Không ít người sau khi nhận kết quả thăm khám thì thấy một loạt các chỉ số và kết luận nhưng lại không biết kết quả xét nghiệm dương tính và xét nghiệm âm tính là sao. Vậy trong hai trường hợp này thì đâu là mắc bệnh và đâu là bình thường? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về các kết quả xét nghiệm này.
1. Giúp bạn giải đáp: xét nghiệm âm tính là sao?
1.1. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm âm tính là sao?
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu về xét nghiệm là gì theo ý nghĩa chung nhất. Theo đó, xét nghiệm chính là hoạt động giúp kiểm tra, là quá trình phân tích chức năng, tình trạng các cơ quan trên cơ thể và bao gồm nhiều bước. Kết quả cuối cùng của hoạt động xét nghiệm đó là nhằm chứng minh, hỗ trợ cho chẩn đoán sơ bộ trước đó hoặctheo dõi kết quả điều trị xem có đạt hiệu quả hay không.
Âm tính (tiếng Anh là Negative) là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ kết quả xét nghiệm trong y học. Nếu nhận được kết quả có ghi âm tính, (-) hoặc Negative thì nghĩa là người thăm khám không bị bệnh hoặc không mang mầm bệnh trong cơ thể.
1.2. Độ thiếu chính xác trong kết quả xét nghiệm âm tính là sao?
Mặc dù đa số xét nghiệm cho ra kết quả âm tính là chính xác nhưng vẫn có một vài trường hợp nghi ngờ và cần thực hiện xét nghiệm lại hoặc các phương pháp kiểm tra khác như:
– Thứ nhất là trường hợp kết quả âm tính giả, nghĩa là khi yếu tố gây bệnh có tồn tại trong cơ thể nhưng không đạt đủ ngưỡng kích thích khiến cho quá trình xét nghiệm khôngthấy dấu vết gây bệnh.
– Thứ hai là thời gian thực hiện xét nghiệm quá sớm, nồng độ các chất còn chưa vượt ngưỡng nên cho ra kết quả âm tính.
– Thứ ba là trường hợp có sự sai sót y tế do lỗi của máy xét nghiệm, quy trình lấy mẫu không đúng, hoặc sai sót trong quá trình vận chuyển, bảo quản, xử lý mẫu,…
– Thứ tư là khả năng “tái kích hoạt” của một số mầm bệnh như vi khuẩn, virus nên nhiều bệnh nhân sau một quá trình điều trị đã cho ra kết quả xét nghiệm trở về âm tính, cơ thể phục hồi và được xem là khỏe mạnh. Tuy nhiên, thời gian sau thì kết quả sau khi xét nghiệm lại là dương tính.
2. Kết quả xét nghiệm dương tính là như thế nào?
2.1. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm dương tính là sao?
Trong y học, xét nghiệm cũng là hoạt động được diễn ra nhằm mục đích giúp điều tra và phân tích. Xét nghiệm cụ thể được diễn ra tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn của bệnh viện. Mẫu xét nghiệm thường rất đa dạng. Đó có thể là máu, nước tiểu và nhiều mẫu hữu cơ khác. Việc xét nghiệm do các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện. Kết quả xét nghiệm thu được chính là cơ sở để hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác.
Ngược với trường hợp âm tính thì kết quả xét nghiệm dương tính (+) hoặc Positive là trường hợp chứng tỏ bạn đã mắc bệnh/có nguy cơ mắc một bệnh nào đó do mang yếu tố gây bệnh ở bên trong cơ thể.
2.2. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thiếu độ chính xác
Với bệnh nhân, khi kết quả xét nghiệm dương tính, nhiều người thường hoang mang và lo lắng với sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không phản ánh đúng tình trạng cơ thể. Ví dụ như:
– Dương tính giả đối với trường hợp người bệnh không có yếu tố gây bệnh hay không mắc bệnh nào nhưng kết quả vẫn (+) do các yếu tố gây nhiễu tạo nên.
– Các phản ứng chéo trong cơ thể cũng có khả năng khiến quá trình xét nghiệm nhận diện sai yếu tố gây bệnh và cho kết quả (+).
– Xét nghiệm được tiến hành bị thiếu độ chính xác trong việc đánh giá tình trạng bệnh lý nghi ngờ.
– Sự nhầm lẫn kết quả hoặc nhầm lẫn mẫu xét nghiệm giữa những người thực hiện xét nghiệm.
– Các vấn đề phát sinh khác trong thu thập và xử lý mẫu của nhân viên y tế hoặc lỗi của hệ thống thiết bị.
3. Những lưu ý sau khi biết kết quả âm tính hoặc dương tính
Với mỗi bệnh nhân, sau khi được các bác sĩ chuyên khoa giải thích kỹ càng về kết quả dương tính hay âm tính thì cũng đừng vội vui mừng hay quá lo lắng. Lúc này, người bệnh cần bình tĩnh và đặt những câu hỏi để làm rõ hơn về các chỉ số trong kết quả xét nghiệm cũng như việc có nên thực hiện xét nghiệm lại hay những phương pháp thăm khám khác khác hay không.
Hầu hết với bác sĩ, để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý thì không chỉ dựa vào mỗi kết quả xét nghiệm mà còn cần kiểm tra quá trình dịch tễ, theo dõi, đánh giá các triệu chứng, cùng với đó là đánh giá khả năng người được xét nghiệm bị phơi nhiễm với mầm bệnh và kết hợp thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác. Có như vậy mới cho ra được kết quả chuẩn xác nhất với người bệnh.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu hơn về xét nghiệm dương tính hay âm tính. Đặc biệt, người dân khi muốn xét nghiệm nên chú ý lựa chọn những đơn vị y tế có uy tín cũng như đã được Bộ Y tế cấp phép nhằm đảm bảo an toàn và độ chính xác cao.