Quá cảnh là gì? Điều kiện để được quá cảnh vào Việt Nam?

Quá cảnh là gì

Sự phát triển giao lưu giữa các nước đòi hỏi trong chính sách pháp luật của các quốc gia cũng tạo nhiều điều để “mở rộng” trong việc xuất cảnh, nhập cảnh hay quá cảnh. Tuy nhiên, xuất phát từ vấn đề an ninh quốc gia, các vấn đề trong quản lý dân cư, thì xuất cảnh, nhập cảnh hay quá cảnh vẫn cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Khác với xuất cảnh và nhập cảnh là hoạt động của người nước ngoài đi ra hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam thông qua cửa khẩu thì quá cảnh lại mang nhiều đặt điểm riêng, khác với hai hình thức này.

Cơ sở pháp lý:

– Văn bản hợp nhất Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019.

1. Quá cảnh là gì?

Quá cảnh là thuật ngữ có thể áp dụng đối với hàng hóa và đối với hành khách (con người), dưới góc độ này, quá cảnh có thể được hiểu là một động từ chỉ sự vận chuyển, di chuyển (hàng hóa, hành khách) đi qua lãnh thổ của một hay nhiều nước để tới một nước khác, trên cơ sở hiệp định đã kí giữa các nước có liên quan. Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, khái niệm này không nêu rõ được đặc trưng của quá cảnh.

Thực tế, khái niệm quá cảnh được quy định trong pháp luật quốc tế, ví dụ, Tại Điều 38 – Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định: quá cảnh là việc thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng qua eo biển giữa một bộ phận khác về kinh tế và một vùng đặc quyền về kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.

Dưới góc độ pháp lý, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (văn bản hợp nhất năm 2019) giải thích quá cảnh như sau: “Quá cảnh là việc người nước ngoài đi qua hoặc lưu lại khu vực quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam để đi nước thứ ba.” Từ khái niệm này, có thể đưa ra đặc điểm của quá cảnh như sau:

Thứ nhất, quá cảnh là được thực hiện bởi chủ thể là người nước ngoài. Theo đó, Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Thứ hai, hành vi thực hiện là đi qua hoặc lưu lại khu vực quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế. Việc đi qua này thường áp dụng đối với quá cảnh đường biển hoặc quá cảnh đường bộ, lưu lại khu vực quá cảnh thường áp dụng đối với quá cảnh đường hàng không.

Khu vực quá cảnh ở đây là khu vực thuộc cửa khẩu quốc tế, nơi người nước ngoài được lưu lại để đi nước thứ ba, do cơ quan có thẩm quyền quản lý cửa khẩu quốc tế quyết định.

Thứ ba, mục đích quá cảnh là để đi đến nước thứ ba. Điều này, hoàn toàn hợp lý khi mà phần lớn các nước trên thế giới muốn đi đến được với nhau thường rất xa và việc đi thẳng đến là không thể.

Căn cứ vào hình thức, phương tiện di chuyển và địa phận lãnh thổ, có thể chia quá cảnh thành 3 loại:

– Quá cảnh đường bộ

– Quá cảnh đường hàng không

– Quá cảnh đường biển

Trong đó, quá cảnh đường hàng không và quá cảnh đường biển đang là xu hướng phần lớn, do đó, tác giả sẽ có sự phân tích cụ thể như sau theo quy định tại Điều 25, 26 Luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với quá cảnh hàng không: Người nước ngoài quá cảnh đường hàng không được miễn thị thực và phải ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế trong thời gian chờ chuyến bay. Trong thời gian quá cảnh, người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh.

Đối với quá cảnh đường biển: Người nước ngoài quá cảnh đường biển được miễn thị thực và phải ở khu vực quá cảnh tại cửa khẩu cảng biển trong thời gian tàu, thuyền neo đậu; trường hợp có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh; trường hợp có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực ký hiệu VR.

Xem thêm: Hàng quá cảnh là gì? Quy định quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam?

2. Điều kiện để được quá cảnh vào Việt Nam:

Quá cảnh được xem như một biện pháp “cứu cánh” đối với các hành khách khi có nhu cầu sang nước thứ ba trong trường hợp trong thể đi thẳng đến quốc gia đó. Bản thân quá cảnh ra đời cũng nhằm giải quyết những khó khăn nhất định trong vận tải hành khách. Tuy nhiên, để có sự quản lý một cách chặt chẽ nhất, pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định về điều kiện để được quá cảnh vào Việt Nam, cụ thể tại Điều 23 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nêu rõ:

Người nước ngoài được quá cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

2. Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba;

3. Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.

Trên cơ sở điều luật này, tác giả sẽ có sự phân tích sâu hơn dưới đây.

Điều kiện 1: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

Trong đó, hộ chiếu là “chứng minh thư” bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân cho phép cá nhân đó có thể xuất cảnh ra nước ngoài và được quyền nhập cảnh trở lại sau khi chuyến du lịch, công tác hay việc học kết thúc. Hộ chiếu cũng là giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài.

Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

Điều kiện này cũng là căn cứ để được cấp thị thực.

Điều kiện 2: Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba. Điều kiện này có nghĩa là, nếu đi đường hàng không đến nước thứ ba thì người nước ngoài phải có vé máy bay, đi bằng đường biển thì phải có vé tàu biển.

Điều kiện 3: Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.

Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Nếu xét nghĩa này, thì thị thực của nước thứ ba được hiểu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước thư ba cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào nước đó. Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần

Thực tế, pháp luật mỗi quốc gia sẽ có các quy định về thị thực khác nhau, tuy nhiên để người đọc dễ nắm bắt, tác giả sẽ phân tích một số các vấn đề về thị thực theo quy định của pháp luật Việt Nam như sau:

Xem thêm: Xử phạt hành vi qua lại biên giới không làm thủ tục xuất nhập cảnh

3. Về điều kiện được cấp thị thực:

Một là, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Hai là, có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 của Luật này.

Ba là, không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

Bốn là, các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:

– Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;

– Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;

– Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;

– Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Năm là, thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này.

Các điều kiện trên phải được áp dụng đồng thời theo quy định tại Điều 10 Luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Xem thêm: Thủ tục mời bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh

4. Các trường hợp được miễn thị thực:

Thứ nhất, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.

Ba là, vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Bốn là, vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Năm là, đơn phương miễn thị thức.

Sáu là, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

Thực tế, các trường hợp miễn thị thực là các trường hợp đặc biệt, áp dụng trong mối tương quan giữa lợi ích của Việt Nam và người nước ngoài cũng như giữa Việt Nam với các nước mà Việt Nam cùng tham gia điều ước quốc tế.