Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến bao gồm cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn, thắc mắc về công dụng, liều dùng và tác dụng phụ khi sử dụng? Để rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
1. Paracetamol là thuốc gì?
Paracetamol (Acetaminophen) là thuốc giảm đau, hạ sốt nhưng không chống viêm. Loại thuốc này không được kê đơn và sử dụng phổ biến trong điều trị các triệu chứng như: đau cơ, đau lưng, đau khớp, đau răng, hạ sốt…
Khác với nhóm thuốc NSAID, Paracetamol không có hoạt tính kháng viêm, không tổn thương trên đường tiêu hóa hoặc ảnh hưởng tim mạch. Nhìn chung, Paracetamol an toàn nên được sử dụng rộng rãi cho cả đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú.
2. Thành phần
Acetaminophen là thành phần chính của thuốc Paracetamol.
3. Công dụng và hàm lượng Paracetamol
Paracetamol có công dụng chính là gì? Hàm lượng của từng loại cụ thể ra sao? Khi sử dụng, người bệnh cần phải nắm đầy đủ thông tin này.
3.1. Công dụng của thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol (Acetaminophen hay N – acetyl – p – aminophenol) là thuốc giảm đau – hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế Aspirin. Tuy nhiên, khác với Aspirin, loại thuốc này không có hiệu quả điều trị viêm.
Hạ sốt:
Thuốc giảm sốt nhẹ đến vừa, dùng cho mọi đối tượng, trẻ nhỏ, đối tượng thanh thiếu niên, người trưởng thành và người già.
Giảm đau:
Cải thiện các triệu chứng đau cơ bản như: Đau đầu, đau răng, đau lưng, đau thần kinh tọa, đau nhức xương khớp… đều được bác sĩ chỉ định Paracetamol.
Đau nhức xương khớp – Tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp hiệu quả tại đây
3.2. Một số dạng và hàm lượng Paracetamol thường được sử dụng
Dạng sử dụng HÀM LƯỢNG CÁC LOẠI ✅ Viên nén, dạng uống ⭐ 500mg Panadol 500mg
Paracetamol choay 500mg
✅ Viên sủi, dạng uống ⭐ 500mg Panadol sủi 500mg
Efferalgan 500mg
✅ Gói bột, pha uống ⭐ 80mg, 150mg và 250mg Efferalgan gói 150mg
Hapacol 150mg
Hapacol 250mg
✅ Siro, dạng uống ⭐ Biệt dược Triaminic cho trẻ 160mg/5ml (118ml) Sara paracetamol 60ml
Tylenol 60ml
✅ Dạng viên đạn (dùng đặt hậu môn) ⭐ 80mg, 150mg, 300mg Efferagal viên đạn 80 mg
Efferagal viên đạn 150 mg
Efferagal viên đạn 300 mg
✅ Dạng truyền ⭐ 1000mg Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ
4. Chỉ định và chống chỉ định
Ai được và không được sử dụng thuốc Paracetamol? Người bệnh cần lưu ý:
4.1. Chỉ định
- Người có triệu chứng sốt và đau nhẹ đến vừa.
- Giảm đau tạm thời trong điều trị triệu chứng đau ở mức độ nhẹ đến vừa.
- Hạ nhiệt, hạ sốt do các nguyên nhân như: Viêm khớp, nhiễm khuẩn tai – mũi – họng, miệng, phế quản – phổi.
4.2. Chống chỉ định
Thuốc này không dùng cho những trường hợp sau:
- Dị ứng với Paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Thiếu hụt men glucose-6-phosphate dehydrogenase.
- Bệnh nhân bị suy gan nặng.
- Nếu có điều gì nghi ngờ, báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn.
5. Cách dùng và liều dùng
Thuốc Paracetamol có liệu trình cụ thể cho từng đối tượng. Cách sử dụng của từng dạng cũng khác nhau. Cụ thể:
5.1. Hướng dẫn cách sử dụng
Sử dụng Paracetamol theo chỉ dẫn trên bao bì của nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh cần lưu ý, liều dùng người lớn được phép sử dụng 4000mg/ngày. Với trẻ em, không được tự ý dùng cho trẻ dưới 2 tuổi khi không có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc ở dạng lỏng: Dùng muỗng hoặc dụng cụ đo chuyên dùng để đong liều.
Thuốc dạng viên nhai: Nhai thật kỹ viên thuốc trước khi nuốt, kèm thêm nước sau khi nuốt.
Thuốc Paracetamol dạng sủi bọt: Hòa tan viên sủi với nước đun sôi khoảng 150-200ml nước.
Thuốc dạng bột: Pha thuốc với lượng nước vừa đủ chừng 5-10ml để hòa tan toàn bộ lượng bột.
Dạng Paracetamol đặt hậu môn: Không dùng bằng đường uống, đưa đầu nhọn của thuốc vào hậu môn trước, sau vài phút thuốc sẽ tan và hấp thụ vào cơ thể. Hãy rửa tay sạch sẽ trước và sau khi đặt thuốc vào hậu môn. Tránh đi vệ sinh hoặc đi tắm ngay sau khi đặt. Không nên cầm quá lâu vì thuốc sẽ tan chảy.
5.2. Liều dùng
Theo Judith Stewart, Bpharm – Cử nhân dược, Đại học Queensland Brisbane, Úc, liều lượng Paracetamol được chia cụ thể như sau:
5.2.1. Liều dùng hạ sốt hoặc giảm đau cho người lớn
- Liều lượng chung: Hàm lượng 325mg – 650mg, dùng cách nhau 4-6 giờ. Hoặc 1000mg, sử dụng cách nhau 6-8 giờ đồng. Sử dụng bằng đường uống hoặc trực tràng.
- Viên nén Paracetamol 500mg: Dùng 1-2 viên/ liều, uống cách nhau 4-6 giờ đồng hồ.
5.2.2. Liều dùng thông thường cho trẻ em bị sốt hoặc giảm đau
- Dưới 1 tháng: Liều dùng 10-15mg/1kg, liều dùng cách nhau từ 6-8 giờ. Ví dụ, trẻ em cân nặng 10kg có thể dùng liều 100-150mg/lần.
- Trên 1 tháng đến 12 tuổi: Liều dùng 10-15mg/1kg, liều dùng cách nhau từ 4-6 giờ (tối đa 5 liều trong 24 giờ). Ví dụ, trẻ em cân nặng 10kg có thể dùng liều 100-150mg/lần.
- Trên 12 tuổi: 325mg – 600mg, mỗi liều cách nhau 4-6 giờ đồng hồ hoặc 1000mg, mỗi liều cách nhau 6-8 giờ.
6. Sử dụng Paracetamol có tác dụng phụ không?
Paracetamol cũng có tác dụng phụ. Mặc dù nó không xảy ra ở hầu hết những người sử dụng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp có thể gặp phải một số tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là những người sử dụng quá liều.
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Sưng phù mặt, môi và họng
- Phát ban
- Ngứa nhiều
- Bong da hoặc nổi mụn nước ở da
- Tổn thương gan
Gặp ngay bác sĩ khi bạn có biểu hiện bất thường trong quá trình sử dụng thuốc.
7. Lạm dụng Paracetamol có gây tổn thương gan không?
Hầu hết các chất tiêu thụ qua đường ăn uống đều được gan xử lý, khử độc, trong đó có Paracetamol. Gan sẽ chuyển hóa chúng thành N-acetyl-p-benzoquinone imne (NAPQI) mang độc tính. Nếu cơ thể sử dụng lượng nhỏ Paracetamol thì gan có thể đào thải NAPQI một cách dễ dàng. Nhưng nếu dùng với liều cao hoặc kéo dài thì nồng độ NAPQI trong gan tăng cao. Lúc này, gan của chúng ta không kịp khử độc hết sẽ gây tích tụ, làm tổn thương tế bào gan, lâu dần dẫn đến các bệnh về gan.
Do đó, việc sử dụng Paracetamol cần phải được thực hiện theo đúng liều lượng ghi trên bao bì hoặc chỉ định của bác sĩ.
8. Tương tác thuốc
Paracetamol có thể tương tác với một số loại thuốc, rượu và thức ăn. Cụ thể:
8.1. Tương tác với thuốc
Paracetamol tương tác với thuốc, bao gồm cả thuốc không kê đơn và kê đơn:
- Các loại thuốc khác có chứa Paracetamol.
- Amitriptyline
- Amoxicillin
- Aspirin
- Caffeine
- Atorvastatin
- Diclofenac
- Ibuprofen
8.2. Tương tác với rượu và thức ăn
Người bệnh có thể hỏi ý kiến của bác sĩ khi dùng Paracetamol với rượu Ethanol. Bởi, chúng có sự tương tác với nhau gây ra tác dụng phụ như:
- Sốt, ớn lạnh
- Đau khớp hoặc sưng khớp
- Người mệt mỏi, suy nhược
- Ngứa da
- Ăn không ngon miệng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Vàng da hoặc vàng lòng trắng mắt
Khi xuất hiện triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có phương pháp xử lý kịp thời.
8.3. Tương tác với bệnh về gan
Việc sử dụng Paracetamol nên được xem xét thận trọng, đặc biệt là với những bệnh nhân bị suy gan. Bởi, thuốc này chuyển hóa trong gan thành các dạng không hoạt động. Điều này có thể gây độc cho gan hoặc làm xuất hiện chứng bệnh Methemoglobinemia.
8.4. Tương tác vừa phải với Phenylketonuria
Trong một số sản phẩm Paracetamol ở dạng uống, đặc biệt là viên nén để nhai có chứa chất làm ngọt nhân tạo – Aspartame. Chất này được chuyển thành phenylalanine (phenylketonuria) trong đường tiêu hóa sau khi ăn. Vì vậy, trước khi sử dụng, người bệnh thuộc đối tượng cần hạn chế phenylalanine thì nên cân nhắc hàm lượng Aspartame/phenylalanine.
9. Mua Paracetamol ở đâu? Giá bao nhiêu
Các loại thuốc Paracetamol được bán tại các nhà thuốc trên toàn quốc. Vì vậy, người bệnh có thể an tâm, tin tưởng lựa chọn.
- Giá Paracetamol dạng viên thường rất rẻ, dao động 200 – 500 đồng/ viên.
- Paracetamol thuốc gói, dao động 1200 – 1500 đồng/gói.
- Paracetamol dạng dung dịch truyền dao động từ 35000 – 50000 đồng/chai.
Giá trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy vào từng thương hiệu, hàm lượng sẽ có giá chênh lệch khác nhau.
10. Những câu hỏi thường gặp trong quá trình sử dụng
Trong quá trình sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
10.1. Paracetamol có tác dụng trong bao lâu?
Sau khi uống 30 phút, thuốc sẽ bắt đầu phát huy công dụng. Tác dụng giảm đau, hạ sốt của thuốc sẽ phát huy và kéo dài trong 3-4 giờ đồng hồ, tùy thuộc vào cơ địa của từng người và tình trạng bệnh.
10.2. Khi quên liều hoặc uống quá liều, người bệnh nên làm gì?
Thuốc giảm đau, hạ sốt chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết. Vì vậy, thời gian uống không cụ thể, người bệnh dễ quên liều hoặc sử dụng quá liều.
Trong trường hợp cần sử dụng thuốc, hãy dùng liều đã quên ngay sau khi nhớ. Nếu gần đến thời gian sử dụng liều tiếp theo thì có thể bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo.
Trường hợp quá liều, có biểu hiện bất thường thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý khẩn cấp.
10.3. Thận trọng khi dùng
Nếu tình trạng đau kéo dài 5 ngày hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày. Hoặc trong trường hợp sử dụng, thuốc không mang lại hiệu quả thỏa đáng thì nên ngưng sử dụng mà không cần ý kiến của bác sĩ.
Người bệnh bị gan hoặc thận nặng, nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng Paracetamol.
10.4. Cách bảo quản thuốc như thế nào?
Khi bảo quản thuốc, bạn cần để ở những nơi khô thoáng, nhiệt độ từ 15-30 độ C. Riêng dạng đặt hậu môn thì được bảo quản trong tủ lạnh.
Lưu ý, không để thuốc dưới ánh nắng trực tiếp hoặc nơi ẩm thấp. Khi thuốc bị tan chảy, có dấu hiệu ẩm mốc hoặc biến đổi màu sắc thì nên bỏ ngay.
Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt an toàn. Tuy nhiên, người bệnh cũng nên cân nhắc và tham khảo ý kiến của bác sĩ, bởi lạm dụng hoặc sử dụng quá liều để lại tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công dụng, liều lượng cũng như tác dụng phụ của Paracetamol. Trong quá trình sử dụng, nếu có biểu hiện bất thường nên ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ để được hỗ trợ xử lý.