Phổi (tiếng Anh: lung, tiếng Hindi: फेफड़ा) là một cơ quan thuộc hệ hô hấp. Phổi có trách nhiệm trao đổi không khí, đưa khí oxy vào trong máu để đưa tới não và các cơ quan cơ thể, đồng thời đẩy khí carbon dioxide (CO2) ra ngoài môi trường. Hãy cùng Zicxa Việt Nam tìm hiểu về cấu tạo phổi, các bệnh liên quan tới phổi, và cách bảo vệ giữ gìn phổi nhé.
Vị trí của phổi, phổi nằm ở đâu
Không khí đi từ khí quản, qua phế quản, vào trong phế nang phổi
Phổi nằm ở bên trong lồng ngực, xung quanh được bao bọc bởi xương sườn, xương ức, xương đòn và các cơ. Phổi được ngăn cách với các cơ quan vùng bụng (gan, lách, dạ dày) bằng cơ hoành ở bên dưới.
Không khí được đưa vào cơ thể qua khí phản ở giữa hai buồng phổi. Khí quản rẽ nhánh qua phế quản trái và phải. Phế quản trái và phải sẽ dẫn vào lá phổi trái và lá phổi phải. Hai lá phổi nằm bên trong ổ màng phổi.
Tim nằm giữa hai lá phổi, ở vị trí trung thất, hơi lệch về bên trái.
Cấu tạo, đặc điểm của phổi
Phổi – cấu tạo hình thể ngoài
Giải phẫu phổi
Phổi là cấu trúc nửa hình nón, được treo trong ổ màng phổi bởi cuống phổi và các dây chằng. Phổi có tạng xốp và đàn hồi. Khi giải phẫu, phổi trẻ em màu hồng, còn phổi người lớn có màu xanh hoặc xám.
Thể tích phổi
Thể tích phổi phụ thuộc vào lượng khí (chủ yếu là oxy và carbon dioxide) chứa bên trong phổi. Khi hít vào, phổi sẽ căng ra còn khi thở ra, phổi sẽ xẹp lại. Phổi của một người bình thường có thể chứa tới 5 L không khí.
Khối lượng phổi
Phổi to ra rất nhiều trong quá trình lớn lên và trưởng thành. Ở trẻ sơ sinh, phổi chỉ nặng khoảng 50 cho tới 60 grams, chứa 30 triệu phế nang. Khi người trưởng thành, khối lượng phổi tăng lên gấp 6-8 lần, nặng từ 300 cho tới 475 grams, tuỳ thể trạng mỗi người. Số phế nang cũng tăng lên khoảng 300 triệu.
Hình thái phổi
Mỗi người có hai lá phổi, phổi trái và phổi phải.
Hai lá phổi (màu hồng) chạm sát vào hai bên xương sườn. Tim ở trung thất, và cơ hoành ở mặt đáy.
Mỗi lá phổi lại có các thuỳ. Bên trái có hai thuỳ, thuỳ trên (5a) và thuỳ dưới (5b). Phổi bên phải là được chia ra làm ba thuỳ, thuỳ trên (4a), thuỳ giữa (4b), thuỳ dưới (4c).
Mỗi phổi có một đỉnh, một đáy, và ba mặt. Các phần này được ngăn cách bởi các bờ.
Mặt sườn của phổi, đúng như tên gọi, hướng về xương sườn ở bên trái (nếu là phổi trái) và ở bên phải (nếu là phổi phải). Mặt sườn nhẵn, lồi, áp sát vào mặt trong lồng ngực. Nhìn vào mặt sườn ta có thể thấy các vết ấn lõm của xương sườn.
Mặt trung thất của phối hướng về trung thất của tim. Đây còn được gọi là mặt trong. Mặt này lõm sâu, do có ấn tim. Trên ấn tim có rốn phổi.
Mặt hoành hướng về phía cơ hoành ở bên dưới phổi. Mặt này lõm, úp lên vòm cơ hoành. Nơi đây là nơi phổi tiếp xúc với gan. Do đặc điểm cấu trúc này mà đôi khi phổi có thể bị viêm nhiễm nếu người có bệnh gan.
Mặt trên của phổi được gọi là đỉnh phổi. Đỉnh tròn, cao hơn lồng ngực một chút. Động mạch dưới xương đòn vắt ngang qua đỉnh màng phổi. Sau đỉnh màng phổi có hạch giao cảm cổ ngực.
Phổi – cấu tạo hình thể trong
Mỗi lá phổi có một phế quản chính dẫn khí từ khí quản vào phổi, một động mạch và hai tĩnh mạch. Hệ thống mạch máu chia ra tựa nhánh cây, mạch và ống lớn nhất ở khu vực trung thất, và nhỏ dần, nhỏ dần, cho tới cực nhỏ phía ngoài cùng của lá phổi. Phổi còn có rất nhiều các dây thần kinh và mạch bạch huyết.
Chức năng của phổi
Nhiệm vụ chính của phổi là trao đổi không khí, do mạng lưới dày đặc các mao mạch của phế nang đảm nhiệm. Khí oxy và khí carbon dioxide (CO2) có chênh lệch áp suất. Không khí sẽ đi theo hướng từ nơi áp suất cao tới nơi áp suất thấp hơn. Chính vì vậy, oxy sẽ đi từ phế nang vào máu.
Hemoglobin của hồng cầu tiếp nhận oxy và chuyển tới khắp cơ thể. Máu giàu oxy ở động mạch cũng vì thế mà có màu đỏ tươi. Ngược lại, khí CO2 sẽ đi từ máu vào phế nang, và được thải ra ngoài khi người thở ra.
Ngoài trao đổi khí, phổi còn có chức năng lọc và miễn dịch
Ngoài trao đổi không khí, phổi còn có chức năng lọc. Bên trong khí quản và phế quản có một lớp tế bào tiêm mao rất mịn và một lớp màng nhầy mỏng. Tạp chất, ví dụ như bụi, hạt phấn hoa, các loại chất bẩn khác, sẽ bị dính lại ở lớp màng nhầy. Các nhung mao, tựa như bàn chải, chuyển động và đẩy tạp chất lên, đưa sang thực quản để xuống dạ dày, và từ đó thải ra ngoài qua hệ bài tiết.
Phổi còn có thể bảo vệ cơ thể qua miễn dịch. Ở trên lòng phế nang, phế quản, và các mạch có một lớp tế bào biểu mô và tế bào nội mô. Các tế bào này ngăn nước và các phân tử protein xâm nhập mô kẽ. Mô kẽ có chứa các kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh. Việc ngăn nước và protein vào khu vực này đảm bảo chức năng cho phổi.
Trong quá trình phản ứng miễn dịch, trong phổi có thể có xác bạch cầu và xác vi khuẩn. Chúng sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể qua đờm.
14 loại bệnh phổi thường gặp
1. Áp xe phổi (Lung abscess)
Áp xe là các ổ dịch mủ có chứa mủ, xác bạch cầu và các vi khuẩn, virus. Áp xe được hình thành khi phổi bị viêm cấp tính và mô phổi bị hoại tử. Thường thì vi khuẩn là tác nhân chính gây nên bệnh áp xe phổi, tuy nhiên trong một vài trường hợp, áp xe phổi có thể do các kí sinh trùng như giun sán gây nên.
Áp xe phổi xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường phổ biến hơn ở lứa tuổi trung, cao niên. Áp xe phổi nguyên phát là việc các ổ dịch mủ hình thành trên phổi lành, chưa từng bị nhiễm bệnh trước đó. Áp xe phổi thứ phát xuất hiện do các triệu chứng khác ở phổi gây tổn thương mô phổi, ví dụ như lao phổi, giãn phế quản phổi, v.v…
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hay chụp CT giúp phát hiện áp xe phổi sớm. Nếu bệnh nhân không điều trị sớm thì sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm: ho ra máu, tràn mủ màng phổi, nhiễm trùng máu, xơ phổi, thậm chí cả áp xe não.
2. Bụi phổi (Silicosis)
Bệnh bụi phổi là một bệnh nghề nghiệp của những người làm việc tại công trường xây dựng và mỏ quặng. Bụi độc đến từ a-mi-ăng, cát, đá, than. Khi chúng bay vào trong phổi qua đường hô hấp, những hạt li ti này sẽ làm xước phổi, tạo sẹo, gây nhiễm trùng.
Film chụp X-quang của một bênh nhận nhiễm bụi phổi
Bệnh tiến triển chậm nên người có bệnh có thể làm tại những môi trường này trong vài chục năm mà không thấy dấu hiệu gì đặc biệt. Tuy nhiên, điều nguy hiểm của bệnh này là một khi đã bộc phát, bạn sẽ có nhiều cơn ho, khó thở, tức ngực. Bệnh bụi phổi sẽ dẫn đến chứng hen suyễn hay chứng phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất đề được kê thuốc, và nếu cần thiết thì sử dụng khí oxy bổ trợ và luyện tập các liệu pháp hô hấp.
3. Hen suyễn (Asthma)
Trong bệnh hen suyễn, khí quản và phế quản thường xuyên viêm nhiễm, tắc nghẽn, gây nên các triệu chứng như thở rít, tức ngực và khó thở.
Đây là bệnh mãn tính. Triệu chứng bệnh hen suyễn có thể xuất hiện khi người bệnh hen có tiếp xúc với nguồn khí ô nhiễm, chất gây dị ứng. Bệnh hen suyễn thường trở nặng vào mùa xuân do độ ẩm không khí cao, môi trường có nhiều bọ bụi nhà, nhiều phấn hoa, nấm, mốc.
4. Lao phổi (Tuberculosis)
Lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây nên. Ở thể lao tiềm ẩn, người bệnh đã nhiễm vi khuẩn nhưng do cơ chế miễn dịch của cơ thể còn tốt, họ không có triệu chứng và cũng không lây cho người xung quanh. Ở thể lao bệnh, vi khuẩn sinh sôi nảy nở và tấn công phổi. Người bệnh có biểu hiện ho dai dẳng, giảm cân, sụt cân, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, sốt, ra mồ hôi trộm, khó thở và đau ngực.
Bệnh lao do vi khuẩn lao gây nên
Những người có hệ miễn dịch kém, có nhiều bệnh nền và hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh lao phổi cao. Bệnh lao phổi có thể được chẩn đoán qua xét nghiệm máu, chụp X-quang, hay phương pháp nuôi cấy vi khuẩn.
Bệnh lao được điều trị bằng thuốc. Để phòng tránh bệnh và tránh lây cho người xung quanh khi nhiễm bệnh, bạn nên thường xuyên rửa tay sạch, đeo khẩu trang, ăn uống và tập luyện cân bằng, tránh xa thuốc lá và các chất kích thích, cũng như thường xuyên kiểm tra định kì.
5. Phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic obstructive pulmonary disease)
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Bệnh này được gọi là COPD trong tiếng Anh. Khói thuốc (thuốc lá, thuốc lào, v.v…) hay các loại khói bụi trong môi trường thâm nhập vào trong phổi, làm tắc nghẽn khí quản và phế quản. Đường thở bị kích ứng nên tiết nhiều chất nhầy. Lớp lông chuyển (nhung mao) bị tổn thương nên giảm khả năng đẩy đờm và chất nhầy ra ngoài cơ thể.
Do tính chất mãn tính của bệnh lý, khí quản và phế quản không thế hồi phục lại mà thậm chí diễn biến xấu dần theo thời gian nếu môi trường không được thay đổi.
Đối với trẻ em, gia đình nên đưa bé đi tiêm phòng các bệnh về đường hô hấp. Các bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ có thể gây tắc nghẽn phổi mãn tính khi trường thành.
Người có bệnh nên bỏ hút thuốc lá chủ động, cũng như tránh ở gần những người hút thuốc để không bị hít khói thụ động. Môi trường sống và làm việc nên thoáng, sạch. Trong nhà có thể bố trí máy lọc khí, mở cửa sổ, bật quạt. Ở nơi lao động, bạn có thể mặc đồ bảo hộ cẩn thận.
6. Phù phổi (Pulmonary edema)
Hiện tượng phù nề xảy ra khi túi khí ở phổi tồn đọng quá nhiều chất lỏng. Đây là một hiện tượng nguy hiểm. Bạn sẽ cảm thấy tim đập nhanh, ngột ngạt khó thở, và khó chịu khi nằm ngang. Cơ thể sẽ kích thích việc ho nhằm đẩy các chất lỏng này ra ngoài, nên bạn có thể ho sùi bọt mép hoặc ho ra máu.
7. Suy hô hấp (Respiratory distress)
Trẻ sinh non có thể bị suy hô hấp
Hội chứng suy hô hấp chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh thiếu tháng. Do sinh non, cơ thể bé chưa phát triển đầy đủ. Chất hoạt động bề mặt phổi chưa được tạo ra và không thể giúp mở phổi.
Với chứng bệnh này, trẻ có biểu hiện khó thở và các bộ phận khắp cơ thể không nhận đủ khí oxy. Bé sẽ thở nông, thở gấp, lỗ mũi tấy đỏ, và da không hồng hào.
Các bé suy hô hấp sẽ được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện, được gắn ống thở cho tới khi cơ thể tạo ra chất hoạt động bề mặt và bé biết tự thở bình thường.
8. Thuyên tắc phổi (Pulmonary embolism)
Thuyên tắc phổi là hiện tượng cục máu đông, thường hình thành từ dưới chân, di chuyển lên phổi. Cục máu đông cản trở dòng máu chảy và việc trao đổi không khí ở phổi. Việc tắc nghẽn, về lâu dài, gây tổn thương đến các mô phổi.
Liên quan đến việc hô hấp, bạn sẽ cảm nhận được những cơn đau ngực kéo dài, ho dai dẳng, đôi khi ho ra máu. Ở dưới chân, bạn có thể thấy hiện tượng sưng tấy và đau nhức.
Cục máu đông có thể được làm tan ra bằng việc sử dụng thuốc chống đông máu, ví dụ như Aspirin. Trường hợp nghiêm trọng cần có can thiệp của phẫu thuật.
9. U hạt (Sarcoidosis)
Đúng như tên gọi của bệnh, u hạt là những u nhỏ dạng hạt. Những u hạt này phát triển trong phổi của bạn khi cơ thể có phản ứng miễn dịch đối với bụi bẩn và tạp chất trong không khí.
Trong quá trình bộc phát bệnh, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, thở khò khè, tức ngực, ho khan, và có biểu hiện sốt. Bệnh sẽ tự thuyên giảm và biến mất sau một thời gian, khi tác nhân bụi bẩn không còn trong môi trường của bạn nữa.
Để phòng tránh bệnh này, bạn nên giữ cho môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Trong trường hợp nặng và thường xuyên tái phát, bác sĩ có thể kê thuốc để giúp bạn kiểm soát bệnh.
10. Ung thư phổi (Lung cancer)
Ung thư có thể xảy ra ở mọi cơ quan của cơ thể, khi tế bào phát triển không kiểm soát. Các tế bào ung thư phát triển ở một cỡ nhất định sẽ tạo nên khối u ung thư.
Ung thư phổi là một bệnh nguy hiểm
Ung thư phổi là hiện tượng khối u ác tính phát triển ở biểu mô phế quản. Bệnh được chia ra làm hai loại, là ung thư phổi tế bào nhỏ, và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Do tính ác của bệnh, hiện nay phương pháp điều trị còn gặp nhiều khó khăn.
Để phòng tránh ung thư phổi, bạn cần từ bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, cải thiện môi trường sống và môi trường làm việc.
11. Viêm phế mạc (Pleurisy)
Viêm phế mạc còn được gọi là viêm màng phổi. Phế mạc chỉ màng phổi, là các mô ở bên ngoài phổi hoặc bên trong lồng ngực. Khi các mô này viêm nhiễm, sưng tấy, chúng sẽ cọ xát vào nhau và gây nên hiện tượng đau buốt ngực. Khi bạn thở, phổi sẽ nở ra, chạm gần với lồng ngực hơn. Như vậy, việc thở sẽ khiến cho cơn đau buốt trở nên trầm trọng hơn.
Nguyên nhân gây bệnh là có virus, vi khuẩn, nấm. Ngoài ra, chấn thương vùng phổi và xương sườn, cũng như bệnh tật và phản ứng phụ của thuốc có thể gây nên viêm phế mạc.
Phác đồ điều trị ra sao phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn bị viêm phế mạc do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh. Nếu viêm phế mạc do phản ứng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ cần đổi cho bạn sang một loại thuốc khác.
12. Viêm phế quản (Bronchitis)
Phế quản khoẻ mạnh (trái) và phế quản bị viêm (phải)
Phế quản là ống dẫn khí từ ngoài vào đến phổi. Phế quản có thể bị viêm do người bệnh mắc cảm lạnh, cúm nặng, hay dị ứng với phấn hoa và khói thuốc.
Nếu bạn ho khan, ho có đờm dai dẳng (quá 3 tuần), bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra. Viêm phế quản trở nặng nếu bạn có triệu chứng sốt và ho ra đờm kèm máu. Khi này, bạn cần được bác sĩ kê thuốc kịp thời.
Để phòng chống và điều trị viêm phế quản, bạn có thể luyện tập cách thở sâu, theo phương pháp thiền hay Yoga.
13. Viêm phổi (Pneumonia)
Bệnh viêm phổi
Vi khuẩn, virus, nấm, v.v… có thể xâm nhập vào nhu mô phổi và gây viêm phổi. Bệnh này xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi, nhưng nguy hiểm nhất khi nó xảy ra ở người cao tuổi, người có bệnh mãn tính, người miễn dịch kém, và trẻ nhỏ. Viêm phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Triệu chứng hay gặp ở viêm phổi là sốt, ho có đờm, tức ngực, khó thở. Do nó rất giống với các triệu chứng cảm lạnh và cúm, người mắc bệnh thường không đi khám sớm.
Các bệnh nền khác có thể là nguyên nhân gây viêm phổi. Ví dụ, như miêu tả ở phần cấu tạo phổi, mặt hoành của phối tiếp xúc với gan. Mủ của áp xe gan có thể tràn qua cơ hoành, qua ổ màng phổi và đi vào phổi, gây viêm nhiễm.
14. Xơ hoá phổi (Pulmonary fibrosis)
Bệnh xơ hoá phổi
Xơ hoá phổi là hiện tượng dày lên và xơ cứng ở các mô bên trong phổi. Phổi vốn là một cơ quan có tính đàn hồi cao nhằm đẩy khí oxy vào, khí CO2 ra qua chênh lệch áp suất. Xơ cứng khiến cho phổi khó co giãn, cản trở việc trao đổi không khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài.
Nguyên nhân gây nên bệnh chưa được xác định rõ, nhưng các yếu tố di truyền (gia đình có tiền sử xơ hoá phổi và các bệnh khác về phổi) hay yếu tố cuộc sống (virus, khói thuốc, khói bụi) có thể gây nên bệnh.
Người bệnh sẽ thường xuyên khó thở, và ho khan dai dẳng. Việc thiếu khí trong thời gian dài có thể đe doạ tới tính mạng người bệnh. Người bệnh nên đi khám và nghe theo sự chỉ đạo của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng bệnh của mình.
Cách chăm sóc và bảo vệ cho phổi của bạn luôn được khoẻ mạnh
Mật ong là một sản phẩm dinh dưỡng tốt cho phổi
Bạn hãy thực hiện các điều sau để chăm sóc và bảo vệ cho phổi của bạn luôn được khoẻ mạnh:
- Tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên. Các bài tập aerobic giúp làm tăng nhịp tim và nhịp thở, khiến phổi của bạn hoạt động mạnh hơn.
- Luyện tập thở. Việc thở mạnh, thở sâu sẽ giúp luyện tập cơ phổi khoẻ mạnh hơn. Nhiều người không có thói quen thở đúng nên chỉ thở bằng ngực (thở nông) và sử dụng một phần rất nhỏ dung tích phổi. Cách thở đúng, là cách thở của các em bé, là cách thở bằng bụng. Việc thở sâu sẽ giúp sử dụng phổi hiệu quả hơn, và làm sạch phổi. Bạn nên cố gắng tập thở để thời gian thở ra dài bằng hai lần thời gian thở vào. Ví dụ, khi thở vào bằng mũi, bạn đếm 1-2-3-4. Khi thở ra, bạn đếm 1-2-3-4-5-6-7-8. Khi hít vào, thở ra, bạn sẽ để ý thấy bụng mình nâng lên và hạ xuống theo từng nhịp thở. Việc thở sâu cũng giúp bạn thư giãn tinh thần sau những ngày làm việc mệt mỏi.
- Không hút thuốc lá hay thuốc lào. Trong khói thuốc có chứa rất nhiều tác nhân gây hại. Hút thuốc nhiều, dù chủ động hay thụ động, sẽ đưa các tác nhân này vào trong phổi, gây trầy xước, viễm nhiễm phổi.
- Tránh những nơi ô nhiễm. Bạn không nên ở gần người hút thuốc lá, hay tập chạy trên những cung đường ô nhiễm. Nếu môi trường làm việc của bạn có nhiều tác nhân ô nhiễm (như nhà máy, công trường), hãy mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang.
- Thường xuyên lau chùi, hút bụi nhà cửa, đồ đạc.
- Mở cửa sổ, cửa ra vào mỗi khi có thể để làm thoáng không khí trong nhà. Trong nhà nên có đủ quạt và máy hút và các lỗ thông gió.
- Nếu bạn muốn làm thơm nhà, hãy sử dụng các sản phẩm tinh dầu từ thiên nhiên. Tránh các sản phẩm xịt thơm hoá học vì các sản phẩm này có chứa formaldehyde và benzene, có thể gây dị ứng, tuỳ theo cơ địa mỗi người.
- Rửa tay sạch thường xuyên. Tránh đưa tay lên mặt quá nhiều, vì tay bạn có thể dính bụi, phấn hoa, virus, vi khuẩn.
- Sử dụng các thực phẩm tốt cho phổi:
- Rau: bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, cà rốt, rau chân vịt, măng tây
- Trái cây: kiwi, cam, dâu, chanh, những loại trái cây nhiều vitamin C
- Gia vị: gừng, tỏi, tam thất, mật ong
Hãy đi khám nếu bạn có các triệu chứng sốt, ho, khó thở, nhiều đờm.
Lời kết
Phổi là một cơ quan thiết yếu của cơ thể. Mỗi hơi thở là một nguồn khí oxy quý giá, duy trì sự sống của các cơ quan trong cơ thể.
Qua bài viết này, Zicxa.com cung cấp cho bạn những kiến thức thiết thực về vị trí, cấu tạo, các bệnh thường gặp ở phổi, cũng như các phương thức bảo vệ và chăm sóc cho hai lá phổi. Chỉ bằng những hành động rất đơn giản như ăn nhiều rau và trái cây, hay luyện tập thở sâu, bạn có thể chăm sóc lá phổi tốt hơn ngay từ hôm nay.