Xây dựng Mục tiêu chất lượng ISO của công ty là yêu cầu cốt lõi của Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015. Bài viết dưới đây sẽ lấy ví dụ về mục tiêu chất lượng để các Tổ chức, Doanh nghiệp hình dung rõ hơn về tài liệu này.
MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG LÀ GÌ?
Mục tiêu chất lượng là kết quả hướng tới, mong muốn đạt được trong tương lai của một tổ chức nào đó liên quan tới chất lượng. Mục tiêu chất lượng thường gắn liền với các kế hoạch, dự án,…và được triển khai theo từng giai đoạn, có sự đánh giá và kiểm soát thường xuyên.
Mục tiêu chất lượng được thiết lập bằng một hoặc một số chỉ tiêu chất lượng. Chỉ tiêu chất lượng ở đây là những yêu cầu cụ thể và khả thi về kết quả thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng.
TẠI SAO PHẢI XÂY DỰNG MỤC TIÊU QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG?
Xây dựng mục tiêu quản lý chất lượng của công ty giúp tổ chức:
- Cụ thể hóa các chính sách chất lượng
- Tiến hành thực hiện và đo lường, đánh giá đúng hướng
- Giúp kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng cùng các quy trình trong Hệ thống quản lý chất lượng được thiết lập và vận hành đúng trọng tâm
- Tập trung vào giải quyết và cải thiện các vấn đề liên quan tới chất lượng một cách hiệu quả
- Cung cấp dữ liệu giúp doanh nghiệp theo dõi, đánh giá hiệu quả và sự cải tiến của QMS theo từng giai đoạn.
- Là một trong những bằng chứng về Hệ thống quản lý chất lượng để cung cấp cho các bên liên quan
YÊU CẦU VỀ MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG ISO CỦA CÔNG TY
-
Tuân thủ các nguyên tắc khi thiết lập mục tiêu chất lượng
Một số nguyên tắc chính cần tuân thủ khi thiết lập mục tiêu chất lượng bao gồm:
- Chia mục tiêu chất lượng thành 2 cấp độ là mục tiêu chung cho toàn tổ chức (cấp chiến lược) và mục tiêu riêng áp dụng trong từng bộ phận, phòng ban chức năng cụ thể thuộc phạm vi của Hệ thống quản lý chất lượng (cấp phương án)
- Mục tiêu chất lượng cần căn cứ vào các khía cạnh chất lượng có liên quan và phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khi xác định mục tiêu chất lượng phải xem xét các nghĩa vụ phải tuân thủ về mặt pháp luật có liên quan tới hoạt động quản lý chất lượng.
- Cần cân nhắc tới các rủi ro cùng cơ hội có ảnh hưởng tới Hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức
- Mục tiêu cũng cần phải phù hợp với bối cảnh của tổ chức và phù hợp với các điều kiện về chất lượng tại nơi tổ chức hoạt động
-
Mục tiêu chất lượng phải thống nhất với Chính sách chất lượng
Chính sách chất lượng chính là tài liệu cao nhất giữ vai trò định hướng cho mọi quyết định và hành động có liên quan tới Hệ thống quản lý chất lượng, vì vậy mục tiêu chất lượng phải nhất quán với Chính sách chất lượng.
Cụ thể, tất cả các nội dung trong chính sách chất lượng phải gắn liền với một hoặc một vài mục tiêu chất lượng tương ứng. Sau đó, cần kiểm tra xem những mục tiêu được thiết lập có phù hợp với chính sách ban đầu hay không. Tránh trường hợp kết quả của mục tiêu chất lượng không đáp ứng hoặc xung đột với chính sách chất lượng.
→ Xem thêm Ví dụ về Chính sách chất lượng
-
Mục tiêu chất lượng phải đo lường được
Tổ chức cần xác định tiêu chí đánh giá, cơ chế đo lường mục tiêu thông qua các chỉ số cụ thể. Các chỉ số này sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ hoàn thành mục tiêu chất lượng của mình.
-
Mục tiêu chất lượng phải tính đến các yêu cầu được áp dụng
Mỗi tổ chức khác nhau sẽ áp dụng các yêu cầu khác nhau, vì vậy lãnh đạo phải tự quyết định yêu cầu nội bộ nào là quan trọng, là quyết định đến tổ chức, thì mới đưa nó vào mục tiêu chất lượng.
-
Mục tiêu chất lượng phải liên quan đến sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ và nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng
Mục tiêu chất lượng phải tập trung vào khía cạnh sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn, đáp ứng yêu cầu chung của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, mục tiêu chất lượng cũng phải hướng tới việc nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng. Cho nên muốn đáp ứng yêu cầu này thì mục tiêu chất lượng phải chứa ít nhất mỗi khía cạnh trên một mục tiêu.
-
Theo dõi sát mục tiêu chất lượng
Việc theo dõi mục tiêu chất lượng cần được thiết lập một cách khoa học, rõ ràng và phải được lưu lại thành văn bản. Cụ thể, tổ chức cần:
- Chỉ định cá nhân/bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động theo dõi giám sát Hệ thống quản lý chất lượng
- Xác định tần suất thực hiện, phương pháp theo dõi, các chỉ tiêu, tiêu chuẩn được sử dụng phục vụ theo dõi, kiểm soát…
- Thu thập và thống kê lại các dữ liệu liên quan tới mục tiêu chất lượng
- Tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện bằng định tính và định lượng
- Phân tích, đánh giá để đưa ra kết luận về mục tiêu chất lượng
-
Mục tiêu chất lượng phải được truyền đạt rộng rãi
Việc truyền đạt chính xác, cụ thể, kịp thời mục tiêu chất lượng cho đúng đối tượng ảnh hưởng tới tính hiệu lực và thành công của Hệ thống quản lý chất lượng. Mọi cá nhân, phòng ban, bộ phận, đơn vị thuộc phạm vi của Hệ thống quản lý chất lượng phải nắm bắt được các mục tiêu chất lượng và công việc cần làm để đạt được mục tiêu đó. Điều này được đảm bảo thông qua Quy trình trao đổi thông tin.
Trao đổi thông tin về mục tiêu chất lượng phải đảm bảo tính hai chiều. Tức là khi có sự thay đổi về mục tiêu chất lượng, doanh nghiệp cần đảm bảo mọi đối tượng liên quan đều nhận được thông tin về sự thay đổi này. Ngược lại, trong quá trình thực hiện các mục tiêu chất lượng, nếu có bất cứ khúc mắc, khó khăn hay góp ý gì thì các thành viên cũng cần phải phản hồi lại với người quản lý, lãnh đạo để có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
-
Điều chỉnh, cập nhật mục tiêu chất lượng khi cần thiết
Mặc dù tiêu chuẩn ISO 9001:2015 không yêu cầu cụ thể về tần suất cập nhật mục tiêu chất lượng nhưng đây là hoạt động cần thiết để đảm bảo mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế của tổ chức. Dưới đây là một số yếu tố tổ chức nên xem xét khi điều chỉnh, cập nhập các mục tiêu chất lượng:
- Bối cảnh bên trong và bên ngoài tổ chức
- Yêu cầu, mong đợi của khách hàng, đối tác và các bên quan tâm
- Chính sách chất lượng của tổ chức
- Sự cập nhập mới về công nghệ
- Sự thay đổi về quy trình, dây chuyền sản xuất sản phẩm
- Lũy kế mục tiêu vượt lên so với mục tiêu ban đầu
- Sự thay đổi về chiến lược của doanh nghiệp
- Các rủi ro hoặc cơ hội mới xuất hiện
- Các vấn đề quản lý chất lượng mới được cộng đồng, xã hội quan tâm
-
Duy trì mục tiêu chất lượng theo thông tin dạng văn bản
Cùng với các chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng cũng cần phải được lập thành văn bản, theo dõi, kiểm soát và cập nhập khi cần thiết. Một số nội dung quan trọng cần phải ghi lại thành tài liệu, hồ sơ liên quan tới mục tiêu chất lượng bao gồm:
- Các mục tiêu chất lượng
- Bằng chứng chứng minh việc trao đổi mục tiêu chất lượng mà tổ chức đã thực hiện
- Kế hoạch cùng các quy trình để đạt được mục tiêu chất lượng
- Kế hoạch theo dõi, đánh giá việc thực hiện mục tiêu chất lượng
- Kết quả đánh giá kết quả mục tiêu chất lượng.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG ISO 9001:2015
- Bước 1: Xác định các yêu cầu pháp lý hoặc các yêu cầu khác mà tổ chức phải tuân thủ (Có thể lấy đó làm mục tiêu chất lượng khởi đầu)
- Bước 2: Đối với các vấn đề không yêu cầu có sẵn cần thiết lập một hệ thống ghi chép để thu thập dữ liệu về các vấn đề liên quan đến chất lượng hiện có.
- Bước 3: Phân tích các dữ liệu thu thập được
- Bước 4: Đối chiếu kết quả phân tích dữ liệu với tình hình hiện tại, đặt ra các mục tiêu chất lượng mà tổ chức muốn đạt được trong từng giai đoạn
- Bước 5: Xác định nguồn lực hiện có bao gồm tài chính, công nghệ và các yêu cầu khác cần thiết để đạt được các mục tiêu chất lượng đã thiết lập
- Bước 6: Cải tiến các mục tiêu và chỉ tiêu để có thể đạt được và có thể mang lại lợi ích thực sự cho tổ chức
- Bước 7: Lập văn bản mục tiêu và chỉ tiêu chất lượng.
VÍ DỤ MỤC TIÊU CHẤT LƯỢNG
Các Tổ chức, Doanh nghiệp tham khảo Mục tiêu chất lượng của Công ty Cổ phần Cơ khí Lắp máy LILAMA:
Mục tiêu chất lượng
Tập thể cán bộ nhân viên Công ty Cổ phần Cơ khí Lắp máy LiLama quyết tâm phấn đấu:
– Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thường xuyên đổi mới và tăng trưởng trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có phẩm chất, đạo đức tốt và năng lực cao; phấn đấu đánh giá cuối năm 100% hoàn thành nhiệm vụ, trong đó ít nhất 30% xếp loại xuất sắc.
– Thường xuyên cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng; kiểm tra định kỳ và đánh giá nội bộ 01 lần/năm; xây dựng và cải tiến mở rộng các quy trình áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008.
100% tiến độ, chất lượng quá trình tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng đảm bảo tiêu chí “Ba không”:
+ Không có bất kỳ phản hồi, khiếu nại bằng văn bản liên quan đến chất lượng sản phẩm, tiến độ cung cấp.
+ Không có đơn hàng, hợp đồng, sản phẩm nào không đạt kỹ thuật, mỹ thuật theo yêu cầu của khách hàng.
+ Không có bất kỳ tai nạn lao động nào xảy ra trong quá trình sản xuất tại phân xưởng, hiện trường thi công.
→ Xem thêm Tư vấn ISO 9001
—————————————————————————————————————————————-
Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp khó khăn khi xây dựng Mục tiêu chất lượng của công ty theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001:2015, vui lòng liên hệ với Chúng Tôi theo số hotline: 0948.690.698 hoặc Emai: thuvientieuchuan.org@gmail.com để được tư vấn một cách cụ thể.