Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp dưới dạng sản phẩm vật chất và dịch vụ trong một thời gian nhất định, thường là một năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bao gồm kết quả hoạt động của các ngành kinh tế cấp II: (1) Trồng trọt; (2) Chăn nuôi; (3) Các hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp được tính theo phương pháp tổng mức chu chuyển, nghĩa là được tính trùng sản phẩm giữa ngành trồng trọt và chăn nuôi. Cách tính cụ thể như sau: Lấy sản lượng sản phẩm từng loại nhân với đơn giá từng loại sản phẩm đó rồi cộng chung toàn bộ giá trị của các loại sản phẩm. Đối với sản phẩm phụ chỉ tính những sản phẩm có thu hoạch và sử dụng. Chi phí cho quá trình sản xuất dở dang chỉ được tính chi phí cho những sản phẩm chưa thu hoạch cuối kỳ trừ đi đầu kỳ.
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp hàng năm được tính theo hai loại giá: giá thực tế và giá so sánh.
Cây lâu năm là loại cây trồng sinh trưởng và cho sản phẩm trong nhiều năm, bao gồm cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, cao su…), cây ăn quả (cam, chanh, nhãn…), cây dược liệu lâu năm (quế, đỗ trọng…).
Cây hàng năm là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng và tồn tại không quá một năm, bao gồm cây lương thực có hạt (lúa, ngô, kê, mỳ…), cây công nghiệp hàng năm (mía, cói, đay…), cây dược liệu hàng năm, cây thực phẩm và cây rau đậu.
Sản lượng lương thực có hạt là tổng sản lượng tính bằng cách cộng giản đơn (không quy đổi) của thóc, ngô và một số cây lương thực có hạt khác như cao lương, kê, mì mạch…(không tính sản lượng của những cây chất bột có củ như khoai lang và sắn). Thực tế ở nước ta, sản lượng cao lương, kê, mì mạch… rất nhỏ, vì vậy trong Niên giám Thống kê hiện nay chỉ tiêu sản lượng lương thực có hạt chỉ bao gồm sản lượng thóc và sản lượng ngô.
Sản lượng lúa (còn gọi là sản lượng đổ bồ) là sản lượng lúa khô sạch của tất cả các vụ sản xuất trong năm. Sản lượng lúa năm nào tính cho năm đó và không bao gồm phần hao hụt trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, ra hạt vì mọi nguyên nhân (chuột phá, rơi vãi ngoài đồng, trên đường, hư hỏng trước khi nhập kho,…).
Sản lượng ngô là sản lượng ngô hạt khô sạch đã thu hoạch trong năm.
Tổng số trâu, bò là số trâu, bò hiện có tại thời điểm điều tra 1/10 (gồm cả trâu, bò mới sinh 24 giờ trước thời điểm điều tra).
Tổng số lợn là số lợn hiện có tại thời điểm điều tra 1/10, gồm lợn thịt, lợn nái và đực giống (không kể lợn sữa).
Tổng số gia cầm là số gà, vịt, ngan, ngỗng tại thời điểm 1/10.
Rừng tự nhiên là rừng không do con người trồng, bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đạt 1 hoặc cả 2 tiêu chuẩn sau: (1) Rừng có trữ lượng gỗ bình quân từ 25m3 trở lên trên 1 ha; (2) Rừng có độ tán che > 0,3 (tổng diện tích tán cây > 30% diện tích rừng đó).
Diện tích rừng trồng bao gồm diện tích đất đã được trồng rừng kể cả diện tích đã thành rừng và diện tích mới trồng.
Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh do ngành lâm nghiệp tạo ra trong một thời gian nhất định, thường là một năm và được tính theo nguyên tắc sau:
+ Được tính vào giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn bộ giá trị kết quả lao động hữu ích do ngành lâm nghiệp sáng tạo ra trong năm báo cáo, không tính những sản phẩm chất lượng kém, không đạt yêu cầu kỹ thuật.
+ Được tính vào giá trị sản xuất gồm có giá trị sản phẩm chính và giá trị sản phẩm phụ.
+ Được tính vào giá trị sản xuất giá trị sản phẩm cuối cùng của quá trình sản xuất lâm nghiệp và được phép tính trùng một số yếu tố trong khâu tạo rừng như: chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Giá trị sản xuất tính theo giá thực tế và giá so sánh.
Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là diện tích ao, hồ, đầm, sông cụt, thùng đào, v.v… đang nuôi tôm, cá và các loại thuỷ sản khác, không bao gồm diện tích đất các loại hồ thuỷ lợi, thuỷ điện kết hợp nuôi tôm, cá và thuỷ sản khác (Các loại đất này thống kê vào đất chuyên dùng).
Giá trị sản xuất ngành thuỷ sản là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà ngành thuỷ sản tạo ra trong một thời gian nhất định, thường là một năm.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thuỷ sản bao gồm nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản (Không bao gồm mò và bắt thuỷ sản của nông dân) như cá, tôm, ba ba, ếch, lươn, trai lấy ngọc, rong, rau câu…