Đầu xuôi đuôi lọt – Nếu phải di chuyển qua một đoạn đường hẹp (ngõ ngách, cổng hẹp…), khi đã lách được qua 2 gương xe là yên tâm phía sau sẽ lọt với điều kiện phải giữ thẳng tay lái. Thuật ngữ này không phù hợp với các xe tải vì thùng hàng nhiều khi to hẳn ra.
Lên số nào, xuống số đó – Đây là thuật ngữ dành cho các đường đèo dốc, tuy không nhất thiết phải xuống đúng số khi lên nhưng câu này nhắc nhở các tài xế không khi nào được đi số cao hoặc về mo khi thả dốc dài.
Tiến bám lưng, lùi bám bụng – Quy tắc này được áp dụng khi lái xe, quay xe, lùi xe trong các ngõ hẹp, qua cổng, góc tường, hoặc các vật chắn 2 bên đường, hay các đoạn đèo dốc có nhiều khúc cua khúc khuỷu…
Lưng ở đây có thể hiểu như đường cong cơ thể người là phần đường cong rộng, còn bụng là phần đường cong hẹp. Khi tiến ở đoạn đường cong, phải mở rộng vòng cua để đầu xe sát với phần lưng của đường. Và ngược lại, khi lùi thì cần bám sát vào đường cong hẹp để tạo cho phần đầu xe có góc lùi lớn hơn, nhờ vậy mà bánh trước không bị chèn ra ngoài.
Côn ra, ga vào – Thuật ngữ này không chỉ áp dụng khi xe bắt đầu khởi hành mà còn áp dụng ngay cả khi xe phải chuyển số lúc đang di chuyển với tốc độ cao. Khi nhả côn hãy đệm thêm một ít ga để tăng vòng tua máy và không bị giật, rung khi chuyển số, hay bị chết máy cũng như là giúp động cơ xe được bền hơn.
Bỏ ga, qua thắng – Thuật ngữ này nhắc nhở các tài xế, khi chân phải không dùng để nhấn ga thì phải chuyển sang để hờ chân phanh, sẵn sàng xử lý nếu có tình huống bất ngờ.
Chó tránh đầu, trâu tránh đuôi – Thuật ngữ này nói về cách ứng biến khi bất ngờ gặp động vật lao ra đường. Dựa vào đặc tính của các động vật trên đường khi gặp ô tô hay xe máy, cho khi bị giật mình thường chạy quay đầu lại, còn trâu bò thì sẽ lồng lên cố chạy tới.
Lưu ý, tài xế không nên dùng còi vì động vật như trâu bò không có ý thức để xác định phải tránh đường khi nghe tiếng còi. Ngoài ra, âm thanh bất ngờ cũng khiến chúng giật mình, hoảng loạn và càng làm mọi việc trở lên phức tạp.
Đi chậm côn trước phanh sau, đi nhanh phanh trước côn sau an toàn – Đây là thao tác lái xe khi di chuyển nhanh và chậm.
Nhất chạng vạng, nhì rạng đông – Ám chỉ những thời điểm nguy hiểm trong quá trình vận hành xe. Ý nói ban ngày mắt đang quen với ánh sáng mạnh, đến khi chạng vạng, mắt chưa quen, ánh đèn pha chẳng thấm vào đầu, do vậy đi tầm này phải thật cẩn thận.
Lơ tốt còn hơn lái tồi – Khi chạy quãng đường xa, nhất là đối với xe container, vai trò của phụ lái lúc này rất quan trọng. Ví dụ, khi lái chính có dấu hiệu buồn ngủ, với kinh nghiệm của một người lơ tốt, hãy lập tức nhắc nhở.
Mưa tránh nắng, nắng tránh đen – Đây là kinh nghiệm nhìn mặt đường theo thời tiết để chạy xe. Ví dụ, khi trời mưa, mặt đường có ổ gà thường sẽ đọng nước, phản xạ ánh sáng tạo thành mặt gương lấp loáng, do đó không nên di chuyển vào những nơi có mặt đường màu trắng khi trời mưa.
Còn khi trời nắng, mặt đường thường sẽ sáng đều, những khu vực thẫm màu (nơi tối đen) hơn bình thường cũng có thể là ổ gà, hố sụt vì không nhận được ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, cũng có thể vùng màu tối trên mặt đường là chất lỏng như dầu/nhớt đổ trên mặt đường, nên tránh.
Tài già căn non, tài non căn già – Các bác tài lái lâu năm thường có kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống tốt hơn người mới cầm vô lăng.
Làm tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại – Mỗi khi đi phía sau một xe khác, nếu đó là một bác tài già đi đứng cẩn thận, chuẩn chỉnh thì chỉ cần bám đuôi theo. Còn nếu gặp phải lái mới, thi thoảng phanh đột ngột hay giật mình thì tốt nhất không nên bám đuôi.
Ra đường sợ nhất công nông – Ám chỉ nên tránh xa các xe thiếu an toàn.
Ba giây xanh thì bỏ, ba giây đỏ thì đi – Khi đến ngã tư gặp đèn xanh còn một vài giây thì tốt nhất nên dừng lại không nên phóng nhanh cho kịp qua vì dễ bị mất tay lái cắt ngang khi đèn chưa xanh đã khởi hành. Và ngược lại, khi đang dừng chờ đèn đỏ, còn 3 giây thì nên bắt đầu bỏ phanh tay, vào số; khoảng thời gian này là đủ để xe di chuyển ở những giây đèn xanh đầu tiên, giúp tài xế tiết kiệm thời gian.
Nhanh một giây, chậm cả đời – Câu này chắc hẳn đã quá quen thuộc, khi tham gia giao thông, mỗi người nên có nhường nhịn nhau một chút, đi chậm từ tốn… sẽ hạn chế tối đa tai nạn cho bản thân mình cũng như mọi người xung quanh.