Với nhiều người Hà Nội, hình ảnh các sạp báo nhỏ trên hè phố Hàng Trống, Phan Huy Chú, Phan Đình Phùng, từng rất thân thuộc và là một phần của Hà thành. Thế nhưng, những sạp báo có tuổi đời hơn 40 năm này lại đang đối mặt với nguy cơ biến mất.
Lần lại lịch sử, tờ báo đầu tiên của Bắc Kỳ – Đại Nam đồng văn nhật báo – ra mắt số thứ nhất vào ngày 30/8 năm 1891. Nhưng phải đến đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, báo in mới có bước phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội nhờ lực lượng học sinh, sinh viên, quan chức Tây học sử dụng thành thạo tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Nhiều tòa soạn báo tư nhân ra đời, cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực cung cấp thông tin.
Song hành cùng nghề bán báo dạo, ngay từ năm 1933, thành phố Hà Nội khởi động dự án xây dựng một số ki-ốt cố định để quảng bá sách báo in trong nước và nhập khẩu từ hải ngoại. Danh sách 25 ki-ốt ban đầu bao gồm các vị trí trung tâm như góc phố Hàng Than, đoạn giao phố Hàng Khoai và phố Hàng Giấy, đại lộ Carnot (Cửa Bắc)… Mỗi cá nhân có thể đấu thầu một hoặc nhiều ki-ốt trong thời hạn hai năm.
Được xây dựng nhanh chóng vì mục đích thực dụng, không đề cao tính thẩm mỹ như các quầy báo ở Paris, nhưng thiết kế ki-ốt tại Hà Nội trong thời điểm ấy vẫn buộc tuân thủ một vài quy tắc thống nhất của chính quyền.
Cụ thể, ki-ốt thường có hình lục giác, đôi khi lên tới tám cạnh; nhưng diện tích mặt sàn không được vượt quá chu vi 1,5 m. Các đợt gỗ không nhô ra ngoài hơn 1,7 m và phần mái không cao quá 2 m. Nền của ki-ốt phải làm cao hơn mặt đường 20 cm, thuận tiện cho việc quét tước, giữ gìn vệ sinh chung. Có thể nói, đây chính là diện mạo sơ khởi của những sạp báo tại Hà Nội.
Kể từ năm 1945, tình hình phát hành báo trong Thủ đô có nhiều thay đổi lớn kéo theo bước chuyển mình của dân tộc. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước thời bấy giờ, hoạt động báo chí diễn ra sôi động hơn tại các vùng tự do, chiến khu cách mạng. Phần lớn người Hà Nội cũng tản cư ra khỏi thành phố – nơi chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào – chuyển về sống ở làng quê hoặc lên các căn cứ địa. Những ki-ốt bán sách báo xây dưới chế độ thuộc địa dần mất đi vị thế vốn có, bị phá hủy, biến mất bởi thời cuộc.
Tới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, báo chí miền Bắc chủ yếu phát triển bằng cơ chế bao cấp, chế độ dân chủ nhân dân, từ trụ sở, phương tiện làm việc, lương cho phóng viên đến ấn loát, phát hành… đều do nhà nước phân phối.
Trước Đại hội lần thứ III (1962) của Hội Nhà báo Việt Nam, miền Bắc có 1.500 nhà báo làm việc trong khoảng 120 cơ quan báo chí. Mạng lưới truyền thanh, sóng vô tuyến, các phòng thông tin trải khắp 4 quận nội thành với 34 khu phố cùng 4 huyện ngoại thành với 45 xã, trên diện tích khoảng 130 km2 và dân số khoảng 380.000 người. Báo chí đã trở thành nguồn động lực to lớn, cổ vũ tinh thần quân dân Thủ đô tham gia vào các phong trào thi đua, nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhà nước giao phó.
Các sạp báo tại Hà Nội chỉ lấy lại chức năng của mình vào thời mở cửa, khi xã hội dịch chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường với nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển, thúc đẩy nhu cầu nắm bắt tình hình trong nước và quốc tế tăng cao. Trên bàn tiệc thông tin đại chúng bắt đầu xuất hiện thêm nhiều đầu báo với những định kỳ ngắn, nhật báo cũng trở nên phổ biến hơn.
Báo in lúc này trở thành phương tiện thông tin độc tôn, dễ tiếp cận và nhanh chóng nhất để đưa thông tin đến tay độc giả. Các sạp báo tại Hà Nội cũng bước vào thời kỳ hoàng kim với số lượng bán ra lên tới hàng nghìn bản trong ngày, trở thành điểm sáng về giao lưu văn hóa của Thủ đô.
Từng gắn liền với thời kỳ huy hoàng của báo giấy trong những năm cuối thế kỷ 20, các sạp báo tại Hà Nội lại đang dần lùi vào dĩ vãng. Những dãy sạp báo dọc theo các phố như Hàng Trống, Phan Đình Phùng, Phan Huy Chú một thời đông đúc giờ chỉ còn lác đác vài ba sạp bám trụ lại.
Trong trí nhớ của ông Vũ Mạnh Cường – chủ một sạp báo trên phố Hàng Trống, cách đây vài thập kỷ nghề bán báo còn phát triển rất mạnh, bất kỳ góc phố nào cũng có một sạp báo. Không chỉ có các sạp cố định trên vỉa hè, mà trước đây Hà Nội vẫn còn nhiều người làm nghề rao báo dạo, tiếng rao báo từ những người đạp xe len lỏi trong các góc phố, con ngõ đã trở thành một phần ký ức thân thương của nhiều người dân Thủ đô.
Ông Cường cho biết, vợ chồng ông đã gắn bó với địa chỉ 71 Hàng Trống ngót nghét hơn 40 năm, khi đó các sạp báo bán dọc vỉa hè gần tòa soạn Báo Nhân Dân, chứ chưa có ki-ốt như bây giờ.
Hồi đó hai vợ chồng ông mỗi người một việc, chồng là công chức nhà nước, vợ làm ở tòa soạn Báo Nhân Dân, bán báo chỉ là nghề tay trái kiếm thêm tiền nuôi con. Dần dần nghề này phát triển, sạp báo có lúc trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Đều đặn cứ 5 giờ sáng, hai vợ chồng ông lại ra khỏi nhà, nhận báo từ người giao, hai ông bà lại cẩn thận phân loại, rồi dập ghim các tờ báo, bày biện đẹp mắt để chuẩn bị đón khách đến mua. Độ 6 giờ, khi thành phố bước vào nhịp sống mới, sạp báo của vợ chồng ông Cường bắt đầu mở cửa.
“Có người đi thể dục, có người đi làm, đi ăn sáng uống cà phê hay chở con đi học. Mỗi người một việc, nhưng hồi đó ai cũng đều có thói quen tạt vào đây để mua vài tờ báo”, ông Cường nói.
Với các chủ sạp, bán báo cũng phải biết nắm bắt tâm lý và cập nhật thị hiếu khách hàng. Bà Oanh, chủ sạp báo duy nhất còn lại trên phố Phan Huy Chú, cho biết những tờ báo có nhiều tin tức sốt dẻo hằng ngày như Tuổi Trẻ, Thanh Niên,… thường bán chạy nhất.
“Người nào thích đọc tin tức giật gân, hấp dẫn thường tìm An ninh Thủ đô, An ninh Thế giới. Người trẻ thì họ lại hay tìm mua tờ Thể thao & Văn hóa, Bóng đá,…”, bà Oanh nói.
Vào thời hoàng kim, mỗi ngày một sạp báo có thể bán được hàng trăm cho tới hàng nghìn tờ riêng mỗi đầu báo. Một tờ báo nổi tiếng khi đó là Công an TP HCM có lúc phát hành tới 600.000 bản trong một kỳ nếu xảy ra một sự việc chấn động. Một chủ sạp báo vẫn nhớ thời điểm Hà Nội xảy ra vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh, người ta lùng mua đọc đủ mọi bài báo viết về vụ việc này. Thậm chí, tờ An ninh Thủ đô lúc đó đã phát hành được 180.000 bản chỉ trong một kỳ.
Từng huy hoàng là thế, nhưng nay số lượng báo bán ra tại các sạp giảm đến 50-70%, hiện tại mỗi ngày chỉ bán được vài trăm tờ, so với trước đây chỉ cần một đầu báo đã bán được vài trăm tờ.
Theo nhiều chủ sạp báo, xu hướng đọc báo trong khoảng 10 năm trở lại đây đã thay đổi, độc giả ngày càng có nhiều phương thức để tiếp cận thông tin, như báo điện tử, mạng xã hội,… khiến báo giấy mất đi vị thế dẫn đầu.
Theo số liệu thống kê của Hội Phát hành Báo chí Việt Nam năm 2009, riêng địa bàn Hà Nội có đến hơn 60 đại lý và khoảng 700 sạp báo lớn nhỏ. Nhưng đến năm 2017, cả Thủ đô chỉ còn khoảng 60 sạp, tập trung chủ yếu ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân. Con số này đang tiếp tục giảm nhanh sau hai năm đại dịch COVID-19.
Các đầu báo mang tính thời sự, cập nhật thông tin hiện nay chỉ duy trì ở mức 1-2 vạn bản một kỳ, ngày càng ít người trẻ tìm mua các tờ báo giấy, độ tuổi độc giả báo giấy ngày càng tăng, kéo theo đó là lượng bạn đọc suy giảm.
“Giờ nói sống bằng nghề bán báo thì đúng là không thể”, bà Oanh nói. “Báo in tăng giá khiến nhiều người bỏ thói quen đọc báo giấy mà chuyển qua báo mạng.”
Dịch bệnh COVID-19 trong vài năm qua cũng là một đòn giáng mạnh vào báo giấy, bởi ngày càng có ít không gian quen thuộc như các sạp báo, quán cà phê để độc giả đọc báo, khiến báo in dù vẫn phát hành nhưng chẳng mấy ai buồn tìm mua.
Để kiếm thêm thu nhập, nhiều sạp báo đã phải bán thêm sim thẻ điện thoại, lịch Tết, hay đồ lưu niệm cho khách du lịch, nhưng với họ cũng chẳng ăn thua so với thu nhập trước đây.
“Bao giờ cho tới ngày xưa” – đó luôn là suy nghĩ nảy lên trong đầu bà Lương Thị Hoa – chủ sạp báo phố Hàng Trống, khi nghe người ta nhắc đến sự suy vi của nghề.
“Ngày xưa tuy ít đầu báo nhưng bán rất vui, vì ra đến đâu là hết đến đó, bây giờ thì kém vô cùng”, bà Hoa cho biết. “Dù sao mình vẫn yêu nghề này, vì hằng ngày được gặp những người khách quen.”
Bất chấp những khó khăn do thời cuộc thay đổi, các chủ sạp báo vẫn cần mẫn bám trụ trên vỉa hè Hà Nội từ sáng sớm cho tới tối muộn, họ làm vậy có lẽ không phải vì gánh nặng mưu sinh, mà thực tâm xuất phát từ mong muốn tri ân những độc giả một đời gắn bó với báo giấy.
Tết năm nay với ông Cường ảm đạm hơn hẳn, không phải vì vắng khách, mà bởi đây là năm cuối cùng hai vợ chồng ông bán báo. Cuối năm 2021, họ nhận được thông báo các ki-ốt sẽ được thu hồi lại để sửa sang trước khi đấu thầu cho thuê mới.
“Vợ chồng tôi xác định nghỉ hẳn, phần vì tuổi cao, phần vì công việc vất vả”, ông Cường cho biết. “Nhiều khách nghe tin cũng kêu nếu giờ chỗ này đóng cửa thì họ không biết mua báo ở đâu. Chính tôi cũng thấy hụt hẫng, vì cái thói quen mình gắn bó bao năm giờ phải cắt bỏ.”
Đối với nhiều người, sự biến mất dần dần của các sạp báo in để lại một khoảng trống lớn khó có thể lấp đầy. Trước đây, người dân Hà Nội không cần phải tới các sạp báo để được đọc báo in, mà có thể đọc ở các bảng tin, trên thư viện hay bưu điện, vốn là những địa điểm công cộng nuôi dưỡng văn hóa đọc của Thủ đô.
Ông Nguyễn Đức Thịnh – cán bộ hưu trí Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cho biết mình luôn duy trì thói quen mua báo mỗi sáng, bởi báo giấy có chức năng lưu giữ, khi cần ông có thể tìm những bài xã luận để xem lại, tra cứu. Nhắc đến báo giấy, điều khiến ông Thịnh cảm thấy nuối tiếc, đó là sự biến mất của các sạp báo vỉa hè.
“Hiện tại đi khắp Hà Nội chỉ còn vài ba sạp báo như Hàng Trống, Phan Huy Chú, Lý Nam Đế… Trước đây bưu điện Bờ Hồ cũng từng là nơi mọi người đến đọc báo, nhưng nay đã không còn. Tôi lấy làm tiếc về điều đó vì nó đã đánh mất chức năng của bưu điện trung tâm, nơi thuận tiện để người dân tiếp nhận thông tin”, ông Thịnh bày tỏ.
Cùng chung quan điểm đó, ông Trần Văn Đức – cán bộ hưu trí, cho biết mỗi sáng ông có thói quen đi bộ thể dục từ nhà tới Hồ Gươm và đọc bảng tin trước tòa soạn Báo Hà Nội Mới. Vì thị lực kém, nên ông Đức không thể đọc báo trên điện thoại thông minh như nhiều người, báo giấy từ trước tới nay vẫn là cửa sổ giúp ông nhìn ra thế giới.
“Trước đây tôi hay tới nhà thông tin 45 Tràng Tiền để đọc báo giấy, sau đó chỗ này cũng không còn, nên tôi chuyển sang đọc bảng tin trên đường Lê Thái Tổ”, ông Đức nói. “Nhiều người ở tuổi tôi vẫn giữ thói quen đọc báo giấy, vì không phải ai cũng quen đọc báo trên điện thoại.”
Ngày nay, trong các quán cà phê ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh mọi người chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại để đọc báo hay lướt mạng xã hội, thay vì cầm trên tay một tờ báo giấy.
Với những người như ông Thịnh và ông Đức, các sạp báo, bảng tin từ lâu không chỉ là nơi để đọc báo, mà còn là một điểm giao lưu, gặp gỡ của những người bạn. Những nơi này đã trở thành điểm hẹn để họ gặp gỡ, thảo luận các vấn đề trên báo, các câu chuyện thường nhật.
Trước sự thất thế của báo in, cùng với đó là sự biến mất của các sạp báo giấy, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đây là dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên của báo truyền thống đã đến hồi kết, hay báo in cần chuyển mình như thế nào để tồn tại được trong kỷ nguyên số.
Nhà báo Phạm Hữu Quang – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay, cho biết thị trường báo giấy phía Bắc hiện gần như không còn nhiều không gian để sống, trong khi tại thị trường báo giấy phía Nam, cụ thể là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hay Đông Nam Bộ, dù văn hóa đọc báo giấy vẫn còn rất mạnh, nhưng lượng độc giả cũng đã bị thu hẹp đáng kể.
Theo nhà báo Phạm Hữu Quang, báo giấy tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để tồn tại, thậm chí là phát triển, bởi loại hình này vẫn giữ vị thế cao trong ngành công nghiệp báo chí, sở hữu lượng độc giả “ruột” có chuyên môn, cũng như đáp ứng nhu cầu, văn hóa đọc của người dân tại nhiều vùng miền.
Ngoài ra, báo giấy có một lợi thế so với báo điện tử đó là khả năng lưu trữ, tập hợp thông tin chuyên sâu, hiện nay độc giả không còn tìm tới báo giấy để cập nhật thông tin mà để tiếp cận các bài viết, câu chuyện, nhân vật mang tính thời sự và phổ quát.
Để phù hợp với xu hướng của báo chí, báo giấy phải thay đổi cách thức vận hành, thay vì tập trung chạy theo thông tin thời sự thì phải chuyển sang khai thác các vấn đề, chuyên đề chuyên sâu, nhà báo Phạm Hữu Quang nêu quan điểm.
Chẳng ai biết được, nhiều năm nữa liệu các sạp báo có còn tồn tại hay không. Nhưng với nhiều người dân Thủ đô, hình ảnh các sạp báo nhỏ nép mình bên vỉa hè, cố gắng giữ mình trước dòng chảy lịch sử, đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức về Hà Nội. Chúng vẫn lặng lẽ tồn tại rồi kết tinh thành một nét đẹp văn hóa, một di sản không tên của thành phố ngàn năm tuổi./.
Bài: Nguyệt Linh – Bắc Hiệp
Thiết kế: Thúy Hà
Bài viết tham khảo tài liệu và hình ảnh từ các nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (La Résidence supérieure au Tonkin); Manhhai flickr.