Marketing trực tiếp là gì? Marketing trực tiếp bao gồm các công cụ nào? Làm sao để xây dựng một chương trình Marketing trực tiếp thành công? Để giải đáp tất cả những thắc mắc trên cùng Glints tìm hiểu chi tiết về chủ đề Marketing trực tiếp, cũng như cách để thiết lập một kế hoạch Marketing trực tiếp hiệu quả nhé.
Marketing trực tiếp là gì?
Marketing trực tiếp hay Direct Marketing là một trong 6 công cụ của truyền thông Marketing tích hợp – IMC, doanh nghiệp sử dụng các hoạt động của doanh nghiệp có thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng mục tiêu nhằm tạo ra sự phản hồi hay giao dịch của khách hàng ở mọi thời điểm.
Marketing trực tiếp được phân biệt với các hình thức Marketing khác bằng hai hướng:
Một là, nỗ lực truyền tải thông điệp tới công chúng mà không sử dụng phương tiện truyền thông phi trực tiếp, mà sử dụng hình thức truyền thông thương mại như email; gọi điện, v.v.
Hai là, Marketing trực tiếp nhấn mạnh vào phản hồi tích có thể theo dõi và đo lường được từ khách hàng.
Các hình thức Marketing trực tiếp
Dưới đây là các hình thức Marketing trực tiếp mà Glints muốn chia sẻ tới bạn.
Các phiếu thăm dò khách hàng trực tiếp
Hoạt động Marketing trực tiếp bao gồm việc cung cấp và phản hồi thông tin qua phiếu thăm dò/điều tra người dùng. Điều này cho phép doanh nghiệp phát hiện ra những điểm ở sản phẩm chưa làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng để hoàn thiện.
Marketing qua thư trực tiếp
Đây là hình thức doanh nghiệp gửi thư giới thiệu sản phẩm, tờ quảng cáo, v.v tới khách hàng mục tiêu qua đường bưu điện với hy vọng bán sản phẩm. Hoặc cũng có thể, họ thu thập thông tin khách hàng cho bộ phận bán, gửi quà tặng để cảm ơn khách hàng hoặc thông báo thông tin.
Marketing qua điện thoại
Marketing qua điện thoại (telemarketing) là hình thức doanh nghiệp thực hiện hoạt động bán hàng qua điện thoại tới khách hàng tiềm năng, cung cấp số điện thoại qua các quảng cáo để khách hàng đặt hàng, cần nhận sự trợ giúp hoặc khiếu nại.
Đọc thêm: Kỹ Năng Giao Tiếp Qua Điện Thoại: 10 Nghệ Thuật Không Nên Bỏ Qua
Marketing tại điểm bán
Nơi bán hàng là một địa điểm trong hoạt động tiếp thị trực tiếp. Doanh nghiệp thu hút người mua bằng các chương trình ưu đãi, quà tặng, v.v.
Tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện ngoài trời giúp doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều người về sản phẩm dịch vụ của mình.
Marketing qua catalog
Doanh nghiệp thực hiện gửi catalog tới khách hàng tiềm năng qua đường bưu điện. Theo đó, bán hàng qua catalog làm nổi bật sản phẩm bằng cách bổ sung tư liệu, thông tin của doanh nghiệp vào catalog, mẫu hàng kèm theo, đường dây nóng để giải đáp thắc mắc của công chúng.
Bên cạnh đó, dựa vào cơ sở dữ liệu của mình, doanh nghiệp cũng có thể gửi kèm quà tặng và catalog tới đến khách hàng trung thành của mình.
Marketing trực tiếp trên truyền hình
Tiếp thị trực tiếp trên truyền hình có hai cách:
- Thực hiện các chương trình giới thiệu sản phẩm và cung cấp số điện thoại đặt hàng
- Sử dụng toàn bộ chương trình hoặc kênh truyền hình để bán sản phẩm, dịch vụ
Thông qua các kênh truyền hình, khách hàng có thể biết đến sự hiện diện của thương hiệu và sản phẩm.
Marketing trực tiếp trên radio, tạp chí, báo
Doanh nghiệp thực hiện các chương trình chào hàng trên radio, tạp chí và báo, đồng thời cung cấp cho khách hàng một số điện thoại để đặt hàng.
Lợi ích của Marketing trực tiếp
Việc áp dụng hình thức Marketing trực tiếp sẽ đem lại cho cả khách hàng và doanh nghiệp nhiều lợi ích tuyệt vời.
- Đối với khách hàng: Dễ dàng mua hàng qua nhiều kênh khác nhau như email, điện thoại, website, v.v; tiết kiệm thời gian do có thể chọn lựa các sản phẩm và đặt mua ngay tại nhà; nhận được sự tư vấn và chăm sóc trực tiếp của nhân viên hỗ trợ.
- Đối với doanh nghiệp: Dễ dàng xác định khách hàng tiềm năng; cá nhân hóa thông điệp bán hàng; thiết lập mối quan hệ với khách hàng; kiểm soát thời điểm tiếp cận khách hàng vào thời điểm thích hợp; dễ dàng đánh giá, đo lường kết quả.
Mặc dù vậy Marketing trực tiếp cũng có một vài hạn chế như: hạn chế tính sáng tạo khi thực hiện Marketing qua thư trực tiếp hoặc thư điện tử; khách hàng từ chối nhận thông điệp do có ấn tượng xấu khi trước đó bị làm phiền bởi các đơn vị khác spam email hoặc gọi điện làm phiền; v.v.
4 bước xây dựng chiến lược Marketing trực tiếp
Dưới đây là các bước xây dựng một chiến lược Marketing trực tiếp, bạn có thể tham khảo.
1. Xác định mục tiêu
Doanh nghiệp cần xác định mục tiêu của chiến lược Marketing trực tiếp, đó có thể là xây dựng mối quan hệ với khách hàng hay mục tiêu bán hàng.
- Mục tiêu duy trì, xây dựng mối quan hệ khách hàng
Thực tế cho thấy, chi phí duy trì một khách hàng thấp hơn nhiều so với việc đi tìm một khách hàng mới. Do vậy, đây là một mục tiêu hoàn toàn phù hợp, đóng góp vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như tiết kiệm các chi phí Marketing.
Khi khách hàng hài lòng, cảm nhận được sự tôn trọng của thương hiệu dành cho mình, họ sẽ xu hướng quay trở lại mua hàng và dần trở thành khách hàng thân thiết của doanh nghiệp.
- Mục tiêu bán hàng
Bằng nội dung giới thiệu, mô tả sản phẩm hay lời đề nghị bán hàng hấp dẫn, thú vị được cung cấp trực tiếp tới khách hàng tiềm năng. Doanh nghiệp có thể thực hiện mục tiêu bán hàng qua hình thức Marketing này.
Xây dựng dữ liệu
Để một chiến lược Marketing thành công có sự quyết định rất lớn bởi hệ thống dữ liệu chất lượng.
Hiện nay, có khá nhiều đơn vị cung cấp data trên thị trường, tuy nhiên mức độ chính xác và tin cậy của dữ liệu này rất khó để xác định và kiểm chứng.
Thậm chí, các dữ liệu này không phải là với khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp có thể gây ra một số hệ quả không tốt về hình ảnh thương hiệu, lãng phí chi phí và nguồn lực, v.v.
Do đó cách tốt nhất để có một hệ thống dữ liệu chất lượng là doanh nghiệp nên tự mình xây dựng thông qua các quá trình bán hàng, xúc tiến bán, truyền thông online hoặc offline. Một data chất lượng cần có đầy đủ thông tin về khách hàng như tên, lịch sử mua hàng, thông tin liên lạc, đặc điểm tâm lý, hành vi, v.v.
Thông tin càng nhiều chất lượng data càng cao và cơ hội để chiến lược Marketing trực tiếp thành công càng lớn.
Lựa chọn hình thức triển khai Marketing trực tiếp
Phụ thuộc vào mục tiêu đề ra và sản phẩm/dịch vụ của mình, doanh nghiệp sẽ lựa chọn công cụ Marketing trực tiếp phù hợp.
Đo lường và hiệu chỉnh (nếu có)
Việc đo lường hiệu quả hoạt động giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động thực tế với mục tiêu đề ra. Từ đó, đưa ra những quyết định điều chỉnh và thay đổi sao cho phù hợp.
5 yếu tố tạo nên sự thành công của Marketing trực tiếp
Để tạo nên sự thành công của Marketing trực tiếp, bạn cần cân nhắc 5 yếu tố dưới đây:
Cơ sở dữ liệu
Cơ sở dữ liệu chất lượng là một yếu tố quyết định tới sự thành công của hoạt động Marketing trực tiếp không thể không nhắc tới.
Việc sở hữu hệ thống dữ liệu chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đến đúng khách hàng mục tiêu, đưa ra chiến thuật Marketing trực tiếp phù hợp, tối ưu chi phí và hiệu quả hoạt động.
Lời chào
Lời chào thể hiện mong muốn kết nối của thương hiệu với khách hàng tiềm năng, được thiết kế dựa trên đặc điểm sản phẩm, dịch vụ như ưu đãi, lợi ích, giá bán, điểm nổi bật. Hay nói theo một cách khác, lời chào thể hiện nội dung chính mà doanh nghiệp đề nghị và tin rằng có thể đáp ứng những gì mà khách hàng mong muốn.
Tiếp theo, sự sáng tạo của lời chào đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiếp cận khách hàng, bao gồm việc thiết kế, trình bày nội dung, hình ảnh, kỹ thuật in, v.v.
Phương tiện truyền thông
Lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp với đặc điểm công chúng, mục tiêu, đặc điểm sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao cơ hội thành công trong hoạt động Marketing trực tiếp.
Tổ chức triển khai
Tổ chức triển khai kế hoạch tốt giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả quá trình, công việc được diễn ra theo đúng trình tự, êm xuôi, thời gian hoàn thành đúng tiến độ.
Dịch vụ khách hàng
Mọi lực của doanh nghiệp đều hướng đến mục đích cuối cùng là khách hàng mua sản phẩm của mình. Do đó khách hàng cần chú ý đến việc cung cấp dịch vụ khách hàng chất lượng để khi khách hàng gọi đến lúc nào cũng có người bắt máy, có người hỗ trợ khi khách hàng cần, hàng hóa được giao nhanh nhất, v.v.
Điều này sẽ giúp gia tăng sự hài lòng, trải nghiệm của khách hàng, cũng như xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa khách hàng và thương hiệu.
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ về chủ đề Marketing trực tiếp mà Glints muốn gửi tới bạn. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin giá trị về hình thức Marketing thú vị này, cũng như cách để xây dựng một chiến lược Marketing trực tiếp hiệu quả.
Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để được Glints giải đáp chi tiết nhé.
Tác Giả