Trước đó, ngày 23-11-2021, tại Paris, Pháp, UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. UNESCO đã khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”.
Nho sinh thời loạn…
Nguyễn Đình Chiểu không phải người gốc ở Bến Tre. Thân phụ ông là Nguyễn Đình Huy, hiệu Dương Minh Phủ, quê ở làng Bồ Điền, tổng Phù Ninh, nay là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nguyễn Đình Chiểu tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ (khi bị mù lấy hiệu là Hối Trai), ra đời ngày 1-7-1822, tại quê mẹ làng Tân Thới, tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh ngày nay). Ông là con trưởng, tiếp sau có 6 người em là: Nguyễn Thị Thục, Nguyễn Thị Nữ, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Đình Tự và Nguyễn Đình Huân.
Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu đậu tú tài tại trường thi Gia Định, được một gia đình phú hào họ Võ hứa gả con cho. Lẽ ra đậu cử nhân mới được đi thi Hội, nhưng vì lúc này triều đình muốn lấy lòng nhân sĩ Nam kỳ nên đặc cách cho những sĩ tử đậu tú tài được ứng Hội thí. Năm Bính Ngọ 1846, Nguyễn Đình Chiểu cùng em là Nguyễn Đình Tựu ra Huế học để chuẩn bị kỳ thi Hội năm Kỷ Dậu 1849 nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất vào tháng 11-1848, an táng tại Tân Triêm (nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Là con trưởng trong gia đình, không thể ở lại Huế chờ khoa thi, đầu năm 1849, Nguyễn Đình Chiểu đành bỏ thi cùng em trở về Nam thọ tang mẹ.
Sau này trong “Lục Vân Tiên”, ông có nói qua lời của tôn sư đoán vận: “Số con hai chữ khoa kỳ/ Khôi tinh đã rạng, Tử vi thêm lòa/ Hiềm vì ngựa chạy đàng xa/ Thỏ vừa ló bóng, gà đà gáy tan”. Thỏ tức năm Mão, năm ông đậu tú tài; gà tức năm Dậu, năm ông phải bỏ thi Hội. Đúng là “Dùi mài kinh sử, chí rắp những toan làm sáng đạo thánh hiền/ Lỡ dở đại khoa, ngộ biến tòng quyền đành về quê phục hiếu” (Văn bia Nguyễn Đình Chiểu).
Trên đường hồi hương về Nam, do không thuận gió xuôi thuyền, Nguyễn Đình Chiểu cùng em phải đi đường bộ, băng rừng lội suối. Phần vất vả vì đường sá xa xôi, phần vì thương khóc mẹ nên ông bị đau mắt nặng, được đưa đến một thầy thuốc giỏi vốn dòng ngự y ở Quảng Nam chạy chữa nhưng vô hiệu. Trong thời gian chữa bệnh, Nguyễn Đình Chiểu được thầy truyền nghề thuốc cho. Sau đó, ông còn tiếp tục nghiên cứu làm thuốc, nghiên cứu y học, chữa bệnh giúp dân, sáng tác thơ văn,… Chính vì vậy, tiếng ông “Đồ Chiểu” vang xa dần.
Năm 1858, giặc Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng; đến năm 1859, tiếp tục đánh chiếm Gia Định. Tuy mù lòa, Đồ Chiểu vẫn “thấy” rất rõ cảnh tang thương của miền đất bị ngoại xâm đánh phá: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dác bay/ Bến Nghé của tiền tan bọt nước /Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” (Chạy giặc).
Ngày 14-12-1861 (rằm tháng 11), những nghĩa sĩ nông dân vì căm thù quân giặc đã dũng cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, giết được nhiều lính và viên tri huyện người Việt đang làm cho Pháp. Bên ta khoảng 15 nghĩa sĩ (có tài liệu nói 27 – PV) hy sinh.
Xúc động trước tấm gương hy sinh vì nước của các nghĩa sĩ, Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” bằng chữ Nôm gồm 60 vế biền ngẫu theo thể phú luật Đường để đọc trong buổi truy điệu. Với giọng văn trầm hùng, bi thiết; ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, bài văn tế đã gây chấn động nhân tâm, tạo sức cổ vũ rất lớn. Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, người nông dân được ca ngợi như những anh hùng. Bài “Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh” của Nguyễn Đình Chiểu cũng lan truyền rất rộng rãi.
Năm 1868, nghĩa sĩ Phan Tòng (quê Bình Đông, Ba Tri), tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Phan Tôn, Phan Liêm (con Phan Thanh Giản), bị tử trận tại Giồng Gạch, cách chợ Ba Tri 2km, cụ Đồ Chiểu đã xót thương viết 10 bài thơ liên hoàn “điếu Phan Công Tòng” thật cảm động. “Ba Tri từ vắng tiếng hơi chàng/ Gió thảm mưa sầu khá xiết than/ Vườn luống trông xuân, hoa ủ dột/ Ruộng riêng buồn chủ, lúa khô khan…”.
Uy tín, danh tiếng của Đồ Chiểu trong giới sĩ phu và dân chúng Nam Bộ ngày càng lớn, thực dân Pháp tìm cách mua chuộc ông. Viên Tham biện tỉnh Bến Tre khi đó là Michel Ponchon cùng thông dịch viên Lê Quang Hiền đến thăm, tỏ ý ưu ái muốn trả lại ruộng đất ở Gia Định cho cụ, Đồ Chiểu đã trả lời nhẹ nhàng mà đanh thép: “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì”. Ponchon ngỏ ý cấp tiền dưỡng lão, Đồ Chiểu kiên quyết từ chối: “Tôi đã sống tạm đủ giữa tình thương của môn đệ và xóm giềng, thế cũng đã toại nguyện”.
Sống qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với biết bao biến động của lịch sử nên Nguyễn Đình Chiểu luôn mong mỏi một “Ngày nào trời đất an ngôi cũ/ Mừng thấy non sông bặt gió Tây” nhưng càng ngày, càng thêm đau buồn vì đất nước từng mảnh rơi dần vào tay giặc, khởi nghĩa từng trận bị dập tắt. Năm 1885, ông đặt niềm tin vào chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, nhưng rồi các cuộc nổi dậy lần lượt thất bại.
Ngày 3-7-1888, trong căn nhà nhỏ thuộc làng Bình Đông, gần chợ Ba Tri, ông trút hơi thở cuối cùng, thọ 66 tuổi.
Hậu duệ và bức ảnh họa Cụ Đồ
Nguyễn Đình Chiểu với bà Lê Thị Điền có 6 người con: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Đình Chúc, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Nguyễn Đình Chiêm, Nguyễn Đình Ngưỡng. Trong số này, có hai người là Nguyễn Thị Ngọc Khuê và Nguyễn Đình Chiêm nối được nghiệp nhà, có đủ tài đức.
Nguyễn Thị Ngọc Khuê sinh ngày 8-3-1864 tại Ba Tri. Bà văn tài lỗi lạc, góa chồng từ lúc còn trẻ nhưng quyết thủ tiết không tái giá, lấy hiệu là Sương Nguyệt Anh. Bà dạy học, làm thơ và là nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo bà phụ trách là Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới), tờ báo đầu tiên của phụ nữ, ra số báo đầu tiên vào ngày 1-2-1918 tại Sài Gòn. Báo chủ trương đề cao vai trò phụ nữ, nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương nên bị mật thám Pháp dòm ngó. Tháng 7-1918, tờ Nữ giới chung bị đóng cửa. Giống như cha, Sương Nguyệt Anh bị bệnh mắt, dần dần mù hẳn, phải dò dẫm bốc thuốc, dạy học, sáng tác. Ngày 9-1-1922, Sương Nguyệt Anh qua đời tại quê nhà ở tuổi 58.
Nguyễn Đình Chiêm (1869-1935) tự là Trọng Vĩnh, hiệu Sơn Đẩu, con thứ bảy của cụ Đồ Chiểu (nên gọi là thầy Bảy Chiêm). Ông là nhà văn, soạn giả, là tác giả của các vở hát bộ Phấn Trang Lầu, Nam Tống tinh trung… nổi tiếng ở Nam Bộ.
Còn một người nữa, không thể không nhắc đến, đó là Nữ sĩ Mai Huỳnh Hoa – cháu ngoại nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, sinh năm 1910, quê ở Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Bà chính tên là Mai Kim Ba, con của học giả Mai Bạch Ngọc, là vợ thứ của chí sĩ Phan Văn Hùm. Vào dịp kỷ niệm 149 ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu năm 1971, Mai Huỳnh Hoa chính là người cung cấp hình ảnh hai người được gia tộc cho là giống khuôn mặt cụ Đồ Chiểu nhất là ông Nguyễn Đình Chiêm (con trai) và Nguyễn Đình Ninh (cháu nội) để họa nên bức ảnh Nguyễn Đình Chiểu như ngày nay chúng ta biết.
Di tích quốc gia đặc biệt
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre Cao Văn Dũng, Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (tọa lạc tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) được UBND tỉnh Bến Tre cho khởi công xây dựng từ năm 2000 đến 2002. Trong khuôn viên rộng hơn 1,5ha có nhiều cây dương lâu năm cao vút, vững chắc, che chắn, Di tích bao gồm các hạng mục chính: Cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ.
Đền thờ mới được xây dựng vào năm 2000 – 2002, có chiều cao 21m, dựng bằng bê tông cốt thép theo hình tròn, mái đổ bê tông dán ngói âm dương và trang trí trên tường là hoa văn truyền thống. Đền thờ gồm hai tầng với ba tầng mái tượng trưng cho 3 nghề của ông: nghề giáo, nghề thuốc và thơ văn. Tầng trên đặt tượng Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên bốn cột ở tứ trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Và câu đối (của ông Nguyễn Văn Châu, một người con của Bến Tre) viết ca ngợi công đức Nguyễn Đình Chiểu: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê”.
Từ trước đến nay, các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là truyện Lục Vân Tiên luôn được thực hiện thường xuyên, đặc biệt từ năm 1992 đến nay, tỉnh Bến Tre lấy ngày sinh và ngày mất của Cụ (ngày 1-7 và ngày 3-7) làm Ngày truyền thống văn hóa của tỉnh.
Với tài năng, đức độ và những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như lòng tôn kính của nhân dân nhân kỷ niệm 195 năm ngày sinh của ông (1/7/1822 – 1/7/2017), Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho hậu thế khối lượng thơ văn khá lớn và rất quý báu với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, chủ yếu bằng chữ Nôm. Nguyễn Đình Chiểu còn là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Triết lý văn hóa của ông là triết lý nhân sinh của một nhà văn hóa lớn, thể hiện sinh động qua các nhân vật trong các truyện thơ như: Lục Vân Tiên, Dương từ – Hà Mậu,… Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua tư tưởng Tống Nho chính thống, triết lý Nho giáo của ông đang trên quá trình Việt hóa – bình dân hóa một cách sâu sắc, như trung, hiếu, tiết, nghĩa theo triết lý sống của người Nam Bộ, người Việt Nam: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”,…
Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, Thầy giáo, Thầy thuốc.