Núi Đôi Quản Bạ
Nghe tên núi Đôi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến núi Đôi ở huyện Quản Bạ của tỉnh Hà Giang. Núi Đôi ở Quản Bạ còn có tên khác là núi Cô Tiên. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Giang bên cạnh Cổng Trời, sông Nho Quế, đèo Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú, bản người Lô Lô…
Núi Đôi Quản Bạ mùa lúa sắp chín. Ảnh: Hùng Ca.
Núi Đôi ở Quản Bạ có hình chóp nón mà nhiều người tưởng tượng như đôi nhũ hoa của người phụ nữ. Điểm đặc biệt của núi Đôi ở Quản Bạ về mặt hình thái là rất cân đối, cân xứng. Chính vì điều này mà nhiều người chọn vị trí chụp ảnh núi Đôi Quản Bạ là từ hướng đèo Bắc Xum góc máy hắt xuống. Ở vị trí chụp ảnh này thì núi Đôi quả là cân xứng, đầy đặn.
Núi Đôi nằm trên địa phận hành chính của thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Thoạt nhìn, nhiều người ngạc nhiên vì giữa trùng điệp những núi, đồi lởm chởm đá tai mèo của cao nguyên lại có cặp núi đất cạnh nhau cân xứng như có bày tay nào đó đắp, tô điểm nên.
Nhưng thực ra, theo các nhà khoa học về địa chất thì cấu tạo nên núi Đôi Quản Bạ là một loại đá có tên là đô lô mít. Do quá trình kiến tạo, quá trình phong hóa mà đá lăn đồng đều theo hình tròn phía dưới chân nên tạo thành chóp nón. Phía lớp mặt của núi Đôi qua hàng ngàn năm phong hóa, cộng với kết quả của quá trình chuyển hóa lớp thực vật bên trên mà hình thành lớp đất mỏng phía trên.
Núi Đôi ở Quản Bạ là tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Hà Giang biên cương. Tuyệt tác thiên nhiên này càng trở nên hấp dẫn đến kỳ lạ vào mùa lúa chín. Cánh đồng hẹp bao quanh núi Đôi vào mùa lúa chín là điểm nhấn hấp dẫn biết bao lữ khác phương xa.
Núi Đôi Sóc Sơn
Có một núi Đôi khác ngay trên đất thủ đô Hà Nội về hướng huyện Sóc Sơn. Đó là núi Đôi nằm trên địa phận thị trấn Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Gọi là núi, thực ra đây là 2 quả đồi thấp nằm cạnh nhau trong một đồng bằng nhỏ. Điểm đặc biệt là núi Đôi Sóc Sơn có hình thái ít cân xứng và ít “hấp dẫn” óc tưởng tượng của con người hơn so với núi Đôi Quản Bạ.
Một điểm khác của núi Đôi Sóc Sơn với núi Đôi Quản Bạ là về mặt cấu tạo địa chất. Nếu là núi Đôi Quản Bạ là núi đá đô lô mít thì núi Đôi Sóc Sơn lại là núi đất phe ra lít (feralit). Trên núi Đôi Sóc Sơn người ta trồng cây thông, cây bạch đàn, phía dưới tán thông là một loài thực vật mọc hoang có tên là cây guột.
Núi Đôi Sóc Sơn nhìn toàn cảnh. Ảnh: vn.alongwalker.
Đây là một loài cây mà người ta hay tước vỏ lấy ruột bên trong dùng để đan các đồ dùng mỹ nghệ truyền thống. Theo đông y thì cây guột có tác dụng thanh nhiệt. Chiết xuất lá guột có tính kháng sinh. Lá guột trị hen suyễn. Thân và rễ cây guột dùng làm thuốc trị giun.
Dẫn theo Wikipedia tiếng Việt thì núi Đôi nằm giữa vùng đồng bằng sông Hồng trù phú và có lịch sử văn hóa lâu đời. Tọa lạc bên núi Đôi là làng Xuân Dục – một làng cổ, bằng chứng là đình làng ở đây vẫn còn giữ tập tục thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ – điều khá hiếm thấy ở các làng khác của đồng bằng sông Hồng.
Rừng cây thông trên núi Đôi Sóc Sơn. Ảnh: vn.alongwalker.
Điều cũng cần nói thêm là, nếu núi Đôi Quản Bạ nổi tiếng bởi hình thái cân xứng khó tin và kết quả của phát triển du lịch thì núi Đôi Sóc Sơn được biết đến nhiều hơn qua bài thơ nổi tiếng mang tên “Núi Đôi” của nhà thơ nổi tiếng Vũ Cao, sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao từng một thời là một trong những bài thơ được chép tay trong các cuốn sổ tay, sổ nhật ký của rất nhiều người, đặc biệt là thế hệ bộ đội kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.
Về tiềm năng phát triển du lịch, ai cũng công nhận núi Đôi Quản Bạ đang đứng phía trước với lượng khách du lịch ghé thăm, chiêm ngưỡng ngày càng nhiều.