Thế nào là Routing?
Định tuyến là phương thức mà Router (Bộ định tuyến) hay PC (thiết bị mạng) dùng để chuyển các gói tin đến địa chỉ đích một cách tối ưu nhất, nghĩa là chỉ ra hướng và đường đi tốt nhất cho gói tin. Router thu thập và duy trì các thông tin định tuyến để cho phép truyền và nhận các dữ liệu. Quá trình Routing dựa vào thông tin trên bảng định tuyến (Routing table), là bảng chứa các lộ trình nhanh và tốt nhất đến các mạng khác nhau trên mạng, để hướng các gói dữ liệu đi một cách hiệu quả nhất.
Thông tin trên bảng định tuyến có thể được cấu hình thủ công hoặc có thể sử dụng một giao thức định tuyến động để tạo ra và tự động cập nhật các thông tin định tuyến.
Routing -table là một dạng database cần thiết để tìm đường đi nhanh nhất (Path determination), nó thể được xây dựng thông qua nhiều cách, có thể là do cấu hình của người quản trị và cũng có thể được tích hợp trong các giao thức định tuyến.
Đường đi dữ liệu
Khi gửi đi một gói dữ liệu từ một máy tính này sang một máy tính khác, đầu tiên quá trình sẽ xác định xem gói dữ liệu được gửi nội bộ đến máy tính khác trên cùng LAN hay đến Router để định tuyến đến LAN đích.
Nếu gói dữ liệu được gửi đến một máy tính nằm trong một LAN khác, nó sẽ được gửi đến Router (hoặc gateway). Sau đó Router sẽ xác định tuyến khả thi nhất để chuyển tiếp dữ liệu theo tuyến đó. Gói dữ liệu sẽ được gửi đến Router tiếp theo và quá trình như vậy được lặp lại cho tới khi nó đến được LAN đích.
Ở Lan đích, Router đích sẽ chuyển tiếp gói dữ liệu này đến máy tính đích. Để xác định xem tuyến nào là tốt nhất, các Router sử dụng thuật toán định tuyến phức tạp, thuật toán này sử dụng một loạt các hệ số gồm có tốc độ của môi trường truyền dẫn, số đoạn mạng và đoạn mạng có khả năng chuyển tải lưu lượng ở mức độ tối thiểu.
Các Router sẽ chia sẻ trạng thái và các thông tin định tuyến cho nhau để chúng có thể quản lý lưu lượng và tránh được các kết nối chậm.
Các phương thức định tuyến, Routing được chia làm 2 phương thức chính là Static Routing và Dynamic Routing.
Cây Routing
Routing Protocol: là ngôn ngữ để một Router trao đổi với một Router khác để chia sẻ thông tin định tuyến về khả năng được đến mạng đích cũng như trạng thái của mạng, routing protocol được cài đặt trên các Router nhằm xây dựng Routing table và đảm bảo rằng tất cả các Router đều có Routing table tương thích với nhau.
Routed Protocol: sử dụng Routing table mà Routing protocol xây dựng nên để đảm bảo việc truyền dữ liệu trên mạng một cách đáng tin cậy (IP, IPX..).
Vùng tự trị AS (Autonomous System): là tập hợp các mạng có cùng chính sách định tuyến và được kết nối với nhau thông qua các Router, mỗi hệ thống AS thường thuộc quyền sở hữu của một công ty hoặc của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Mỗi AS đều có một số nhận diện được cung cấp bởi một nhà cung cấp AS (Internet Registy).
Hệ thống nhiều AS
Administrative Distance (AD): được sử dụng để đánh giá độ tin cậy của thông tin định tuyến mà Router nhận được từ Router hàng xóm. AD có giá trị nguyên từ: 0 đến 255; “0” là độ tin cậy cao nhất và “255” có nghĩa là không có lưu lượng đi qua tuyến này (không được sử dụng để vận chuyển thông tin). Khi Router nhận được một thông tin định tuyến, thông tin này được đánh giá và được đưa vào bảng định tuyến.
Thông tin định tuyến được đánh giá dựa vào AD, trên một Router có nhiều hơn một giao thức thì giao thức nào có AD nhỏ hơn sẽ được Router sử dụng.
Hà Phùng Khắc Thăng – VnPro