Hôm nay, THPT Lê Hồng Phong sẽ giúp các em trả lời câu hỏi Vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn đóng đô ở đâu? và một số kiến thức liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng trong bài viết dưới đây.
Vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn đóng đô ở đâu?
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn đóng đô ở Hoa Lư, một vùng núi non kỳ vĩ và hiểm trở. Đại Việt sử lược ghi: “Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”.
Tại đây, ông cho xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi xây dựng một công trình phòng ngự kiên cố như một pháo đài hiểm, biệt lập với bên ngoài. Kinh đô Hoa Lư được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung cảnh quan hùng vĩ.
Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10m, hiện vẫn còn dấu vết của nhiều đoạn tường thành.
Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên phục vụ cho con người. Lối kiến trúc này tiết kiệm tối đa sức người sức của.
=> Vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn đóng đô ở Hoa Lư – một vùng núi non kỳ vĩ và hiểm trở
Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đặt niên hiệu là gì?
Năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ việc dùng niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa, đặt niên hiệu mới là Thái Bình.
Như vậy, với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thống nhất.
=> Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đặt niên hiệu là Thái Bình
Tiểu sử vua Đinh Tiên Hoàng (924- 979)
Vua Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ có tên là Đinh Bộ Lĩnh, sinh ngày rằm tháng Hai năm Giáp Thân (924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng ( nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ là Đinh Công Trứ làm quan Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An).
Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ là Đàm Thị về quê, nương thân với chú ruột là Đinh Dự ở chăn trâu. Ông thường cùng nhóm trẻ chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, lập trận giả đánh nhau, tỏ rõ có tài chỉ huy. Bọn trẻ thường khoanh tay làm kiệu để rước ông như nghi vệ thiên tử.
Đến tuổi trưởng thành vốn là người có chí khí khác thường, thấy đất nước đang lâm vào cơn hỗn loạn, Đinh Bộ Lĩnh chiêu tập trước hết là các bạn thuở cờ lau tập trận, sau đến các nghĩa sĩ quanh vùng. Bấy giờ trong nước loạn lạc, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Nhờ thông minh mưu lược có khí phách, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, mong lập nghiệp lớn, dân quanh vùng theo về rất đông.
Biết lực lượng của mình còn mỏng, Đinh Bộ Lĩnh sang xin theo sứ quân Trần Lãm (tức Trần Minh Công) ở Bố Hải Khẩu nay thuộc tỉnh Thái Bình. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là người khôi ngô, có chí khí, có tài thao lược, lại là con trai của Đinh Công Trứ, người bạn đồng liêu, Trần Lãm mến tài gả con gái cho. Khi tuổi cao sức yếu Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục xây dựng lực lượng, thu phục nhân tài, phất cờ hiệu triệu dân chúng, đánh dẹp các sứ quân, đánh đâu thắng đó, uy danh lừng lẫy.
Ba quân tướng sĩ tôn vinh ông là Vạn Thắng Vương. Chỉ trong vòng một năm, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên 12 sứ quân, bốn phương ca khúc khải hoàn, non sông thu về một mối, chấm dứt thời kì loạn lạc.
Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (Nước Việt to lớn), đóng đô ở Hoa Lư (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nhà vua cho đúc tiền đồng“Thái Bình Hưng Bảo”, đây là đồng tiền xưa nhất của nước ta. Ông còn xây dựng kỉ cương, đặt các luật lệ để yên dân.
Vào đêm trung thu rằm tháng Tám năm Kỷ Mão (979) Đại Thắng Minh Hoàng Đế băng hà,được triều thần tôn là Tiên Hoàng Đế. Đinh Tiên Hoàng tuy ở ngôi ngắn ngủi (12 năm) nhưng ông là người thông minh, mưu lược, sáng tạo, có công lao to lớn là dẹp yên loạn lạc, xóa bỏ tình trạng cát cứ làm suy yếu đất nước, xây dựng nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên, có đủ triều nghi phẩm phục, có quân đội hùng mạnh, pháp chế nghiêm minh. Trên cơ sở nước Đại Cồ Việt thống nhất và vững mạnh ấy, năm 989 Lê Hoàn có điểm tựa để đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ độc lập, chủ quyền cho non sông đất nước.
Đinh Tiên Hoàng là vị anh hùng dân tộc mở đầu và đặt nền thống nhất quốc gia. Sự nghiệp Đinh Tiên Hoàng muôn đời còn mãi trong lòng dân tộc ta, non sông đất nước ta.
Đăng bởi: trường THPT Lê Hồng Phong
Chuyên mục: Giáo dục