Sưng hạch bạch huyết là nguyên nhân hàng đầu gây nên triệu chứng nổi hạch ở háng và sưng hạch ở khu vực này thường xuất phát từ các nguyên nhân như:
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục như mụn rộp sinh dục, chlamydia hoặc bệnh lậu.
- Nhiễm nấm ngứa.
- Nhiễm trùng toàn thân thường do virus gây ra.
- Ung thư, thường gặp nhất là ung thư hạch.
Ngoài ra, tình trạng xuất hiện các cục u ở khu vực háng cũng có thể do một số nguyên nhân khác hiếm gặp hơn như:
- Dị ứng.
- Phản ứng với thuốc (các tác dụng phụ của thuốc).
- Các dạng u nang lành tính.
- Thoát vị bẹn (một khối phồng lớn, mềm ở một hoặc hai bên bẹn).
- Tổn thương da ở vùng bẹn.
- U mỡ (một dạng tăng trưởng quá mức mô mỡ lành tính).
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán nổi hạch ở háng như thế nào?
Để chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân nổi hạch ở háng, bác sĩ trước hết sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử của bệnh nhân.
- Bác sĩ cần biết chi tiết thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý, các thuốc bệnh nhân đã và đang dùng, quan hệ tình dục an toàn hay không và cả tiền sử bệnh của gia đình, ví dụ như có người thân bị ung thư hay bệnh tự miễn.
- Kiểm tra các hạch bạch huyết ở háng và bẹn bằng cách ấn nhẹ để đánh giá độ đau và kích thước của các hạch sưng lên này. Đồng thời, ghi nhận những triệu chứng toàn thân khác.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm bổ sung như:
- Xét nghiệm máu để xác nhận hoặc loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng.
- Siêu âm hoặc chụp CT vùng chậu để đánh giá thêm về độ sưng lên của hạch ở háng.
- Sinh thiết các hạch nổi lên để xác nhận hoặc loại trừ ung thư.
Nổi hạch ở háng được chữa trị ra sao?
Cách trị nổi hạch ở háng còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này, cụ thể bao gồm:
- Liệu pháp miễn dịch bao gồm các thuốc điều chỉnh hệ miễn dịch trong các trường hợp nổi hạch ở bẹn là do rối loạn miễn dịch.
- Phẫu thuật để loại bỏ khối u, hóa trị, xạ trị khi các cục u ở háng được xác định là ung thư.
- Nổi hạch ở háng do nhiễm trùng được xử lý bằng các nhóm thuốc tương ứng với tác nhân nhiễm trùng như thuốc kháng sinh, kháng nấm và kháng virus.
- Nếu các hạch ở bẹn nổi lên do tác dụng phụ của một số thuốc thì bác sĩ có thể giúp bạn chỉ định một số thuốc khác để cải thiện tình trạng này.
Thông thường, nếu nổi hạch ở háng để đáp ứng miễn dịch thì các hạch này sẽ tự xẹp xuống sau một vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị.
Phòng ngừa
Có cách nào giúp phòng ngừa nổi hạch ở háng hay không?
Dưới đây là một số điều bạn có thể chủ động thực hiện để hạn chế gây nổi hạch ở háng:
- Sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin giúp phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
- Giữ gìn vệ sinh và chăm sóc thân thể tốt để phòng ngừa các nhiễm trùng ở da và khu vực vùng kín.
- Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ với các bệnh tự miễn.