Đá marble (cẩm thạch) và đá granite (hoa cương) khác nhau như thế nào?
1. Về nguồn gốc
Đá granite có nguồn gốc từ quá trình nóng chảy và đông đặc của Magma từ sâu trong lòng đất trong khoảng thời gian dài. Nhờ quá trình nung nóng và làm nguội chậm này, đá granite trở thành một vật liệu cực kỳ cứng chắc. Đá granite có thành phần chủ yếu là Fenspat, thạch anh… là những khoáng vật rất cứng.
Còn đá marble, như đã trình bày ở trên, về cơ bản, chúng có nguồn gốc từ đá vôi, cũng trải qua thời gian dài dưới lòng đất để biến chất thành đá marble. Loại đá cẩm thạch này có thành phần chủ yếu là Canxi cacbonat nên mềm, xốp hơn nhiều so với các thành phần của đá granite.
2. Hình dạng và màu sắc
Nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa đá marble và đá granite bởi chúng có vẻ bề ngoài hơi giống nhau. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ, bạn sẽ phát hiện ra vô số điểm khác nhau giữa đá cẩm thạch và đá hoa cương, đặc biệt là ở các biến thể màu sắc tự nhiên của chúng.
Đối với đá granite, các biến thể thường xuất hiện dưới dạng lốm đốm trên khắp bề mặt đá hay các dạng đá granite đen. Còn các biến thể màu sắc của đá marble thì lại giống như các đường vây mây đầy màu sắc xoáy qua đá. Các loại đá cẩm thạch này được đánh giá là có đường vân sống động, màu sắc tươi mới nhất trong bất kỳ loại đá tự nhiên nào.
3. Độ bền chắc
Quá trình hình thành từ trong tự nhiên sẽ có mối tương quan đến độ bền chắc của đá marble cũng như đá granite. Mặc dù chúng đều được đánh giá là loại vật liệu có độ bền đẹp nhưng điều quan trọng là bạn cần lựa chọn được loại vật liệu phù hợp với khu vực ốp lát để không xảy ra tình trạng hư hỏng sau thời gian ngắn sử dụng.
Đá granite có độ cứng từ 6 – 7 trên thang đo Mohs. Đá hoa cương có khả năng chống trầy xước cao và chịu nhiệt tốt nên không bị bay màu, ố vàng trong quá trình sinh hoạt hằng ngày. Đây là vật liệu lý tưởng để ốp tường, lát nền nhà, quầy bếp và nhiều khu vực nội thất khác nhau.
Đá marble có độ cứng từ 3 – 5 trên thang Mohs, do đó độ cứng của chúng không bằng đá granite. Khi tiếp xúc với chảo, bát đĩa nóng, loại đá cẩm thạch này có thể bị hư hỏng. Tuy nhiên, có một loại đá tên là Danby Marble được khai thác ở Vermont được đánh giá là có độ cứng chắc tốt hơn các loại đá marble truyền thống như Carrara hay Calcutta. Và hiện nay loại đá này đang trở thành xu hướng trong thi công khu ốp lát khu vực nhà bếp.
4. Khả năng kháng lại các vết bẩn, chống ố vàng
Độ xốp của đá marble sẽ khiến cho chúng dễ hấp thụ nước, các chất lỏng… khi tiếp xúc. Rượu vang, nước ép trái cây, nước chanh, giấm… có thể thấm vào lớp đá marble và gây ra các vết ố.
Cấu trúc lỗ rỗng cực thấp khiến cho đá granite có thể kháng hầu hết các chất lỏng và thực phẩm, miễn là bạn thi công lớp chống thấm hiệu quả cho chúng.
5. Chống thấm, keo dán đá và keo chà ron
Cả đá granite đều cần được ốp lát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thẩm mỹ và sự an toàn. Trước khi lắp đặt, người thợ chuyên nghiệp sẽ thực hiện chống thấm, sử dụng keo dán đá để ốp lát đá marble và đá granite. Sau khi ốp lát đá lên bề mặt, sẽ dùng keo chà ron để trít các đường kẽ ron nhằm ngăn ngừa tình trạng đá bong tróc, hư hỏng.
Tuy nhiên, so với đá granite, đá marble có tính chất xốp và dễ thấm nước hơn. Do đó, cần phải chống thấm, chà ron gạch thật kỹ lưỡng để tránh tình trạng thấm nước, bụi bẩn len lỏi vào các kẽ ron gây ố màu, làm mất đi vẻ đẹp ban đầu của đá cẩm thạch.
Ngoài ra, thi công đá marble cũng khó hơn vì chúng khá dễ vỡ, mích mẻ… nhưng lại khó tìm được sản phẩm tương đồng để thay thế. Vì vậy, giá thi công cho đá marble cũng cao hơn và bạn cũng cần chú ý đầu tư tìm thợ thầu chuyên nghiệp, có tay nghề cao cùng loại vật liệu ốp lát chất lượng, phù hợp.
6. Làm sạch bề mặt gạch đá như thế nào?
Nên thường xuyên lau chùi bề mặt đá marble và granite bằng nước xà phòng để giữ cho bề mặt chúng luôn sáng bóng, sạch sẽ. Tuy nhiên, nhớ lau chùi lại bằng nước sạch để loại bỏ xà phòng hoàn toàn.
Riêng đối với đá marble, vì cấu trúc đá xốp hơn nên cần làm sạch cẩn thận để tránh làm hỏng đá. Nên sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có độ pH trung tính để tránh làm đá marble phai màu.