Procrastination là thách thức mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày. Chúng ta thường xuyên phải chờ đợi các chuyến bay, tránh các cuộc gặp mặt và trì hoãn những vấn đề liên quan đến mình.
Chúng ta tìm thấy ít hơn những khoảnh khắc mình làm việc năng suất và tận hưởng cảm giác thỏa mãn khi kết quả công việc như ý. Việc hôm nay cứ để ngày mai – tâm lý không làm lúc này thì làm lúc khác, để sau cũng được khiến cho sự trì hoãn ngày một kéo dài.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về procrastination là gì, nguyên nhân nào dẫn đến sự trì hoãn và các biện pháp để chấm dứt chúng.
Procrastination là gì?
Chúng ta – những người sống trong thế giới hiện đại không phải là thế hệ đầu tiên sống trì hoãn. Đây là một vấn đề vượt thời gian. Bạn có biết là con người đã trì hoãn từ nhiều thế kỷ trước?
Chuyện này hoàn toàn có thật vì thực tế, các nhà triết học Hy Lạp cổ đại là Socrates và Aristotle đã sáng chế ra thuật ngữ Akrasia để mô tả loại hành vi mà bây giờ chúng ta gọi là procrastination (sự trì hoãn).
Theo họ,
Akrasia là trạng thái hành động ngược lại với điều bạn cho là tốt hơn. Đó là khi bạn làm một việc mặc dù biết rằng mình nên làm việc khác. Có thể giải thích một cách dễ hiểu Akrasia là trì hoãn hoặc thiếu tự chủ.
Hiện đại hoá thuật ngữ cổ đại trên, chúng ta có định nghĩa của sự trì hoãn trong thế kỷ 21 là:
Procrastination là hành động trì hoãn một hoặc nhiều nhiệm vụ cho đến phút cuối hoặc quá hạn chót. Dù là Procrastination hay Akrasia thì chúng đều là những “thế lực vô hình” ngăn cản chúng ta hoàn thành những gì đã được đặt ra.
Một số nhà nghiên cứu định nghĩa procrastination là sự thất bại trong việc tự điều chỉnh chính mình (self-regulation), được cấu thành từ việc trì hoãn những công việc bất chấp hệ quả tiêu cực có thể xảy ra.
Một vài thống kê cho thấy mức độ phổ biến của sự trì hoãn từ các nghiên cứu về Bản chất của sự trì hoãn:
- Khoảng 20% người trưởng thành thường xuyên trì hoãn
- Khoảng 50% sinh viên đại học trì hoãn một cách thường xuyên và kinh niên. Trong đó, 75% tự nhận họ là người trì hoãn.
Ở một nghiên cứu cụ thể về sự trì hoãn thời gian ngủ được tiến hành với người trưởng thành, 74% trong số đó cho biết họ đi ngủ muộn hơn dự định ít nhất một lần một tuần không có lý do hay tác động bên ngoài nào cả.
Có thể nói, sự trì hoãn là trạng thái cuộc sống hàng ngày của chúng ta dù là ở trường học, nơi làm việc, hay ở nhà. Procrastination có thể hiển hiện ở bất cứ đâu, với bất cứ ai trong bất cứ hình thức nào. Đây cũng là nội dung tiếp theo mà chúng ta sẽ bàn tới: Các hình thức của sự trì hoãn.
Các hình thức của sự trì hoãn
Đã có các nghiên cứu về các loại hình của sự trì hoãn. Theo một số nhà nghiên cứu, thế giới có hai loại người trì hoãn: Người trì hoãn thụ động và người trì hoãn chủ động.
- Người trì hoãn thụ động (Passive procrastinators): Là những người trì hoãn công việc do gặp vấn đề trong việc đưa ra quyết định và tiến hành.
- Người trì hoãn chủ động (Active Procrastinators): Là những người trì hoãn công việc một cách có chủ đích bởi vì làm việc dưới áp lực (có thể là về thời gian) sẽ khiến khó cảm thấy được thử thách và có động lực.
Có những nghiên cứu lại phân loại sự trì hoãn dựa vào các kiểu hành vi trì hoãn khác nhau. Theo đó, có 6 loại procrastination, bao gồm:
- Người cầu toàn (Perfectionist): Trì hoãn công việc vì sợ rằng không thể hoàn thành nó một cách hoàn hảo.
- Người mơ mộng (Dreamer): Trì hoãn công việc vì họ không giỏi chú ý đến chi tiết.
- Người lo lắng (Worrier): Trì hoãn công việc vì sợ thay đổi hoặc phải rời khỏi vùng an toàn.
- Người tạo ra khủng hoảng (Crisis-maker): Trì hoãn công việc vì họ thích làm việc dưới áp lực.
- Người làm quá sức (Overdoer): Trì hoãn công việc do họ đảm nhận quá nhiều việc và gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian để bắt đầu và hoàn thành chúng. Họ không biết phải bắt đầu từ đâu.
- Người bất chấp (Defier): Defier là loại procrastination của những người thích đối đầu và chống lại những yêu cầu của người khác. Họ cảm thấy khó chịu với những kỳ vọng, bắt buộc và đòi hỏi của người khác, và thường có xu hướng chủ động chống lại chúng. Điều này khiến họ có thể trì hoãn hoặc không hoàn thành những nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả.
Bạn tìm thấy mình trong một hay nhiều hơn một kiểu trì hoãn nêu trên?
Tại sao chúng ta lại trì hoãn?
Tiến sĩ Fuschia Sirois, giáo sư tâm lý học tại Đại học Sheffield đã nói rằng chúng ta chìm đắm vào cơn trì hoãn kéo dài một cách phi lý là do không thể quản lý tâm trạng tiêu cực xuất hiện xung quanh công việc khi chúng ta phải làm nó.
Có một nghi vấn đặt ra là “Liệu có phải chúng ta trì hoãn bởi vì tâm trạng tồi tệ?”
Câu trả lời là Có.
Sự trì hoãn không phải là một khiếm khuyết cá nhân hay một lời nguyền bí ẩn đổi với khả năng quản lý thời gian của bạn. Thay vào đó, nó là một cách để đối phó với những cảm xúc và trạng thái tiêu cực gây ra bởi những nhiệm vụ, chẳng hạn như cảm xúc buồn chán, lo lắng, thất vọng, bất an, nghi ngờ bản thân, v.v.
Khi trì hoãn công việc, bạn tạm thời bỏ nó sang một bên, đồng nghĩa với việc tạm thời không bận tâm đến những cảm xúc tiêu cực trên.
Chúng ta hay cho rằng vì kém kỹ năng quản lý thời gian nên mới trì hoãn công việc hay học tập. Tuy nhiên sự trì hoãn không liên quan đến việc bạn lười hay không biết sắp xếp thời gian.
Về khía cạnh này, Tiến sĩ Tim Pychyl, giáo sư tâm lý học và là thành viên của Nhóm nghiên cứu về sự trì hoãn tại Đại học Carleton ở Ottawa cũng nói rằng “Sự trì hoãn là vấn đề về điều tiết cảm xúc, không phải vấn đề quản lý thời gian.”
Trong thực tế, chúng ta thường hay đưa ra một số lời bào chữa hay biện minh cho sự trì hoãn của mình. Một số lý do phổ biến khiến chúng ta nói mình trì hoãn công việc đã được các nhà nghiên cứu tổng hợp lại. Có thể kể đến:
- Không biết phải hoàn thành việc gì
- Không biết phải làm như thế nào
- Không muốn làm bất cứ việc gì
- Không có tâm trạng để làm
- Có thói quen “nước đến chân mới nhảy”
- Cho rằng làm việc hiệu quả hơn dưới áp lực
- Trì hoãn việc này do thích làm việc khác hơn
- Đổ lỗi cho sức khoẻ hoặc các yếu tố ngoại cảnh
- V.v.
Ảnh hưởng tiêu cực của sự trì hoãn là gì
Sự trì hoãn là hành động tập trung vào giải cứu bản thân khỏi những tâm trạng tiêu cực ngay tức khắc thay vì giải quyết công việc. Tuy nhiên, tâm trạng tiêu cực này không hoàn toàn biến mất một khi công việc còn đó.
Không những vậy, qua mỗi lần trì hoãn và trở về với công việc, chúng ta lại tích góp thêm cho mình những căng thẳng, lo âu, cảm giác tự ti và tự trách mình vì không hoàn thành công việc.
Tiến sĩ Sirois cho biết, những suy nghĩ của chúng ta về sự trì hoãn thường làm trầm trọng thêm sự đau khổ và căng thẳng của chúng ta, điều này góp phần khiến chúng ta càng trì hoãn hơn nữa.
Cảm giác nhẹ nhõm nhất thời có được từ trì hoãn khiến chúng ta càng luẩn quẩn của sự trì hoãn và không thể thoát khỏi nó vì “chúng ta đã nhận được phần thưởng từ sự trì hoãn”.
Như một thói quen, nếu được thưởng vì làm gì đó, chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đó. Đây chính là lý do tại sao sự trì hoãn không phải là một thói quen nhất thời mà là một chu kỳ. Nó dễ dàng trở thành một thói quen đeo bám chúng ta dai dẳng.
Sự trì hoãn không chỉ làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Sự trì hoãn có thể gây nên các triệu chứng trầm cảm, lo âu, các bệnh mãn tính, bệnh tim mạch, huyết áp cao. Trì hoãn kéo dài gia tăng những đau khổ về tâm lý, căng thẳng mãn tính và làm giảm sự hài lòng đối với cuộc sống.
Cách vượt qua sự trì hoãn
Chúng ta không thể cứ nói với bản thân hay người quen của mình rằng “hãy dừng việc trì hoãn lại”, chăm chỉ lên hay tập trung hoàn thành nhiều việc hơn có thể để chấm dứt procrastination.
Người lười thì chắc chắn sẽ trì hoãn nhưng người trì hoãn thì chưa chắc đã lười. Thậm chí họ còn làm việc chăm chỉ người cả những người không trì hoãn.
Như đã đề cập ở trên, sự trì hoãn là vấn đề về cảm xúc hơn là vấn đề về năng suất, sự lười biếng và quản lý thời gian. Do vậy, giải pháp vượt qua sự trì hoãn không nằm ở việc tải một ứng dụng quản lý thời gian hoặc học các chiến lược tự kiểm soát bản thân. Nó liên quan đến việc quản lý cảm xúc của bản thân theo một cách hiệu quả hơn.
Giải pháp nằm ở bên trong chúng ta chứ không phải các yếu tố bên ngoài.
May mắn thay vì cảm xúc của chúng ta cũng được điều khiển bởi não bộ và não bộ là cái mà ta có thể huấn luyện được.
Hãy nhớ lại những gì mà chúng ta đã bàn luận ở phần 4 rằng khi chúng ta trì hoãn, não bộ cảm thấy nhẹ nhõm vì những cảm xúc mà sự trì hoãn mang lại. Nó xem đó là một phần thưởng và cứ muốn lặp đi lặp lại sự trì hoãn đó.
Bác sĩ tâm thần và nhà thần kinh học, Tiến sĩ Judson Brewer, Giám đốc Nghiên cứu và Đổi mới tại Trung tâm Chánh niệm của Đại học Brown cho biết “Não bộ của chúng ta luôn tìm kiếm các phần thưởng. Nếu chúng ta duy trì thói quen trì hoãn nhưng không tìm thấy một phần thưởng nào tốt hơn, bộ não của chúng ta sẽ lặp đi lặp lại việc đó cho đến khi chúng ta giao cho nó một việc gì đó tốt hơn để làm.”
Để tạo ra một thói quen không trì hoãn đánh bại sự trì hoãn đã thâm căn cố đế trong bản thân mình, chúng ta phải cho não bộ một “Ưu đãi Tốt hơn Lớn hơn” (Big Better Offer – B.B.O).
Cụ thể là thưởng cho não bộ hay nói thẳng ra là chính bạn phần thưởng nào đó sau khi hoàn thành một công việc. Điều mà còn hấp dẫn hơn 10 lần cảm giác nhẹ nhõm khi né tránh công việc.
Có những phương pháp mà chúng ta không ngờ tới đó là học cách Tha thứ cho chính mình (Self-forgiveness) ngay tại thời điểm chúng ta trì hoãn và Thực hành Thương thân – thấu hiểu và đối xử tốt với bản thân khi gặp phải lỗi lầm hay vấp ngã. Đây đều là những cách thức đã được nghiên cứu là có thể khiến chúng ta cải thiện tình trạng trì hoãn và hoàn thành tốt nhiệm vụ, học tập trong tương lai.
Một số nghiên cứu cho biết Thực hành thương thân (Self-compassion) tạo ra động lực và thúc đẩy phát triển bản thân. Nó không chỉ làm giảm căng thẳng tâm lý (nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn) mà còn thúc đẩy động lực, tăng cường cảm giác về giá trị bản thân và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực như lạc quan, sáng suốt, tò mò và sáng kiến cá nhân.
Suy nghĩ về những khía cạnh tích cực xung quanh công việc ngay từ lúc được giao cũng là cách để tránh xa sự trì hoãn. Hãy nghĩ về kết quả tốt đẹp bạn có được sau khi hoàn thành công việc như sự tán dương của cấp trên, lợi ích đem lại cho cả nhóm, hay đơn giản là một cuối tuần thảnh thơi không phải chạy deadline.
Đọc thêm: 12 Mẹo Từ Bỏ Thói Quen Trì Hoãn Khi Làm Việc Tại Nhà
Tạm Kết
Sự trì hoãn đem lại cảm giác nhẹ nhõm và bình yên tạm thời chẳng là gì so với chiến lợi phẩm mà chúng ta đạt được khi vượt qua sự trì hoãn và hoàn thành công việc đúng lúc. Để vượt qua sự trì hoãn, chúng ta cần bắt đầu từ việc quản lý cảm xúc của mình sao cho những cảm xúc tiêu cực xoay quanh công việc không còn là trở ngại khiến ta lùi bước.
Hy vọng rằng bài viết này đã cho bạn cái nhìn rõ ràng về procrastination là gì, nguyên nhân dẫn đến procrastination và cách để thoát khỏi sự trì hoãn.
Tham khảo
Why You Procrastinate (It Has Nothing to Do With Self-Control)
What Is Procrastination?
Procrastination Statistics: Interesting and Useful Statistics about Procrastination
Tác Giả