Thánh địa Mỹ Sơn được phát hiện vào năm 1885 và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999. Đây là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, là một địa điểm du lịch nổi tiếng, linh thiêng, hấp dẫn bậc nhất của Quảng Nam.
1. Hướng dẫn đường đi đến Thánh địa Mỹ Sơn
Khu di tích tọa lạc tại một thung lũng có đường kính khoảng 2km, bao quanh là núi non trùng điệp. Để di chuyển tới Thánh địa Mỹ Sơn, bạn có thể lựa chọn xuất phát từ Hội An hoặc Đà Nẵng bằng các phương tiện như: ô tô, xe bus, xe máy.
1.1. Xuất phát từ Hội An
Đường đi từ Hội An đến Thánh địa Mỹ Sơn khoảng hơn 40km. Nếu di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy cá nhân, bạn đi theo cung đường Trần Hưng Đạo – cầu Cẩm Kim – cầu Duy Phước – đường Trường Sa – đường Hùng Vương – tỉnh lộ 610, đến Duy Phú sẽ thấy đường rẽ vào Mỹ Sơn. Thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
1.2. Xuất phát từ Đà Nẵng
Nếu xuất phát từ Đà Nẵng đi Mỹ Sơn, bạn di chuyển theo đường Nguyễn Hữu Thọ – đường Lê Đại Hành – đường Trường Chinh – Rẽ phải vào đường 605 – đường Hùng Vương – đường Đỗ Đăng Tuyển – ĐT. 610 – Rẽ trái tại tạp hóa Tường Vi để vào đường tới Mỹ Sơn. Từ đây, bạn chạy xe thêm khoảng 3,9km sẽ tới nơi. Cung đường này dài 42,4km với thời gian di chuyển là 1 giờ 8 phút.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn đi xe bus từ Đà Nẵng tới Mỹ Sơn theo tuyến số 06, xuất phát từ bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng. Xe hoạt động từ 5h30 – 17h00 hằng ngày với tần suất 30 phút/chuyến. Giá vé từ 8.000 VNĐ – 30.000 VNĐ/lượt.
2. Khám phá Thánh địa Mỹ Sơn có gì hay?
Thánh địa Mỹ Sơn Quảng Nam được biết tới là một trong top 10 khu đền đài đẹp và nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Đây là điểm đến linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. Vậy Thánh địa Mỹ Sơn có gì hay? Hãy cùng khám phá ngay những điểm nổi bật của điểm đến này nhé.
2.1. Lịch sử Thánh địa Mỹ Sơn có từ lâu đời
Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ IV bởi vua Bhadravarman và kết thúc vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III. Đây là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp có lối kiến trúc độc đáo, tượng trưng cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chăm Pa. Quần thể này được xây dựng với mục đích là nơi thờ thần Linga và Shiva.
Tuy nhiên, những ngôi đền đã bị bỏ hoang do sự xâm chiếm của Vương quốc Cổ đại – Đại Việt. Cho tới năm 1889, một nhóm thám hiểm người Pháp đến du khảo Việt Nam và đã “đánh thức” lại nơi này.
Do bị chiến tranh tàn phá nên đến năm 1975, quần thể đền tháp chỉ còn lại 32 công trình. Trong đó có 20 công trình còn nguyên vẹn như ban đầu. Trải qua bao biến cố lịch sử, Thánh địa Mỹ Sơn vẫn là một di tích mang đậm giá trị nghệ thuật, văn hóa kết tinh trí tuệ, tinh hoa của nhiều thế hệ. Ngày 01/12/1999, khu di tích đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
2.2. Kiến trúc Thánh địa Mỹ Sơn huyền bí, độc đáo
Nhìn chung, lối kiến trúc Thánh địa Mỹ Sơn chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp được xây dựng bằng gạch đá, chủ yếu quay về hướng Đông – là hướng mặt trời mọc cũng là nơi trú ngụ của thần linh. Cấu trúc đền, tháp được chia làm 3 phần bao gồm: đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.
Một đền, tháp sẽ thờ một vị thần hay triều đại vua khác nhau. Cũng chính bởi vậy, mỗi công trình như một mảnh ghép, tái hiện dòng chảy lịch sử của Vương quốc Chăm Pa. Khu di tích được chia thành các khu vực gồm:
- Khu vực A: là nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ quần thể đền tháp. Phần lớn các công trình ở khu vực này đang trong quá trình trùng tu.
- Khu vực B: là nơi có 1 tháp chính và 3 tháp phụ. Khu vực này tọa lạc tại đồi phía Tây.
- Khu vực C: nơi đây tập hợp rất nhiều đền, tháp, bia ký, các bức phù điêu, những tác phẩm điêu khắc ấn tượng, độc đáo nhất tại Thánh địa Mỹ Sơn. Khu C nằm ở đồi phía Nam và là địa điểm mà bạn chắc chắn không nên bỏ lỡ khi tham quan quần thể di tích này.
2.3. Lễ hội Katê – lễ hội truyền thống đặc sắc của người Chăm
Đến với nơi đây, du khách không những được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, tìm hiểu ý nghĩa của Thánh địa Mỹ Sơn mà còn có cơ hội khám phá vẻ đẹp văn hóa của người Chăm. Một trong số đó chính là lễ hội Katê.
Đây là lễ hội truyền thống, vô cùng quan trọng với đồng bào dân tộc Chăm. Lễ hội được tổ chức vào tháng 7 hằng năm theo lịch Chăm, là dịp để người Chăm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.
Bên cạnh đó, lễ hội Katê còn là sự kết tinh những giá trị văn hóa trong cuộc sống cộng đồng của người Chăm. Tham gia lễ hội, du khách sẽ có cơ hội khám phá nhiều nghi lễ truyền thống của đồng bào nơi đây như: cúng cầu an, rước nước, kiệu rước,… và thưởng thức những màn biểu diễn nhạc cụ truyền thống vô cùng hấp dẫn.
Xem thêm:
- Hội An có gì chơi? Top 30 địa điểm du lịch Hội An thu hút nhất 2023
- 15 món ăn đặc sản Hội An & 7 đặc sản Hội An làm quà nổi tiếng
- Cao lầu Hội An: List 10 quán ngon, đông khách nhất phố Hội
2.4. Điệu múa Apsara “linh hồn của đá” uyển chuyển, cuốn hút
Nhắc tới đồng bào người Chăm, chắc chắn không thể không nói tới điệu múa Apsara. Điệu múa được lấy cảm hứng từ các bức tượng đá điêu khắc Apsara, là một trong những nét độc đáo của nền âm nhạc Chăm Pa.
Có thể nói Apsara là sự phối hợp hài hòa giữa từng bước di chuyển, động tác tay khéo léo, uyển chuyển và vẻ đẹp kiêu sa của những vũ nữ Chăm với tiếng trống Paranưng, tiếng khèn Saranai. Tất cả tạo nên một màn trình diễn đầy mê hoặc khiến du khách không thể rời mắt.
2.5. Con đường cổ dẫn tới khu thánh địa rộng tới 8m
Trong quá trình trùng tu và phục chế các đền tháp, một chuyên gia người Ấn Độ đã phát hiện ra con đường này. Đây là con đường cổ dẫn thẳng tới trung tâm khu Thánh địa Mỹ Sơn với chiều rộng 8m, hai bên là hai bờ tường song song được chạm khắc tinh tế và chôn trong lòng đất ở độ sâu 1m.
Theo các tài liệu lịch sử, chỉ vua chúa, thành viên hoàng tộc hoặc người có chức sắc mới được đi trên con đường này. Đây cũng chính là con đường dẫn tới khu tháp lớn thường dùng để tổ chức lễ tế của người Chăm xưa.
3. Địa điểm du lịch hấp dẫn khác xung quanh Thánh địa Mỹ Sơn
Trong hành trình khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, bạn cũng có thể kết hợp tham quan một số điểm du lịch hấp dẫn ở xung quanh điểm đến này. Dưới đây là một số điểm đến nổi tiếng, cách khu Thánh địa Mỹ Sơn trong bán kính 50km mà bạn có thể tham khảo:
3.1. VinWonders Nam Hội An
- Địa chỉ: đường Võ Chí Công, Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam
- Giờ mở cửa tham khảo: 09:00 – 19:40
VinWonders Nam Hội An nằm cách trung tâm phố cổ Hội An 15km. Đây là một trong những địa điểm du lịch Hội An hấp dẫn bậc nhất bạn không nên bỏ lỡ. Nơi đây là sự kết hợp giữa khu vui chơi giải trí và tổ hợp trải nghiệm văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam và thế giới rất ấn tượng.
VinWonders Nam Hội An gồm 5 phân khu cho bạn thỏa sức khám phá:
- Bến cảng giao thoa: là nơi tái hiện khung cảnh, không khí nhộn nhịp của những thương cảng sầm uất thế kỷ XVI – XVII, giúp du khách như được ngược dòng thời gian trở về lịch sử.
- Đảo văn hóa dân gian: đây là địa điểm hội tụ những không gian kiến trúc văn hóa từ Bắc vào Nam và cũng là nơi du khách có cơ hội trải nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam.
- River Safari: được biết tới là một trong những công viên bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất Việt Nam với hơn 530 cá thể thuộc hơn 50 loài động vật. Một số hoạt động bạn không nên bỏ lỡ khi tới đây đó là: ngồi thuyền tham quan công viên, chụp hình với vẹt, cho voi và hươu cao cổ ăn.
- Vùng đất phiêu lưu: với hơn 20 trò chơi cảm giác mạnh, gần 100 trò chơi trong nhà, đây chính là thiên đường giải trí – nơi mang đến cho du khách những giây phút vui chơi, trải nghiệm đáng nhớ nhất. Những trò chơi được yêu thích nhất bao gồm: tháp rơi tự do 85m cao nhất Việt Nam, cơn lốc sa mạc, vòng xoáy siêu tốc,…
- Thế giới nước: là nơi tổng hợp 11 trò chơi dưới nước sôi động, cuồng nhiệt dành cho trẻ em, gia đình, nhóm bạn như: đường trượt Thần Long, đường trượt Siêu lòng chảo, đường trượt Boomerang,…
>>> Đặt ngay vé vào cửa VinWonders Nam Hội An với mức giá ưu đãi nhất và được quyền vào cửa trực tiếp, không cần qua quầy đổi vé giấy!
3.2. Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh – Champa
- Địa chỉ: số 149 đường Trần Phú, thành phố Hội An
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh được thành lập năm 1994. Đây là nơi trưng bày 946 hiện vật liên quan tới cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh, một số hiện vật ở di chỉ Bãi Ông – Cù Lao Chàm. Đến đây du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về đời sống, phong tục của người dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh như: nhận thức thẩm mỹ, táng tục, quan niệm sống chết,…
3.3. Nhà thờ Trà Kiệu
- Địa chỉ: thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Trà Kiệu từng là nơi có kinh đô Chăm Pa. Đây cũng là khu vực sinh sống của nhiều người theo đạo Công giáo với những công trình nổi tiếng, trong đó nổi bật là nhà thờ Trà Kiệu.
Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc châu Âu gồm 2 tầng: tầng trên là Thánh đường, tầng dưới là địa điểm sinh hoạt tôn giáo. Bên cạnh nhà thờ là mộ phần của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi. Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều du khách tới kính viếng, tham quan.
Xem thêm:
- Nhà cổ Tấn Ký – “bảo tàng sống” hơn 200 năm tuổi ở Hội An có gì?
- Lò gạch cũ Hội An: Góc check in cực “chill” gần phổ cổ
- Sổ tay du lịch Cù Lao Chàm Hội An CHI TIẾT nhất 2023
3.4. Phố cổ Hội An
- Vị trí: hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam
Phố cổ Hội An là điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam mà bạn nên ghé thăm trong hành trình của mình. Nơi đây thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, những công trình kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa cùng không gian bình yên, nhẹ nhàng.
Tới đây, bạn có thể tham quan một số địa điểm du lịch Hội An nổi tiếng như: Chùa Cầu, Nhà cổ Tân Ký, Nhà cổ Quân Thắng, Hội quán Phúc Kiến,….
4. Du lịch Thánh địa Mỹ Sơn ăn gì?
Và để chuyến đi của bạn trọn vẹn hơn, đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản của mảnh đất Quảng Nam. Ẩm thực xứ Quảng với nhiều món ngon, độc đáo chắc chắn sẽ khiến bạn “ăn là nhớ”, trong đó nổi bật nhất là:
4.1. Bê thui Cầu Mống – đặc sản Quảng Nam nức tiếng
Bê thui Cầu Mống được chọn từ những con bê nặng khoảng 25kg – 35kg. Thịt bê ở độ này không quá già, không quá non và đảm bảo chắc, ngọt. Khi thui, thịt bê luôn được đảo đều tay cho đến khi bên trong vừa chín, bên ngoài da vàng ruộm. Sau đó, thịt được thái lát mỏng ăn kèm bánh tráng và mắm nêm.
- Gợi ý quán ăn ngon: bê thui Mười – QL1A cũ gần, cầu Câu Lâu cũ, Điện Bàn, Quảng Nam
4.2. Bánh tổ
Đây là một món bánh truyền thống của người dân Hội An, rất phổ biến trong dịp lễ Tết. Bánh tổ Hội An được làm từ đường và bột nếp hảo hạng. Tuy nhiên, điểm làm nên sự khác biệt cho hương vị của bánh chính là loại đường bát nấu từ mật mía có màu nâu hoặc đen sẫm. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên chiếc bánh tổ dẻo thơm, đậm đà, ngọt bùi.
- Gợi ý quán ăn ngon: số 12 Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Nẵng
4.3. Cơm gà Tam Kỳ
Không giống với những món cơm gà thông thường, cơm gà Tam Kỳ khiến du khách phải mê mẩn bởi hương vị béo ngậy, thơm ngon khó cưỡng. Phần cơm sẽ được nấu từ gạo mới với nước luộc gà, tạo độ dẻo và vàng óng. Còn thịt gà phải là thịt gà ta của vùng Tam Kỳ. Khi luộc lên thịt thơm béo, săn chắc, da mỏng, ăn ngọt thịt.
- Gợi ý quán ăn ngon: cơm gà Tam Kỳ Tam Duyên – Số 576 Phan Chu Trinh, Châu Hòa Hương, Tam Kỳ, Quảng Nam
4.4. Mì Quảng
Đây là một món ăn bình dị, quen thuộc của người dân miền Trung. Sợi mì Quảng được làm từ bột gạo xay mịn pha với trứng và nước từ hạt dành dành, tạo nên hương vị khác biệt so với bún, phở. Một tô mì sẽ có thịt heo, thịt gà, cá lóc, trứng cút luộc, thêm chút lạc rang, rau thơm, hành ớt,… ăn cùng nước dùng hầm từ xương heo ngọt nhẹ.
- Gợi ý quán ăn ngon: quán mì Quảng Dì Hát – số 81 Phan Châu Trinh, phường Minh An, Hội An
Xem thêm:
- Top 10 quán mì Quảng Hội An ngon thần sầu, chuẩn vị nhất
- Cơm gà Hội An: Cách nấu & 10 quán ăn ngon nhất phố Hội
- VinWonders Nam Hội An có gì? Địa chỉ, giờ mở cửa, giá vé 2023
4.5. Cháo lươn xanh Quảng Nam
Món ăn cuối cùng bạn không nên bỏ lỡ khi tới đây chính là cháo lươn xanh. Cháo thường được nấu loãng, thêm chút muối cho đậm vị. Còn với lươn, người ta thường lựa chọn những con to khỏe, sau đó sơ chế sạch sẽ, chặt thành từng khúc, ướp với tiêu, hành, ớt, sả rồi om để ăn cùng cháo.
- Gợi ý quán ăn ngon: cháo lươn Hùng Vương – số 162 Hùng Vương, phường An Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam.
5. Kinh nghiệm đi Thánh địa Mỹ Sơn cần lưu ý gì?
Bên cạnh việc lên kế hoạch vui chơi, ăn uống hợp lý, để chuyến đi diễn ra suôn sẻ nhất bạn cũng nên lưu ý một số điểm sau:
- Thời gian đẹp nhất để tham quan khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn là từ tháng 2 đến tháng 4.
- Giá vé tham quan khu di tích là 100.000 VNĐ/khách Việt Nam và 150.000 VNĐ/khách nước ngoài. Giá vé này đã bao gồm: vé tham quan, xe điện, xem biểu diễn văn nghệ. Bạn có thể mua vé trực tiếp tại cổng vào của khu di tích.
- Thánh địa Mỹ Sơn không ủng hộ các hoạt động cúng bái, thắp hương. Vì thế du khách nên tránh những hoạt động này.
- Nếu bạn có dự định tham quan những điểm đến khác xung quanh khu di tích thì nên đặt trước vé vào cửa để tránh tình trạng hết vé, gây ảnh hưởng tới lịch trình chuyến đi.
Với những thông tin chi tiết về Thánh địa Mỹ Sơn cùng kinh nghiệm du lịch được tổng hợp trên đây, hy vọng rằng bạn sẽ có được hành trình khám phá trọn vẹn và ý nghĩa tại quần thể kiến trúc cổ tuyệt tác, đầy huyền bí này.
>>> Tham khảo thêm giá vé vào cửa VinWonders Nam Hội An và voucher, combo, tour du lịch Hội An, Nam Hội An để có chuyến đi chất lượng, tiết kiệm nhất!