Độc quyền bán (Monopoly)
Khái niệm
Độc quyền bán trong tiếng Anh là Monopoly hay Monopolist.
Độc quyền bán là trạng thái thị trường chỉ có duy nhất một người bán và sản xuất ra sản phẩm không có sản phẩm thay thế gần gũi. Đây là một trong những dạng của thất bại thị trường, là trường hợp cực đoan của thị trường thiếu tính cạnh tranh.
Độc quyền được phân loại theo nhiều tiêu thức: mức độ độc quyền, nguyên nhân của độc quyền, cấu trúc của độc quyền. Độc quyền bán là thị trường chỉ có duy nhất một hãng cung ứng toàn bộ sản lượng của thị trường. Ví dụ: Hãng Microsoft độc quyền trên toàn thế giới với hệ điều hành Windows.
Hãng độc quyền có vị trí đặc biệt trên thị trường cụ thể nếu nhà độc quyền quyết định nâng giá bán sản phẩm, hãng sẽ không phải lo về việc các đối thủ cạnh tranh sẽ đặt giá thấp hơn để chiếm thị phần lớn hơn, làm thiệt hại tới mình. Hãng độc quyền quyết định và kiểm soát mức giá, sản lượng cung ứng.
Các đặc trưng của thị trường độc quyền bán thuần túy
Thị trường độc quyền bán thuần túy được nhận biết thông qua ba đặc trưng cơ bản sau:
+ Chỉ có một hãng duy nhất cung ứng toàn bộ sản phẩm trên thị trường.
+ Sản phẩm hàng hóa trên thị trường độc quyền không có hàng hóa thay thế gần gũi. Nếu không có sản phẩm thay thế tương tự với sản phẩm của mình, nhà độc quyền sẽ không lo ngại về việc người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế khi nhà độc quyền định giá cao hơn.
+ Thị trường độc quyền bán thuần túy có rào cản lớn về việc gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường. Rào cản gia nhập khiến cho hãng độc quyền bán là nhà sản xuất và cung ứng duy nhất trên thị trường. Nếu không có rào cản rút lui khỏi thị trường thì sẽ không có bất kì sản phẩm nào mà nhà độc quyền đó đã cung cấp cho thị trường.
+ Đường cầu của hãng độc quyền là đường dốc xuống về phía phải, tuân theo luật cầu.
Nguyên nhân dẫn đến độc quyền bán
Nguyên nhân cơ bản của độc quyền là hàng rào gia nhập: Doanh nghiệp độc quyền tiếp tục là người bán duy nhất trên thị trường của nó vì các doanh nghiệp khác không thể gia nhập thị trường và cạnh tranh với nó.
Các hàng rào ngăn cản gia nhập đến lượt nó lại phát sinh từ các nguồn chính sau:
+ Quá trình sản xuất đạt được hiệu suất kinh tế tăng theo quy mô (độc quyền tự nhiên).
Ví dụ: Ngành cung cấp nước sạch, để cung cấp nước sạch cho dân cư ở một thị trấn nào đó, hãng phải xây dựng mạng lưới ống dẫn trong toàn bộ thị trấn. Nếu hai hoặc nhiều doanh nghiệp cạnh tranh nhau trong việc cung cấp dịch vụ này thì mỗi hãng phải trả một khoản chi phí cố định để xây dựng mạng lưới ống dẫn. Do đó, tổng chi phí bình quân của nước sẽ thấp nếu chỉ có một hãng duy nhất nào đó phục vụ cho toàn bộ thị trường.
+ Sự kiểm soát được yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất
Điều này giúp cho người nắm giữ có vị trí gần như độc quyền trên thị trường. Một ví dụ điển hình là Nam Phi được sở hữu những mỏ kim cương chiếm phần lớn sản lượng của thế giới và do đó quốc gia này có vị trí gần như độc quyền trên thị trường kim cương.
+ Bằng phát minh, sáng chế
Bằng phát minh, sáng chế được pháp luật bảo vệ là một trong những nguyên nhân tạo ra độc quyền vì luật bảo hộ bằng sáng chế chỉ cho phép một nhà sản xuất sản xuất mặt hàng vừa được phát minh và do vậy họ trở thành nhà độc quyền.
Ví dụ: Bill Gate, chủ tịch tập đoàn Microsoft, là người phát minh sáng chế phần mềm Microsoft Office. Nhờ bằng phát minh sáng chế này mà tập đoàn Microsoft đã trở thành tập đoàn độc quyền trong việc cung cấp phần mềm này ở Mỹ.
+ Các qui định của Chính phủ
Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp độc quyền hình thành do Chính phủ trao cho một cá nhân hay doanh nghiệp nào đó đặc quyền trong việc buôn bán một hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định. Nhà nước tạo ra cơ chế độc quyền nhà nước cho một công ty như trường hợp Chính phủ Anh trao độc quyền buôn bán với Ấn độ cho công ty Đông Ấn.
Ví dụ, Chính phủ Mỹ trao độc quyền cho công ty Network Solutions – một tổ chức quản lí cơ sở dữ liệu của tất cả các địa chỉ Internet: .com, .net, .org, vì người ta cho rằng những dữ liệu như vậy cần được tập trung hóa và đầy đủ.
+ Do sở hữu được một nguồn lực lớn
Điều này giúp cho người nắm giữ có vị trí gần như trọn vẹn trên thị trường. Một ví dụ điển hình là Nam Phi được sở hữu những mỏ kim cương chiếm phần lớn sản lượng của thế giới và do đó quốc gia này có vị trí gần như đứng đầu trên thị trường kim cương.
(Tài liệu tham khảo: Topica.edu.vn)