Trong bộ phim tài liệu “MH370: Cuộc tìm kiếm cuối cùng” vừa được phát sóng bởi Sky News, nhà điều tra an toàn hàng không hàng đầu và phi công đã nghỉ hưu John Cox khẳng định vụ mất tích của máy bay MH370 không phải là tai nạn.
Theo Cox, vì chiếc máy bay có đường bay ngoằn nghoèo nên chắc chắc nó được điều khiển bởi một trong hai phi công. Ngoài ra, người điều khiển máy bay phải có kiến thức sâu rộng và khả năng chuyên môn cao. Trong khi đó, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là người duy nhất trên máy bay có đủ kiến thức và kinh nghiệm để vô hiệu hoá hệ thống liên kết dữ liệu của MH370. Vì lý do này, Cox cho rằng cơ phó Fariq Abdul Hamid không liên quan đến vụ tai nạn.
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah. Ảnh: News.com.au
Đồng quan điểm, nhà điều tra tai nạn hàng không người Canada – Larry Vance cho biết sự cố dẫn đến vụ tai nạn của MH370 trên thực tế khá đơn giản.
“Vụ MH370 là một âm mưu phạm tội. Chiếc máy bay đã cố tình chuyển hướng, giống như những gì tôi đã mô tả trong cuốn sách của mình (MH370: Bí ẩn được giải mã). Tôi không nghi ngờ gì về giả thuyết này”, Vance nói.
Cùng xuất hiện trong đoạn phim tài liệu có Danica Weeks (quốc tịch Úc), vợ của một hành khách trên chuyến bay xấu số MH370. Suốt nhiều năm qua, Weeks từng tin chắc nịch rằng MH370 gặp nạn do lỗi kĩ thuật.
Nhưng sau khi chuyên gia người Anh Richard Godfrey cung cấp một số dữ liệu mới về chuyến bay cách đây không lâu, Danica Weeks bắt đầu thay đổi quan điểm và tin rằng vụ tai nạn là một hành động giết người.
“Tôi từng tin tưởng rằng lỗi không phải của phi công. Nhưng giờ đây tôi phải vứt bỏ niềm tin của mình. Richard Godfrey nói rằng ông tin phi công đã kiểm soát hoàn toàn máy bay. Giả thuyết này thật sự có lý vì chúng ta mãi vẫn chưa tìm ra xác của nó. Có lẽ giờ chúng ta nên tìm kiếm dựa trên nhận định này.”
Thiết bị mô phỏng chuyến bay ở nhà cơ trưởng. Ảnh: News.com.au
Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3/2014 khi đang bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Tất cả 239 người trên máy bay đều được coi là đã thiệt mạng, dù xác máy bay MH370 vẫn chưa được tìm thấy.
Khoảng 26 quốc gia đã tham gia vào nỗ lực tìm kiếm xác máy bay trên khu vực rộng hơn 120.000 mét vuông, tiêu tốn 200 triệu USD trong 4 năm, nhưng vẫn chưa mang lại kết quả.
Tháng 12 năm ngoái, chuyên gia Richard Godfrey công bố một bản nghiên cứu mới cho thấy điểm rơi của máy bay MH370 là cách thành phố Perth (Úc) khoảng 1.933km về phía Tây, ở tọa độ “33.177°S (nam), 95.300°E (đông)”. Xác máy bay đang nằm ở độ sâu 4.000m ở đáy biển.
Godfrey cũng tin rằng cơ trưởng của MH370 – phi công Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi) đã lao máy bay xuống biển vì động cơ chính trị. Manh mối quan trọng là khoảng thời gian 22 phút máy bay MH370 bay ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia).
“Quan điểm của tôi là cơ trưởng đã bắt các hành khách làm con tin và chuyển hướng máy bay”, Godfrey nói, nhưng thừa nhận rằng ông chưa có bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết này.
Chuyên gia 71 tuổi cho biết phi công Zaharie là người ủng hộ phe đối lập Malaysia. Ông được cho là có quen biết lãnh đạo phe đối lập – Anwar Ibrahim. Chỉ một ngày trước khi MH370 cất cánh, Ibrahim đã bị kết án 5 năm tù.
Godfrey suy đoán rằng điều này có thể đã thôi thúc phi công Zaharie hành động. Theo Godfrey, khoảng thời gian 22 phút bay vòng vòng có thể là nỗ lực của Zaharie để đàm phán thả Ibrahim.
“Dường như cuộc đàm phán đã bị trục trặc, và cuối cùng Zaharie phải lái máy bay đến phần xa nhất của Nam Ấn Độ Dương”, Godfrey nói.
Theo kỹ sư người Anh, cơ trưởng Zaharia đã chuẩn bị cho một kịch bản khác, nhưng vì hết nhiên liệu nên ông buộc phải cho máy bay lao xuống biển. “Máy bay tăng tốc từ 1.370m/phút lên 4.572m/phút chỉ trong vòng 8 giây”, Godfrey phân tích.
Cơ trưởng Zaharie được cho là đã vạch sẵn đường bay cho MH370 trên thiết bị mô phỏng chuyến bay được tìm thấy tại nhà ông này, khiến nhiều người tin rằng vụ tai nạn đã được tính toán từ trước.