làm Giám khảo khoa thi Tiến sĩ năm 1442. Có mặt tại triều đình trước việc xử lý bất công với Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, ông không thể làm ngơ. Để bảo vệ đứa trẻ còn trong bụng mẹ và cứu một người đàn bà vô tội, ông đề nghị vua xem xét lại việc này vì lý do không chính đáng. Vua Lê Thái Tông nghe theo, không bắt Ngô Thị Ngọc Dao đi đày mà trục xuất ra khỏi hoàng cung. Bà Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi che chở Ngọc Dao, giúp bà an toàn “mẹ tròn con vuông”. Ngày 20-7 năm Nhâm Tuất (1442), Ngọc Dao sinh con trai, nghe tin vua Lê Thái Tông rất mừng, đặt tên con là Tư Thành (tức Lê Thánh Tông sau này). Tin này làm cho Thần phi Nguyễn Thị Anh rất lo lắng và căm hờn Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Thị Anh rắp tâm trả thù và tìm cách trừ hậu họa cho con mình nhưng chưa tiện vì Lê Thái Tông đi vắng.
Ngày 27-7 âm lịch (1442), Lê Thái Tông xa giá rời kinh thành, đi lên miền đông duyệt binh tại Chí Linh. Chí Linh gần Côn Sơn, Nguyễn Trãi có mặt ở đó. Côn Sơn là một thắng cảnh đẹp vua chúa thường tới du ngoạn. Sau khi ở thăm Côn Sơn, Lê Thái Tông cùng đoàn hộ giá đi đường sông về kinh thành, bà Nguyễn Thị Lộ vẫn đi theo đoàn hộ giá. Ngày 4-8 âm lịch (1442) vua về đến Trại Vải bên bờ sông Thiên Đức (sông Đuống) thì ở lại. Trại Vải tức Lệ Chi Viên ở thôn Đại Lại nay thuộc xã Tân Lập, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Vua Lê Thái Tông lên cơn sốt nặng và mất ngay đêm đó, tại nơi ấy có mặt cả bà Nguyễn Thị Lộ cùng các phi tần, cung nữ. Vua chết, Thái tử còn nhỏ tuổi thì lâm thời mọi việc đều do mẹ Thái tử quyết định, đó là Thần phi Nguyễn Thị Anh.
Đền thờ Nguyễn Trãi. Ảnh: Internet
Cái chết của vua Lê Thái Tông có nhiều điều trắc ẩn mơ hồ… Có người cho rằng nhà vua chết do bệnh “thượng mã phong” khi ân ái với bà Nguyễn Thị Lộ. Ở góc độ tìm hiểu nhìn nhận vấn đề, tác giả bài viết xin có đôi điều kiến giải:
Thứ nhất, theo Đại Việt sử ký toàn thư thì bà Nguyễn Thị Lộ sinh năm 1400, được tiến cung làm Lễ nghi học sĩ khi bà ngoài 20 tuổi. Năm 1433 Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi lúc 11 tuổi. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho mời bà vào cung ban chức Lễ nghi học sĩ và ở cương vị này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen là: “Nguyễn Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước”, được Lê Thái Tông xem như bảo mẫu của mình. Năm 1442, nhà vua chỉ mới 21 tuổi và bà Nguyễn Thị Lộ đã ngoài 40 tuổi nên khó có thể xảy ra chuyện ân ái giữa hai người, trong khi đó đi tháp tùng hộ giá vua lên đến hàng chục cung nữ trẻ cùng có mặt với bà Nguyễn Thị Lộ.
Thứ hai, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi Nguyễn Trãi sắp bị tử hình ông có nói là do không nghe lời khuyên của Đinh Thắng và Đinh Phúc đã tiết lộ âm mưu của Nguyễn Thị Anh để tự bào chữa cho mình, nên ngày 9 tháng 9 (âm lịch), tức gần một tháng sau khi Nguyễn Trãi bị giết hai hoạn quan trên cũng bị giết. Nguyễn Thị Anh giết chết Đinh Thắng, Đinh Phúc để trấn áp những kẻ làm tiết lộ sự thật, Đinh Thắng, Đinh Phúc là hai hoạn quan thân cận với vua Lê Thái Tông cùng đoàn tháp tùng thức đêm cùng vua khi Lê Thái Tông đang lên cơn sốt nặng rồi mất”.
Như vậy, những người có lương tri và những người đi hộ giá theo hầu Lê Thái Tông trong cuộc tuần du biết rõ cái chết của vua, nhưng không ai dám nói rõ sự thật vì sợ khép vào tội đồng lõa giết vua, còn Nguyễn Trãi có bào chữa cũng không thể được, vạch mặt Nguyễn Thị Anh và bọn nịnh thần chỉ làm liên lụy thêm người khác. Ngày 16-8 năm Nhâm Tuất (19-9-1442) Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng gia đình thân thuộc đều bị giết.
Đọc lại vụ án Lệ Chi Viên xin dẫn câu kết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về người anh hùng của dân tộc Nguyễn Trãi trên Báo Nhân Dân số 3099, ngày 19-9-1962: “Đối với triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, sau khi bốn biển đã yên lặng, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá! Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị tru di ba họ là ở đó”.
Võ Trần Lâm
–
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước – NXB QĐND, Hà Nội 1973.
2. Danh nhân Lịch sử Việt Nam – Tập 1- NXB Giáo dục 1988.
3. Nguyễn Trãi dâng kế Bình Ngô – NXB Kim Đồng 1995.
4. Thử xét lại cái án của Nguyễn Trãi – Tập san nghiên cứu Sử – Địa của Lê Thước.
5. Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sỹ Liên.