Hiệu ứng placebo cũng khác nhau giữa các nền văn hóa, ví dụ như trong điều trị loét dạ dày, hiệu quả này có tác động thấp ở Brazil, cao ở Bắc Âu và đặc biệt cao ở Đức.
Cách thức tác động của hiệu ứng placebo
Hiệu ứng placebo có thể tác động đến tâm lý và sinh lý của cơ thể. Nghiên cứu về hiệu ứng placebo tập trung vào mối quan hệ của tâm trí và cơ thể. Một trong những cách thức phổ biến nhất của hiệu ứng placebo là do sự mong đợi của một người. Nếu một người mong đợi một viên thuốc có tác dụng nào đó, thì khả năng hóa học của cơ thể có thể gây ra tác dụng tương tự như những gì một loại thuốc có thể tạo ra.
Trong một nghiên cứu, người tham gia được cho dùng giả dược và nói rằng đó là chất kích thích. Sau khi uống thuốc, kết quả là nhịp tim và huyết áp của họ tăng và tốc độ phản ứng được cải thiện. Tương tự, khi nhóm đối tượng khác được cho uống cùng một viên thuốc và nói rằng đây là loại thuốc giúp ngủ ngon, kết quả là họ dễ dàng ngủ hơn.
Lý giải khoa học về hiệu ứng placebo
Các nghiên cứu đã tìm ra được kết quả vì sao nhiều người chỉ uống viên thuốc giả dược mà lại có tác dụng như vậy. Lý giải một cách khoa học, việc sử dụng giả dược đã kích thích cho sự giải phóng endorphins – chất giảm đau tự nhiên của cơ thể. Endorphins có cấu trúc giống như morphine và những loại thuốc giảm đau dạng thuốc phiện khác.
Điều này đã được chứng minh bằng cách, các nhà khoa học đã thử cho naloxone vào bên trong viên giả dược. Naloxone là một chất đối vận làm khóa tác động của endorphins và các chất dạng thuốc phiện. Kết quả là những hiệu quả tác động của hiệu ứng placebo trong viên thuốc giả dược kia đã gần như mất đi.
Như vậy có thể thấy, hiệu ứng placebo có tác dụng khi ở người bệnh có 2 yếu tố là tính kỳ vọng và tính điều kiện:
• Tính kỳ vọng: Đây là sự mong đợi, hy vọng rằng thuốc thật sự có tác dụng tốt đối với sức khỏe và bệnh tình của họ, kết quả là cơ thể tự đáp ứng điều đó và cho thấy được hiệu quả tích cực từ viên thuốc giả dược.
Tuy nhiên, có một tình trạng có thể xảy ra ngược lại, đó là khi người bệnh không mong đợi thuốc có tác dụng hay lo sợ một tác dụng phụ nào đó, điều này có thể làm phản tác dụng và dẫn đến các triệu chứng không mong muốn khác. Đây được gọi là hiệu ứng nocebo. Nếu như hiệu ứng placebo gia tăng hoạt động của thụ thể dopamine và opioid có tác động tích cực đến bệnh lý và sức khỏe, thì hiệu ứng nocebo làm giảm hoạt động của các thụ thể này và gây phản tác dụng.