Không phải cho tới khi bóng đá Qatar làm nên điều bất ngờ khi lọt vào tới trận chung kết Asian Cup 2019 người ta mới bắt đầu tìm hiểu Qatar là nước nào và nằm ở đâu. Thật ra từ lâu Qatar vốn đã là một trong số nhưng quốc gia giàu có nhất trên thế giới, sự phồn vinh này có được là nhờ vào nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ mà người Qatar đang sở hữu. Thế nhưng không phải ở đâu cũng biết cách biến thứ “vàng đen” này trở thành “vàng thật” tốt như ở Qatar.
Qatar là nước nào và nằm ở đâu?
Nhiều người thường nghĩ rằng Dubai là một đất nước còn Qatar là thủ đô của một quốc gia nào đó, nhưng sự thật thì Dubai là thành phố đông nhất của UAE còn Qatar mới chính là một quốc gia có chủ quyền và thuộc khu vực Tây Á. Qatar nằm ở phía đông bắc vùng duyên hải của bán đảo Ả Rập. Về mặt địa lý, Qatar chỉ có duy nhất biên giới trên bộ với Ả Rập Xê Út ở phía nam, 3 mặt còn lại đều được bao bọc bởi vịnh Ba Tư (Persian Gulf). Bên cạnh đó, Qatar còn chia sẻ biên giới trên biển với các nước láng giềng như Bahrain, Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Dân số Qatar hiện nay vào khoảng 2.5 triệu người với thủ đô là Doha, thành phố nằm bên bờ vịnh Ba Tư tuyệt đẹp đầy nắng và gió. Qatar vẫn là một trong số những nước hồi giáo theo chế độ quân chủ lập hiến dưới sự lãnh đạo của gia tộc đầy quyền lực Al Thani từ thế kỷ 19.
Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Qatar với những người hàng xóm trong khu vực ngoại trừ Iran diễn ra không mấy tốt đẹp, thậm chí họ còn bị liên minh các nước bao gồm Bahrain, UAE, Ai Cập, Lybia, Yemen và dẫn đầu là Ả Rập Xê Út cấm vận với lý do… tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, đó là vấn đề rất phức tạp có liên quan tới các mâu thuẫn về chính trị và tôn giáo nên có lẽ không thích hợp để nói ra ở đây. Thay vào đó, chúng ta cùng xem thử Qatar giàu tới cỡ nào để được xem là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Qatar giàu cỡ nào? – Còn hơn cả sự tưởng tượng
Vì là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới nên chẳng lấy gì làm lạ khi Qatar cũng là một trong số những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thu nhập bình quân đầu người ở Qatar năm 2017 vào khoảng 63.505 USD/năm, cao hơn cả Mỹ 59.531 USD/năm, UAE 40.699 USD/năm và Ả Rập Xê Út 20.760 USD/năm.
Chưa hết, nhờ trữ lượng dầu mỏ dồi dào đã mang cho người dân ở quốc gia nhỏ bé này một cuộc sống phải nói là vô cùng sung túc. Chế độ phúc lợi được xây dựng để mọi người cùng thấy được rằng họ là những người giàu có và hạnh phúc Những người sinh ra và có quốc tịch Qatar sẽ không phải mất một xu nào cho các chi phí khám bệnh, ngay cả tiền gas, điện, nước cũng được nhà nước chi trả hoàn toàn trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, người dân ở Qatar cũng không cần phải nộp lại thuế cho chính phủ.
Vì dầu mỏ là một thứ có rất sẵn ở đất nước nằm bên bờ vịnh Ba Tư này hay nói vui là của nhà trồng được, vì vậy người dân ở đây có thể thoải mái đi lại bằng ô tô mà không phải mảy may quan tâm tới sự lên xuống thất thường của giá xăng dầu. Nếu như ở một số nơi việc sở hữu những chiếc xe tới từ các thương hiệu như Mercedes, BMW hay Audi đã là giàu thì khi tới Qatar chắc chắn sẽ phải suy nghĩ lại.
Ở đây nếu muốn thể hiện đẳng cấp của mình, không nói tới du thuyền hay phi cơ riêng thì ít nhất bạn phải cầm trên tay vô-lăng của những siêu xe thuộc phiên bản đặc biệt hoặc bản giới hạn sản xuất của những hãng xe kể nổi tiếng kể trên. Còn không thì phải là Ferrari, Lamborghini, Bugatti, Rolls-Royce, Bentley,… hoặc đơn giản hơn là đem mạ vàng hết những chiếc xe thuộc hàng siêu đắt đỏ đó họa may mới được dân bản xứ để ý tới.
Tất nhiên dù cho có nắm trong tay nguồn dầu mỏ vô tận đi chăng nhưng để nền kinh tế quá phụ thuộc vào thứ tài nguyên này thì sớm muộn gì Qatar cũng rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Xu hướng của thế giới đang tìm đến những nguồn nhiên liệu thay thế sạch và rẻ hơn mà thành công từ xe điện của Tesla chính là mối đe dọa hiển hiện với Qatar.
Nhằm đa dạng hóa các khoản đầu tư ngoài dầu mỏ mà nhờ đó có thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai, từ năm 2005 Quỹ đầu tư quốc gia Qatar (QIA – Qatar Invesment Authority) với phần vốn ban đầu đã lên tới 170 tỷ USD đã được thành lập và nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tamim bin Hamad Al Thani. Đây là người nắm giữ quyền lực tối cao và là vua thứ 8 của Qatar sau khi lên thay vua cha Hamad bin Khalifa Al Thani điều hành đất nước từ năm 2013.
QIA được biết đến là quỹ đầu tư đa quốc gia lớn thứ 9 thế giới với khối tài sản ước tính lúc này đã lên tới con số 256 tỷ USD. Với tiềm lực chính hùng mạnh của mình, danh mục đầu tư của QIA trải dài khắp nơi thế giới, từ Âu sang Mỹ và cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nổi bật trong số đó chính là khoản đầu tư trị giá 130 triệu Euro vào đội bóng Pháp Paris Saint Germain (PSG) cuối năm 2012 thông qua quỹ Qatar Sports Investments (QSI).
Kể từ khi tiếp quản PSG cho tới nay, số tiền mà giới chủ Qatar đổ vào PSG đã tăng chóng mặt từ 130 triệu Euro lên thành 1,5 tỷ Euro sau vỏn vẹn 7 năm, chỉ tính riêng khoản tiền để chiêu mộ siêu sao Neymar cũng đã đốt của QIA tới 222 triệu Euro, phá vỡ mọi kỷ lục chuyển nhượng tại thời điểm đó và làm cả những gã nhà giàu khác của bóng đá châu Âu cũng phải choáng váng. Đúng 1 năm sau, PSG tiếp tục đặt lên bàn đàm phán với Monaco số tiền 180 triệu Euro để đem bằng được về sân Công viên các Hoàng tử sao trẻ xuất sắc nhất thế giới Kylian Mbappé.
Con số này hứa hẹn sẽ chưa dừng lại ở đó, ít ra là cho tới khi PSG giành được UEFA Champion League hoặc sau khi Qatar đăng cai thành công VCK World Cup 2022. Thế nhưng nếu nhìn thực tế thì chừng ấy tiền cũng đã thấm vào đâu, mới chỉ bằng khoảng 1/170 số tiền mà QIA đang nắm giữ mà thôi.
UAE là nước nào – Nơi sự giàu có là chưa đủ để nói hết về vùng đất này
Yemen là nước nào? Có một xứ sở Ả Rập không như người ta vẫn nghĩ