Khó ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của những đồ pha lê lộng lẫy, lấp lánh, kiêu sa và sang trọng. Dù có thể dễ dàng nhận thấy giá trị cao của pha lê, liệu bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao chúng có được vẻ đẹp hoàn mỹ như vậy và chính xác những tinh thể này có nguồn gốc từ đâu?
1.Pha lê tự nhiên – quý và hiếm
Nói về nguồn gốc của pha lê, chắc chắn không thể nói đến pha lê tự nhiên. Tinh thể pha lê tự nhiên, là một dạng thạch anh silic dioxit, được hình thành trong tự nhiên và nói một cách văn vẻ, nó cũng xưa như trái đất về năm tuổi.
Pha lê tự nhiên trong suốt và sáng trong giống như băng, nên người Hy Lạp còn gọi là krystallos (băng). Pha lê tự nhiên được đánh giá cao bởi độ tinh khiết, càng tinh khiết càng có giá trị cao. Tuy nhiên cũng có những loại lẫn tạp chất và có màu trắng đục.
Bởi sự khan hiếm và đắt đỏ của mình, pha lê tự nhiên, từ xưa đến nay, thường chỉ được sử dụng trong chế tác đồ trang sức.
2. Pha lê nhân tạo và sự liên quan mật thiết với thủy tinh
Sự ra đời của pha lê nhân tạo có mối liên hệ mật thiết với ngành sản xuất thủy tinh. Thủy tinh đã được biết ngay từ thời kỳ Ai Cập cổ đại với phương pháp hình thành lõi bằng đất sét và phân rồi được bao quanh bởi thủy tinh nóng chảy.
Khoảng cuối thế kỷ thứ Nhất trước Công Nguyên, phương pháp thổi thủy tinh đã ra đời. Theo đó, các đồ vật với hình dạng phức tạp và đối xứng đã được sản xuất ra nhờ vào thủy tinh nóng chảy ở phần cuối ống thổi.
Tại châu Âu, ngành sản xuất thủy tinh không phát triển cho đến cuối thế kỷ 13, Venice trở thành trung tâm sản xuất thủy tinh và đến cuối thế kỷ 15 thì Venice trở thành nhà sản xuất thủy tinh lớn nhất châu Âu.
Dấu mốc cho sự hình thành pha lê nhân tạo chính là vào năm 1676, với phát minh của George Ravenscroft, bằng việc thêm chì vào thủy tinh nóng chảy để tạo thành thủy tinh chì (thủy tinh pha lê hay pha lê nhân tạo). Điều này đã mở ra sự phát triển mạnh mẽ của loại pha lê trong suốt trên quy mô công nghiệp ở châu Âu vào thế kỷ 17.
3.Sự khác biệt của pha lê và thủy tinh là gì?
Pha lê nhân tạo còn được gọi là thủy tinh chì bởi vì vốn dĩ nó được tạo ra từ thủy tinh (silicat kali) khi cho vào một lượng oxit chì II (PbO) và oxit bari (BaO). Thông thường, pha lê chứa từ 12-28% chì trong toàn bộ tinh thể của nó. Nếu chứa tới 40% chì, nó có thể có độ cứng tối đa, nếu chứa ít hơn 24% chì cùng tỉ lệ cao oxit bari sẽ đảm bảo chỉ số khúc xạ của pha lê.
Trên thực tế, trong lịch sử trước đó, ở một số nơi trên thế giới, oxit chì cũng đã được thêm vào trong sản xuất thủy tinh màu với những mục đích khác nhau. Tuy nhiên nó chưa được tạo ra một cách có ý thức để sản xuất pha lê nhân tạo trong suốt.
Tác dụng của việc thêm chì vào thủy tinh là gì? Một là, khiến cho nhiệt độ sản xuất thủy tinh chì thấp hơn thủy tinh thông thường. Hai là, giúp chất liệu này có thể dễ dàng để cắt khắc, chế tạo các vật thể một cách hoàn hảo hơn. Ba là, nói giúp tăng độ trong suốt, tăng chỉ số khúc xạ, khiến cho thủy tinh chì thậm chí còn lấp lánh và đẹp hơn cả pha lê tự nhiên. Thủy tinh mới này được biết đến với tên gọi phổ biến là Pha Lê.
4. Pha lê vẫn tiếp hoàn thiện để hoàn mỹ hơn
Trong hơn 300 năm qua, với kỹ năng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, Pha Lê chì đã nổi danh trên toàn thế giới. Cùng với công thức riêng trong sản xuất pha lê nhân tạo, công nghệ cắt khắc pha lê cũng được phát triển và hoàn thiện trong suốt nhiều thế kỷ, khiến cho loại tinh thể lấp lánh này càng trở nên lộng lẫy hơn.
Pha lê nhân tạo thậm chí còn được đánh giá cao hơn về tính thẩm mỹ so với pha lê tự nhiên, đặc biệt là chỉ số khúc xạ ánh sáng, tạo nên sắc cầu vồng lấp lánh vô cùng bắt mắt. Vẻ đẹp của nó đã đi vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống từ thời trang, nội thất, ẩm thực,…
Tùy vào từng nhà sản xuất, mục đích sản xuất ra các sản phẩm nào mà tỉ lệ chì khác nhau có thể được thêm vào trong sản xuất pha lê nhân tạo.
Cụ thể, pha lê dùng cho sản xuất đồ trang trí nội thất (mẫu đèn pha lê trang trí, mẫu bình hoa pha lê,… ) thường có hàm lượng chì cao trên 30% đồng thời bề mặt pha lê còn được mài thủ công rất tỉ mỉ nhằm tăng thêm độ sáng, độ tán sắc để trở nên long lanh hơn.
Trong sản xuất một số mặt hàng pha lê gia dụng phục vụ ẩm thực (âu, bát, bình, ly pha lê, đĩa,…) người ta sử dụng pha lê không chứa chì, để đảm bảo an toàn với sức khỏe. Oxit chì được thay thế bởi các chất khác mà vẫn đảm bảo tính khúc xạ và hiện tượng tán sắc ánh sáng như pha lê truyền thống.
Với những người sành về đồ pha lê trên toàn thế giới, pha lê Tiệp hay pha lê Bohemia là cái tên rất đỗi quen thuộc. Đây được coi là dòng pha lê với chất lượng vượt trội, độ tinh xảo đáng kinh ngạc cùng sự đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.
Với bề dày lịch sử, phát triển qua nhiều thế kỷ cùng việc đảm bảo sản xuất đúng theo tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt của Cộng hòa Séc, pha lê Bohemia đã được ưa chuộng và hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới, để làm đẹp và tỏa sáng.