Khái niệm “Lĩnh Nam” trong lịch sử hiện nay đang được hiểu là phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh, là loạt dãy núi ở vùng ranh giới các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, ngăn cách vùng Lưỡng Quảng với phần lãnh thổ phía bắc của vùng Giang Nam. Ngũ Lĩnh ở đây là đường phân thủy giữa hai con sông lớn là Dương Tử và Châu Giang. Khái niệm này còn dùng chỉ khu vực nước Nam Việt của nhà Triệu trong các cuộc đối đầu thời Tần Hán. Tuy nhiên, đọc kỹ lại cổ thư thì danh từ Lĩnh Nam không hề được sử dụng để nói về vùng này, cũng như không gặp trong thư tịch cổ nói về thời Tần Hán. Tác phẩm Lĩnh Nam chích quái là tập hợp những truyền thuyết Việt từ xa xưa, nhưng trong bộ sách này không có những chuyện ở Lưỡng Quảng mà chỉ có ở khu vực miền Bắc nước ta hiện nay. Vậy Lĩnh Nam đây đâu phải là phía Nam dãy Ngũ Lĩnh ở Quảng Đông Quảng Tây. Lĩnh Nam là chỉ khu vực miền Bắc Việt mới đúng. Lĩnh Nam là địa danh gặp ở ngay dòng đầu tiên trong truyền thuyết dựng nước của người Việt. Truyện họ Hồng Bàng: Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam, đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái của Vụ Tiên, rồi trở về sinh ra Lộc Tục.Ngọc phả Hùng Vương (bản năm Thiên Phúc nguyên niên, thời Lê Đại Hành) chép: Sử ký Việt Nam. Thời thượng cổ là Giao Chỉ, đổi thành động Xích Quỷ, tên là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương nhận vị từ ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tuất, tuân mệnh đi tuần ở núi Ngũ Lĩnh, gọi là động Bạch Hổ Vân Nam.Lĩnh Nam là nơi Kinh Dương Vương lên ngôi trị vì (Đế Minh phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam). Bản Ngọc phả Hùng Vương thời Hồng Phúc còn cho biết trong 15 bộ của nước Văn Lang thì bộ thứ 14 là “Ngũ Lĩnh sơn Vân Nam“. Như thế danh từ “Lĩnh Nam” trong huyền sử Việt chính xác phải là Ngũ Lĩnh Vân Nam, chỉ khu vực vùng núi phía Bắc nước ta ngày nay. Vị trí của Ngũ Lĩnh Vân Nam này được mô tả đầy đủ trong Ngọc phả Hùng Vương (bản thời Hồng Phúc):Vua [Kinh Dương Vương] bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, theo từ động núi Ngũ Lĩnh Vân Nam đại quốc, tiếp gặp Ải Môn Ngưỡng Đức thủy hồng, như hình chữ Bát. Xuyên núi thấu mạch dẫn tới Cao Bình, Lạng Sơn, Càn Hải chín châu. Các núi cao vút, bỗng nổi lên thành ba ngọn núi [Tam Đảo], rồng trắng giáng khí ở châu Thái Nguyên, chợ trời bàn đá [Thiên Thị Thạch Bàn], nước chảy khe trên, ngược núi ngược sông, mạch dẫn liên miên…Vùng Ngũ Lĩnh Vân Nam ở gần các dãy núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Tam Đảo, Thái Nguyên như thế là chỉ khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam ngày nay, chạy dọc theo dãy núi Hoàng Liên Sơn từ Vân Nam tới ngã ba Việt Trì, tức là quãng các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang ngày nay. Việc định vị dãy Ngũ Lĩnh trong cổ sử Việt thành ra dải núi ở phía Bắc Quảng Đông Quảng Tây dẫn đến sai lệch hoàn toàn nguồn gốc xuất phát của người Việt. Với cách hiểu này người ta đã biến thời điểm lập quốc họ Hùng của Đế Minh và Kinh Dương Vương thành ra vương quốc Lĩnh Nam mới chỉ hình thành vào thời Tần Hán khi mà nhà Tần dẫn quân đánh phương Nam và Triệu Đà lập nước Nam Việt.
Vị trí Lĩnh Nam trong sử Việt và các quận phía Nam thời Tần.
Xem xét tất cả các thư tịch về thời Tần Hán cũng đều không hề thấy nói tới từ Lĩnh Nam như sự gán ghép trên. Tư liệu thường được trích dẫn khi nói về cuộc tấn công của nhà Tần xuống phương Nam là đoạn chép trong sách Hoài Nam tử, phần Nhân gian huấn:Vua Tần chiếm 6 nước, xem truyện này như sau: “Nhà Tần vong, tại sao vậy?”. Nguyên nhân là sai Mông Công và tướng Tương Ông Tử xây sửa thành. Phía Tây chiếm Lưu Sa, phía Bắc đánh sông Liêu, phía Đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của trong nước phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo. Một đạo đóng ở vùng Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở chỗ hiểm yếu Cửu Nghi, một đạo đóng ở đô thành Phiên Ngung, một đạo đóng ở nơi biên giới Nam Dã, một đạo đóng ở sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp giãn nỏ. Sử Giám Lộc không tìm được hướng đi mới sai lính đào kênh để chuyển binh lương đánh người Việt, giết thủ lĩnh Tây Âu là Dịch Hu Tống.Đoạn trích trên cho dù đã mô tả rất kỹ cuộc tấn công của Tần xuống phía Nam, nhưng không hề gọi vùng đó là Lĩnh Nam. Địa danh được nhắc tới ở đây là Tây Âu, với quân trưởng lúc đó là Dịch Hu Tống. Một đoạn khác về việc Tần đánh phương Nam trong Sử ký Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ: Năm thứ 33, (Tần Thủy Hoàng) đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ. Đoạn Sử ký này cũng không hề nói đến địa danh Lĩnh Nam. Khu vực Tần đánh chiếm ở đây được gọi là đất Lục Lương. Có thể thấy, sự kiện Tần đánh Việt có tới 2 mô tả khác nhau như ở trên. Hoài Nam tử cho biết đây là cuộc tấn công quy mô lớn với 50 vạn quân, chia thành 5 đạo đi theo các hướng khác nhau, do một đại tướng của Tần là Đồ Thư cầm đầu, diệt được vùng Tây Âu. Trong khi đó Sử ký Tư Mã Thiên lại mô tả việc này như một “trò đùa”, Tần Thủy Hoàng dùng những người lưu vong, ở rể, thương gia, đến lấy đất lập 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng. Sự thật thì không thể có việc chiếm một vùng đất đai rộng lớn như vậy lại dùng đám hỗn quân lộn xộn như thế.Nam Việt Úy Đà liệt truyện thì chép: Thời Tần đã hợp nhất thiên hạ, chiếm lấy Dương Việt đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng, đưa những người bị đi đày đến ở cùng người Việt, được 13 năm.Đọc kỹ đoạn này ta thấy việc Tần Thủy Hoàng đưa người bị đi đày đến 3 quận trên đất Việt là để “sống cùng với người Việt” bản địa, chứ không phải việc tiến quân đánh chiếm. Việc dời dân đến 3 quận này hoàn toàn khác với việc Đồ Thư dẫn 50 vạn quân đánh phương Nam ở trên. Sự kiện Đồ Thư dẫn quân Tần đánh qua đất Tây Âu như thế phải là một sự kiện khác, xảy ra trước thời Tần Thủy Hoàng. Thực ra, nó xảy ra dưới thời Tần Chiêu Tương Vương, hay cuối thời Chu Noãn Vương.Thiên Nam ngữ lục có đoạn thơ kể về chuyện của Lý Ông Trọng vào thời điểm như sau:
Kể từ Hùng tổ trị dân Lên ngôi sánh với thánh nhân Đào Đường Tới nay Chu mạt Noãn Vương Ông cha con cháu giữ giàng trị dân… Ấm bao nhiêu, rét bấy nhiêu Vườn Chu ải giậu, Tần trèo đãng hoa.
Chu Noãn Vương bị Tần diệt năm 256 TCN, cũng là lúc có Lý Ông Trọng là người Việt làm quan cho nhà Tần. Như thế Tần chiếm đất Việt đã là từ lúc này, chứ không phải tới mấy chục năm sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi. Sự kiện Tần đánh Việt được huyền sử Việt chép bằng câu chuyện Thục An Dương Vương đánh và nhận ngôi vị của Hùng Vương. Tần lúc này đã chiếm vùng đất Thục, hoặc chính gốc Tần là ở đất Thục nên Thục cũng chính là Tần. Thục tiếng Việt nghĩa là Chín (đồ chín). Còn Tần cũng được đọc là Chin(a) trong tên gọi tiếng Anh cho Trung Quốc ngày nay. Miền đất Việt đã bị quân Tần do Đồ Thư, Sử Lộc xâm chiếm vào năm 256 TCN. Tới thời Tần Thủy Hoàng, thống nhất các nước chư hầu, cho thiết lập chế độ quận huyện trên toàn quốc thì mới có sự việc di dân đến 3 quận ở phía Đông đất Việt (Dương Việt). Khả năng những người dân được di cư đi từ vùng đất Âu Lạc mà Tần đã chiếm trước đó, sang vùng đất cảu 3 quận bên cạnh.Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 34, đem đày những quan coi ngục không thanh liêm đi xây Trường Thành cùng với đất Nam Việt.Rõ ràng mục đích di dân ở đây là để xây dựng cho nhà Tần, chứ không phải đánh chiếm đất đai của nước khác. Cũng chính trong việc đưa ly dân đi làm xây thành đắp đường này mà đã làm nảy sinh cuộc khởi nghĩa của Triệu Đà như được kể tới trong thần tích về Triệu Vũ Đế ở Chân Định – Kiến Xương:Năm thứ 44 thời An Dương Vương, kỷ nhà Thục (Tần Thủy Hoàng năm 33) nhà Tần sai Hiệu úy Sử Lộc đem thuyền chở quân sĩ đào ngòi vận chuyển lương thực thâm nhập vùng Lĩnh Nam, chiếm đất Lục Lương đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận, cho Nhâm Hiêu làm Nam Hải úy, Đế [Triệu Đà] làm Long Xuyên lệnh (tức huyện Nam Hải), đem bọn bị biếm trích đến đóng ở Ngũ Lĩnh (năm ấy Đế 31 tuổi).Triệu Đà là một huyện lệnh nhỏ ở Long Xuyên đã đưa dân phu đi xây dựng ở vùng Ngũ Lĩnh, tức là vùng núi Hoàng Liên Sơn ngày nay. Sau đó Triệu Đà cùng dân phu bỏ trốn, lên núi Vũ Ninh (Châu Sơn) ở Bắc Ninh, để ẩn náu, chống lại nhà Tần.Hoài Nam tử kể: … Vì vậy người Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Họ chọn người tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn. (Tần) Bèn cử người đến đóng giữ. Người tuấn kiệt được chọn làm thủ lĩnh kháng Tần lúc này chính là Triệu Đà, người mà ngay sau khi Tần Thủy Hoàng mất đã chiếm lại toàn bộ vùng đất phương Nam gồm quận Long Xuyên và 3 quận Tần đã lập ra trên đất Việt là Quế Lâm, Nam Hải và Tượng. Có một điểm liên quan đến sự kiện di dân dưới thời Tần Thủy Hoàng trên đất Việt là câu cuối trong đoạn trên. Nguyên văn trong Hoài Nam tử là: 乃發適戍以備之 Nãi phát trích thú dĩ bị chi. Tương tự, Tần Thủy Hoàng bản kỷ đoạn này cũng viết: 以適遣戍 Dĩ thích khiển thú. Hiện câu này đang được dịch nghĩa là: đưa những người bị biếm trích đến đóng giữ.Tuy nhiên chữ dùng ở đây không phải là Trích 謫 (trong “biếm trích”), mà là Thích 適. Chữ Thích 適 này có nghĩa chính là: Con gái xuất giá. Như: “thích nhân” nghĩa là con gái về nhà chồng. Hay nghĩa như trong từ “thân thích”.Dĩ thích khiển thú do đó có thể hiểu là: dùng người bên nhà rể để đóng giữ. Thật bất ngờ khi hiểu tư liệu theo nghĩa dịch này lại trùng khớp với sự tích Lý Ông Trọng ở Việt Nam. Lý Thân được Tần Thủy Hoàng gả con gái là Bạch Tĩnh Cung công chúa cho. Sau đó Lý Thân được cử đi trấn thủ người Hồ ở đất Lâm Thao. Lâm Thao có thể tương đương nghĩa với Lâm Ấp hay Lĩnh Nam. Trị sở của khu vực mà Lý Ông Trọng trấn thủ là tại vùng đất Bắc Việt ngày nay.
Nghi môn trong đền Cổ Loa.
Khi đã xác định Thục chính là Tần thì suy ra thành Cổ Loa của Thục An Dương Vương là trị sở được nhà Tần xác lập trên vùng đất Việt. Người cầm đầu khu vực phương Nam lúc đó là Lý Thân, con rể của Tần Thủy Hoàng. Hiện trong đền Cổ Loa vẫn còn tượng và tục thờ Lý Ông Trọng, xác chứng thêm cho nhận định này. Câu đối ở đình Chèm, là đền thờ Lý Ông Trọng còn nói tới liên quan giữa Lý Ông Trọng và nhà Tần sau khi thống nhất lục quốc: 六合銷兵想見雄威驚絶域 千秋遺廟疑然正氣障狂瀾Lục hợp tiêu binh, tưởng kiến hùng uy kinh tuyệt vựcThiên thu di miếu, nghi nhiên chính khí chướng cuồng lan.Dịch:Sáu nước tan binh, oai hùng nhớ thấy khiếp biên cõiNghìn thu để miếu, chính khí như còn chặn sóng hung.