Mentor hay mentee là những thuật ngữ khá phổ biến hiện nay. Mentor có thể xuất hiện ở trường học, công sở hay bất cứ đâu khi một người cần được chỉ dẫn và một người muốn được chia sẻ. Mentor là gì và khi nào, tại sao lại cần có một mentor trong đời? Bài viết này sẽ giải đáp tất cả.
Mentor là gì?
Để hiểu rõ về mentor cũng như nhiệm vụ của người này, trước tiên chúng ta cần biết về mentoring là gì.
Mentoring là hành động hoặc quá trình giúp đỡ và hướng dẫn người khác nhằm hỗ trợ họ phát triển, đa phần là phát triển sự nghiệp. Mentoring thường là hoạt động giữa cấp trên và cấp dưới trong một công ty.
Theo đó, mentor là người hướng dẫn, người cố vấn, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ và giúp đỡ mentee (người được hướng dẫn). Mentor thường dành thời gian để thấu hiểu mentee, đặc biệt là những thách thức họ gặp phải và với kinh nghiệm lẫn hiểu biết của mình, giúp người đó giải quyết vấn đề và cải thiện bản thân.
Đặc biệt, mentor không phải là coacher, cũng không phải là nhà trị liệu tâm lý. Sự khác nhau giữa mentoring và coaching sẽ được phân tích ở phần tiếp theo.
Kỹ năng và phẩm chất cần có của một mentor là gì?
Mặc dù không có một yêu cầu cụ thể về trình độ mà một mentor cần có, để trở thành một người hướng dẫn có ích, bạn vẫn cần có những kỹ năng và phẩm chất nhất định. Sau đây là một số gạch đầu dòng đáng lưu tâm nhất:
- Niềm vui thích giúp đỡ người khác là một điểm cộng sáng giá, không phải là yếu tố bắt buộc hoàn toàn, nhưng đó sẽ là chìa khoá để bắt đầu con đường mentoring.
- Kinh nghiệm thực chiến, kiến thức và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mà bạn cố vấn nên là ưu tiên số một vì mentor sẽ cần đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn hiệu quả va đáng tin cậy.
- Kỹ năng xây dựng mối quan hệ và giao tiếp giữa các cá nhân với nhau rất quan trọng trong mentoring. Mentor và mentee cần có sự liên kết thì mới dễ dàng trao đổi và làm việc cùng nhau được.
- Cam kết cùng đi một chặng đường dài trên hành trình mentoring với mentee có thể khó khăn nhưng hãy đảm bảo sự cam kết này được thiết lập vì trước hết nó tạo ra niềm tin.
- Cổ vũ, khuyến khích và truyền năng lượng cảm hứng cho mentee trong các buổi gặp mặt.
- Hỗ trợ mentee xác định mục tiêu của họ. Điều này giúp cho người được cố vấn nhìn lại bản thân dưới góc độ khách quan và dễ dàng phát hiện đâu mới là mục tiêu quan trọng.
- Mentor cần là người cởi mở và trung thực để đưa ra những nhận xét và lời khuyên khách quan nhất.
Ngoài ra, một mentor cũng cần có nhiều thời gian hoặc có khả năng sắp xếp thời gian để có thể dành thời gian cho việc mentoring mà không bị gián đoạn bởi những công việc khác.
Đọc thêm: Life coaching là gì?
Phân biệt Mentoring và Coaching
Rất dễ để nhầm lẫn giữa mentoring và coaching. Hai thuật ngữ này về cơ bản có những điểm tương đồng nhưng chúng không phải là một.
Trước tiên, hãy nhìn vào những điểm chung về mặt lợi ích mà cả mentoring và coaching mang lại:
- Mentoring và coaching đều là những phương pháp học tập hiệu quả.
- Mentoring và coaching đều có thể diễn ra dưới bất cứ hình thức nào, bài bản hoặc không bài bản.
- Khi được thực hiện trong doanh nghiệp, mentoring và coaching đều có thể tăng sự gắn kết với nhân viên.
- Mentoring và coaching đều có thể nâng cao sự tự tin và kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân cho đồng thời mentor và mentee.
- Mentoring và coaching đều cải thiện hiệu suất công việc, sự phát triển cá nhân của mentee
- Mentoring và coaching có thể được áp dụng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào có nhu cầu.
Đó là những điểm tương đồng có thể tìm thấy ở mentoring và coaching. Sau đây là đặc điểm khác nhau để phân biệt hai hình thức này:
Tại sao bạn nên có cho mình một mentor?
Mục đích của mentoring hay mentor là giúp cho bạn phát triển và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Một người mentor giỏi có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, học hỏi những kỹ năng mới, xây dựng sự tự tin và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn trên con đường phát triển sự nghiệp. Mentor là người có thể dẫn lối mentee trong bóng tối, giúp họ không bị “lạc đường”.
Việc tự bản thân khám phá ra những sai lầm và tìm cách vượt qua thử thách đôi khi rất gian nan và tốn nhiều thời gian vì những thiếu sót về kinh nghiệm, kiến thức và chiến lược. Lúc này, một người mentor có tất cả những gì bạn cần và có thể giải đáp những dấu hỏi chấm to đùng trong bạn là rất quý giá.
Đọc thêm: 5 Lợi Ích Cho Sự Nghiệp Khi Có Một Career Mentor
Các hình thức mentoring phổ biến
Có 6 hình thức mentoring phổ biến hiện nay, bao gồm:
Mentoring 1:1
Mentoring 1:1 (One-on-one mentoring) là hình thức mentoring truyền thống và phổ biến nhất. Trong đó, chỉ có duy nhất một mentor và một mentee tham gia vào công cuộc cố vấn này. Người cố vấn thường là một người dày dạn kinh nghiệm, chuyên môn hoặc có vị trí công việc cao hơn mentee.
Mentoring theo nhóm
Trong hình thức mentoring theo nhóm hay group mentoring, một hoặc nhiều mentor sẽ làm việc với một nhóm gồm nhiều mentee. Hình thức mentoring này được áp dụng nhiều ở các trường học hoặc các chương trình cho giới trẻ vì thời gian và nhân lực để có thể thực hiện mentoring 1:1 là rất hiếm.
Peer mentoring
Peer mentoring hay mentoring đồng cấp diễn ra giữa một nhóm người có cùng vị trí công việc, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn. Họ tập chung lại để cùng giúp đỡ nhau phát triển. Peer mentoring có thể áp dụng 1:1 hoặc theo nhóm.
Mentoring trực tuyến
Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, giờ đây mentoring không nhất thiết phải được diễn ra offline với sự gặp mặt trực tiếp của những người liên quan. Và thế là mentoring trực tuyến (Distance/E-mentoring) ra đời.
Mentoring đảo ngược
Cái tên nói lên tất cả. Khác với mentoring truyền thống khi một người có kinh nghiệm hơn sẽ hướng dẫn người ít kinh nghiệm, trong mentoring đảo ngược (reverse mentoring) một người ít kinh nghiệm hoặc ở vị trí công việc thấp sẽ là mentor cho một người ở vị trí cao hơn.
Hình thức này thường áp dụng khi mentor là những người trẻ có hiểu biết về các ứng dụng công nghệ/xu hướng mới hướng dẫn cho mentee là những người chưa nắm bắt được chúng.
Mentoring tốc độ
Gọi tên hình thức này là mentoring tốc độ vì nó diễn ra trong thời gian khá ngắn và thường là một phần của một cuộc hội thảo. Mentee được gặp gỡ lần lượt các mentor và có thể đưa ra những câu hỏi để có được lời khuyên từ họ.
Tìm mentor ở đâu?
Mentor có thể là bất cứ ai có kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết trong lĩnh vực nào đó và một tấm lòng sẵn sàng kết nối, chia sẻ và giúp đỡ.
Mentor có thể xuất hiện ở bất cứ đâu: trường học, công ty, các mối quan hệ trong cuộc sống, v.v.
Có cả những tổ chức tập hợp những người sẵn sàng trở thành mentor cho một ai đó cần đến họ.
Nếu bạn đang cần một mentor cho riêng mình, hãy chủ động tìm hiểu trên các diễn đàn về mentoring hoặc tìm đến những người có tên tuổi trong ngành mà bạn đang theo đuổi để ngỏ lời được giúp đỡ.
Trong công ty, bạn có thể trò chuyện với cấp trên hoặc đồng nghiệp và cùng thảo luận về xây dựng mối quan hệ mentoring xem sao.
Mình tin rằng chỉ cần bạn sẵn sàng làm một mentee đúng nghĩa – muốn được giúp đỡ, muốn học hỏi và hoàn thiện bản thân, sẽ có người bằng lòng trở thành mentor của bạn.
Tạm kết
Trên đây là những thông tin về mentor là gì, các hình thức mentoring cũng như những chia sẻ cá nhân về mentorship mà mình tổng hợp lại. Hi vọng rằng bài viết sẽ đến được với những ai đang cần nó.
Đừng quên theo dõi Glints Blog để cập nhật nhiều nôi dung hữu ích nữa nhé!
Tham khảo:
- Mentoring vs Coaching: The Key Differences and Benefits
- What is Mentoring?
Tác Giả