Nếu như thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đề cập đến thời gian thực hiện nghĩa vụ, thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, nơi nộp thuế đề cập đến không gian thực hiện nghĩa vụ. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, nơi nộp thuế có ý nghĩa quan trọng để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, ghi nhận kết quả thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế, chỉ khi hồ sơ được nộp đúng lúc, đúng nơi thì mọi thứ mới thực sự có ý nghĩa.
Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Luật Quản lý thuế năm 2019.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế:
Hồ sơ khai thuế được giải thích tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP là “tờ khai thuế và các chứng từ, tài liệu liên quan làm căn cứ để xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế với ngân sách nhà nước do người nộp thuế lập và gửi đến cơ quan quản lý thuế bằng phương thức điện tử hoặc giấy.“
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế hiểu một cách chính xác là cơ quan tiếp nhận hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Theo đó, Điều 45 Luật Quản lý thuế ghi nhận 4 trường hợp để xác định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, cụ thể:
Thứ nhất, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Đây được xem là “địa điểm cứng” khi xác định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế. Việc xác định cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế sẽ có sự khác nhau, chẳng hạn giữa doanh nghiệp và cá nhân. Nội dung về cơ quan thuế quản lý trực tiếp có thể xem xét kỹ hơn tại Quyết định 2845/QĐ-BTC năm 2016 Quy định phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Các cơ quan thuế quản lý trực tiếp thường là các Chi cục thuế hoặc Cục thuế, việc phân chia trách nhiệm làm giảm gánh nặng cho cơ quan thuế cấp trên và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc di chuyển để tiết kiệm thời gian và công sức.
Thứ hai, trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo cơ chế một cửa liên thông thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của cơ chế đó. Quy định về cơ chế một cửa liên thông được ghi nhận tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, theo Nghị định này: “Cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết một thủ tục hành chính hoặc một nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận Một cửa.” Thực tế, trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo cơ chế này ở nước ta còn hạn chế và quy định về địa điểm nộp thuế vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Thứ ba, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan. Quy định của Luật Hải quan đối với việc nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thực sự rõ ràng. Thực tế, cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan sẽ là địa điểm nộp hồ sơ khai thuế.
Thứ tư, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với các trường hợp đặc biệt: Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, nội dung này khá phức tạp và được ghi nhận rất chi tiết trong Nghị định, do vậy, tác giả sẽ chỉ lấy một số ví dụ cho người đọc có thể nhận diện tốt hơn:
– Người nộp thuế có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh; người nộp thuế thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính hoặc địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, trừ các trường hợp luật định.
– Người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các khoản thu từ đất; cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Đối thời thuế sử dụng đất nông nghiệp, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất thuộc đối tượng chịu thuế.
Nhìn chung, quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế khá rõ ràng, việc phân công trách nhiệm tiếp nhận cũng khá cụ thể, tuy nhiên, để thống nhất trong hệ thống văn bản về thuế thì các quy định cần có sự kết nối và mạch lạc hơn để dễ dàng phân tích và nhận diện quy định.
Xem thêm: Nghĩa vụ kê khai thuế của doanh nghiệp
2. Nơi nộp thuế là ở đâu?
Nơi nộp thuế hay địa điểm nộp thuế được quy định tại Điều 56 Luật Quản lý thuế. Gắn liền với địa điểm nộp thuế là hình thức nộp thuế, theo đó, tại Điều 56 quy định rằng:
“1. Người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định sau đây:
a) Tại Kho bạc Nhà nước;
b) Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;
c) Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế;
d) Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện, công chức, nhân viên thu tiền thuế bảo đảm thuận lợi cho người nộp thuế nộp tiền thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước.
3. Cơ quan, tổ chức khi nhận tiền thuế hoặc khấu trừ tiền thuế phải cấp cho người nộp thuế chứng từ thu tiền thuế.
4. Trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ khi thu tiền thuế của người nộp thuế, cơ quan, tổ chức nhận tiền thuế phải chuyển tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp thu thuế bằng tiền mặt tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đi lại khó khăn, thời hạn chuyển tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.“
Giải thích rõ hơn về các cơ quan, địa điểm nộp thuế:
– Theo Quyết định 26/2015/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành: Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật. Như vậy, kho bạc nhà nước có vai trò, chức năng quan trọng liên quan đến ngân sách nhà nước và quỹ tài chính nhà nước, việc xác định kho bạc là một trong các địa điểm nộp thuế là hoàn toàn hợp lý và thuận tiện cho cả người nộp thuế và nhà nước.
– Cơ quan quản lý thuế trực tiếp nơi nộp hồ sơ khai thuế cũng là một trong những địa điểm nộp thuế, điều này cũng là điều hợp lý, đảm bảo sự thống nhất, cơ quan quản lý thuế đã tiếp nhận hồ sơ, nắm bắt được số tiền thuế, thời hạn thực hiện nộp hồ sơ và yêu cầu nộp thuế, dễ dàng thực hiện và mang lại hiệu quả.
– Bên cạnh hai địa điểm trên, thì người nộp thuế có thể nộp thuế qua ngân hàng thương mại (là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác nhằm mục tiêu lợi nhuận); tổ chức tín dụng khác (tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân) – Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Việc quy định về nhiều nơi nộp thuế nhằm tạo sự linh hoạt cho người nộp thuế, điều quan trọng là người nộp thuế thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình vào một trong các địa điểm nộp thuế nêu trên, còn việc quản lý sẽ thuộc về trách nhiệm của nhà nước đối với các cơ quan thu thuế. Các cơ quan thu thuế phải tạo điều kiện để người nộp thuế được đảm bảo các quyền của có họ trong quá trình nộp thuế. Trong các cơ quan nói trên, kho bạc là cơ quan chủ chốt và có vai trò quan trọng nhất trong việc tổ chức thu thuế.
So sánh quy định giữa địa điểm nộp hồ sơ khai thuế và địa điểm nộp thuế thì quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế phức tạp hơn. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc xác định chính xác địa điểm nộp hồ sơ khai thuế để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, ghi nhận và làm cơ sở để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ trọng tâm của mình là nộp thuế.