Pháp nhân (Legal entity)
Định nghĩa
Pháp nhân trong tiếng Anh là Legal entity. Pháp nhân có thể hiểu là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lí độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo qui định của pháp luật.
Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác.
Điều kiện để một tổ chức có tư cách pháp nhân
Một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đủ 4 điều kiện sau:
(1) Được thành lập theo qui định của pháp luật
– Theo như định nghĩa thì rõ ràng pháp nhân không phải là một người (một cá nhân) mà phải là một tổ chức.
– Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập.
– Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.
(2) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
Theo điều 83 Bộ luật dân sự 2015, pháp nhân phải là một tổ chức có cơ cấu quản lí chặt chẽ:
“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được qui định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo qui định của pháp luật.”
Như vậy một tổ chức muốn trở thành pháp nhân phải có điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải có qui định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành pháp nhân.
(3) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó, nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.
Chú ý
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì không có tài sản độc lập với chủ doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình).
(4) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập
Vì pháp nhân là một tổ chức độc lập, được quyền giao dịch, xác lập quyền và nghĩa vụ nên bắt buộc nó có thể tự nhân danh chính mình.
Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật.
(Tài liệu tham khảo: Bộ luật Dân sự 2015)