Liệt vận động sau tai biến mạch máu não (Autosaved) – Vinmec

Liệt đồng đều là gì

Liệt vận động không chỉ đơn thuần làm giảm hoặc mất khả năng vận động của người bệnh, nó còn kéo theo rất nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hồi phục của các đối tượng này, nổi bật như:

  • Bán trật khớp vai: 84% người bệnh bị đau và hạn chế vận động khớp vai sau tai biến mạch máu não bởi bán trật khớp vai, co cứng – cứng khớp vai, viêm quanh khớp vai. Trong đó bán trật khớp vai là tình trạng phổ biến nhất trong nhóm bệnh lý khớp vai ở bệnh nhân tai biến.

Bình thường, khớp vai có tầm vận động lớn hơn các khớp khác trên cơ thể, vì vậy để đảm bảo linh hoạt và ổn định của khớp, đòi hỏi có sự kết hợp tốt của hệ thống xương, dây chằng, và cơ. Khi bệnh nhân bị tai biến, đặc biệt là trong giai đoạn liệt mềm, các cơ vùng quanh khớp vai và hệ thống cơ chi trên bị yếu, kèm theo sức nặng của chi trên làm khớp vai bị lỏng lẻo và trật ra ngoài ổ khớp bán phần hay hoàn toàn, từ đó gây đau, hạn chế tầm vận động khớp và làm chậm hồi phục vận động tay.

Để phòng tránh bán trật khớp vai sau tai biến, người bệnh cần được đeo đai treo vai khi không ở tư thế nằm, và khi chăm sóc không được lôi, kéo tay bị liệt. Tại đơn vị phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ được đánh giá nguy cơ bán trật khớp, tập các bài vận động theo tầm vận động khớp, kèm theo là các phương pháp vật lý trị liệu để làm giảm đau khớp vai, tăng cường tuần hoàn cho vùng cơ quanh khớp, kích thích cơ vùng quanh khớp nhằm tăng cường sức mạnh cơ như biện pháp siêu âm khớp, điện xung kích thích cơ, điện xung giảm đau…

  • Viêm phổi: Tỷ lệ viêm phổi ở bệnh nhân tai biến có thể gặp từ 6-22%, thường liên quan đến vấn đề rối loạn nuốt, ăn sặc. Tuy nhiên ở các bệnh nhân liệt vận động, nằm lâu, cơ hô hấp yếu có thể dẫn đến viêm phổi hoặc làm viêm phổi nặng hơn, làm chậm thời gian hồi phục, tăng nguy cơ tử vong.
  • Huyết khối tĩnh mạch: Bình thường, hệ thống tĩnh mạch chi dưới muốn hoạt động tốt cần nhờ vào sự vận động các cơ ở chân, giúp đẩy máu trong hệ thống tĩnh mạch về tim được tốt hơn. Ở bệnh nhân bị liệt vận động, hoạt động này không được diễn ra một cách bình thường do cơ bị yếu hoặc mất vận động, làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông trong hệ thống tĩnh mạch, gây tắc mạch chi, từ đó dẫn đến phù chân, đau, hoặc có thể dẫn đến tắc mạch phổi và tử vong.

Đây là một biến chứng nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, để giảm nguy cơ tắc mạch và giảm nguy cơ tử vong do tắc mạch, tăng cường vận động bên liệt là một trong các yếu tố bắt buộc, ngay từ khi bệnh nhân còn trong giai đoạn cấp ở đơn vị cấp cứu.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị teo cơ, cứng khớp, loãng xương do liệt vận động sau tai biến mạch máu não. Các thương tật thứ cấp này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm chậm khả năng hồi phục của người bệnh, và tăng nguy cơ tàn tật ở người bị tai biến.