Một định nghĩa nhận nhiều ý kiến trái chiều của dòng nhạc Rap.
Trong tập 12 của Rap Việt, Wowy trong phần nhận xét tiết mục của Shanhao đã có nhắc đến một khái niệm về chuyên môn là Mumble Rap. Đây là một cụm từ tương đối phức tạp, dùng để chỉ một subgenre (tiểu thể loại – PV) hoặc chỉ đơn giản là cách delivery trong Rap.
Mumble Rap cũng là một trong những tiểu thể loại nhận về những sự tranh cãi và phản đối gay gắt nhất. Nhiều người cho rằng đây là sự lười biếng của văn hóa nhạc Rap, trong khi một số khác lại ca ngợi phong cách này và xem đây như âm nhạc của đương đại. Vậy, Mumble Rap là gì?
Trái ngược lại với những gì mọi người thường nghĩ về Rap: sự hùng hồn, rõ ràng, rành mạch và mang theo thái độ của rapper trong từng câu chữ, mumble rap lại chỉ đơn giản là xâu chuỗi những cụm từ đơn giản lại với nhau và biến nó thành một bộ lyrics.
Một ví dụ tiêu biểu cho việc này chính là verse rap của Shanhao trong Shanvillahao khi anh lặp lại liên tục “Đó là ai/ đó là ai/ đó là anh”. Mumble Rap có thể hiểu là việc đơn giản hóa verse rap và sử dụng những cụm từ có thể nối liền lại với nhau để tạo sự mượt mà cho phần biểu diễn.
Và với cách rap này, bài rap sẽ trở nên catchy theo cách rất cuốn hút, đặc biệt là với những rapper có tông giọng trầm như Binz hay Shanhao. Chính vì thế, cách rap này sẽ rất phù hợp cho những club banger – những người mong muốn tối giản phần lyric và tăng thêm những khoảng lặng trong bài hát của mình.
Đồng thời, cách rap này cũng giúp rapper và producer dễ dàng đưa ra những bản phối phù hợp cho việc trình diễn live trên một sân khấu yêu cầu sự bùng cháy. Đây là một kĩ thuật tương đối phổ biến và được ra đời từ vùng đất của Hip-hop – nước Mỹ.
Thuật ngữ “mumble rap” lần đầu được xuất hiện và gán cho rapper Wiz Khalifa (chủ nhân hit See You Again) sau một cuộc phỏng vấn vào tháng 6/2016 trên đài phát thanh Hot 97 FM của Mỹ. Nhưng trước đó, đã có những nghệ sĩ như Gucci Mane, Chief Keef và Future áp dụng thể loại âm nhạc này vào những sản phẩm của họ.
Những rapper theo phong cách Oldschool với lối Rap rõ lời và có chiều sâu về lyric thường xuyên có những chỉ trích đối với bất kì rapper nào đi theo xu hướng mumble rap.
Họ cho rằng những người này chỉ đang “lẩm bẩm” và là một thứ âm thanh “quái dị” chứ không phải là Rap – dòng nhạc đòi hỏi sự rõ ràng và thể hiện được chất riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của Rap, số lượng các mumble rapper tăng lên nhanh chóng và dần chiếm một số lượng lớn trong ngành công nghiệp. Một số rapper nổi bật có thể kể đến như Lil Yachty, Lil Boat và cố rapper Young Dolph – người vừa mất vào cuối năm 2021 vì một vụ xả súng.
Vậy phong cách rap này có những màn story-telling, những câu punchline hay sự hùng hồn của Rap hay không? Đáp án sẽ là tùy cách sử dụng của những rapper đi theo xu hướng này. Cách delivery thiếu sự nghiêm túc, chỉn chu và ca từ hạn chế đến từ những rapper trẻ như một sự phỉ báng đối với những gương mặt gạo cội như DSK, VietDragon hay cả Wowy – những người rất chú trọng về nội dung bài hát.
Cũng bởi vì thế, Wowy đã thể hiện quan điểm của mình rất rõ ràng tại Rap Việt. Anh không phản đối Mumble Rap, nhưng nếu đã làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Việc anh mong muốn Shanhao có thêm những sự bứt phá trong âm nhạc một phần cũng vì lý do này.
Có thể thấy, làm sóng rapper theo xu hướng new wave và theo đuổi những dòng nhạc như Trap hay sử dụng những kỹ thuật như auto-tune và mumble rap luôn gây ra nhiều tranh cãi. Đó chỉ đơn giản là khoảng cách của các thế hệ và sự xung đột giữa hai luồng ý kiến.
Không có cách rap nào là tối ưu, chỉ có cách sử dụng của rapper mới là thứ giúp sản phẩm đạt được thành công và tiếp cận với khán giả tốt hơn. Cũng đã đến lúc, rap cần những sự thay đổi và đa dạng hóa màu sắc bên trong của chính mình.
Đây cũng là một trong những lý do giúp Rap Việt mùa 2 trở nên đa sắc hơn, khi không còn chỉ đơn giản là cuộc đấu giữa lyrical rapper và melodic rapper nữa. Mumble rap, suy cho cùng, cùng có cái hay riêng. Shanhao đã tự tin mang thể loại này để trình diễn tại chương trình, có lẽ cũng nên dành một lời khen cho anh.