1/Về tranh của Nhã, dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ nhận xét: “Còn nhiều lúc khác, tự tin hơn, thì Nhã nhận ra mình ở tất cả những hiện hữu ở thế giới chung quanh, có hình hay vô hình cũng vậy. Những hiện hữu thoát thai từ cuộc giao đãi với ngoại giới của một tâm thức đã nhận ra rằng mình là một phần của sự sống muôn hình muôn vẻ của thế giới này. Nên lắm lúc tranh phải to mới đủ nhận ký gửi hết những nhận thức rất hay bị ôm đồm ấy. Gọi là cảm thức thì đúng hơn. Cũng chẳng có gì lạ. Cảm thức tạo hình này đã có từ muôn kiếp trước. Và sẽ còn cho đến tận cùng muôn kiếp nhân sinh”.
Nhã có khuôn mặt rất trẻ thơ. Và là một phụ nữ đẹp. Nhưng Nhã thích giấu mặt phía sau những bức tranh và không nhận mình là họa sĩ. Tên Nhã Tĩnh và tranh của Nhã, được anh Phạm Minh Quân thuộc Viện Nhân học văn hóa đánh giá: “nhã mà không bình đạm, tĩnh nhưng không u mịch. Trong thế giới sắc mầu những tưởng câm lặng vô thanh, lại chứa đầy thanh âm (rung) động của tâm cảm”.
Một tác phẩm tại triển lãm.
2/Nhã chia sẻ, khi còn nhỏ, Nhã có cơ hội được ngắm các tác phẩm nổi tiếng của các tác giả thời Phục hưng tại thư viện gia đình của một người bác. Nhã đã ngây ngất và kinh ngạc trước vẻ đẹp kinh điển đến mức rất nhiều năm sau đó luôn nghĩ rằng hội họa là một ngôi đền linh thiêng mà cô là một kẻ ngoại đạo chỉ dám đứng từ xa ngưỡng vọng lại. Vì thế, Nhã chỉ dám viết những mẩu chuyện ngắn, những bài thơ trẻ con, viết nhật ký, nghe nhạc Pháp, nhạc Âu, Mỹ và luôn mơ mộng sống trong những câu chuyện cổ Andersen, “Chuyện cổ Grim”, “Nghìn lẻ một đêm”, “Thần thoại Hy Lạp”… Nhã hay đứng trước gương và nói chuyện với chính mình. Có một bức tranh nhỏ Nhã vẽ về kỷ niệm này.
Nhã lớn lên, có cuộc sống riêng, đi làm… rồi các biến cố cuộc đời khiến Nhã quên mất niềm yêu thích kính ngưỡng của mình. Cuộc sống chủ yếu là di chuyển trên các chuyến bay đến và đi các nước. Khi đại dịch Covid ập đến (quả thật, bước ngoặt cuộc đời nhiều người lại bắt đầu từ đại dịch này), công ty yêu cầu làm việc tại nhà. Trong bối cảnh cả thế giới hoang mang và sợ hãi, Nhã thật may mắn không bị nhiễm Covid, có thời gian tĩnh tâm, suy nghĩ về chính mình, về lẽ vô thường trong cuộc sống và về cuộc đời. Dần dần, khi chìm sâu vào tiềm thức, Nhã phát hiện ra nội tâm mình có quá nhiều điều cồn cào muốn nói. Và im lặng trong bốn bức tường, Nhã chọn ngôn ngữ vô thanh đó là mầu sắc và đường nét, là điểm và diện. Nhã vẽ.
“Ngay từ tác phẩm đầu tiên, Nhã đã chọn phong cách trừu tượng”, Nhã kể lại. “Bởi Nhã khao khát tự do thân thể và khao khát được tự do biểu cảm. Đứng trước tấm toan trắng tinh khôi, Nhã hít một hơi thở sâu và tự tin đi nét cọ đầu tiên và chỉ cần có thế, cảm xúc mãnh liệt dẫn Nhã đi. Nhã vẽ rất nhanh, không chút do dự, không tính toán. Nhã để cảm xúc dẫn mình đi. Cứ thế Nhã bay lượn theo nhịp điệu trái tim và tâm hồn mình và bừng tỉnh khi cảm xúc cao trào, hệt như đoạn crescendo trong âm nhạc, nó tới dồn dập đầy kịch tính và rồi kết thúc. Sau đó Nhã rơi vào một khoảng lặng. Như cánh chim sau khi mải miết đập cánh liên hồi để bay lên, nó quyết định thả mình tự do liệng cánh đầy thỏa mãn và bình yên”.
Nhã vẽ hồn nhiên như buổi sáng mặt trời lên và bình yên như hoàng hôn rơi xuống. Có lần, kiến trúc sư Nguyễn Việt Triều hỏi: Nhã thấy vẽ có khó không? Nhã buột miệng: Nhã thấy vẽ dễ mà. Bởi vì Nhã vẽ cảm xúc của mình, vẽ chính mình. Hệt như khi Nhã viết. Nó như suối nguồn tuôn chảy. Nhã vẽ hay viết cứ chảy trôi và nhẹ nhõm như vậy. Như tự sự. Như độc thoại với chính mình. Như tâm sự với người bạn thân. Như thủ thỉ bên mẹ.
3/ “Nhã 23”, trước hết là Nhã lên 2 lên 3, bởi vì luôn như một đứa trẻ”, Nhã chia sẻ cái tên của triển lãm. “Nhã hào hứng những bước chân đầu tiên khám phá thế giới hội họa của chính mình. “Nhã 23” cũng là đánh dấu solo show năm 2023, sau hai năm sáng tác, Nhã đã vẽ hơn 500 tác phẩm lớn nhỏ. 65 tác phẩm lần này có một phần nói về nội tâm của Nhã, một phần là cái nhìn của Nhã ra thế giới, một phần là suy tư về cuộc sống, về nhân sinh”.
Sau triển lãm, Nhã sẽ vẫn vẽ như là Nhã đã từng. Nhã không có kế hoạch gì xa xôi. Cô chọn cách sống hiện sinh và yêu thương từng phút giây hiện hữu. “Im lặng và đơn giản. Nhã cần phải học cách thật tĩnh nữa để một lúc nào đó có thể đồng ý cho mình ký tên Nhã Tĩnh”.