Theo cảnh báo mới đây của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, tình trạng quảng cáo sai sự thật, gian dối, có thể dùng từ lừa dối người tiêu dùng diễn biến rất phức tạp.
Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng thường xuất hiện nhiều hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, sinh lý… Đáng lên án là những cơ sở này còn lợi dụng uy tín của các kênh truyền hình để sản xuất các phóng sự quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng
Những hình ảnh giả mạo phóng sự của VTV để bán thuốc nam do một êkip của phòng khám đông y Nguyễn Thị Hường thực hiện, đã bị vạch trần cách đây không lâu. Sau nhiều lần bị cơ quan công an triệu tập, bị Sở Y tế Hà Nội rút giấy phép hoạt động do hàng loạt sai phạm, những tưởng phòng khám này đã phải đóng cửa nhưng thực tế, những tấm biển hiệu chỉ được di dời sang căn nhà bên cạnh.
Lương y tự xưng Nguyễn Thị Hường lại tiếp tục chiêu trò lừa dối người dân bằng hàng loạt các phóng sự với những biểu tượng nhận diện giống với chương trình Thời sự 19h. Thay vì sử dụng logo VTV, phòng khám này tự vẽ ra đủ loại logo gần giống với các kênh truyền hình như CNTV, CTV5, THLA, QPTV. Tin vào những chiêu trò này, rất nhiều người dân ở khắp nơi đã tìm đến chữa bệnh.
Thực tế, chiêu trò quảng cáo sai sự thật chỉ có thể lừa được người dân ở nơi khác đến, còn nhân dân trong vùng không có ai mua thuốc hay đến khám chữa tại cơ sở này.
Theo ông Đặng Văn Hùng (Xã An Mỹ, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội) – chủ căn nhà này, bà Hường đã thuê đặt phòng khám ở đây được khoảng 9 tháng. Dù trưng ra đủ loại biển hiệu, mỗi tuần có cả trăm lượt người đến khám chữa, mua thuốc nhưng bà Hường không cung cấp cho ông Hùng bất cứ một loại giấy tờ gì chứng minh có đủ điều kiện mở phòng khám đông y tại đây.
Tuy nhiên, lãnh đạo xã An Mỹ đã phủ nhận hoàn toàn việc cho phép phòng khám Nguyễn Thị Hường hoạt động trên địa bàn. Bí thư Đảng ủy xã khẳng định đã nhiều lần phối hợp với huyện Mỹ Đức tiến hành kiểm tra, đẩy đuổi cơ sở này. Còn lý do vì sao cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động thì chẳng ai hay biết. Khoản tiền 800.000 đồng/tháng thu phí đường vẫn được phòng khám này nộp đủ cho thôn.
Thực tế giấy phép hoạt động được Sở Y tế Hà Nội cấp tại địa chỉ này thuộc về phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Bảo Xuân Đường, hoàn toàn không liên quan gì đến phòng khám đông y Nguyễn Thị Hường như biển hiệu tại cơ sở. Dù người đứng tên phụ trách chuyên môn kỹ thuật là người khác nhưng hàng tuần, bà Hường vẫn đứng ra tổ chức khám chữa bệnh cho người dân trái phép. Chức danh thực sự của người này trong hợp đồng với chủ phòng khám chỉ là… giúp việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!