Mặt Trời, Con Ở Đâu? là câu chuyện kể về những diễn biến xoay quanh bé Á (Bảo Bảo) – con trai của A Tẻo (Huỳnh Đông). Cuộc sống của hai bố con khá bình yên. Ban ngày, A Tẻo đi bán trái cây, còn cậu bé Á thì nói dối bố là đi học nhưng thực ra lén lút bán vé số kiếm thêm tiền giúp bố. Đến một ngày, Á bị phát hiện có nhóm máu hiếm, trùng khớp với nhóm máu của bé Xuka (Mai Cát Vy) nên đã bị bắt cóc. Những tình tiết sau đó đi vào một lối mòn “chàng Lọ Lem” và nàng tiểu thư bỏ qua những cách biệt về thân phận để làm bạn của nhau vô cùng thân thiết.
Nội dung ý nghĩa dù cách khai thác không mới
Có thể nói, nội dung cả về tình phụ tử của cuộc đời gà trống nuôi con hay chuyện tình bạn nảy nở từ sự hồn nhiên không phải điều gì quá mới mẻ trong điện ảnh Việt. Thế nhưng điều mà Mặt Trời, Con Ở Đâu? khiến khán giả bất ngờ, chính là ở nhan đề bộ phim. Đáng ra, khi đọc nhan đề như vậy, khán giả sẽ dễ liên tưởng về chuyện người cha đi tìm con vì bị bắt cóc, rồi đau đớn mòn mỏi vì nghĩ đã mất con. Điều này thì bộ phim có, nhưng thời lượng quá ít, những chi tiết liên quan cũng không được đào sâu. Hơn nữa, đa số những chi tiết liên quan đến việc người bố đi tìm con đều được chiếu hết trên trailer nên sự thú vị đã giảm nhiều.
Mặt khác, khi nghe Mặt Trời, Con Ở Đâu?, ít nhiều khán giả sẽ nghĩ tới bộ phim Khi Con Là Nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã được công chiếu trước đó. Điều này vô hình tạo một sự so sánh nhẹ trong tiềm thức khán giả. Vì vậy, sự hứng thú cho bộ phim lại càng giảm đi đáng kể.
Tình bạn của lũ trẻ sưởi ấm trái tim người xem
Ồ! Nếu chưa ra rạp thưởng thức bộ phim, thì bạn đoán xem liệu những tình tiết được truyền tải trên trailer sẽ ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm trong bộ phim? Xin được phép bật mí rằng nó không quá được một nửa. Khi xem Mặt Trời, Con Ở Đâu?, khán giả không cảm động quá nhiều với tình phụ tử của những người bố sống cuộc đời gà trống nuôi con nhưng đối lập nhau về hoàn cảnh sống. Thứ tình cảm để họ phải rung động lại là tính “anh chị” của những đứa trẻ lang thang, giảo hoạt.
Lú Mập (Bảo Khương) ban đầu khiến khán giả ghét vô cùng vì cậy lớn bắt nạt bé, ăn chặn tiền của lũ trẻ bán vé số. Nhưng rồi hoá ra, ẩn sâu trong Lú Mập vẫn là một trái tim biết lo lắng cho những người xung quanh.
Giống Lú Mập, Bảo Lé (Gia Lộc) cũng là một “đàn anh” của lũ trẻ lang thang. Cái cách Bảo Lé và Lú Mập vỗ ngực trấn an các em rằng “Tao là đại ca của khu này” chính là minh chứng cho việc chúng tự ý thức được trách nhiệm của mình với các em.
Đáng chú ý nhất có lẽ vẫn là nhân vật chính – Á và Xuka. Xuka liều mạng thả Á đi, rồi đánh cược cả sức khoẻ mình để đi bụi với Á. Dù cho cô bé kêu rằng nhà quá chán, nhưng chắc cô cũng hiểu bệnh của mình nặng đến đâu. Rồi lần thứ 2 thả Á, Xuka thừa thông minh để biết mình vừa tự buông đi nguồn sống duy nhất của mình. Nhưng cô bé vẫn làm. Vì Á là người bạn duy nhất của cô. Cô không dám làm hại đến người bạn của mình.
Còn Á, tính đàn ông trong Á dường như đã có sẵn rồi! Sau bao ngày đi bán vé số, chắt chiu từng nghìn lẻ một, nhưng khi thấy đôi mắt thèm thuồng của cô bé Xuka với món ăn vỉa hè là bánh tiêu, cậu không ngại chi ngay tiền mua. Rõ ràng, vài nghìn là không lớn, nhưng vài nghìn với một cậu bé ngày ngày phải giành giật với biết bao mối lo (từ đàn anh, những kẻ thọc gậy bánh xe,… và nhất là việc nói dối bố) thì lại là cả một tài sản lớn. Cậu cũng nhường luôn cả đôi dép duy nhất của mình để Xuka đi tạm cho đỡ đau chân. Khi mua được dép mới thì lại để cô bé đi đôi mới hơn.
Chi tiết đáng giá nhất ấy là Á đã xin bố để mình được hiến một phần tuỷ cho Xuka. Cái cách cậu bé quả quyết muốn làm như vậy thể hiện rằng đây không phải hành động bồng bột, lại càng không hề vì sĩ diện, mà vì cậu đã được dạy dỗ một cách tử tế để thực tâm muốn làm vậy.
Giữa những mưu mô, toan tính để bảo vệ tính mạng cho Xuka, tình bạn của lũ trẻ đã như một ngọn lửa, sưởi ấm cho chính chúng, và sưởi ấm cho trái tim của cả những người lớn nữa.
Tuy nhiên, nhịp phim chậm: 95 phút chỉ để một nhóm người lớn đi bắt hai đứa trẻ?
Ngoài câu chuyện dễ chịu xoay quanh các cảnh về lũ trẻ, trong suốt 95 phút đồng hồ, phim có thể khiến khán giả khá khó chịu vì nhịp phim chậm và bôi các tình tiết ra dài dòng. Cùng với đó là những chi tiết vô lý. Điển hình là chuyện chỉ có hai đứa trẻ mà đến 5-7 người lớn cũng không vây bắt nổi. Đành rằng muốn tạo kịch tính, muốn tạo sự hài hước khi xây dựng những tay giang hồ nhát cáy, nhưng liệu bộ phim có đang làm lố quá không?
Rồi nữa, chả lẽ lũ trẻ lại tinh quái đến mức tính toán như thần một chuỗi bẫy để người lớn mắc vào ngon ơ như thế? Dĩ nhiên trong phim, chúng ta hoàn toàn cần những yếu tố cường điệu hoá, nhưng quá đà thì không nên.
Dàn diễn viên nhí là điểm sáng đáng giá
Trước khi Mặt Trời, Con Ở Đâu? được công chiếu, cái tên được chú ý nhất là Huỳnh Đông bởi tạo hình của hai nhân vật này khá độc đáo. Thế nhưng rồi Huỳnh Đông với vai diễn người cha câm không khiến khán giả rung động cảm xúc như được kì vọng. Việc cứ phải ú ớ như vậy đòi hỏi anh có biểu cảm mặt rất tốt, thế nhưng cảnh người cha câm lạc con và hớt hãi đi hỏi tìm ở trạm xe chỉ được quay phần lưng. Dù rằng ngôn ngữ hình thể của Huỳnh Đông rất tốt, nhưng điều này lại chưa đủ để khiến khán giả phải run lên cùng hành trình tìm con của anh.
Điểu đặc biệt ở bộ phim này là tâm điểm đều dồn hết vào các diễn viên nhí đáng yêu. Từ cặp đôi chính Á và Xuka, đến Lú Mập, Bảo Lé hay bộ ba Bi – Ki – Tô đều khiến khán giả bất ngờ. Bi – Ki – Tô tuy chỉ là những gia vị thêm vào trong diễn biến cuộc đời Á, nhưng cả ba cậu bé đều thể hiện vai diễn rất xuất sắc. Đáng khen nhất chính là Ki – cậu nhỏ tếu táo và láu lỉnh trong hội.
Tạm kết
Để tác phẩm Mặt Trời, Con Ở Đâu? ra đời, ekip và toàn bộ diễn viên đã rất cố gắng. Các diễn viên nhí hẳn phải trải qua nhiều khổ cực mới có được những thước phim đặc biệt như vậy. Thế nhưng giữa mặt bằng chung của địa hạt phim điện ảnh Việt Nam thì Mặt Trời, Con Ở Đâu? chưa đủ để lên một mức điểm cao hơn 6,5/10.
Bộ phim được công chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc kể từ ngày 07/12/2018.