Vài hôm trước, trên Fanpage của Bóng Rổ Việt Nam có đăng tải đoạn clip một cầu thủ thực hiện cú Block ấn tượng trong một pha đưa bóng vào rổ. Tuy nhiên, lại có 2 luồng dư luận xuất hiện tranh cãi về việc cầu thủ này có được tính là một pha bắt bóng bật bảng (Rebound) hay không? Vậy nên trong bài này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cặn kẽ, thế nào là định nghĩa về một cú Rebound?
Trong bóng rổ, Rebound (mình sẽ dùng nguyên từ gốc tiếng Anh để tránh gây nhầm lẫn, bạn sẽ hiểu lý do khi đọc hết bài này) là một chỉ số dùng để tính toán mức độ thi đấu hiệu quả của một cầu thủ khi anh ta bắt được quả bóng sau một cú ném hỏng, hoặc là trong tình huống ném phạt. Rebound là hành động thường thấy nhất trong một trận đấu bóng rổ, vì mỗi pha tấn công dù thành công hay thất bại thì pha rebound sẽ quyết định bên nào có quyền tấn công kế tiếp. Rebound thường được tính cho cả cầu thủ tấn công và phòng ngự.
Rebound cũng được tính cho cầu thủ thực hiện hành động tip-in (vít bóng vào rổ khi bóng chỉ vừa chớm bật ra ngoài) từ một pha ném rổ hụt của bên tấn công.
Rebound thường được chia thành 2 loại chính: “offensive rebounds”, đội tấn công ném rổ hụt và tiếp tục bắt được bóng, và “defensive rebounds” là dành cho đội phòng thủ khi bắt được bóng và giành quyền phản công. Tuy nhiên, lợi thế thông thường sẽ thuộc về đội phòng thủ do họ luôn có sự chuẩn bị ở khu vực cấm địa bên trong tốt hơn (đứng gần rổ hơn). Trong khi “offensive rebounds” sẽ giúp đội tấn công có thêm cơ hội thứ hai để ghi điểm (second chance) hoặc tổ chức lại đợt tấn công mới trong 14s (luật Fiba 2014).
Block (cản bóng) không được tính là một Rebound
Trên thực tế, rebound được tính không nhất thiết phải là tình huống bóng phải đập vào vành rổ hoặc bảng rổ.
Rebound được tính sau mỗi lần đối phương ném hụt, bao gồm cả air balls (ném không chạm vành).
Khi một cầu thủ ném rổ hụt, và quả bóng rơi xuống sàn trước khi có người nào đó bắt được nó, thì người nào nhặt được bóng trước sẽ được tính là rebound.
Rebound thường được tính cho cầu thủ đầu tiên bắt được bóng và giúp đội bóng xác định quyền tấn công. Hoặc là người bù rổ thành công (người tiếp bóng vào rổ thành công sau khi đồng đội ném trượt).
Một Rebound được tính cho đội khi bóng không thuộc quyền kiểm soát của bất kì cầu thủ nào (trường hợp bóng ra biên). Một rebound được tính cho đội thì sẽ không được tính cho bất cứ cầu thủ nào khác, và việc này dựa theo quy định của luật bóng rổ: bất cứ cú ném trượt nào cũng đều phải được tính rebound, bất kể có ai rebound được hay không.
Cao là chưa đủ
Những cầu thủ rebound tốt thường cao to và vì khả năng bật cao rất quan trọng nên hầu như việc rebound đều dành cho các Center hoặc Power Forwards (PF), những vị trí thường hay đứng gần rổ nhất. Tuy nhiên, việc một số cầu thủ có chiều cao không mấy nổi trội vẫn có thể trở thành một người rebound tốt bằng kỹ thuật box out những người cao ra khỏi khu vực gần bóng. Một vài ví dụ điển hình như Charles Barkley có lần dẫn đầu chỉ số rebound toàn mùa giải với chiều cao khá khiêm tốn 1m98, thấp hơn so với các trung phong thường thấy tại NBA. Ngoài ra, chúng ta không thể không kể đến hậu vệ dẫn bóng Jason Kidd, người từng dẫn đầu chỉ số rebound tại New Jersey Nets trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, việc bật cao tại chỗ là rất quan trọng nhưng chưa phải là tối cần thiết. Yếu tố quan trọng cho một cú rebound tốt chính là canh thời điểm và chiếm vị trí. Larry Bird và Moses Malone là hai cầu thủ thiên tài trong việc rebound tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ thấy sức bật của họ có gì nổi trội. Bird cũng thường nói: “Hầu hết mọi cú rebound đều được thực hiện bên dưới vành rổ, đó chính là lãnh địa của tôi“.
Chiến trường khốc liệt dưới bảng rổ
Cầu thủ thực hiện chiếm vị trí để bắt bóng gọi là “boxing out” hay “blocking out”, tức có nghĩa là chiếm vị trí sao cho không cho đối phương tiếp cận gần bảng rổ, đồn g thời đây cũng là khu vực tranh chấp quyết liệt nhất trong tất cả các trận đấu, cũng dễ bị phạm lỗi nhất. Một đội thường có thể sử dụng nhiều cầu thủ để boxed out không cho đội đối phương bắt được bóng.
Các chỉ số như “rebounds per game” (rebound mỗi trận) hoặc “rebounding average” (trung bình rebound) được dùng để đo lường mức độ hiệu quả rebound của cầu thủ trong trận đấu, được tính bằng cách lấy tổng số lần rebound chia cho tổng số trận thi đấu. Chỉ số rebound lần đầu được tính tại NBA vào mùa giải 1950-1951, trong khi đó việc phân chia offensive rebound hay defensive rebound được tính từ mùa giải NBA 1973 – 1974 và giải ABA năm 1967-68. Ngoài ra, một camera kỹ thuật số cũng được áp dụng nhằm dự đoán về việc hướng bóng sẽ nẩy ra khi ném trượt.
Những tấm gương
- Wilt Chamberlain: Dẫn đầu chỉ số rebounds tại NBA trong suốt 11 mùa giải, là người có số lần rebound tại regular season nhiều nhất trong sự nghiệp (23,924), rebound trung bình trận cao nhất (22.9 rpg). Trong một mùa giải, ông được tính toán có tổng cộng 2149 cú rebound và lên đến 27.2 rpg. Trận regular season có rebound cao nhất là 55 và trận playoff là 41. Đồng thời ông cũng dẫn đầu luôn danh sách rebound cao nhất trong sự nghiệp tại các kì All-Star Game (197)
- Dennis Rodman – dẫn đầu chỉ số rebound toàn mùa giải NBA với 7 năm liên tục, cao nhất 18.7 rpg vào năm 1991-92. Rodman lọt vào danh sách top 7 người có chỉ số rebound cao nhất từ năm 1970-71. Ông cũng là cầu thủ có chỉ số trung bình rebound cao nhất NBA kể từ khi được tính offensive rebound và defensive rebound 1973-74
- Dwight Howard – Cầu thủ duy nhất dẫn đầu chỉ số rebound tại NBA ba lần khi tuổi chỉ dưới 25. 5 lần dẫn đầu chỉ số toàn mùa giải.
Như vậy, với những định nghĩa trên, theo bạn thì tình huống này có được tính là Rebound hay không?
Bật mí: Nếu có chơi NBA 2K, thì đây là cách để cầu thủ đạt Triple Double nhanh nhất, vì trong game cầu thủ được tính 1 block + 1 rebound.
Tổng hợp