Giới thiệu khái quát huyện Lục Ngạn – Tỉnh Bắc Giang – Vansudia.net

Lục ngạn ở đâu

Giới thiệu khái quát huyện Lục Ngạn

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý:

Lục Ngạn là một huyện miền núi của Tỉnh, nằm trên trục đường Quốc lộ 31, có địa giới hành chính như sau:

– Phía Bắc giáp huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng – Tỉnh Lạng Sơn;

– Phía Tây và Nam giáp huyện Lục Nam – Tỉnh Bắc Giang;

– Phía Đông giáp huyện Sơn Động – tỉnh Bắc Giang.

Trung tâm huyện lỵ cách trung tâm thành phố Bắc Giang 40km, có tổng diện tích tự nhiên là 101.223,72 ha, với 30 đơn vị hành chính được chia thành 2 vùng rõ rệt : Vùng thấp gồm 17 xã và 1 thị trấn, vùng cao gồm 12 xã.

1.2. Địa hình, địa mạo:

Huyện Lục Ngạn là một huyện miền núi địa hình chia cắt thành hai vùng rõ rệt là vùng núi và vùng đồi thấp:

a. Địa hình vùng núi cao: chiếm gần 60% diện tích tự nhiên toàn huyện; bao gồm 12 xã là Sơn Hải, Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp, Phong Minh, Sa Lý, Phong Vân, Kim Sơn, Phú Nhuận, Đèo Gia, Tân Lập, Tân Mộc. Vùng này địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc khá lớn, độ cao trung bình từ 300- 400 m, nới thấp nhất là 170 m so với mực nước biển. Trong đó núi cao độ dốc >250, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên trong vùng và chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên. Vùng này dân cư chủ yếu là các dân tộc ít người, có mật độ dân số thấp, khoảng 110 người/km2, kinh tế chưa phát triển, tiềm năng đất đai còn nhiều, có thể phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả. Trong tương lai có điều kiện phát triển du lịch tại các hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần…

b. Địa hình vùng đồi thấp: bao gồm 17 xã còn lại và 1 thị trấn. Diện tích chiếm trên 40% diện tích toàn huyện. Địa hình có độ chia cắt trung bình với độ cao trung bình từ 80 – 120 m so với mực nước biển. Đất đai trong vùng phần lớn là đồi thoải, một số nơi đất bị xói mòn, thường thiếu nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhưng ở vùng này đất đai lại thích hợp với trồng các cây ăn quả như: hồng, nhãn, vải thiều… Đặc biệt là cây vải thiều, vùng này đã và đang phát triển thành một vùng chuyên canh vải thiều lớn nhất miền Bắc, đồng thời tiếp tục trồng cây lương thực, phát triển công nghiệp chế biến hoa quả. Trong tương lai còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kiểu miệt vườn.

1.3. Đặc điểm khí hậu:

Lục Ngạn nằm trọn trong vùng Đông Bắc Việt Nam nên chịu ảnh hưởng của vùng nhiệt đới gió mùa, trong đó có tiểu vùng khí hậu mang nhiều nét đặc trưng của vùng miền núi, có khí hậu tương tự các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên.

– Nhiệt độ trung bình cả năm là 23,50C, vào tháng 6 cao nhất là 27,80C, tháng 1 và tháng 2 nhiệt độ thấp nhất là 18,80C.

– Bức xạ nhiệt trung bình so với các vùng khí hậu nhiệt đới, số giờ nắng bình quân cả năm là 1.729 giờ, số giờ nắng bình quân trong ngày là 4,4 giờ. Với đặc điểm bức xạ nhiệt như vậy là điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng.

– Độ ẩm không khí trung bình là 81%, cao nhất là 85% và thấp nhất là 72%.

– Gió bão: là vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, vào mùa đông tốc độ gió bình quân 2,2m/s, mùa hạ có có gió mùa đông nam, là vùng ít chịu ảnh hưởng của bão.

Đánh giá chung về điều kiện khí hậu thời tiết có thể thấy Lục Ngạn là vùng có lượng mưa thấp, ít sương muối, mưa xuân đến muộn hơn, ẩm độ không khí không quá cao, lượng bức xạ nhiệt trung bình, đó là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho cây ăn quả (nhất là vải thiều) đậu quả tốt hơn khi ra hoa thụ phấn so với các huyện khác trong tỉnh Bắc Giang .

1.4. Thủy văn:

So với các vùng khác trong tỉnh Bắc Giang, Lục Ngạn thường có lượng mưa thấp hơn.

Theo tài liệu của trạm khí tượng thuỷ văn huyện cho thấy các đặc điểm khí hậu thể hiện như sau:

Lượng mưa trung bình hàng năm 1321mm, lượng mưa năm cao nhất 1780mm tập trung vào các tháng 6,7,8, lượng mưa năm thấp nhất là 912mm, tháng có ngày mưa ít nhất là tháng 12 và tháng 1. Đây là một khó khăn cho phát triển cây trồng và vật nuôi.

1.5. Đặc điểm về thiên tai:

Huyện Lục Ngạn có lượng mưa hàng năm thấp nhất so với các vùng khác trong tỉnh Bắc Giang, là huyện miền núi có diện tích rừng tự nhiên lớn, địa hình dốc từ 8 – 150 có nơi dốc > 250 nên ít bị ảnh hưởng của lũ lụt. Ngược lại do lượng mưa thấp và phát triển thuỷ lợi chưa đồng đều nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của hạn hán đến sự sinh trưởng và năng suất của cây trồng. Sâu bệnh cũng có năm xảy ra ở một vài nơi trong huyện nhưng quy mô tác động nhỏ. Đặc biệt về gió, bão ít chịu ảnh hưởng, động đất cũng chưa xảy ra.

Do đặc điểm thiên tai ít xảy ra nên huyện có nhiều thuận lợi để phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần tăng cường biện pháp thuỷ lợi để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán và chú ý công tác bảo vệ thực vật, phát hiện sâu bệnh sớm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

2. Các nguồn tài nguyên

2.1. Tài nguyên đất

Lục Ngạn có tổng diện tích đất tự nhiên là 101.223,72 ha. Theo kết quả điều tra bổ sung gần đây nhất cho thấy đất Lục Ngạn có 6 nhóm đất chính và 14 nhóm đất phụ sau :

1. Nhóm đất phù sa sông suối có diện tích là 2.148,15 ha, chiếm 2,16% diện tích đất điều tra. Trong nhóm đất này có tới 80% diện tích có thể trồng các cây hoa màu và 20% diện tích đất có thể cấy 2 vụ lúa và 1 vụ màu.

2. Nhóm đất bùn lầy có diện tích 18,79 ha chiếm 0,02% diện tích đất điều tra thổ thưỡng phân bố ở vùng trũng, thường xuyên bị ngập úng. Số diện tích này có thể cải tạo để nuôi trồng thuỷ sản.

3. Nhóm đất Feralít vàng nhạt ở trên núi có độ cao từ 700 – 900m so với mực nước biển có diện tích là 1.728,72 ha chiếm 1,82% diện tích đất điều tra. Nhóm đất này có độ dốc tương đối lớn, tầng dày từ 30 – 100cm thích hợp với phát triển cây lâm nghiệp, cần trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng.

4. Nhóm đất Feralít trên núi, ở độ cao từ 200 – 700m so với mặt nước biển có diện tích 23.154,73 ha, chiếm 24,4% diện tích điều tra, phân bố chủ yếu ở vùng đồi cao, độ dốc lớn, thích hợp với việc phát triển lâm nghiệp. Trong nhóm đất này một số diện tích ở độ cao trung bình trên 200m có thể trồng các loại cây ăn quả lâu năm như: nhãn, hồng, vải thiều.

5. Nhóm đất Feralít ở vùng đồi thấp, ở độ cao từ 25 – 200m có diện tích là 56.878,42 ha, chiếm 59,93% diện tích điều tra. Nhóm đất này thích hợp với việc trồng rừng, trồng các cây công nghiệp và các cây ăn quả như : nhãn, vải thiều, hồng, na, đặc biệt là cây vải thiều cho hiệu quả kinh tế cao.

6. Nhóm đất trồng lúa có diện tích là 5.042 ha, chiếm 4,98% so với diện tích tự nhiên. Nhóm đất này phân bố ở các cánh đồng bằng phẳng và ruộng bậc thang trên các đồi thấp. Đất này có tầng dày khá thích hợp cho việc trồng các cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn, rau. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nhiều nơi đã bị bạc màu.

Lục Ngạn tuy là huyện miền núi nhưng có khoảng hơn 10 ngàn ha đất tương đối bằng có độ dốc từ 0 – 80 chiếm khoảng 10% so với diện tích đất tự nhiên. Đây là một thuận lợi cho việc trồng cây lương thực và hoa màu. Nếu có biện pháp khai thác, cải tạo đất để tăng độ phì, trồng cây lương thực có năng suất cao thì sẽ giải quyết tốt vấn đề lương thực cho nhân dân trong huyện.

Huyện có hơn 30% đất có độ dốc từ 8 – 250, phân bố ở các vùng đồi núi thấp. Đây là một tiềm năng phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều đang có xu hướng phát triển mạnh. Khoảng 60% đất còn lại có độ dốc > 250 phù hợp với phát triển lâm nghiệp và nghề rừng.

Đất đai Lục Ngạn với đặc điểm khí hậu ở vùng nhiệt đới gió mùa. Tuy lượng mưa hàng năm ít hơn so với các vùng khác trong tỉnh Bắc Giang, nhưng có tài nguyên nước mặt ở sông Lục Nam và các hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần có trữ lượng tương đối lớn, nếu được khai thác hợp lý sẽ có điều kiện phát triển nền kinh tế đa dạng theo hình thức nông lâm – công nghiệp và thương mại dịch vụ, du lịch vườn trại trên cơ sở một hệ sinh thái đa dạng của nhiều loại cây rừng, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

2.2. Tài nguyên nước:

Nguồn nước mặt:

Trên địa bàn huyện có sông Lục Nam chảy qua dài gần 45 km từ Đèo Gia xuống Mỹ An đến Phượng Sơn. Nước sông chảy quanh năm với lưu lượng khá lớn. Mức nước sông trung bình vào mùa lũ khoảng 4,5m, lưu lượng lũ lớn nhất: Qmax= 1.300 – 1.400 m3/s, lưu lượng nước mùa kiệt Qmin= 1 m3/s. Ngoài sông Lục Nam còn có nhiều suối nhỏ nằm rải rác ở các xã vùng núi cao.

Ngoài sông Lục Nam, trên địa bàn huyện còn có nhiều suối nhỏ nằm rải rác ở các xã vùng cao, hệ thống ao hồ chứa tương đối nhiều do kết quả hoạt động tích cực của phong trào thuỷ lợi, đắp đập ngăn nước. Hồ Cấm Sơn có diện tích tại địa phương lớn nhất huyện 2.600 ha, hồ Khuôn Thần diện tích 140ha và hàng chục hồ chứa khác với tổng diện tích hàng ngàn ha, cùng với hệ thống sông suối đã cung cấp một lượng nước khá lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nguồn nước ngầm:

Nguồn nước ngầm: hiện tại chưa được điều tra kỹ để đánh giá về trữ lượng nước ngầm nhưng qua khảo sát sơ bộ các giếng ở một số vùng trong huyện cho thấy mực nước ngầm nằm không quá sâu (khoảng 20 – 25 m), chất lượng nước khá tốt, có thể khai thác dùng trong sinh hoạt của các điểm dân cư.

Nhìn chung nguồn nước trong huyện có trữ lượng và chất lượng tương đối tốt, có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, do đặc điểm lượng mưa thấp hơn các vùng khác trong tỉnh nên sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, có năm do hạn hán kéo dài, nhiều hồ đập bị cạn kiệt nước đã gây ảnh hưởng lớn đến thời vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Vì vậy trong tương lai cần phải khảo sát kỹ về trữ lượng nước, có kế hoạch hợp lý, kết hợp với việc bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa khô hạn.

Tóm lại, tài nguyên nước Lục Ngạn ở các sông Lục Nam và hai hồ chứa lớn là Cấm Sơn và Khuôn Thần cùng nhiều hồ, sông suối nhỏ có tiềm năng rất lớn, huyện cần bổ xung hoàn chỉnh hệ thống lấy nước, dự trữ nước một cách hợp lý sẽ phục vụ tốt cho sản xuất nông – lâm nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, đồng thời cần tiến hành thăm dò đánh giá nguồn nước ngầm đi đôi với việc đẩy mạnh công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc để giữ lượng nước mưa.

2.3. Tài nguyên rừng:

Lục Ngạn là huyện miền núi có diện tích lâm nghiệp là 35.817,85 ha, chiếm 35,38% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện.

Trong đó, diện tích đất rừng sản xuất là 16.124,04 ha, chiếm 45,02% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Diện tích đất rừng phòng hộ là 19.693,81 ha, chiếm 54,98% tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện.

2.4. Tài nguyên khoáng sản:

Huyện Lục Ngạn có một số khoáng sản quý như: than, đồng, vàng…, theo tài liệu điều tra tài nguyên dưới lòng đất cho biết: về than các loại có trữ lượng khoảng 30.000 tấn. Quặng đồng có khoảng 40.000 tấn nhưng hàm lượng thấp nên không có ý nghĩa khai thác công nghiệp. Ngoài ra Lục Ngạn còn có vàng sa khoáng nhưng trữ lượng không lớn, một số khoáng sản khác như đá, sỏi, cát, đất sét có thể khai thác để sản xuất các loại vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

2.5. Tài nguyên nhân văn:

Lục Ngạn là huyện miền núi cao, có diện tích 101.223 ha, dân số 204.041 người, gồm 8 dân tộc (trong đó dân tộc Kinh chiếm 51%, các dân tộc khác chiếm 49% như Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cao Lan, Dao, Thái, Ê Đê và Hoa), có 29 xã và 1 thị trấn bao gồm 397 thôn bản được chia thành 2 vùng: Vùng thấp là 17 xã và 1 thị trấn; vùng cao; vùng sâu là 12 xã.

Năm 2006 toàn huyện có 202 làng bản được công nhận làng văn hoá và có 27.226 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá. Nhân dân các dân tộc trong huyện đang tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường, phát triển mạnh kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại tạo nên những vườn cây đặc sản vải thiều, môi trường sinh thái đẹp và có sức hấp dẫn du khách tham quan du lịch sinh thái. Đó là nguồn tài nguyên nhân văn, giàu truyền thống tốt đẹp để phát huy nội lực. Lục Ngạn có khu di tích lịch sử Đền Hả được xếp hạng cấp quốc gia, một di tích xếp hạng cấp tỉnh đồng thời có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng như Hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ Làng Thum có thể đầu tư xây dựng thành các khu nghỉ ngơi du lịch phục vụ nhân dân trong huyện và các du khách trong và ngoài nước.

3. Các nguồn lực về con người

3.1. Dân số :

Năm 2006, dân số trung bình của huyện là 204.041 người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,19%. Trong đó: Nữ có 100.729 người, chiếm 49,37% tổng dân số, có 44.148 hộ gia đình, bình quân mỗi hộ có 4,62 người. Mật độ dân số bình quân 202 người/km2, dân số nông thôn chiếm 96,63% và dân số thành thị 3,37%, điều đó chứng tỏ mức đô thị hoá, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở Lục Ngạn còn ở mức rất thấp.

Dân số phân bố không đồng đều giữa các xã trong huyện. Xã có dân đông nhất là Quý Sơn (15.167 người), Thanh Hải (13.885 người), xã có dân số ít nhất là Sa Lý (2.681 người).

Biểu 1: Quy mô và cơ cấu dân số Lục Ngạn đến năm 2006

Đơn vị: Người

Chỉ tiêu

1996

2000

2006

Tăng trư­ởng BQ (%)

1997-2000

2000-2006

1997-2006

1. Dân số trung bình

168.144

186.389

204.041

2,08

1,83

1,95

+ Thành thị

5.702

6.471

6.886

2,56

1,25

1,90

+ Nông thôn

162.442

179.918

197.155

2,06

1,85

1,96

2. Cơ cấu dân số (%)

100

100

100

– Thành thị

3,39

3,47

3,37

– Nông thôn

96,61

96,53

96,63

3. Phân theo giới tính

168.144

186.389

204.041

2,08

1,83

1,95

– Nam

84.600

92.207

103.312

1,74

2,30

2,02

– Nữ

83.544

94.182

100.729

2,43

1,35

1,89

Nguồn: Niên giám thống kê huyện Lục Ngạn; 2000 – 2006

3.2. Lao động và việc làm:

Nguồn lao động tính đến cuối năm 2006 có 116.620 người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,16% so với tổng dân số. Trong đó lao động tham gia hoạt động tại các ngành 107.272 người, bao gồm: nông lâm thuỷ sản có 92.210 người, chiếm 85,96%, lao động công nghiệp – xây dựng 3.386 người, chiếm 3,16%; lao động dịch vụ là 6.550 người, chiếm 6,11% ngành nghề khác 5.126 người, chiếm 4,78% so với tổng số người có khả năng lao động.

Chất lượng lao động của huyện ngày càng được cải thiện, số lao động qua đào tạo đạt 13,5% vào năm 2006, tăng 3,1% so với năm 2001. Thông qua các chương trình, dự án vay vốn số lao động có việc làm và thời gian lao động ở nông thôn tăng đáng kể (từ 71% năm 2001 đến 78% vào năm 2006). Đây là một con số đáng khích lệ đối với một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang.

Biểu 2: Tình hình phát triển lao động qua các năm

Đơn vị: Người

Chỉ tiêu

2001

2002

2003

2004

2005

2006

LĐ tham gia trong nền KTQD

93.873

95.622

97.416

99.240

101.100

102.970

Số LĐ đ­ược giải quyết việc làm/năm

1.716

1.749

1.794

1.824

1.845

1.870

Số LĐ thiếu việc làm ở NT

26.280

24.860

23.276

21.800

20.200

18.600

Tỷ lệ sử dụng thời gian LĐ ở nông thôn (%)

71

73

75

76

77

78

Tỷ lệ số LĐ đư­ợc đào tạo (%)

10,4

10,9

11,5

12,2

13

13,5

Trong những năm tới, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lao động bán thất nghiệp, lao động nông nhàn cũng gia tăng do số người bước vào tuổi lao động nhiều hơn số người ra khỏi độ tuổi lao động, các hoạt động sản xuất kinh doanh đều hướng vào hiệu quả lao động. Mặt khác, trong khi chưa có sẵn một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, lao động chủ yếu là phổ thông và phần lớn chưa qua đào tạo; sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, áp lực của sự cạnh tranh, của tiến bộ khoa học kỹ thuật,… sẽ đặt ra cho huyện một sự cố gắng lớn trong công tác giải quyết việc làm, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và thu hút nhân tài.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lao động thất nghiệp và bán thất nghiệp hàng năm sẽ gia tăng, khi dân số người bước vào tuổi lao động lớn hơn số người ra khỏi tuổi lao động (do cơ cấu dân số trẻ), và hơn nữa hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều hướng vào việc nâng cao hiệu quả lao động thì số lao động và thời gian nông nhàn sẽ ngày một tăng. Việc làm cho lực lượng lao động dư thừa sẽ trở thành vấn đề lớn nếu không có sự phát triển kinh tế hợp lý cả về tăng trưởng và cơ cấu. Như vậy phát triển sản xuất tạo thêm việc làm cho cả lao động gia tăng, dôi dư và lao động nông nhàn đang là vấn đề quan trọng đặt ra đối với huyện trong tương lai.

Đứng trên giác độ quản lý và sử dụng lao động đòi hỏi huyện phải chú ý trong những năm tới:

– Lục Ngạn chưa có sẵn một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, do vậy sẽ khó khăn trong việc nắm bắt các thành tựu khoa học kỹ thuật mới như tin học, hóa học, sinh học, chuyển giao kỹ thuật … vào sản xuất.

– Trong những năm tới, với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, cùng với các áp lực của cạnh tranh, của tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhu cầu lao động được đào tạo ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải có sự cố gắng lớn của huyện trong lĩnh vực đào tạo và thu hút nhân tài.

4. Đánh giá thực trạng cơ cấu sử dụng đất trong huyện

Theo số liệu thống kê đất đai tính đến thời điểm 01/01/2007 cho thấy:

– Đất nông nghiệp là 63.979,05 ha chiếm 63,21% tổng diện tích đất tự nhiên, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 27,8% (trong đó đất trồng cây hàng năm mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 5,58%; đất trồng cây lâu năm chiếm 22,23%); đất lâm nghiệp chiếm 35,38%, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất nông nghiệp khác chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 0,01%.

– Đất phi nông nghiệp 26.689,96 ha, chiếm 26,37% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó đất chuyên dùng chiếm 18,27%, chủ yếu để phục vụ cho quốc phòng (15,29%), đất ở chiếm 1,66%.

– Đất chưa sử dụng 10.554,71 ha, chiếm 10,43% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện. Trong tương lai cần khai thác diện tích này để đưa vào sử dụng.

Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 cần có kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho nhân dân, bố trí lại cơ cấu sử dụng đất một cách hợp lý, khai thác thêm đất chưa sử dụng để trồng rừng che phủ đất đồi núi và phát triển cây ăn quả. Điều chỉnh một số đất nông nghiệp đang trồng ngô, khoai sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đi đôi với việc cải tạo diện tích trồng lúa để tăng độ phì, đảm bảo nước tưới và áp dụng các giống lúa có năng suất cao để đáp ứng được nhu cầu lương thực.

Biểu 5: Biểu thống kê các loại đất huyện Lục Ngạn đến 01/01/2007

Thứ tự

CHỈ TIÊU

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

TỔNG DIỆN TÍCH ĐẤT TỰ NHIÊN

101.223,72

100,00

1

ĐẤT NÔNG NGHIỆP

NNP

63.979,05

63,21

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

SXN

28.144,83

27,80

1.1.1

Đất trồng cây hàng năm

CHN

5.646,64

5,58

1.1.1.1

Đất trồng lúa

LUA

5.042,00

4,98

1.1.1.2

Đất trồng cỏ dùng cho chăn nuôi

COC

40,00

0,04

1.1.1.3

Đất trồng cây hàng năm còn lại

HNC(a)

564,64

0,56

1.1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

22.498,19

22,23

1.2

Đất lâm nghiệp

LNP

35.817,85

35,38

1.2.1

Đất rừng sản xuất

RSX

16.124,04

15,93

1.2.2

Đất rừng phòng hộ

RPH

19.693,81

19,46

1.3

Đất nuôi trồng thuỷ sản

NTS

10,97

0,01

1.5

Đất nông nghiệp khác

NKH

5,40

0,01

2

ĐẤT PHI NÔNG NGHIỆP

PNN

26.689,96

26,37

2.1

Đất ở

OTC

1.677,66

1,66

2.1.1

Đất ở nông thôn

ONT

1.616,64

1,60

2.1.2

Đất ở tại đô thị

ODT

61,02

0,06

2.2

Đất chuyên dùng

CDG

18.493,91

18,27

2.2.1

Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

CTS

49,92

0,05

2.2.2

Đất quốc phòng, an ninh

CQA

15.480,94

15,29

2.2.3

Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp

CSK

20,69

0,020

2.2.4

Đất có mục đích công cộng

CCC

2.942,36

2,91

2.3

Đất tôn giáo, tín ngư­ỡng

TTN

17,48

0,017

2.4

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

NTD

371,65

0,37

2.5

Đất sông suối và mặt n­ước CD

SMN

6.124,26

6,05

2.6

Đất phi nông nghiệp khác

PNK

5,00

0,00

3

ĐẤT CH­ƯA SỬ DỤNG

CSD

10.554,71

10,43

Khái quát Lịch sử, văn hóa, con người Lục Ngạn

Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 101,728km2 với 30 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã vùng cao, 18 xã, thị trấn miền núi. Dân số toàn huyện năm 2012 là 215.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 49%, với 08 dân tộc anh em (Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan) sinh sống đan xen ở 394 thôn bản, khu phố, tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc mà ít nơi nào có được. Những giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn như: trang phục, phong tục, các làn điệu dân ca Sloong hao, Sli, lượn, hát đối…. Là vùng đất được hình thành và phát triển từ rất sớm, vào năm 1975, ngành khảo cổ đã phát hiện được ở Lục Ngạn di chỉ đồ đá cũ phân bố trên gò Non Trúc, giáp suối Nghè Mưa, đã tìm thấy 27 di vật bằng đá cuội gồm các công cụ có biên lưỡi theo chiều dọc, công cụ có biên lưỡi theo chiều ngang, công cụ có biên lưỡi vát chữ V, công cụ có biên lưỡi theo hình vòng cung cùng một số mảnh tước, thạch đá thuộc thời đại đồ đá cũ. Điều đó chứng tỏ con người đã đến sinh sống trên mảnh đất này từ rất sớm, nơi đây hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng, tiêu biểu của văn hóa cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Giang.

Vùng Lục Ngạn xưa có con đường chiến lược từ Đệ tứ chiến khu chạy qua xã Quý Sơn đến Đồng Giao, sang Mịn Con rồi sang Sậy To, Hồ Sen xã Thanh Hải, đi qua xã Kiên Lao và đến Đông Triều- Quảng Ninh và dòng sông Lục Nam lịch sử, tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, văn hóa của cả vùng.

Huyện Lục Ngạn là nơi có bề dày về truyền thống lịch sử- văn hóa với 01 di tích lịch sử cấp quốc gia (Đền Hả, Di tích lịch sử, được công nhận theo QĐ số 154/QĐ ngày 25/1/1991, thuộc xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn); 40 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây cũng là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh có thể tạo nên những điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về ngọn nguồn lịch sử. Đó là ải Nội Bàng, ải Xa Lý, với các di tích và danh lam thắng cảnh đẹp như đền Từ Hả (đền Hả), đền Quan Quận, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần và núi Am Vãi- nơi in dấu bàn chân Phật. Nơi đây cũng đã sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc, đóng góp một phần không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược từ ngàn xưa. Cũng từ truyền thống anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm ấy, người dân các dân tộc sinh sống trên vùng đất Lục Ngạn đã lập nên các ngôi đình, đền, miếu để tưởng nhớ tới các chiến công của những người anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập tự do cho đất nước, từ Cao Sơn- Quý Minh- những vị tướng tài giỏi thời các vua Hùng, đến Thân Cảnh Phúc, Vi Hùng Thắng, Trần Hưng Đạo, Yết kiêu, Dã Tượng…Đó là các cụm di tích đền, chùa Hả Hộ xã Hồng Giang, đền Tam Giang xã Mỹ An, đền Chể xã Phượng Sơn, đình Hạ Long xã Giáp Sơn, đình Trại Cống xã Kiên Lao, đình Cống Luộc xã Đèo Gia, đền Khánh Vân thị trấn Chũ….Các di tích đều đã được xếp hạng, đặc biệt đền Từ Hả xã Hồng Giang được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Gắn liền với các di tích là lễ hội. Hội đền Hả được tổ chức vào ngày mồng 6 đến 8 tháng giêng hàng năm, hội chùa Khánh Vân từ 18 đến 20 tháng 2, hội đền Tam Giang, hội đền Chể….đặc biệt là hội hát của người dân các dân tộc thiểu số trong dịp đầu xuân.

Các lễ hội dân gian tiêu biểu của huyện Lục Ngạn

Trong các làng người Kinh của Lục Ngạn, mỗi làng đều có một ngôi đình và một ngôi chùa. Đình là nơi nhân dân thôn xã thờ thành hoàng làng, những người có nhiều công lao với dân với nước trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn độc lập dân tộc và những người có công lập làng, lập bản. Chùa là nơi thờ phật và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Gắn liền với các thiết chế tôn giáo này là các lễ hội. Tùy theo từng làng, các ngày tổ chức lễ hội có khác nhau bởi ngày mở hội của các làng thường đúng vào ngày sinh hoặc ngày hóa của thánh từng làng nhưng thường là vào các dịp xuân thu nhị kỳ. Việc tổ chức lễ hội là để tỏ lòng tri ân với đức thánh đã phù hộ cho dân làng. Những năm được mùa, làng mở hội to có tế lễ, rước sách linh đình và tổ chức nhiều trò chơi dân gian khiến cho mọi thành viên trong cộng đồng đều thấy vui vẻ thoải mái sau những ngày lao động vất vả và cực nhọc.

Một lễ hội đình hay chùa của người Kinh thường bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các cụ bản tự làm lễ tế thánh ở trong đình và rước thánh tuần du địa hạt hay diễn tả lại một trận đánh, một trò hội nói về công tích của vị thánh mà làng tôn thờ. Nếu là hội chùa thì thắp hương lễ phạt cầu an, mong muốn đức phật từ bi che chở cho mọi dòng tộc, mọi gia đình và các thành viên trong cộng đồng làng được an khang thịnh vượng, phong đăng hòa cốc. Ngoài sân đình sân chùa là các hoạt động văn hóa thể thao lành mạnh và bổ ích. Các trò chơi dân gian như: đu, đấu vật, kéo co…được diễn ra vui vẻ. Buổi tối, toàn dân trong vùng có hội lại được xem tuồng, chèo do làng đón từ các nơi khác ở dưới xuôi lên biểu diễn.

Lễ hội Đền Hả

Được tổ chức vào ba ngày 6,7,8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong các dịp hội người dân trong vùng tổ chức rước sách diễn lại sự tích của tướng quân Vũ Thành đánh giặc. Trong 3 ngày hội ở đền Hả, mồng 8 là chính hội. Tuy nhiên cả ba ngày đó các cụ bản tự đều tổ chức tế lễ ở đền và chùa. Riêng ngày mồng 8 thì dân làng rước kiệu thánh ra bãi Dược và tổ chức tế lễ ở đó. Cuộc rước được tiến hành từ giờ Mão đến hết giờ Ngọ của ngày mồng 8 tháng Giêng. Đây thực chất là một sự mô phỏng diễn tả lại tích trò Vũ Thành cầm quân đánh giặc. Cuộc rước ở lễ hội đền Hả là nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu nhất của lễ hội và cũng là nét khác biệt của hội Từ Hả so với các lễ hội khác của tỉnh Bắc Giang. Theo quy định, nghi thức rước thần ở Hả Hộ diễn ra theo các bước: Lễ giao tín (vào giờ Mão), lễ rước ra, lễ phù giá (vào giờ Tỵ), lễ kỳ binh nhập trận, lễ tế ở bãi Dược, lễ vật thờ, lễ dân cỗ chay của các giáp; lễ đảo cờ (2 lần bắt đầu vào giờ Ngọ), lễ hoàn cung, lễ mộc dục hóa thảo xá, lễ chùa cầu siêu. Ngoài phần lễ là phần hội, gồm các trò hội như múa sư tử, hát Sloong hao, Sli, Lượn, Sắng cộ, sịnh ca… của đồng bào các dân tộc ít người. Các trò chơi dân gian như: đu tiên, đá cầu chinh và các trò chơi mới như: võ dân tộc, bóng đá, bóng bàn, cầu lông. Những hoạt động này nhằm thỏa mãn nhu cầu về tâm linh, nhu cầu văn hóa và qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và tình đoàn kết dân tộc cho các thế hệ.

Hội chùa Khánh Vân-Đền Quan quận

Hội chùa Khánh Vân gồm hai phần: Phần tế lễ rước sách và phần vui chơi, giải trí, biểu diễn tích trò. Phần tế lễ do dân trong làng đảm nhiệm. Làng cử ra 4 ông cai đám mỗi ông cai đám ở một khoảnh, bốn ông cai đám có trách nhiệm về phần lễ hội trong ba ngày này.

Ngày 18 tháng 2 làng mở cửa đền, chùa làm lễ tắm phật, lau chùi quét dọn chuẩn bị cho lễ hội; Ngày 19 tháng 2 làm lễ nhập tịch vào đám. Làng cho đóng kiệu ở trong đình để rước tế lễ làm lễ cầu đảo diễn tích trò và bơi trải trên sông; ngày 20 tháng 2 dã đám, dân làng dọn dẹp và đóng cửa đền. Đội tế gồm 21 người lo việc tế lễ trong đền từ 10 giờ đến 11 giờ, trong lúc tế dân làng ra xem rất đông. Trong phần tế lễ ngoài phần khấn nôm nói đến công lao của Vi Hùng Thắng và những người được thờ ở đền, dân làng còn tụng hết một quyển khoa cúng của đền. Tế lễ xong dân làng tổ chức rước kiệu dương thần và âm thần do con cháu họ Vi ở xã Thanh Hải rước vì cụ tổ họ Vi chính là Vi Hùng Thắng. Địa điểm rước thần từ đền, chùa lên Nghè Mưa, một địa danh có truyền tích về quân dân nhà Trần đánh giặc Nguyên tại đây. Năm nào trời hạn thì dừng kiệu làm lễ cầu mưa, sau đó tiếp tục hành rước qua cầu Hôi lên Bình Nội rồi lại trở về đền Khánh Vân. Trong cuộc rước có nhiều đoạn đường ” kiệu bay”. Những trai kiệu ” cứ rầm rập, rầm rập” đi như bay như có phép mầu nhiệm.

Sáng ngày 19 tháng 2 tại khúc sông khu vực làng Hà Thị, dân làng tổ chức diễn lại tích trận thủy chiến trên sông Lục Nam. Từ bến Thảo đến đền Khánh Vân, người ta sắp xếp khoảng 50 đến 60 thuyền chia làm hai phe: ta và giặc. Phe giặc (quân Nguyên) mặc áo đen, phe ta mặc áo nâu đỏ đầu đội nón, trước ngực có gắn vòng chữ “Trần”. Diễn lại tích trò thủy chiến trên sông là tượng trưng cho trận đánh giữa quân đội nhà Trần với quân Nguyên ở thế kỷ XIII diễn ra tại vùng đất này. Diễn xong tích trò này làng đốt pháo, những thủy binh diễn trận được thưởng một mâm cỗ dọn cạnh đống lửa để họ vừa ăn vừa sưởi tránh rét.

Trong ngày hội, tục lệ ở đây có làm cỗ tế thành hoàng, cỗ cho khách thập phương và dân làng ăn. Cơm cỗ cho khách không quy định nhiều mâm hay ít mâm, ai đến gặp bữa thì đi ghi phiếu vào ăn. Tục lệ này xưa nay vẫn thế vì đó chính là khao quân của nhà thánh.

Ngoài các tiết lệ trên trong 3 ngày hội còn có các tro chơi khác như: chọi gà, tổ tôm điếm, cờ tướng và hát phường chèo, hát ca trù, thường đội hát là những trai thanh gái sắc của làng, họ bắt đầu hát từ lúc 5 giờ chiều cho đến nửa đêm mới thôi.

Trong hội đền Khánh Vân còn có lệ bơi chải trên sông để tưởng nhớ tới quân đội nhà Trần và tướng quân Vi Hùng Thắng trong trận chiến năm xưa đã hy sinh tại đây.

Ngày hội Văn hóa- Thể thao huyện Lục Ngạn

Ngày hội được diễn ra trong 2 ngày 17,18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Việc tổ chức ngày hội nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của huyện. Ngày hội gồm các nội dung:

Phần thi hát đối đáp: Đây là phần thi dành cho các cặp hát dân tộc như: hát Then, hát Sloong hao, hát Sình ca, hát Soóng cộ…Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra các cặp hát hay để trao giải A, B, C.

Phần thi người mặc trang phục dân tộc đẹp: Đây là phần thi thu hút đông khán giả nhất. Các thí sinh đến với ngày hội là những nam thanh nữ tú của 30 xã thị trấn của huyện, đại diện mặc trang phục của dân tộc mình đi thi. Được chia thành 2 phần: phần sơ khảo và chung kết. Phần chung kết được diễn ra hồi hộp, căng thẳng như bao cuộc thi sắc đẹp khác. Ban tổ chức trao giải nhất cho thí sinh mặc trang phục đẹp nhất và có câu trả lời hay nhất. Các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, kéo co, đánh đu…diễn ra sôi động. Bên cạnh đó ngày hội còn diễn ra các hoạt động thể thao như: bóng chuyền, cầu lông, đẩy gậy.

Tiềm năng phát triển du lịch

Cùng với những địa danh lịch sử, với truyền thống yêu nước, con người Lục Ngạn không chỉ dũng cảm trong đánh giặc giữ nước mà còn giỏi dang trong xây dựng quê hương giầu đẹp, với bao kỳ tích lưu truyền.

Nơi đây có ải Nội Bàng (còn có tên là Bàng Quan, thành nhà Mạc). Đây là chiến ải lớn nhất nằm ở khu vực giữa thung lũng sông Lục Nam. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông. Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng phòng tuyến Xa Lý – Nội Bàng và đặt đại bản doanh ở Nội Bàng ( khu vực xã Phượng Sơn).

Ải Xa Lý còn có tên là ải Khả Ly nằm trên con đường mòn từ Xa Lý sang Lộc Bình của Lạng Sơn. ải này nằm trên eo của núi ải, đoạn thắt lại hiểm trở nên thường gọi là Đèo ải ở độ cao trên 500m, đỉnh đèo là cửa ải Xa Lý.

Khu du lịch hồ Khuôn Thần có tổng diện tích là 2700ha, có 1000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 500ha, rừng thông 500ha và hồ Khuôn Thần rộng 140ha, với dung tích 10.000.000 m3, trong hồ có 5 đảo lớn và 7 đảo nhỏ. Nơi đây đã được trồng thông, du khách có thể tắm hồ, leo núi, bơi thuyền thăm các đảo và thắp hương ở đền thờ Hồ Công Trạc một vị tướng quân người dân tộc thiểu số. Trên đất Lục Ngạn, hồ Khuôn Thần nổi lên như một viên ngọc lấp lánh giữa vùng rừng núi mênh mang.

Hồ Cấm Sơn với diện tích rừng bao quanh 21.800ha, diện tích mặt nước hồ 2.400ha, dung tích nước hồ 307 triệu m3. Đang phát triển, đầu tư trung tâm giống thuỷ sản cấp I phục vụ cho phát triển kinh tế và đặc biệt đặc sản cá nước ngọt ở hồ Cấm Sơn và những món ăn nổi tiếng khác của người dân các dân tộc như khau nhục, voỏng mún, bánh hút, bánh bìa, bánh phổi bò, chè phao…

Hồ Làng Thum với diện tích mặt hồ 126ha, dung tích 8.334.000m3 diện tích lưu vực là 27,5km2, diện tích tưới tiêu cho 700ha, là nơi nuôi trồng thuỷ sản và vườn cây ăn quả xung quanh hồ rất phù hợp cho khách thăm quan du lịch.

Núi Am Vãi(còn gọi là núi Am Ni, núi Quan âm) nằm ở giữa địa phận các xã: Nam Dương, Tân Mộc, Tân Lập, Nghĩa Hồ thuộc sơn phận Yên Tử. Đá ở núi là đá cát kết khối lớn. Trên đỉnh núi Am Ni có một ngôi chùa mang tên chùa Am Vãi ở phía Bắc núi trên độ cao hơn 400m. Kề bên ngọn Am Vãi có núi Bàn Cờ Tiên. Cạnh đó là các khu núi mang tên Hang Tiền, Hang Gạo có nhiều truyền thuyết về những hang này. Núi Am Ni là một núi lớn, cảnh sắc bốn mùa khác nhau, rất đẹp, lại có ngôi chùa cổ trên đỉnh núi được liệt vào hàng danh sơn, thắng tích, hàng năm hội chùa được mở vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, thu hút được đông đảo khách thập phương về dự. Đến chùa Am Vãi du khách không chỉ thoả lòng thành tâm hướng phật, được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, bản làng thơ mộng…thưởng thức dòng nước ngọt ngào tuôn ra quanh năm từ những khe núi, đắm mình trong thiên nhiên cây cỏ ở khu rừng thưa tĩnh lặng phía sau chùa, tạm lánh xa những sô bồ của cuộc sống hiện đại, thư thái tìm về cõi tâm linh….

Điểm du lịch thuộc các cụm di tích được cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hoá” như: đền Hả (xã Hồng Giang), được mở hội vào mồng 6,7,8 tháng giêng hàng năm, thờ tướng quân Vũ Thành (tức Thân Cảnh Phúc). Đây là một lễ hội có quy mô lớn còn lại đến ngày nay trên đất Lục Ngạn. Cùng với lễ hội Từ Hả, Lục Ngạn còn nhiều lễ hội dân gian đặc sắc khác như hội chùa, đền Khánh Vân, được tổ chức vào hai ngày 19-20 tháng 02 âm lịch thờ tướng quân Vi Hùng Thắng thời Trần. Một số hội khác như: Hội đền Tam Giang, hội đền Chể, đền Cầu Từ… Và đặc biệt là hội hát dân ca của các dân tộc thiểu số vùng Lục Ngạn và dịp 17-18 tháng 02 âm lịch hàng năm. Có thể nói rằng: Vải thiều là cây xoá đói giảm nghèo cho Lục Ngạn thì tiềm năng văn hoá sẽ là nền tảng để du lịch khai thác và phát triển. Như vậy, văn hoá và du lịch sẽ làm giàu thêm cho kinh tế Lục Ngạn trong tương lai…

Với truyền thống văn hoá và bề dầy lịch sử, với vị trí địa lý khá thuận lợi cho một vùng cây ăn quả đang trên đà phát triển, Lục Ngạn đã trở thành “Kinh đô” mới của vải thiều, cam đường canh nổi tiếng của cả nước, những sản phẩm nông sản nổi tiếng khắp nơi: gạo bao thai hồng Lục Ngạn, nếp cái hoa vàng Phì Điền, mỳ Chũ, gà đồi, rượu Kiên Thành…Bên cạnh đó đã thức dậy một tiềm năng mới đó là du lịch. Một quần thể du lịch đã được hình thành và ắt sẽ có trong tương lai đó là: du lịch vườn cây ăn quả, du lịch di tích lịch sử – danh thắng và du lịch sinh thái môi trường (hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, Hồ Làng Thum)…Điều đó đang đặt ra hướng đi mới, đòi hỏi tư duy đổi mới của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện để khai thác tối đa tiềm năng phát triển ngành du lịch địa phương dựa trên các cơ sở, những điều kiện tự nhiên và các tài nguyên du lịch nhân văn, các công trình văn hoá – xã hội hiện có. Bên cạnh đó, những yếu tố như làng nghề truyền thống (làng mỳ Thủ Dương, còn được gọi là mỳ Chũ), những món ăn đặc sản của địa phương sẽ làm cho sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước ta nói chung, của tỉnh Bắc Giang và Lục Ngạn nói riêng, bởi ngành Du lịch được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng”. Mặc dù tiềm năng là rất dồi dào và hấp dẫn song việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đổi mới các phương thức hoạt động trong đó nếu thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc thì không níu giữ được du khách và các dịch vụ du lịch sẽ không phát triển được.

Thiết nghĩ, đối với Lục Ngạn, ngoài việc phải có một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2020 thì Lục Ngạn cũng rất cần sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, của trung ương để tăng cường nguồn vốn ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng và việc thực hiện thành công đề án xây dựng huyện văn hoá tạo thêm tiền đề cho du lịch phát triển, đồng thời chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ du lịch ngay từ bây giờ (chú trọng cán bộ là người dân tộc, hiểu và biết tất cả các yếu tố về dân tộc như: tiếng nói, hát các làn điệu dân ca dân tộc…) và phát triển dịch vụ du khách kiểu vùng sơn cước và các loại hình vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật truyền thống của huyện, vừa phục vụ du khách, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc như: hát dân ca các dân tộc: Soóng cộ, Sloong hao, Soọng cô, Sli, Lượn, những đêm lửa trại truyền thống và trang phục, đồ dùng, thổ cẩm dân tộc…để phục vụ du khách là việc làm cấp thiết. Như vậy, văn hoá “vừa là mục tiêu, vừa là động lực” làm nền tảng cho sự phát triển du lịch và ngược lại du lịch cũng tạo cho văn hoá sự năng động, khơi dậy và phát huy các tiềm năng của văn hoá, phát triển nhanh và mạnh hơn.

Lục Ngạn đang đứng trước nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Giờ đây sự hợp nhất ba ngành Văn hoá – Thể Thao – Du lịch cũng là sự gắn kết, tương hỗ lẫn nhau, mở ra một hướng đi mới, thời cơ, vận hội mới đã mang lại cho Lục Ngạn những thuận lợi song cũng đặt ra trước mắt những thách thức mới. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm của nhiều nơi đi trước, với những tiềm năng phong phú và đa dạng như hiện nay đủ để các hoạt động du lịch phát triển, vì vậy rất cần có sự thực hiện đồng bộ, sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, phát triển song hành để Lục Ngạn tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường phát triển kinh tế – xã hội mà mũi nhọn thứ hai của huyện Lục Ngạn phải là du lịch- ngành công nghiệp không khói này.