1. Hợp đồng giao khoán
Tương ứng với việc thanh toán lương khoán, hai bên sẽ thiết lập một loại hợp đồng để xác nhận mối quan hệ lao động này được gọi là hợp đồng giao khoán. Theo đó, bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán, sau khi hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc có nghĩa vụ trả tiền thù lao theo mức phí đã được thỏa thuận trong hợp đồng.
Hợp đồng giao khoán bao gồm 2 loại như sau:
– Hợp đồng giao khoán việc toàn bộ: Bên giao khoán sẽ giao toàn bộ chi phí bao gồm chi phí vật chất lẫn chi phí công lao động liên quan đến các hoạt động để hoàn thành công việc cho bên nhận khoán.
– Hợp đồng giao khoán việc từng phần: Người nhận khoán phải tự lo công cụ lao động. Người giao khoán phải trả tiền khấu hao công cụ lao động và tiền công lao động.
2. Khái niệm lương khoán
Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán”. Bên cạnh đó, điểm c Khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định “Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành”. Mặc dù pháp luật không đưa ra khái niệm cụ thể về lương khoán, song từ những quy định trên, có thể hiểu: “Lương khoán là hình thức trả lương khi người lao động hoàn thành xong khối lượng công việc theo đúng chất lượng đã được giao.”
Có thể thấy đây là một trong những hình thức trả lương được pháp luật quy định và hoàn toàn hợp pháp. Do tính chất của khoản lương này là căn cứ vào khối lượng công việc, chất lượng công việc và thời gian hoàn thành công việc nên lương khoán thường được áp dụng cho các công việc mang tính chất thời vụ, tạm thời; và người lao động cũng sẽ không được đóng bảo hiểm trong trường hợp này. Lương khoán có tính chất khá công bằng trong việc trả lương cho nhân viên trong các doanh nghiệp, công ty hiện nay vì lượng công việc của mỗi người lao động khác nhau và chất lượng cũng có sự chênh lệch. Số lương được trả tương ứng với kết quả công việc mà họ đã mang lại cho công ty so với khối lượng công việc và thời gian được giao. Nếu hoàn thành hết và đảm bảo chất lượng yêu cầu, người lao động sẽ được trả mức lương tối đa mà họ đã thỏa thuận với doanh nghiệp trước đó.
3. Cách tính lương khoán
Về cách tính lương khoán, thông thường người sử dụng lao động có thể áp dụng cách tính theo giờ, số lượng sản phẩm, doanh thu,… Tùy vào tính chất công việc, lương khoán sẽ được trả dựa trên kết quả công việc mà người lao động làm được cũng như mức lương khoán cả hai bên đã thỏa thuận ban đầu.
Cụ thể, lương khoán được tính theo công thức sau:
Lương = Mức lương khoán x Tỷ lệ (%) hoàn thành công việc
Lương khoán sẽ được trả theo căn cứ của hợp đồng giao khoán giữa người lao động và người sử dụng lao động. Với cách tính lương khoán như trên, người sử dụng lao động cần phải xây dựng được đơn giá lương khoán để làm căn cứ tính lương khoán. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng có thể đưa ra các mức khoán cao hơn với số lượng công việc khác đi hoặc các mức thưởng nếu vượt chỉ tiêu công việc, đảm bảo cho người lao động yên tâm khi làm việc, đạt hiệu quả lao động tốt.
4. Hình thức trả lương khoán
Theo quy định của pháp luật lao động, người lao động và người sử dụng lao động được phép thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm và lương khoản dựa trên cơ sở về tính chất công việc, điều kiện sản xuất kinh doanh. Cụ thể Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
– Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian căn cứ vào thời gian làm việc từng ngày, từng tuần, từng ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động:
- Tiền lương tháng trả cho một tháng làm việc
- Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận về tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần sẽ được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.
- Tiền lương ngày được trả cho thời gian một ngày làm việc. Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng. Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận về trả lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc theo tuần.
- Tiền lương được trả cho một giờ làm việc. Nếu hợp đồng thỏa thuận trả tiền lương theo tháng, theo tuần hay theo ngày thì tiền lương giờ làm việc được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày.
– Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm và căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm được giao.
– Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Tiền lương được quy định như trên sẽ được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản ngân hàng của người lao động. Nếu chọn phương thức chuyển khoản, chi phí mở tài khoản và chuyển tiền lương (nếu có) sẽ do người sử dụng lao động chi trả.
Như vậy, tiền lương khoán sẽ được căn cứ theo khối lượng, chất lượng và thời gian hoàn thành công việc. Tiền lương khoán được người sử dụng lao động trả vào tài khoản ngân hàng hoặc trả tiền mặt cho người lao động tùy theo thỏa thuận của hai bên.
Trên đây là quy định pháp luật cơ bản về lương khoán. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp liên quan đến nội dung này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ KNALaw để được tư vấn.