1. Khái niệm.
Nói tới máy, thiết bị (theo cách thông dụng: máy móc, thiết bị) là đề cập đến hai đối tượng, đó là “máy” và “thiết bị”. “Máy” được hiểu là những vật được chế tạo gồm nhiều bộ phận, thường là phức tạp, dùng để thực hiện chính xác hoặc hàng loạt công việc chuyên môn nào đó; còn “Thiết bị” được hiểu là những bộ phận phụ trợ, được sử dụng để trợ giúp cho hoạt động của “máy”, hiện nay theo xu thế phát triển “thiết bị” ngày càng nhỏ gọn, đa năng và có thể liên kết với thiết bị khác. Trong thực tế, tùy theo cách lắp đặt, liên kết và sử dụng mà một bộ phận nào đấy, lúc này là “máy”, lúc khác, nơi khác lại là “thiết bị”.
Thuật ngữ “máy, thiết bị” dùng trong định giá là những tài sản không cố định, là những máy riêng biệt hoặc cả một cụm, dây chuyền máy, thiết bị đồng bộ. Đề cập tới máy, thiết bị là hàm nghĩa đề cập tới các yếu tố về cơ, điện, điện tử… được kết hợp lại với nhau nhằm biến đổi năng lượng, nguyên vật liệu…thành các sản phẩm cụ thể phục vụ cho đời sống xã hội hoặc thực hiện một hay nhiều công năng khác nhau nào đó.
2. Đặc điểm của máy, thiết bị.
So với bất động sản, máy, thiết bị có một số khác biệt cơ bản:
– Máy, thiết bị là tài sản có thể di dời được.
Theo “khả năng di dời” thì máy, thiết bị được xếp vào nhóm động sản, có khả năng dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác, nên mặt bằng giá máy, thiết bị mà nhất là máy, thiết bị mới thường không có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực địa lý khác nhau. Và cũng là hệ quả của đặc điểm có thể di dời được, nên trong định giá máy, thiết bị phải tính đến chi phí vận chuyển, lắp đặt….
– Máy, thiết bị có tính đa dạng và phong phú.
Sự phát triển của khoa học – công nghệ làm xuất hiện ngày càng nhiều loại máy, thiết bị mới với những công năng và đặc tính kỹ thuật vượt trội, đòi hỏi nhà định giá máy, thiết bị phải không ngừng cập nhật nhằm nâng cao trình độ cũng như sự hiểu biết về thị trường máy, thiết bị và nhất là cần phải có kiến thức sâu rộng về các khía cạnh kỹ thuật của máy, thiết bị nhằm đảm bảo chất lượng công tác định giá.
– So với bất động sản thường thì máy, thiết bị có tuổi thọ ngắn hơn.
Khác với bất động sản (đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc…) có tuổi thọ vật lý cũng như tuổi thọ kinh tế dài; còn máy, thiết bị thường có tuổi thọ ngắn hơn và phụ thuộc nhiều yếu tố như: môi trường tự nhiên, trình độ sử dụng của con người, cường độ thời gian làm việc của máy, thiết bị. Đặc điểm này có ý nghĩa rất lớn trong định giá máy, thiết bị đã qua sử dụng, nắm chắc đặc điểm này người định giá có cơ sở hợp lý đánh giá chất lượng còn lại của máy, thiết bị, qua đó đưa ra kết quả hợp lý nhất về mức giá của máy, thiết bị cần định giá.
– Máy, thiết bị có thể chuyển nhượng, thay đổi chủ sở hữu dễ dàng.
Trừ một số máy, thiết bị đặc biệt, còn hầu hết các loại máy, thiết bị đều được cho là có “tính lỏng” về sở hữu cao hơn bất động sản, điều này thúc đẩy giao dịch máy, thiết bị nhiều hơn và qua đó cũng xuát hiện nhiều chứng cớ thị trường về các giao dịch tương tự nhiều hơn, đây là điều kiện thuận lợi cho việc ước tính giá trị thị trường của máy, thiết bị.
3. Phân loại máy, thiết bị
Trên thực tế có rất nhiều cách phân loại máy, thiết bị khác nhau, việc phân loại này tùy thuộc vào những tiêu thức nhất định nhằm phục vụ cho công tác định giá.
a. Phân loại theo tính chất tài sản.
– Máy, thiết bị chuyên dùng: Đây thường là những loại máy, thiết bị được sử dụng cho những nhiệm vụ đặc thù, có tính chuyên biệt, do vậy chúng thường ít hoặc không được giao dịch, mua bán phổ biến trên thị trường, nên việc thu thập thông tin về giá cả thị trường của những loại máy, thiết bị chuyên dùng thường rất khó khăn, nhiều khi không có thông tin giao dịch thị trường.
– Máy, thiết bị thông thường, phổ biến: Đây là những máy, thiêt bị được sử dụng khá phổ thông trên thị trường, do vậy cúng thường xuyên được trao đổi, mua bán trên thị trường, nên việc thu thập thông tin về giao dịch, giá cả tương đối thuận lợi.
Cách phân loại này giúp cho việc lựa chọn đúng phương pháp định giá. Ta có thể thấy rằng với máy, thiết bị chuyên dùng trong nhiều trường hợp phải sử dụng cơ sở định giá là giá trị phi thị trường với phương pháp chi phí, còn trong trường hợp là máy, thiết bị thông thường, phổ biến sử dụng giá thị trường và phương pháp định giá phổ biến là phương pháp so sánh trực tiếp.
b. Phân loại theo công năng sử dụng.
Cách phân loại này tương đối phổ biến, nhất là công tác hạch toán kế toán. Theo tiêu thức này máy, thiết bị được phân ra:
– Máy, thiết bị động lực: Máy phát động lực; máy phát điện; máy biến áp và thiết bị nguồn điện, máy móc, thiết bị động lực khác.
– Máy, thiết bị công tác: máy công cụ, máy móc thiết bị dùng trong ngành khai khoáng; máy kéo; máy dùng cho nông, lâm nghiệp; máy bơm nước và xăng dầu; thiêt bị luyện kim, gia công bề mặt chống gỉ và ăn mòn kim loại; thiết bị chuyên dùng sản xuất các loại hóa chất, máy móc, thiết bị chuyên dùng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ sành sứ, thủy tinh, thiết bị chuyeend ùng sản xuất các linh kiện và điện tử, quang học, cơ khí chính xác; máy móc, thiết bị dùng trong các ngành sản xuất da, in văn phòng phẩm và văn hóa phẩm; máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm; máy móc, thiết bị điện ảnh, y tế; máy móc, thiết bị viễn thông, thông tin, điện tử, tin học và truyền hình; máy móc, thiết bị sản xuất dược phẩm; máy móc, thiết bị dùng trong ngành lọc hóa dầu, máy móc thiết bị xây dựng; cần cẩu; máy móc, thiết bị công tác khác.
– Dụng cụ làm việc đo lường, thí nghiệm: Thiết bị đo lường, thử nghiệm các đại lượng cơ học, âm học và nhiệt học; thiết bị quang học và quang phổ; thiết bị điện và điện tử; thiết bị đo và phân tích lý hóa, thiết bị và dụng cụ đo phóng xạ; thiết bị chuyên ngành đặc biệt; khuôn mẫu dùng trong công nghiệp đúc; các thiết bị đo lường, thí nghiệm khác.
– Thiết bị và phương tiện vận tải: phương tiện vận tải đường bộ; phương tiện vận tải đường sắt; phương tiện vận tải đường thủy, phương tiện vận tải đường không; thiết bị vận chuyển đường ống; phương tiện bốc dỡ, nâng hàng; thiết bị và phương tiện vận tải khác.
– Dụng cụ quản lý: Thiết bị tính toán, đo lường, máy móc, thiết bị thông tin, điện tử và phần mềm tin học phục vụ quản lý, phương tiện và dụng cụ quản lý khác.Phân loại theo cách này giúp cho việc chọn nhóm chuyên gia định giá có khả năng am hiểu chuyên sâu về máy, thiết bị và tạo điều kiện để cập nhật, theo dõi đánh giá động thái vận hành, cũng như nắm các số liệu lịch sử, từ đó chuyên nghiệp hóa công
c. Phân loại theo mức độ mới cũ của máy, thiết bị:
Theo tiêu thức này có:
– Máy, thiết bị mới: là các máy, thiết bị được mua sắm mới hoặc chế tạo mới, chưa từng đưa vào sử dụng.
– Máy, thiết bị đã qua sử dụng: là các máy, thiết bị đã từng được sử dụng.
Việc phân loại này cũng có ý nghĩa trong việc lựa chọn phương pháp định giá. Định giá máy, thiết bị đã qua sử dụng cần phải tiến hành tỉ mỉ hơn nhằm đánh giá sát thực chất lượng còn lại trước khi tiến hành định giá.