Lộc Ninh – địa chỉ đỏ du lịch về nguồn

Lộc Ninh – địa chỉ đỏ du lịch về nguồn

Lộc ninh ở đâu

Trên địa bàn huyện Lộc Ninh hiện có 12 di tích được công nhận và xếp hạng, chiếm hơn 50% tổng số di tích trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó, có 2 Di tích Quốc gia đặc biệt, 5 Di tích Quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có 9 di tích thuộc danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng.

50 năm sau ngày giải phóng, huyện biên giới năm xưa nay đã vươn mình phát triển với nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực. Đặc biệt, những giá trị và ý nghĩa của các di tích lịch sử vẫn luôn được địa phương gìn giữ, phát huy. Trong đó, rất nhiều địa điểm di tích lịch sử khắc ghi những chiến công oanh liệt, hào hùng và cả những hy sinh, gian khổ của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là những địa chỉ đỏ, có giá trị giáo dục tư tưởng và lòng yêu nước của các thế hệ, đồng thời cũng truyền tải thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta.

Dưới đây là hình ảnh một số di tích lịch sử trên địa bàn huyện Lộc Ninh:

Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (căn cứ Tà Thiết) là Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tà Thiết là nơi đón nhiều đoàn công tác của các địa phương đến tham quan, tìm hiểu. Bồn Xăng – Kho nhiên liệu VK98 ở xã Lộc Quang là công trình quan trọng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đây là một trong những Di tích Quốc gia đặc biệt. Tổng kho nhiên liệu VK98 với 7 bồn chứa xăng, mỗi bồn có chiều cao 3,5 mét, đường kính 10 mét, sức chứa 250.000 lít xăng/bồn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các kho xăng dầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp xăng dầu cho các binh đoàn chủ lực tiến công thần tốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sân bay quân sự Lộc Ninh do Mỹ ngụy xây dựng ở thị trấn Lộc Ninh vào năm 1965 để sử dụng cho việc tiếp tế lương thực, đạn dược và vận chuyển phương tiện chiến tranh tại các mặt trận Lộc Ninh – Campuchia. Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (còn gọi là Nhà Giao tế) được xây dựng từ thời Pháp thuộc, năm 1911 là văn phòng làm việc của Công ty cao su Viễn Đông của tư bản Pháp. Năm 1973, nơi đây đã diễn ra Hội nghị quân sự 4 bên, gồm đại diện phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại diện phái đoàn QĐND Việt Nam, đại diện phái đoàn quân sự Mỹ, đại diện phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng hòa. Hội nghị bàn về việc thực thi các điều khoản đã được ký kết trong Hiệp định Pa-ri. Căn cứ Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam việt Nam giai đoạn 1973 – 1975 (Cục Hậu cần Miền) được thành lập ngày 10/12 /1964, trên cơ sở phát triển Phòng Hậu cần Miền. Đây là đơn vị chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Hiện nay, di tích tọa lạc tại ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp huyện Lộc Ninh. Công trình Nhà bia tưởng niệm và Nhà trưng bày lưu niệm của Cục Hậu cần Miền do Tổng cục Hậu cần – Quân đội nhân đân Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến cán bộ, chiến sỹ Cục Hậu cần Miền trong các giai đoạn từ khi hình thành, phát triển đến khi kết thúc hoạt động tại khu vực Cầu Trắng.