Văn học dân gian là nền văn học nghệ thuật tinh hoa của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền, tồn tại từ đời này sang đời khác bằng hình thức truyền miệng. Trong đó, chất liệu văn học dân gian và mô típ trong văn học dân gian là hai yếu tố ảnh quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của nền văn học dân gian Việt Nam. Để tìm hiểu chi tiết về hai thành phần này, bạn cùng AnyBooks tham khảo ngay bài viết này nhé!
1. Mô típ trong văn học dân gian là gì?
Mô típ là sự lặp đi lại của cốt truyện hay đề tài, mang tính ước lệ và biểu trưng nghệ thuật, có thể chuyển thành khuôn dạng và kiểu trong tiếng Việt, nhằm chỉ những thành tố, bộ phận nhỏ hoặc lớn đã được hình thành bền vững và sử dụng nhiều trong tác phẩm văn học. Trong đó, cốt truyện và đề tài là hai yếu tố kết hợp với nhau để hình thành mô típ. Cốt truyện là sơ đồ phức tạp hình thành từ một loại mô típ, được lồng ghép trong cốt truyện và các thành phần của cốt truyện.
Ngoài ra, mô típ được xem là đơn vị trần thuật đơn giản nhất, thể hiện bằng hình tượng và có tính đồng nhất, giống nhau, sau đó trải qua quá trình phát triển trở thành cốt truyện. Mô típ có khả năng tồn tại trong nhiều cốt truyện khác nhau. Mô típ có thể là trí tưởng tượng ngây thơ của con người trước thời kỳ tư duy khoa học, có thể là sản phẩm ước mơ dân gian và cũng có thể là sản phẩm của trí thông minh dân gian.
2. Các mô típ thường thấy trong văn học dân gian Việt Nam
Mô típ văn học dân gian Việt Nam xuất hiện phổ biến ở hai thể loại là cổ tích và ca dao.
Mô típ văn học dân gian trong truyện cổ tích
Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, thể loại truyện cổ tích ra đời khi xã hội đã phát triển, có sự phân chia giai cấp và xảy ra nhiều mâu thuẫn tầng lớp gây gắt. Thế nên, tác giả dân gian đã có những nhận thức xác đáng về những sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội. Thông qua đó, hình thành các mô típ truyện cổ tích chứa các yếu tố không có thực và kỳ lạ được thể hiện qua hàng loạt các câu truyện cổ tích như: cây tre trăm đốt, tắm cám, Thạch Sanh Lý Thông,…
Kết cấu truyện đa số được mở đầu bằng các điệp từ ngày xửa, ngày xưa, ở một ngôi làng nọ,… và kết thúc có hậu. Các mô típ đề tài, chủ đề và cốt truyện thường gặp trong truyện cổ tích là người mồ côi, người bất hạnh, nhân vật có tài, nhân vật xấu xí, nhân vật mồ côi, mẹ kế, anh cả và em út, con đò, bến đợi, ngọn đèn, tầm khăn, cái cầu,… Chính những mô típ của văn học dân gian đã góp phần xây dựng thành công cho việc nghiên cứu, sưu tầm và khảo dị của nền văn học Việt Nam.
Mô típ văn học dân gian trong ca dao
Mô típ thường gặp nhiều nhất trong ca dao thường bắt đầu bằng các điệp từ, điệp ngữ như: thân em, thân em như, em như, chiều chiều,… Có thể xem đây là một công thức, chỉ cần ghép các từ ngữ này vào câu mở đầu là có thể sáng tạo ra một bài ca dao hoàn toàn mới. Chính những mô típ này đã giúp người đọc dễ dàng phân loại, sắp xếp thành các bài ca dao có cùng chủ đề giúp thuận tiện cho việc so sánh, phân tích và đánh giá giá trị văn học dân gian Việt Nam.
3. Chất liệu của văn học dân gian là gì?
Chất liệu văn học dân gian là cả những giá trị vật chất lẫn tinh thần, văn hóa vật thể và phi vật thể do nhân dân sáng tạo ra trong trường kì lịch sử thời xa xưa, từ đó góp phần xây dựng nên nền văn học Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
4. Chất liệu văn học dân gian trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm
Chất liệu văn học dân gian là các ca dao, tục ngữ
Tác giả đã vận dụng chất liệu ca dao, tục ngữ dân gian vào bài thơ một cách khéo léo để tôn vinh nét đẹp trong sinh hoạt và tâm hồn con người Việt Nam. Đó có thể là sự chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, sự duyên dáng, tế nhị trong lời ăn tiếng nói thường ngày, tấm lòng son sắc thủy chung,… Chẳng hạn như: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” lấy ý từ ca dao “Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” lấy từ “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất”, “yêu em từ thuở trong nôi” lấy từ bài ca dao “Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”,…
Chất liệu văn học dân gian là phong tục, lối sống sinh hoạt thường ngày
Những phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt và vật dụng quen thuộc thường ngày xuất hiện trong bài thơ là hình ảnh cái kèo cái cột, hạt gạo xay, giã, giần, sàng, hòn than, con cúi, miếng trầu, tóc bới sau đầu,… Đây chính là chất liệu thường gặp trong văn dân gian gắn liền với thói quen ăn ở của người Việt và cả nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Chất liệu văn học dân gian thể hiện qua các truyền thuyết, cổ tích dân tộc
Bài thơ Đất Nước áp dụng các chất liệu văn học dân gian về những câu truyện truyền thuyết và cổ tích như: “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” nhắc đến truyền thuyết Thánh Gióng, “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” gợi nhớ câu chuyện Vua Hùng Vương dựng nước,… Thông qua các chất liệu đó có tác dụng làm nổi bật vẻ đẹp trù phú của đất nước, những truyền thống quý báu của nhân dân ta, tinh thần đoàn kết và vai trò to lớn của nhân dân trong việc xây dựng đất nước.
5. Mối quan hệ giữa mô típ và các chất liệu của văn học dân gian Việt Nam
Mặc dù mô típ và chất liệu văn học dân là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng có khả năng bổ trợ cho nhau trong các sáng tác văn học. Chính những mô típ và chất liệu dân gian đã xây dựng nên một kho tàn nghệ thuật văn học Việt Nam phong phú, lưu giữ từ đời này sang đời khác, đồng thời còn thể hiện sự gần gũi, bình dị, bay bổng và giàu mơ mộng.
Xem thêm:
- Miêu tả nội tâm nhân vật trong văn bản tự sự là gì?
- La Phông-ten – Nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng người Pháp
- Sách là gì? Phương pháp đọc sách hiệu quả nhất
Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu chi tiết về mô típ và các chất liệu của văn học dân gian Việt Nam. Hy vọng những bài viết sau của AnyBooks sẽ nhận được sự ủng hộ từ bạn nhé!