Nền nông nghiệp thế giới và Việt Nam đang hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xu hướng của nông nghiệp hiện nay không chỉ đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, tạo sự đột phá về năng suất và chất lượng nông sản, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái mà còn phải đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho người nông dân. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu là mục tiêu mà nước ta đang hướng đến.
Nông nghiệp xanh là gì?
Nền nông nghiệp xanh có thể được hiểu là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nền nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, ổn định kinh tế, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.
Một số mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu hiện nay
Hiện nay có một số mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu như sau:
Mô hình trồng rau thủy canh (Hydroponics)
Trồng rau bằng phương pháp thủy canh là mô hình rất quen thuộc, mọi người đều có thể áp dụng ngay tại nhà của mình. Chỉ cần một không gian thoáng mát, có ánh sáng như góc nhà gần cửa sổ, sân thượng… là bạn có thể tự tay trồng rau sạch cho chính gia đình mình.
Hiện nay mô hình trồng rau thủy canh quy mô công nghiệp là mô hình kinh doanh đang được nhiều người hướng đến. Không chỉ giúp thu về rau sạch mà mô hình này còn có chi phí duy trì thấp nhưng lợi nhuận cao, nhu cầu của thị trường về rau sạch chưa bao giờ hết.
Nuôi trồng thủy canh, hệ sinh thái trồng cây, nuôi cá (Aquaponics)
Aquaponics chính là hệ thống tự động trồng rau thủy canh hữu cơ (organic) và nuôi cá tại nhà 3 Không: Không dùng đất, Không phân bón, Không cần tưới, nhưng vẫn có cá sạch, rau sạch để phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Hệ rau xanh cá sạch Aquaponics chính là hệ thống tự trồng rau thủy canh hữu cơ (organic) và nuôi cá sạch tuần hoàn khép kín tại nhà: chúng ta sẽ không phải bổ sung hóa chất và phân bón để nuôi cây, thay vào đó là chất thải của cá qua bộ lọc vi sinh bị oxy hóa nhờ quá trình nitrat hóa chuyển thành chất dinh dưỡng (chính là nitrat) để nuôi cây; rễ của cây sau khi hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ lọc sạch nước trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi bị bốc hơi. Quá trình này được lặp đi lặp lại tạo thành hệ Aquaponics tuần hoàn khép kín.
Với phương pháp này, chúng ta vừa có thể làm sạch hồ cá tự động, vừa có rau sạch hữu cơ thủy canh để ăn. Với những gia đình có sẵn hồ cá cảnh hoặc các nông trại nuôi cá quy mô lớn thì công nghệ Aquaponics càng tối ưu hơn khi vừa giúp lọc sạch, vệ sinh hồ cá một cách tự động vừa cung cấp rau sạch hữu cơ cho bữa ăn hàng ngày.
Du lịch gắn với nông nghiệp xanh
Du lịch gắn liền với nông nghiệp xanh được ứng dụng đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương và doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của người nông dân không chỉ làm cho sản phẩm du lịch thêm phong phú, hấp dẫn mà còn đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Một số tour du lịch tiêu biểu của loại hình này như tour trải nghiệm, thăm quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu… hay những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…
Mô hình cánh đồng mẫu lớn
Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng là một trong những mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu, mô hình này thường áp dụng cho trồng cây lương thực như lúa mì, lúa gạo….
Mô hình này có sự liên kết các đối tượng lại với nhau trong đó có sự tham gia của Nhà nước để khắc phục các hạn chế của cuộc cách mạng xanh. Người nông dân sẽ được hỗ trợ về máy móc (máy gặt, máy cày…), kỹ thuật trồng trọt hay giúp đỡ về đầu tư định kỳ.
Áp dụng mô hình cánh đầu mẫu lớn sẽ giảm diện tích đất canh tác nhỏ lẻ bừa bãi, đảm bảo an toàn về mặt môi trường sinh thái, dễ dàng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu.
Những lợi ích của việc phát triển nền nông nghiệp xanh
Nông nghiệp xanh mang lại rất nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội:
- Giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại.
- Phục hồi và cải thiện đất đai.
- Giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người: sẽ không còn tình trạng vỏ bao bì hóa chất rơi vãi ra ngoài môi trường hay chất thải dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước.
- Tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
- Hệ sinh thái được cân bằng và duy trì đa dạng sinh học: việc hạn chế sử dụng hóa chất sẽ giúp ổn định hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cho cây trồng phát triển theo chiều hướng tự nhiên hơn.
Tuy nhiên nông nghiệp xanh hiện nay vẫn còn một số hạn chế như:
- Còn khá mới lạ, chưa được phổ biến rộng rãi, nhiều nông dân còn đang loay hoay tìm hiểu chứ chưa áp dụng được.
- Tốn nhiều thời gian và công sức hơn, do vậy chất lượng sẽ được đảm bảo hơn.
- Giá sản phẩm được sản xuất từ mô hình nông nghiệp xanh cao hơn so với sản phẩm thông thường.
Tại Việt Nam, các mô hình nông nghiệp xanh đang được ứng dụng tại một số địa phương và mang lại nhiều kết quả khả quan, từng bước đưa nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển và vươn ra thế giới.
Nông nghiệp sạch là gì?