Câu cổ ngữ “Môn đang hộ đối”, hiện nay thường được phát âm là “Môn đăng hộ đối”, cho rằng trai gái đến với nhau, điều kiện kinh tế, địa vị xã hội của hai bên có tương đồng thì hôn nhân mới phù hợp, hạnh phúc. Ý nghĩa gốc của câu nói còn ẩn chứa những câu chuyện sâu xa hơn.
“Môn đang (đương)” và “Hộ đối” nghĩa là gì?
Theo Thuyết văn giải tự, chữ Môn (門) được ghép thành từ 2 chữ Hộ (戶) đối nhau. Diễn đạt theo ngữ pháp xưa “門當戶對” sẽ là “Môn đang hộ đối”, có thể hiểu một cách mộc mạc là hai bên có cân đối thì khi khép lại mới kín kẽ, mới là cái cửa. Nhưng trong thuật ngữ kiến trúc và xây dựng cổ thì “môn đang” và “hộ đối” là hai bộ phận cấu thành của một cửa lớn. Phân tích ra sẽ thấy nội dung rộng lớn hơn nữa, chứ không chỉ là sự vừa khít của hai cánh cửa.
“Môn đang” là phần bục đỡ trụ gỗ hai bên cửa nên còn thường được gọi là “môn chẩm thạch” (gối đá của cửa), “môn đôn” (đôn của cửa), “môn đài”, “môn cổ” (trống của cửa). Thời xưa, vì thấy tiếng trống vang đội uy nghiêm, như tiếng sấm sét trên Thiên đình, người dân tin rằng trống có thể tránh được ma quỷ, nên cho đặt cái môn đang như dạng chiếc trống trước cửa nhà.
Không phải nhà ai cũng được phép dùng môn đang, mà phải quan lớn từ tam phẩm trở lên mới được dựng cửa hai cánh và bày nó. Quan văn thì môn đang có hình tròn, quan võ thì môn đang có dạng vuông. Nếu như “môn đang” khắc cỏ cây hoa lá thì là dinh thự của gia đình kinh doanh buôn bán. Nếu để trơn không khắc hoa lá thì là dinh thự quan lại. Nếu “môn đang” là hình linh vật tọa trên bục vuông thì là dinh thự quan văn. Quan tòng tam phẩm thì có hai môn đang, chánh tam phẩm được bốn, nhị phẩm được sáu, nhất phẩm được tám. Và duy chỉ cung vua mới được bày chín môn đang. Do đó, cứ đếm môn đang là biết nhà của đại quan cỡ nào, và căn cứ vào hình dạng của nó mà suy ra là quan văn hay võ.
Quan từ tam phẩm trở xuống thì ở thanh đà phía trên khung cửa nhà được đặt đôi trụ hình tròn nhô ra khoảng một tấc, gọi là “hộ đối”. Hộ đối đặt trên cửa là ngụ ý gia tộc hưng vượng. Tùy phẩm hàm mà có hộ đối nhiều ít khác nhau.
“Hộ đối” là những khối kiến trúc hình tròn, hình vuông hoặc hình lục giác với chiều dài 1 thước (33,3 cm) nằm trên đà cửa (mi cửa), song song với mặt đất. Thường được chạm khắc 4 mùa hoa lá, hoặc các chữ “Đức”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Bình an cát tường”, với ngụ ý cầu nhân khí thịnh vượng, hương hỏa vững bền.
“Hộ đối” thể hiện địa vị, đẳng cấp của gia chủ. Nếu chủ hộ là thường dân thì có một đôi, nếu là phú hộ hoặc quan lại thì hai đôi, nếu là hoàng thân quốc thích thì nhiều hơn nữa… cửa càng rộng thì càng nhiều. Lại có câu tục ngữ: “Thành cặp thành đôi”, chữ “đôi” và chữ “đối” là đồng âm khác nghĩa, nên “hộ đối” lại mang thêm một nghĩa bóng khác là thành đôi, xứng đôi.
Người xưa quan niệm, thân thể người là một tiểu vũ trụ. Trời đất cùng với con người hòa hợp thành một thể thống nhất “Thiên Nhân hợp nhất” (người – trời hợp nhất). Theo đó, nhân duyên là do Trời định nên hôn nhân theo ý mẹ cha, dựa vào mai mối. Trước khi người mai mối ngỏ lời thường quan sát kỹ lưỡng kích thước trang trí của “môn đang” và số lượng “hộ đối” của hai nhà.
“Môn” và “Hộ” trên cơ thể người
Một số huyệt vị trên cơ thể cũng dùng “Môn” và “Hộ” để đặt tên, bởi theo quan điểm của Trung y, những huyệt đó là chỗ để Thần khí xuất ra, đương nhiên cũng đồng thời là nơi tà khí nhập vào nên nó giống như cái cửa. Những huyệt vị này đại đa số có chức năng kiểm soát sự khép mở, lên xuống, xuất nhập. Huyệt vị lấy “Môn” để đặt tên đều là chỉ những đầu mối then chốt lớn nơi ra vào khí cơ của thân thể, chúng có tác dụng chủ yếu trong việc khai thông nối liền âm dương.
Ví dụ như huyệt Chương Môn là hội của tạng, là cửa cho khí của 5 tạng xuất nhập. Huyệt ở đầu xương sườn tự do thứ 11. Khi người ta tức giận, Chương Môn sẽ đau. Chúng ta có thể dùng mồi ngải cứu vị trí này khoảng 10 phút, sẽ thuyên giảm. Mát-xa huyệt đạo này có thể hỗ trợ trị liệu các chứng đau tức ngực, chướng bụng, nôn mửa, tiêu chảy, tiêu hóa kém…
Trên đường kinh Phế của thân thể có huyệt vị vô cùng quan trọng là Vân môn. Đây là huyệt thứ hai của Phế kinh. Vân chỉ hơi nước, Môn là nơi ra vào. Trên thân thể người, Phế khí giống như hơi nước ra vào qua cửa. Huyệt ở bờ dưới xương đòn gánh, nơi chỗ lõm ngang cơ ngực to, giữa cơ Delta, nơi có gian sườn 1, cách đường ngực 6 thốn (1 thốn bằng khoảng 3,3cm), trên huyệt Trung Phủ 1,6 thốn. Huyệt có tác dụng tuyên thông Phế khí.
Còn một huyệt khác tên Khí hộ ở phía dưới huyệt Trung Phủ (là nơi xuất phát của kinh Phế, Phế chủ khí). Do huyệt được coi là nơi cửa ra vào của khí nên tên là Khí hộ. Nó ở sát dưới xương đòn, dưới huyệt Khuyết Bồn 1 thốn, cách đường giữa ngực 4 thốn. Trị lưng và ngực đau, khó thở, nấc, suyễn, khí quản viêm.
Qua đó có thể thấy, sự phân biệt “môn” và “hộ” từ trong kiến trúc cho tới y khoa đều thể hiện sự khác biệt về mức độ quan trọng, phẩm cấp, lớn nhỏ. Nên “môn đang, hộ đối” không có nghĩa là người nhà có môn đang thì kết duyên với người nhà có hộ đối.
“Môn đang hộ đối” và sự hòa hợp trong hôn nhân
“Môn đang hộ đối” có nghĩa đen là sự phân biệt quan chức cao thấp, và nguyên nghĩa là con nhà trọng thần có môn đang thì chỉ nên phối ngẫu với nhà có môn đang. Và tương tự, con em nhà quan nhỏ chỉ có hộ đối thì chỉ nên gả cho nhà có hộ đối, môn đang không thể cùng hộ đối cưới gả lộn xộn. Thành ngữ này có hai vế, lâu nay nhiều người vẫn tưởng là hai vế này kết hợp với nhau, nhưng thật ra lại là tách biệt, mỗi kiểu người ở mỗi vế trong câu tự tìm đối tượng bằng vai phải lứa với mình.
Bởi theo nhận định của người xưa, vợ chồng về căn bản phải có cùng hệ quy chiếu mới có thể hòa hợp lâu bền. Người không cùng đẳng cấp sẽ có quan điểm bất đồng, dễ tạo nên xung đột khiến đời sống hôn nhân trở nên trục trặc, thành gánh nặng trong đời.
Đối với hôn nhân đại sự, để cân nhắc sự phù hợp, người xưa xem tử vi và bát tự của hai bên nam nữ. Theo âm dương ngũ hành, tính cách, năng lực, xu thế đời người đều có quan hệ mật thiết tới giờ, ngày, tháng, năm sinh. Nếu bát tự phù hợp thì đặc trưng sinh mệnh hai bên có thể bao dung lẫn nhau. Còn về phương diện tương xứng giữa hai bên gia đình thì xem xét “môn đang, hộ đối”. Có thể nói người xưa xây dựng hạnh phúc hôn nhân dựa trên nền tảng khá vững chắc.
Đương nhiên hôn nhân muốn mĩ mãn cần sự nỗ lực chăm chút của cả hai người chứ chẳng thể chỉ đơn giản dựa vào tử vi, bát tự. Hai người có cùng nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan thì mới dễ đồng cảm, hạnh phúc, gia đình hai bên mới dễ hòa hợp trở thành “thông gia”. Đó chính là giá trị thực sự của “môn đang hộ đối” vậy.
Tất nhiên, người ta có thể dẫn ra trăm nghìn trường hợp riêng biệt để bác bỏ quan niệm này, nhưng thực tế chứng minh: trong tình yêu và hôn nhân, chết vì nhau vẫn dễ dàng hơn là phải sống trọn đời bên nhau. Bối cảnh văn hóa, giáo dục khác nhau của hai gia đình sẽ dẫn đến cách hành xử khác nhau của mỗi người. Tập quán sinh hoạt khác nhau hình thành tính cách khác biệt đến nỗi khiến người ta nhiều khi trở nên xa lạ và khó thấu hiểu cho nhau, điều này gây những cú sốc nghiêm trọng trong cuộc hôn nhân. Vì thế, “môn đăng, hộ đối” cũng có cơ sở của nó.
Kiên ĐịnhTheo Apollo